Sau khi Hoa Kì lên tiếng cảnh báo sự có mặt của tàu chiến Trung Quốc gần bờ biển Alaska, mức độ “đe dọa” dường như đã không còn, nhưng Lầu Năm Góc vẫn còn nhiều hoài nghi về mục đích thực của vụ việc.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 11-07-2016
- Cập nhật : 11/07/2016
Obama tránh câu hỏi về quá trình điều tra Hillary Clinton
Tổng thống Mỹ Barack Obama né tránh những câu hỏi về quá trình điều tra Hillary Clinton liên quan đến việc bà dùng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) ngày 5/7 khuyến nghị không nên truy tố Hillary Clinton cùng các trợ lý vì đã "cực kỳ bất cẩn" khi quản lý thông tin mật, liên quan đến việc bà sử dụng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng.
Ông Comey nói FBI phát hiện bằng chứng cho thấy "văn hóa an ninh tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn chung, đặc biệt là thông tin mật, thiếu được tôn trọng so với những nơi khác trong chính phủ".
Khi được hỏi về đánh giá của giám đốc FBI, Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời ông "quan ngại".
"Thách thức hiện có chủ yếu do sự thay đổi bản chất dòng chảy thông tin. Sự xuất hiện email, văn bản và điện thoại thông minh chỉ tạo ra lượng lớn dữ liệu", Reuters dẫn lời ông Obama cho biết thêm. "Điều này tạo ra áp lực lớn đối với Bộ Ngoại giao để phân loại chúng chính xác".
Ông Obama cho rằng nếu một thông tin "quá bảo mật", lợi ích từ nó sẽ tan biến do cần nhiều thời gian để xử lý. "Điều đó phản ánh một vấn đề lớn hơn trong chính phủ", ông nói.
Tổng thống Obama cho biết ông sẽ "tiếp tục thận trọng, không bình luận về" quá trình điều tra pháp lý, hiện đã hoàn toàn kết thúc.
Ông Obama ủng hộ bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Bà Clinton dự kiến chính thức trở thành ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ tranh cử vào cuối tháng 7
IS bắn rơi trực thăng Mi-25, 2 phi công Nga thiệt mạng
Theo trang The Independent, các tay súng IS vừa bắn rơi một trực thăng quân sự Syria gần thành phố cổ Palmyra, Syria. Cả hai phi công Nga, Ryafagat Khabibulin và Yevgeny Dolgin trên trực thăng đều thiệt mạng, theo xác nhận từ phía Nga.
Chiếc trực thăng bị bắn rơi là mẫu trực thăng Mi-25 thuộc biên chế không quân Syria, theo Itar TASS. Trực thăng Syria đang được triển khai bay thử nghiệm trong khu vực này thì nhận được lời kêu gọi hỗ trợ từ quân đội Syria.
Một đơn vị quân đội của phe chính phủ thông báo bị phục kích bởi các tay súng IS phía đông TP Palmyra. Hãng tin Sputnik News của Nga cho biết, chiếc Mi-25 bị bắn hạ sau khi sử dụng hết toàn bộ cơ số đạn dược được trang bị mang theo.
Một chiếc trực thăng Mi-24, có thiết kế tương tự như chiếc Mi-25 bị bắn rơi tại Syria. Ảnh: The Independent
Phía Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhân: "Bộ chỉ huy bên phía Syria đã yêu cầu các phi công hỗ trợ tiêu diệt các tay súng IS đang tiến đánh thành phố. Cơ trưởng Ryafagat Khabibulin đã quyết định đồng ý tấn công nhóm khủng bố".
"Sự thiện chiến của tổ lái trực thăng đã giúp chặn đứng đà tiến quân của nhóm khủng bố. Khi chiếc trực thăng sử dụng hết cơ số đạn dược, các phi công quyết định cho trực thăng quay đầu lại. Chính lúc này, chiếc trực thăng bị các phần tử khủng bố trên mặt đất bắn hạ và rơi trong vùng kiểm soát bởi lực lượng chính phủ Syria. Toàn bộ tổ lái trực thăng đã thiệt mạng".
Theo hãng tin The Independent cho biết, đến nay con số binh sĩ Nga thiệt mạng tại Syria vẫn còn là điều bí ẩn. Phía chính phủ Moscow công bố chỉ mới có 10 binh sĩ Nga thiệt mạng trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng con số thực có thể lớn hơn nhiều, do Nga không chỉ sử dụng không quân mà còn có các đơn vị cố vấn trên mặt đất.
Sở cảnh sát Dallas đóng cửa vì bị đe dọa
Trụ sở cảnh sát thành phố Dallas. bang Texas, phải đóng cửa để kiểm tra sau khi nhận được lời đe dọa nhằm vào các sĩ quan.
"Sở cảnh sát Dallas nhận được lời đe dọa nặc danh nhằm vào lực lượng hành pháp khắp thành phố và đã triển khai các biện pháp đề phòng" để tăng cường an ninh, AFP dẫn thông báo cảnh sát Dallas gửi cho truyền thông cho biết.
Các cảnh sát nói trụ sở phải đóng cửa nhưng sở cảnh sát lại phủ nhận điều này trên Twitter. Nhân chứng mô tả cảnh sát Dallas kiểm tra khu vực đỗ xe tại trụ sở, theo Reuters.
Lực lượng đặc nhiệm SWAT đã được triển khai đến tòa nhà chính. Dallas Morning News đưa tin cảnh sát báo động vì phát hiện một người đàn ông bịt mặt ở khu đỗ xe phía sau trụ sở.
"Quá trình tìm kiếm tại khu đỗ xe kết thúc. Không phát hiện nghi phạm", sở cảnh sát Dallas cho biết trên Twitter. "Để đề phòng, K9 đang tìm kiếm lần hai". Cảnh sát đề nghị phóng viên tại tòa nhà ngừng phát video trực tiếp từ hiện trường.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm cảnh sát Dallas đang bảo vệ quyết định sử dụng robot mang bom tiêu diệt kẻ bắn hạ 5 cảnh sát trong cuộc biểu tình hòa bình tối ngày 7/7. Theo sở cảnh sát, quá trình thương lượng đã thất bại và dùng robot là giải pháp cuối cùng.
NATO củng cố sườn phía đông
Ngày 9-7, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan) bước sang ngày làm việc thứ hai. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều nước NATO, đặc biệt là một số nước Đông Âu, lo ngại mối đe dọa từ Nga.
Quân đội Afghanistan phải đảm trách an ninh
AP đưa tin trong ngày làm việc thứ hai với sự có mặt của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Tổng thống Obama đã tập trung nói đến công cuộc đấu tranh chống các tổ chức cực đoan ở Afghanistan và Trung Đông.
Ông kêu gọi các nước NATO mở rộng ủng hộ cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan. Vài ngày trước, ông đã tuyên bố duy trì 8.400 quân Mỹ ở Afghanistan thay vì giảm còn 5.500 quân như dự kiến ban đầu.
Theo trang web của NATO, hội nghị thượng đỉnh NATO đã thảo luận về tình hình an ninh và tiến trình cải cách ở Afghanistan. Hội nghị khẳng định tiếp tục duy trì cam kết về chính trị, quân sự và tài chính đối với Afghanistan, bảo đảm an ninh lâu dài và ổn định tại Afghanistan.
Hội nghị cũng đề nghị nâng cao năng lực của quân đội và cảnh sát Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Từ nay về sau các lực lượng an ninh Afghanistan phải chịu trách nhiệm về an ninh trên toàn lãnh thổ… Chúng tôi tiếp tục huấn luyện, làm cố vấn và hỗ trợ”.
Ông nhấn mạnh ba quyết định chính: Tiếp tục ủng hộ lực lượng NATO tại Afghanistan sau năm 2016, tiếp tục đầu tư tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2020, ủng hộ đối tác chính trị lâu dài và thực tiễn với Afghanistan. Quân đội Afghanistan với quân số 352.000 người cần khoản chi hằng năm 5 tỉ USD.
Điều bốn tiểu đoàn sang Đông Âu
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, 28 nước thành viên NATO đã thông qua quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia gồm 3.000-4.000 binh sĩ đến Đông Âu, cụ thể là đến Ba Lan và ba nước vùng Baltic (Litva, Latvia và Estonia). Các nước này đều duy trì đường lối cứng rắn đối với Nga.
Các nước thành viên khác của NATO sẽ giữ vai trò yểm trợ về hậu cần. Thời hạn triển khai trong bao lâu chưa được xác định.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định củng cố sự hiện diện quân sự ở phía đông NATO. Tôi vui mừng thông báo Canada sẽ giữ vai trò quốc gia nòng cốt ở Latvia, Đức chỉ huy tiểu đoàn ở Litva, Anh chỉ huy tiểu đoàn ở Estonia và Mỹ là quốc gia chủ chốt chỉ huy ở Ba Lan”.
Ngoài ra, NATO đã thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Hệ thống này được bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Tây Ban Nha. Ông Jens Stoltenberg thông báo hiện thời hệ thống phòng thủ tên lửa đã có khả năng hoạt động dưới một bộ phận chỉ huy và một bộ phận kiểm soát của NATO.
NATO cũng đã tiếp tục cam kết tăng ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP. Hiện thời chỉ có 5/28 nước trong NATO đạt được mục tiêu này.
Nga tỏ ra không quá lo ngại
Tổng thống Obama thông báo triển khai 1.000 quân đến Ba Lan. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bốn tiểu đoàn sắp triển khai từ đầu năm tới là hoạt động chuyển quân lớn nhất của NATO từ sau Chiến tranh lạnh.
Ngày 9-7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố chi tiết kế hoạch đưa quân tham gia chương trình của NATO. Đây là lần điều quân lớn nhất của Canada ở châu Âu trong hơn 10 năm qua.
450 binh sĩ Canada và xe bọc thép hạng nhẹ sẽ được triển khai đến Latvia từ đầu năm tới. Ngoài ra, quân đội Canada còn triển khai một tàu hộ vệ, sáu máy bay tiêm kích CF‑18 tham gia lực lượng tác chiến của NATO trong khu vực.
Thủ tướng Anh David Cameron thông báo Anh sẽ triển khai 500 quân đến Estonia và 150 quân đến Ba Lan.
Thủ tướng Estonia Taavi Roivas đánh giá quyết định triển khai bốn tiểu đoàn của NATO: “Đây là một quyết định lịch sử. NATO đã chứng tỏ rất rõ ràng rằng chúng ta đoàn kết và kiên quyết”.
Nga-NATO và vị thế cần nhau
Các chuyên gia Nga đánh giá bản thân các tiểu đoàn của NATO triển khai ở Đông Âu không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Nga. Dù vậy, khi triển khai như thế, NATO sẽ thiết lập một mạng lưới cơ sở hạ tầng để có thể trong vòng 24 tiếng triển khai nhiều sư đoàn áp sát biên giới Nga.
Tối 8-7, Nga trở thành chủ đề trung tâm trong bữa ăn tối của các nhà lãnh đạo các nước NATO. Chính sách của NATO đối với Nga có thể tóm tắt gồm ba điểm: Các nước đoàn kết, kiên quyết bảo vệ các giá trị và tái lập đối thoại với Nga.
Các nước NATO nhắc đến hành động của Nga ở ba nước cộng hòa Liên Xô cũ Ukraine, Georgia và Moldova mà NATO xem là hành động đe dọa. NATO cho rằng ba nước này đang ngả về phía phương Tây và Moscow không thích điều đó.
Dù vậy, Mỹ và châu Âu đều cần thảo luận với Nga cho dù ban bố lệnh cấm vận đối với Nga. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nhận xét: “Chúng ta cần phải giữ đối thoại công khai với Nga vì chúng ta còn phải chiến đấu ở Syria, Iraq và nhiều hồ sơ nữa trên khắp thế giới”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande luôn duy trì trao đổi với Tổng thống Nga Putin về thực thi Hiệp ước Minsk về hòa bình ở Ukraine.
EU và NATO nhất trí sẽ tăng cường hợp tác ở sườn phía nam để chống khủng bố và bọn đưa người vượt biển, đặc biệt về trao đổi thông tin tình báo. NATO phải dựa vào lực lượng máy bay không người lái của EU ở Sicily (Ý) cùng với tin tình báo từ hoạt động hải quân EU trong công tác chống đưa người vượt biển và buôn vũ khí qua Địa Trung Hải.(PLO)