Nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới là Tây Ban Nha có thể sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng từ sự ly khai của vùng Catalan.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Cựu tổng thống Brazil bị xét xử vì bê bối Petrobras
Cựu tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ra tòa vì gây cản trở người thi hành công vụ trong một vụ kiện liên quan đến bê bối của tập đoàn dầu khí Petrobras.
BBC hôm 29-7 cho biết vụ bê bối lên đến hàng tỉ USD của Petrobras cũng khiến hàng chục chính trị gia và các quan chức chính phủ bị bắt giữ.
Theo tài liệu của tòa án thì ông Lula cùng với 6 người khác bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra vụ bê bối Petrobras có tên gọi là Chiến dịch Car Wash.
Ông Lula phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến Petrobras.
Trong số những người bị buộc tội hôm 29-7 còn có cựu thượng nghị sĩ Delcidio Amaral và tỉ phú Andre Esteves. Họ bị cáo buộc cố gắng ngăn chặn cựu giám đốc Petrobras Nestor Cervero làm chứng cho một thỏa thuận mặc cả mua bán.
Ông Cervero bị bắt giam vì là chủ mưu của vụ bê bối Petrobras.
Bộ trưởng Tư pháp Brazil Rodrigo Janot cáo buộc cựu tổng thống Lula đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối Petrobras, gây tổn thất hơn 2 tỉ USD cho tập đoàn dầu khí quốc gia này.
Ông Rodrigo nhấn mạnh rằng tham nhũng không thể diễn ra mà không có sự tham dự của ông Lula.(TT)
Bỉ bắt hai người âm mưu tấn công khủng bố
Cảnh sát Bỉ bắt hai người đàn ông nghi âm mưu tấn công một khu vực nào đó ở quốc gia này.
Nourredine H., 33 tuổi, và anh, hoặc em trai, Hamza H. bị bắt trong một đợt đột kích của cảnh sát tối 29/7 tại các khu vực nói tiếng Pháp Mons và Liege, Bỉ. Hai người sẽ trình diện bồi thẩm đoàn trong hôm nay để họ quyết định có tiếp tục tạm giữ hay không.
"Dựa trên kết quả điều tra ban đầu, hai người này có âm mưu tấn công một nơi nào đó ở Bỉ", Reuters dẫn thông báo từ văn phòng công tố liên bang Bỉ cho biết. Họ không có liên hệ với các vụ tấn công khủng bố sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels ngày 22/3, làm 32 người chết.
Cảnh sát không phát hiện vũ khí hay chất nổ trong đợt đột kích
Brussels là nơi có nhiều cơ quan của Liên minh châu Âu, trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bỉ đang trong tình trạng báo động mức 3, "nghiêm trọng" với một mối đe dọa "tiềm tàng, có thể xảy ra". Mức cao nhất trong thang cảnh báo ở Bỉ là 4.
Nhiều web chính phủ Philippines bị tấn công sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Ba trang web của chính quyền Philippines tháng này bị tấn công mạng, nghi do tin tặc Trung Quốc thực hiện, vài ngày sau khi một toà trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò".
Hai trang web chính quyền đô thị tự trị Loon và Panglao, tỉnh Bohol, bị xâm nhập ngày 16/7, còn trang web của Uỷ ban Kiểm toán bị tấn công ngày 18/7, Inquirer và IBT đưa tin. Tính đến hôm nay, hai trang web của Uỷ ban Kiểm toán và chính quyền Panglao vẫn chưa thể truy cập được.
Một cách trùng hợp, các trang web bị tấn công đều có hình ảnh mặt nạ Guy Fawkes, liên quan đến nhóm tin tặc Anonymous, với thông điệp: "Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự công bằng hay công lý. Nếu bạn là đàn ông, bạn chấp nhận điều đó. - chính phủ Trung Quốc".
Theo thông tin trên Softpedia, thông điệp để lại trên các trang web bị tấn công liên kết với một tài khoản mạng xã hội Twitter, dường như thuộc về một thành viên của Anonymous từ Brazil. Hiện chưa rõ liệu tin tặc Anonymous có tham gia cuộc tấn công hay đường link dẫn đến tài khoản Twitter của người này bị chèn vào trang web mà không được phép.
Toà Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 thông báo phán quyết, được người dân Philippines hoan nghênh. Toà trọng tài cho rằng chính phủ Trung Quốc không có "cơ sở pháp lý" để đòi "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Phán quyết bị Trung Quốc bác bỏ, cho rằng The Hague không có thẩm quyền với tranh chấp.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên tuyên bố của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Philippines. Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm giải quyết song phương tranh chấp và kiên quyết không tham gia vụ kiện của Philippines.
Dân Singapore hiến kế giúp nước
Văn phòng Thủ tướng Singapore trong ba ngày qua đã “bội thu” sáng kiến trị nước, khi người dân hưởng ứng cuộc thi do ông Lý Hiển Long phát động…
Để tham gia cuộc thi, dân Singapore chỉ cần trả lời câu hỏi sau đây trên mạng xã hội (Facebook, Twitter hoặc Instagram): “Bạn sẽ làm gì nếu có thể trở thành thủ tướng Singapore trong 12 giờ?”.
Chỉ trong ngày đầu tiên đã thu hút hàng trăm phản hồi thú vị, thông minh, hài hước và rất đáng suy ngẫm.
Những người xuất sắc nhất sẽ được mời tham gia sự kiện Ngày thông điệp quốc khánh (21-8) trong tư cách khách mời mạng xã hội của ông Lý Hiển Long.
Thủ tướng vi hành
Bắt chước một thói quen của các vị minh quân ngày xưa, rất nhiều ông bà “thủ tướng Singapore” khẳng định sẽ cải trang đi vi hành để hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Cư dân Facebook William Ng mô tả kế hoạch của mình: “Tôi sẽ dùng phương tiện công cộng vào buổi sáng để tiếp xúc với người dân; lắng nghe PMETs (lao động chuyên nghiệp, quản lý, lãnh đạo cao cấp, kỹ thuật viên) trò chuyện trong giờ ăn trưa dọc đường Shenton; ghé thăm các cơ quan chính phủ; đọc tin tức quốc tế trước bữa ăn chiều và lên kế hoạch cho cuộc họp nội các trước khi đi ngủ”.
Cùng ý tưởng, một phụ nữ tên Kok Mei Hui cho biết sẽ cải trang thành nhân viên một số cơ quan công quyền và tư nhân thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, giáo dục, thể thao... để tìm hiểu và trải nghiệm công việc của họ.
“Nó sẽ giúp tôi đưa ra những chính sách tốt hơn trong tương lai gần” - cô khẳng định.
Một cư dân khác, anh Keith Low, quyết định theo đuổi lý tưởng giải quyết cách biệt giàu nghèo: “Trong 4 giờ: cải trang thành người nghèo và lang thang khắp Singapore; 4 giờ tiếp theo: cải trang thành người giàu và tiếp tục lang thang; 4 giờ cuối: soạn thảo/sửa đổi chính sách xã hội, sắc tộc để giảm khoảng cách giàu nghèo”.
Nhìn chung là một quốc gia phát triển nên cư dân Singapore quan tâm nhiều đến các lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế...
Có những ý kiến đi kèm giải pháp rất nhân văn mà có lẽ chỉ những người cùng lứa tuổi mới hiểu nhau.
Chẳng hạn của anh Benjamin: “Tôi sẽ rút ngắn thời gian nghĩa vụ quân sự nhưng tăng số lần tái động viên. Điều này giúp giảm khoảng cách tuổi tác giữa các sinh viên nam nữ ở trường đại học, một yếu tố góp phần gây tỉ lệ sinh thấp ở Singapore”.
Bóng bàn hòa giải Biển Đông
Không chỉ quan tâm đến đất nước, người Singapore còn thể hiện một tầm nhìn xa - tư chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo.
Để giải quyết tranh chấp Biển Đông, anh Lim Ngian Sen đề xuất phương án dùng... thể thao làm trọng tài: “Tôi sẽ đưa ra chính sách ngoại giao bóng bàn giữa Mỹ, Trung Quốc và Philippines. Nơi tổ chức là Singapore và lãnh đạo các nước trên sẽ được mời tham dự.
Bởi vì Biển Đông có ổn định thì Singapore mới phát triển... Khi mọi giải pháp đều thất bại thì thể thao có thể là câu trả lời”.
Dù khả thi hay không nhưng ý tưởng trên có thể cho thấy người Singapore, hay rộng hơn là cư dân Đông Nam Á, luôn mong muốn sống trong hòa bình, hợp tác thay vì đối đầu. Nếu có chăng sự cạnh tranh thì họ cho rằng nó không nên diễn ra trên... Trái đất. “Nếu em là thủ tướng Singapore thì em sẽ khởi động chương trình không gian quốc gia và xây dựng một thuộc địa ngoài vũ trụ.
Theo cách này, Singapore sẽ không chỉ là một hòn đảo, chúng ta sẽ ở trên các vì sao và xa hơn nữa!” là điều ước của một cô bé ng.jia.ni viết trên Instagram.
Ai đó có thể cho những suy nghĩ của trẻ con là non nớt, nhưng lịch sử cho thấy một quốc gia tiến lên bao xa, có xa đến không gian hay không đều phụ thuộc vào ước mơ, hoài bão của những mầm non (không phải tham vọng chính trị của người lớn).
Có thể dẫn thêm một lời khuyên từ hai cô bé chừng 6-7 tuổi trên Instagram: “Mấy ngân hàng dùng quá nhiều giấy. Hãy đánh thuế và khuyến khích họ không nên dùng giấy trong tất cả các quy trình”.(TT)
Tướng Mỹ khẳng định không tham gia đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông khẳng định không liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ và coi quốc gia này là đồng minh, đối tác quan trọng.
"Mọi thông tin cho rằng tôi có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không chính xác", AFP dẫn lời tướng Joseph Votel, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, cho biết trong thông báo ngày 29/7.
Theo ông Votel, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác đặc biệt và quan trọng tại khu vực suốt nhiều năm qua. Mỹ tôn trọng việc Thổ Nhĩ Kỳ "tiếp tục hợp tác và hướng đến quan hệ đối tác tương lai trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS)".
Ông Votel ra thông báo được cho là hành động khác thường đối với một chỉ huy quân đội Mỹ cấp cao. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Votel có liên hệ đến cuộc đảo chính.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng phủ nhận cáo buộc. "Hoàn toàn không đúng", Eric Schultz, người phát ngôn Nhà Trắng, nói. Tổng thống Obama coi ông Erdogan là "đồng minh thân thiết". "Chúng tôi phối hợp trên nhiều vấn đề quốc tế ưu tiên của tổng thống, bao gồm chống IS".
Hơn 200 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương do bạo lực đêm 15/7, khi một nhóm binh sĩ điều khiển xe tăng, trực thăng tấn công, chiến đấu cơ đảo chính nhưng không thành công. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã kiểm soát hoàn toàn tình hình.
Căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức cao do nhà chức trách nước này đang thanh trừng hàng chục nghìn người nghi ủng hộ đảo chính trong các cơ quan nhà nước và quân đội.
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen cùng người ủng hộ ông đứng sau vụ đảo chính. Gulen, hiện ở Mỹ, phủ nhận có liên quan. Nhà Trắng hôm qua thông báo nhận được tài liệu từ Ankara đề nghị dẫn độ Gulen từ bang Pennsylvania về nước.
"Tài liệu đang được đánh giá thông qua các kênh phù hợp", Schultz nói, từ chối tiết lộ ngày Mỹ sẽ ra quyết định