Nghị viện châu Âu kêu gọi Anh sớm rời EU
Cựu Tư lệnh NATO coi Nga là mối đe dọa đối với toàn bộ trật tự thế giới
Báo Trung Quốc tuyên bố thừa sức buộc tàu Philippines mắc cạn rời bãi Cỏ Mây
Sau Brexit, tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU
Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sắp điện đàm lần đầu sau vụ bắn hạ Su-24
Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-06-2016
- Cập nhật : 27/06/2016
Tỷ phú Soros: EU không tránh khỏi sụp đổ sau Brexit
Sự sụp đổ của Liên minh châu Âu (EU) hầu như không thể đảo ngược sau khi Vương quốc Anh ra khỏi EU.
Trong bài bình luận đăng trên trang web của Project Syndicate, nhà đầu tư, nhà tài chính và tỷ phú nổi tiếng Mỹ George Soros viết: "Bây giờ, kịch bản thảm họa mà nhiều người lo sợ đã hình thành, làm cho sự sụp đổ của EU hầu như không thể đảo ngược".
Bàn về những hậu quả có thể của việc Anh ra khỏi EU, ông nói: "Sau khi rời khỏi EU, Anh rốt cuộc có thể trở nên giàu có hơn các nước khác, hoặc cũng có thể không, nhưng nền kinh tế Anh và người dân Anh sẽ bị thiệt hại trong triển vọng trung hạn hoặc ngắn hạn".
George Soros là chuyên gia tài chính và nhà đầu tư Mỹ. Hoạt động của ông được đánh giá không đồng nhất: tỷ phú thường được gọi là nhà đầu cơ tài chính. Ông Soros tích cực hoạt động chính trị: các quỹ của ông nhiều lần bị cáo buộc tổ chức thay đổi chính quyền ở một số quốc gia.
Hậu Brexit: Vì sao nói Nga "mở cờ trong bụng" sau khi Anh rời EU?
Tạp chí Quartz dẫn lời các chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn là một trong những người mừng nhất trước sự kiện Brexit - Anh rời EU.
Kể từ khi Moscow phải đối mặt với loạt trừng phạt đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) sau vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Anh luôn là rào cản khó suy suyển nhất trước mọi động thái thoát cấm vận từ phía Nga.
Trong suốt 27 tháng qua, trong lúc Tổng thống Putin tìm cách ve vãn các thành viên EU, thì Thủ tướng Anh David Cameron luôn đóng vai trò "kì đà cản mũi", thuyết phục 27 thành viên liên minh tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Với việc người dân Anh quyết định sẽ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua, chưa thể nói rằng Putin đã "thoát", bởi trong liên minh này vẫn còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cứng rắn, Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ mạnh mẽ trừng phạt Nga, và Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo vốn chẳng ưa gì Moscow.
Ba lãnh đạo này cũng là những người hôm 21/6 mới đây đã bỏ phiếu gia hạn trừng phạt Nga tới tháng 1/2017.
Tuy vậy, có thể nói EU giờ đã mất đi thế lực nghi ngờ động cơ của Nga lớn nhất.
"Chiến lược hành động của Putin là tìm cách tận dụng tình hình và những kẽ hở để thu về lợi ích cho Nga.
Vì vậy, [với việc Anh rời EU], Nga nhiều khả năng sẽ có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn những động thái bất lợi cũng như thúc đẩy những gì có lợi cho mình, như giữ vững vị thế độc tôn trong thị trường năng lượng châu Âu" - Fiona Hill, chuyên gia nghiên cứu về Nga thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận định.
Cùng quan điểm với bà Hill, chuyên gia Charles Lichfield thuộc Văn phòng Cố vấn Chính trị Á-Âu Eurasia Group cho rằng, "Anh là một trong những bên 'diều hâu' nhất tại EU trong việc trừng phạt Nga. Khi không còn Anh tác động, sẽ rất khó để các nước Đông và Trung Âu giữ vững lập trường này".
Một trong những vết nứt quan trọng nhất trong nội bộ EU mà nhiều khả năng Putin sẽ tìm cách tận dụng chính là phản ứng của liên minh này hậu Brexit, và hệ lụy đối với những lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga.
Câu hỏi được đặt ra là những gì Nga đã làm với Crimea có thực sự là một mối đe dọa trực tiếp hơn so với sự thống nhất của một khối liên minh tồn tại nhiều thập kỉ?
Jeff Mankoff, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho rằng sự quan tâm của EU sẽ dồn vào Brexit, và hệ quả là vấn đề trừng phạt kinh tế Nga sau vụ Crimea sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu.
"Nhiều bên trong EU sẽ đặt dấu hỏi về việc tại sao lúc này lại đi cãi nhau xung quanh việc trừng phạt Nga, trong khi đang phải đối mặt với một thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của liên minh" - ông Mankoff nhận định
Khôi phục Donbass, Ukraine phải mất đến 15 tỷ USD
Để khôi phục cơ sở hạ tầng của Donbass và bồi thường thiệt hại thì phải cần tới 15 tỷ USD.
Binh sĩ quân đội Ukraine tại khu vực chiến sự ở ngoại ô thành phố Debaltseve, vùng Donetsk. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của báo "Kiev Post", Phó Thủ tướng Ukraine Gennady Zubko nhấn mạnh: "Đáng tiếc là miền Đông Donbass bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, giá thành ước tính cho sửa chữa thiệt hại trong cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp và chung cư sẽ lên đến 15 tỷ USD".
Ngoài ra, cũng theo quan chức này, mối quan tâm đầu tư đã chuyển sang miền Đông của đất nước, cụ thể là về phía Kharkov và Kramatorsk. Tuy nhiên, địa bàn đầu tư thuận lợi hơn cả vẫn là các khu vực miền Tây Ukraine.
Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký luật phân bổ hơn 3 tỷ grivna (120,3 triệu USD) để khôi phục Donbass.
Phá kế hoạch đánh bom đẫm máu dịp Euro 2016
Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ hai nghi phạm lên kế hoạch đánh bom khu vực "fanzone" (dành cho cổ động viên) trong trận Bỉ gặp Hungary diễn ra ngày 26/6.
Theo Mirror, nghi phạm đầu tiên bị cảnh sát Bỉ bắt giữ trong cuộc bố ráp diễn ra tối 24/6 được xác định là một thanh niên 20 tuổi. Người này được tin rằng bị bắt ở Verviers, một thị trấn thuộc miền đông của Bỉ, trong khi người kia bị cảnh sát tóm tại Tournal (Bỉ), gần biên giới của nước Pháp.
"Còn quá sớm để nói về một cuộc tấn công khủng bố. Hai người bị bắt sẽ phải trải qua cuộc thẩm vấn trước," người đại diện của cảnh sát Bỉ cho biết. Trong khi đó, báo Mirror dẫn nguồn tin từ RTL của Pháp cho biết, cảnh sát đã thực hiện cuộc đột kích nhắm vào các nghi phạm vào rạng sáng ngày thứ bảy.
Đảng đối lập Anh chia rẽ hậu Brexit
Một lượng đáng kể các bộ trưởng Công đảng có khả năng từ chức nếu thủ lĩnh đảng này Jeremy Corbyn không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Bản kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai trên trang web của Chính phủ Anh ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ lập sẵn của Công đảng đối lập ở Anh Hilary Benn ngày 26/6 đã bị "sa thải" trước những tin đồn nói rằng ông khuyến khích các bộ trưởng từ chức nếu thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Lãnh đạo Công đảng đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về chiến dịch "mờ nhạt" trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Nguồn tin từ Công đảng cũng nói với đài BBC rằng một lượng đáng kể các bộ trưởng của đảng đối lập có khả năng từ chức nếu ông Corbyn phớt lờ kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 23/6, theo đó người dân Anh ủng hộ rời khỏi EU (Brexit).
Các nghị sĩ Công đảng Margaret Hodge và Ann Coffey đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chống lại ông Corbyn - người ủng hộ chiến dịch vận động ở lại EU. Tuy bản kiến nghị không có hiệu lực nhưng kêu gọi tiến hành thảo luận tại cuộc họp Nghị viện Công đảng vào ngày 27/6. Chủ tịch Nghị viện John Cryer sẽ quyết định có nên tranh luận hay không. Nếu được chấp thuận, cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sĩ Công đảng có thể được tổ chức vào ngày 28/6.
Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định Edinburgh muốn lập tức thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ vị trí của Scotland trong EU, sau khi Anh đã bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối này.
Bà Sturgeon cũng tiết lộ rằng chính quyền Scotland đang chuẩn bị đưa ra dự thảo luật cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc trở thành quốc gia độc lập. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Hơn 2 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị, kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc Anh rời EU. Theo đánh giá, kiến nghị trên đã thu hút được nhiều chữ ký hơn bất kỳ bản kêu gọi nào khác trên trang mạng của Quốc hội Anh. Theo quy định, một khi đơn đề nghị vượt qua con số 100.000 chữ ký, cơ quan lập pháp Anh sẽ phải cân nhắc tiến hành thảo luận.
Một quan chức EU cho biết ngày 28/6, Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến tham dự ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài 2 ngày để thông báo với 27 nước còn lại của EU kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh về khả năng rời EU. Sau đó, Thủ tướng Anh sẽ trở về London và các nhà lãnh đạo EU ngày 29/6 sẽ thảo luận về Brexit.
Trong khi đó, sau kết quả trưng cầu dân ý tại Anh, đảng Sinn Fein ở Bắc Ireland đã đề xuất tiến hành một cuộc trưng câu dân ý khác về việc sáp nhập Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các chính quyền ở cả CH Ireland và Bắc Ireland bác bỏ. Ngoại trưởng CH Ireland Enda Kenny cho rằng thời điểm này có những "vấn đề quan trọng hơn" cần phải giải quyết chứ không phải việc sáp nhập này.(TTXVN)