tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 27-06-2016

  • Cập nhật : 27/06/2016

EU nêu rõ thủ tục để Anh rời khỏi liên minh

Anh không bắt buộc phải gửi thư để chính thức tuyên bố muốn rời khỏi EU, mà Thủ tướng David Cameron có thể làm vậy khi phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 28-6 tới.

"Anh có thể chính thức tuyên bố muốn rời Liên minh châu Âu (EU) qua một bức thư gửi cho chủ tịch Hội đồng châu Âu, hay một tuyên bố chính thức tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu, được ghi lại trong biên bản của cuộc họp", Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của hội đồng các nhà lãnh đạo EU nói.

Một quan chức EU thứ hai nói thêm rằng: "Tuyên bố không cần phải được viết ra, ông ấy có thể tuyên bố miệng cũng được".

Ngày 28-6, ông Cameron sẽ thuyết trình trước 27 nhà lãnh đạo thuộc EU tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels, về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23-6 là người Anh chọn rời khỏi EU.

cu tri anh chon roi eu voi ti le 52-48 sau cuoc trung cau dan y hom 23-6

Cử tri Anh chọn rời EU với tỉ lệ 52-48 sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23-6

 

Khi Anh tuyên bố chính thức với EU, Điều 50 trong Hiệp ước của EU sẽ được kích hoạt nhằm bắt đầu quá trình hai năm để Anh rời khỏi khối này.

Phát ngôn viên Hội đồng châu Âu nhấn mạnh tuyên bố phải thật rõ ràng. "Việc thông báo kích hoạt Điều 50 là một hành động chính thức và phải được thực hiện bởi chính phủ Anh đến Hội đồng châu Âu" - người phát ngôn nói. "Việc này cần phải được thực hiện một cách rõ ràng".

"Các cuộc đàm phán về cuộc chia tay và mối quan hệ trong tương lai chỉ có thể bắt đầu sau khi Anh đã kích hoạt Điều 50. Nếu chính phủ Anh thực sự muốn rời khỏi EU thì họ nên làm vậy càng sớm càng tốt" - ông nói thêm.

Khi được hỏi liệu Anh có thể khởi động quá trình rút khỏi liên minh nhưng sau đó bỏ giữa chừng và yêu cầu ở lại thì có được hay không (hiệp ước không có quy định rõ về trường hợp này), một quan chức EU trả lời: "Một khi đã kích hoạt thì không thể nào rút lại".

Hôm 24-6, Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ để lại cho người kế nhiệm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước EU. Phát biểu này của thủ tướng Anh dường như trái ngược với cam kết khởi động quá trình ra khỏi EU ngay lập tức sau khi bỏ phiếu mà ông từng hứa. Việc trì hoãn của ông Cameron khiến các nhà lãnh đạo EU mất kiên nhẫn vì họ muốn giải quyết nhanh chóng để hạn chế tình trạng lấp lửng.

Trong khi đó, hôm 25-6, sáu nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu muốn Anh nhanh chóng bắt đầu thủ tục "ly dị" sau khi cử tri Anh chọn Brexit.(PLO)


Brexit gây sốc cho cộng đồng quốc tế

Quyết định ra đi của người Anh ra khỏi Liên minh châu Âu ( EU) gây sốc không chỉ đối với người dân Anh và EU mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế.

brexit gay soc cong dong quoc te

Brexit gây sốc cộng đồng quốc tế

Ngay sau kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân của Anh được công bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng thừa nhận rằng, đây thực sự là một cú sốc lớn và đòn giáng mạnh vào châu Âu. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác nên tránh đưa ra những kết luận vội vàng bởi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong châu Âu.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Đây thực sự là một bước ngoặt đối với châu Âu, một bước ngoặt lớn trong quá trình thống nhất khối. Những gì gọi là hậu quả của kết quả này sẽ tác động đến  chúng ta trong những ngày, tuần, tháng và năm tới. Tuy nhiên, những hậu quả đó ảnh hưởng ra sao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta, nếu 27 thành viên khác của EU thể hiện khả năng, sự sẵn sàng và không đưa những kết luận vội vàng. Chúng ta cần phải bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá tình hình trước khi đưa ra những quyết định đúng đắn."
Từ Hà Lan, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung Jeroen Dijssebloem cho biết, nhiệm vụ đầu tiên mà các lãnh đạo châu Âu phải làm sau cuộc bỏ phiếu ra đi của Anh là giữ gìn sự ổn định trong khối.

"Mục tiêu của chúng tôi, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung ơ-rô trong mọi trường hợp là không thay đổi. Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải  duy trì sự ổn định chính trị, kinh tế ở châu Âu. Bởi vì đó là những gì sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Anh đã lựa chọn một hướng đi không chắc chắn cho mình và chúng ta cũng phải đi tiếp con đường của mình. Giữ ổn định là điều mà chúng ta cần phải làm ở châu Âu nói chung và khu vực đồng tiền chung euro nói riêng," ông Jeroen Dijssebloem nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz bày tỏ hy vọng sẽ không có phản ứng dây chuyền kiểu domino trong EU sau Brexit, đồng thời nhấn mạnh các nước khác không nên lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh và châu Âu cần vững vàng trong thời điểm này.

Nghị viện châu Âu (EP) quyết định sẽ họp phiên toàn thể đặc biệt vào sáng 28/6 tới để thông qua một nghị quyết về các thủ tục Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Phản ứng trước sự kiện gây chấn động này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục duy trì quan hệ đối tác vững chắc với cả Vương quốc Anh và  Liên minh châu Âu sau khi Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu.

Trong một tuyên bố, Liên hợp quốc hi vọng sẽ tiếp tục hợp tác với cả Anh và EU bởi đây là  những đối tác quan trọng của Liên hợp quốc về các vấn đề phát triển và nhân đạo cũng như hòa bình và an ninh,  Ông Ban Ki-mun cũng bày tỏ tin tưởng rằng trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này, Liên minh châu Âu sẽ vẫn thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung cho các công dân của mình.

Phát biểu với báo giới, trong khuôn khổ chuyến thăm Uzbekistan, Tổng thống Putin cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã phản ánh sự không hài lòng của người dân Anh về vấn đề di cư và những lo lắng về an ninh cũng như về bộ máy hoạt động thiếu hiệu quả của Liên minh châu Âu.

Theo Tổng thống Puitin, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đối với Nga cũng như thế giới. Tuy nhiên, tình hình sẽ tự được điều chỉnh trong tương lai gần.

Cùng ngày, đồng loạt lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... đã có những phản ứng về sự kiện Brexit đồng thời bày tỏ quan ngại về những tác động tài chính, kinh tế, chính trị trong khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, lãnh đạo một số nước Đông Âu hối thúc Liên minh châu Âu cải cách nếu như không muốn mất thêm thành viên...

Theo quy định, Anh sẽ phải tiến hành đàm phán về mối quan hệ mới với EU trước khi chính thức rút khỏi liên minh này. Dự kiến tiến trình đàm phán kéo dài khoảng 2 năm (VOV)


Vì sao truyền thông hờ hững với âm mưu ám sát Donald Trump

Một thanh niên Anh đã lên kế hoạch từ một năm trước để đến Mỹ ám sát Donald Trump, tuy nhiên, vụ việc này lại không được truyền thông đả động nhiều.
michael steven sandford, ke am muu am sat donald trump, bi canh sat giai di. anh: reuters

Michael Steven Sandford, kẻ âm mưu ám sát Donald Trump, bị cảnh sát giải đi. Ảnh: Reuters

Câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến Donald Trump trên trang tìm kiếm Google những ngày qua là "Ai đã tìm cách bắn Trump?",Washington Post cho biết. Điều đó có nghĩa là nhiều người vẫn chưa biết câu trả lời, một phần có lẽ vì vụ ám sát hụt này đã không được đưa tin đậm.

Theo thông báo từ cơ quan chức năng, nghi phạm được xác định là Michael Steven Sandford, 20 tuổi, công dân Anh đang cư trú trái phép tại Mỹ sau khi thị thực nhập cảnh hết hạn. Sandford được tin là đã tìm cách rút súng từ bao súng của một cảnh sát làm nhiệm vụ tại một sự kiện vận động của Donald Trump ở Las Vegas hôm 19/6.

Tên này đã bị bắt và khai với Cơ quan Mật vụ Mỹ rằng đã lái xe từ California tới dự sự kiện, sau khi lập kế hoạch sát hại ứng viên của đảng Cộng hòa suốt một năm trước, hồ sơ vụ án cho biết.

Các tờ báo Mỹ có đưa tin về vụ việc, nhưng không dồn dập. Truyền hình cáp cũng không dành nhiều thời gian cho sự kiện này. Thay vào đó, thông tin về kết quả vận động gây quỹ nghèo nàn trong tháng 5, cùng việc Donald Trump sa thải người phụ trách chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski lại được đưa tin đậm nét.

Tỷ phú bất động sản đã gọi điện tới chương trình "Fox & Friends", vốn lâu nay vẫn thân với ông, nhưng không hề được phỏng vấn một câu nào về vụ ám sát hụt. Đáng chú ý là bản thân ông Trump cũng không đề cập đến vụ việc, rất có thể do bản thân ứng viên này cũng không xem đó là chuyện quan trọng, hoặc đơn giản là không muốn nói đến.

Lời lý giải rõ ràng nhất có lẽ là do Sandford đã không thể đi xa với âm mưu của mình. Thanh niên này thậm chí còn chưa chiếm được vũ khí tại cuộc vận động của Donald Trump. Âm mưu của người này cũng bị xem là không tinh vi, cho dù Sandford đã khai với cơ quan chức năng về quá trình tập dượt, cùng việc tới một trường bắn hôm trước ngày hành sự. Tại trường bắn, Sandford đã bắn 20 viên đạn từ một khẩu súng lục Glock cỡ nòng 9 mm, một loại súng được cảnh sát Mỹ sử dụng phổ biến.

Tóm lại, nếu gọi Sandford là một mối đe dọa thực sự có thể là hơi quá. Một vụ việc gần như tương tự từng xảy ra vào tháng 11/2011, khi Oscar Ramiro Ortega-Hernandez tìm cách sát hại Tổng thống Obama, nhưng âm mưu cũng nhanh chóng đổ bể. Tên này đã nổ nhiều phát súng vu vơ về phía Nhà Trắng, từ khoảng cách gần 700 m, và cũng không tìm hiểu đủ kỹ càng để biết rằng thời điểm đó ông Obama đang ở San Diego.

Một âm mưu ám sát khác, cũng thất bại khi còn chưa đi tới đâu và không được báo giới quan tâm, là khi James McVay dự tính cướp súng của cảnh sát tại bang Wisconsin, để lái xe suốt chặng đường dài qua Chicago, Indianapolis trước khi ám sát ông Obama tại một sân golf ở Washington.

Theo lời khai của tên này sau khi bị bắt tháng 7/2011, y đã đâm chết một cụ bà 75 tuổi tại South Dakota để cướp xe hòng tới Wisconsin. Dù vậy, khi còn chưa kịp thực hiện bước tiếp theo là mai phục và cướp vũ khí của cảnh sát, tên này đã bị bắt tống giam và kết án tử hình năm 2014 với tội danh giết người. James McVay tự sát trong buồng giam 5 tháng sau khi nhận bản án.

Kênh CNN khi đó có đưa tin về vụ bắt giữ cùng âm mưu của nghi phạm này, nhưng các tờ báo lớn khác như Washington Post hay New York Times đều bỏ qua.

Từ góc độ của ông Trump, vụ việc Sandord không phù hợp với bất kỳ luận điểm nào trong chiến dịch của ứng viên này. Tỷ phú đã thể hiện mình là người bảo vệ kiên cường cho bản Sửa đồi lần hai Hiến pháp Mỹ, coi quyền sở hữu súng của người dân là bất khả xâm phạm. Do đó, ông không thể lấy âm mưu ám sát bất thành làm cơ sở để đẩy lùi nỗ lực kiểm soát súng.

Sandford là một người nhập cư bất hợp pháp và ông Trump cũng muốn trục xuất mọi cá nhân như vậy, nhưng trọng tâm của "ông trùm" bất động sản này lại là xây dựng một bức trường thành để ngăn chặn người Mexico, và cấm người Hồi giáo nước ngoài tới Mỹ. Một người Anh cư trú quá thời hạn thị thực không phải là công cụ quảng bá hữu ích cho các quan điểm trên.

Nếu ông Trump muốn khiến vụ việc trở nên đình đám, ông hoàn toàn có thể làm việc đó. Năng lực của ông trong việc khơi gợi các chủ đề bàn luận đã được chứng minh rất nhiều lần. Tuy nhiên, có vẻ như ông không mấy quan tâm, và truyền thông Mỹ cũng vậy. Không bên nào muốn một vụ ám sát hụt được lên kế hoạch sơ sài lại thu hút dư luận nhiều hơn mức cần thiết.

Dù vậy, một số người theo tư tưởng bảo thủ lại cho rằng đang tồn tại những tiêu chuẩn kép. Trang tin đường lối bảo thủ Hot Air bình luận: "Bạn có tưởng tượng được người ta sẽ đưa tin như thế nào nếu ai đó định bắn bà Hillary Clinton? Điều tương tự cũng có thể đã diễn ra với Tổng thống Barack Obama trong mùa hè 2008. Các câu hỏi sẽ được đưa lên tranh luận trên truyền hình trong nhiều tuần về con quỷ ẩn náu trong tim của mỗi người, và vì sao một số người làm mọi việc để ngăn chặn việc bỏ phiếu cho một tổng thống da màu hoặc nữ tổng thống đầu tiên".

"Nhưng khi ai đó lên kế hoạch suốt hơn một năm để giết hại ông Trump, di chuyển sang nước ngoài để tìm kiếm cơ hội và sau đó triển khai âm mưu, nó chỉ khiến mặt hồ truyền thông khẽ gợn sóng", trang này viết.(VNEX)


Đức kêu gọi Nga báo cáo quân số

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 26-6 kêu gọi Nga báo cáo về quân số cũng như sự chuyển quân của nước này.
bo truong quoc phong duc ursula von der leyen tham bo binh nuoc nay. nguon: sputnik

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm bộ binh nước này. Nguồn: Sputnik

“Nếu cả NATO và Nga đều công khai báo cáo về hoạt động chuyển quân cũng như quân số của từng bên theo khuôn khổ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thì đây là điều thông minh. NATO đã đề xuất như vậy từ rất lâu” – bà Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild.

Theo Sputnik, bộ trưởng Quốc phòng Đức đã ủng hộ chiến lược của NATO nhằm đáp trả các hành động gây hấn từ Nga.

Bà cũng nhấn mạnh rằng cần phải cải thiện mối quan hệ với Nga, song khẳng định rằng Moscow cũng phải tuân thủ các quy định quốc tế. “Ít nhất hai bên cần phải đối thoại” – Ngoại trưởng Đức nói.

Kể từ năm 2014, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước Đông Âu xung quanh Nga với lý do cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc và cảnh báo rằng việc tăng cường quân sự dọc biên giới Nga là hành động khiêu khích.


IS bắt cóc 900 người Kurd để làm lá chắn sống

Chiến binh IS được cho là đã bắt cóc hàng trăm thường dân người Kurd ở thành phố Aleppo, Syria nhằm trả đũa.
chien binh is. anh: corbis

Chiến binh IS. Ảnh: Corbis

Theo Telegraph, hơn 900 người Kurd bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đi từ các làng xung quanh al-Bab trong ba tuần qua, như một đòn trả đũa trước cuộc tấn công do người Kurd dẫn đầu vào thành trì của IS ở Manbij.

Các chiến binh đã càn quét các ngôi nhà trong khu phố Arab, Qabaseen và Nairabiyeh, chủ yếu bắt nam giới nhưng cũng bắt một số phụ nữ và trẻ em, theo các quan chức người Kurd.

"Bất cứ khi nào IS bị đánh bại, họ đều trả đũa vào dân thường", Sherfan Darwish, phát ngôn viên của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), cho biết.

SDF là liên minh các lực lượng dân quân người Kurd YPG và các nhóm vũ trang Arab được Mỹ hậu thuẫn. Họ đang tấn công vào thành phố chiến lược Manbij ở phía bắc Syria.

IS đã gặp tổn thất lớn tại Manbij, với ít nhất 458 chiến binh thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 31/5.

Ông Darwish cho biết một số con tin của IS bị ép phải đào hầm trong khu vực nhóm kiểm soát, trong khi những người khác bị giam cầm trong một nhà tù. Ông Darwish nói tất cả nam giới trên 12 tuổi tuổi đều bị đưa tới tiền tuyến. 

"Nhóm khủng bố đưa dân thường đến các mặt trận ở miền bắc Syria để sử dụng họ làm lá chắn sống, để nói rằng quân SDF do phương Tây hậu thuẫn đang giết thường dân vô tội", Muhammad Kalo, một nhà hoạt động địa phương, nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục