Một Hội nghị quốc tế theo “mô hình Geneva” có thể là giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó Mỹ, ASEAN… là những lực lượng đi đầu.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 25-02-2016
- Cập nhật : 25/02/2016
Đại sứ Mỹ tại ASEAN: Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng khu vực
Mỹ, Trung tiến gần đến thỏa thuận trừng phạt Triều Tiên
Ngày 23-2 (sáng 24-2 giờ VN), Mỹ và Trung Quốc cho biết đã đạt được bước tiến trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc để tăng cường cấm vận Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo ở Washington - Ảnh: Reuters
Theo AFP, sau cuộc hội đàm ở Washington DC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố các quan chức còn đang đánh giá dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trước khi trình lên Hội đồng Bảo an LHQ.
Tuy nhiên cả hai khẳng định không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cho rằng dự thảo nghị quyết đủ mạnh để buộc chính quyền Bình Nhưỡng phải xem xét lại chiến lược của nước này.
“Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ cần thiết trong cuộc đàm phán và có khả năng sẽ đạt một thỏa thuận về dự thảo nghị quyết trong tương lai gần” - ông Vương Nghị cho biết.
Cả ông Vương và ông Kerry đều nhấn mạnh mục tiêu của nghị quyết không phải leo thang căng thẳng, mà để thuyết phục Bình Nhưỡng nối lại đàm phán để chấm dứt chương trình hạt nhân.
Ông Kerry mô tả một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân có thể đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc rất muốn Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên Bắc Kinh lo ngại cấm vận quá ngặt nghèo có thể khiến chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.
Nếu viễn cảnh đó xảy ra, Trung Quốc sẽ đánh mất vùng đệm ngăn chặn lực lượng liên quân Mỹ - Hàn áp sát biên giới Trung Quốc.
Mới đây, tướng Curtis Scaparrotti, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cảnh báo chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để bảo vệ chế độ.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo, Washington có thể sẽ phải tính toán một phương án quân sự.
Trung Quốc đổ lỗi Philippines gây rối biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 23-2 lớn tiếng cáo buộc Philippines mới là nước gây căng thẳng ở biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ John Kerry ở thủ đô Washington, ông Vương cho rằng Philippines “chính xác là quốc gia vi phạm các quy định tại Điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cũng là nước đã hủy bỏ đối thoại, đàm phán trực tiếp vớiTrung Quốc”.
Ông Vương cho rằng đó là hành động “đáng tiếc và thiếu khôn ngoan” của Manila. Nhà ngoại giao này còn mạnh miệng kêu gọi các bên liên quan, trong đó có cả Mỹ và Philippines, không thực hiện hành vi do thám quân sự, gửi tàu khu trục tên lửa và máy bay ném bom chiến lược tới biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc họp báo hôm 23-2. Ảnh: AP
Những lời lẽ nói trên không đủ che đậy thực tế rằng chính Trung Quốc mới là nước có một loạt hành động đơn phương sai trái ở quần đảo Hoàng Savà Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam), khiến tình hình biển Đông leo thang căng thẳng.
Tại buổi điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện hôm 23-2, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cáo buộc Trung Quốc có mưu đồ thống trị Đông Á bằng cách triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hệ thống radar mới trên bãi Đá Châu Viên và xây đường băng trên bãi Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, ông Vương vẫn tiếp tục bao biện cho hành động sai trái của Bắc Kinh khi cho rằng “không nên nhìn vào các loại radar mà Trung Quốc có thể triển khai trên các đảo nhân tạo mà phải nhận thức được trong những thập kỷ gần đây, một số nước đã chiếm đóng trái phép các rạn san hô của Trung Quốc và quân sự hóa trên quy mô lớn, không chỉ radar mà còn tên lửa và pháo binh”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ muốn Trung Quốc chấm dứt hoạt động mở rộng và quân sự hóa các đảo nhân tạo xây phi pháp tại biển Đông. Ông nói: “Có tên lửa, máy bay chiến đấu, súng, pháo binh và những thứ khác đã được (Bắc Kinh) triển khai tới biển Đông”.
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc không đồng thuận về Biển Đông
Không có một tiếng nói đồng thuận nào về vấn đề Biển Đông được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng John Kerry (phải) và Vương Nghị - Ảnh: Reuters
Căng thẳng Mỹ - Trung về Biển Đông không có dấu hiệu giảm xuống sau cuộc gặp tại Washington giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry với người đồng cấp từ Trung Quốc, ông Vương Nghị.
450 ca dị tật bẩm sinh vì thuốc chống động kinh ở Pháp
Ngày 24-2, cơ quan y tế Pháp tiết lộ một loại thuốc chống động kinh phổ biến đã gây dị tật bẩm sinh ở 450 trẻ sơ sinh tại nước này.
Theo AFP, giám đốc Y tế Pháp Benoint Vallet cho biết khoảng 425-450 trẻ sơ sinh ở Pháp bị dị tật bẩm sinh vì tác dụng của loại thuốc chống động kinh valproate có tên thương mại là Depakine. Một số trẻ sơ sinh đã thiệt mạng sau khi ra đời.
Giám đốc Vallet thông báo từ ngày 1-3 tới, Depakine khi được bán ngoài thị trường sẽ được in cảnh báo về nguy cơ dẫn tới dị tật ở trẻ sơ sinh trên hộp thuốc.
Trên thực tế, trước đó nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo về nguy cơ thuốc Depakine gây dị tật bẩm sinh, bao gồm cả nguy cơ tự kỷ và chậm phát triển trí não.
Năm 2014, một báo cáo của châu Âu cũng cảnh báo nguy cơ do thuốc Depakine gây ra. Báo cáo kêu gọi các bác sĩ không nên kê toa loại thuốc này cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 - 49, hoặc phụ nữ đang có thai, trừ khi mọi liệu pháp chữa trị khác không có hiệu quả.
Ở Pháp, loại thuốc này còn được dùng để chữa trị bệnh rối loạn lưỡng cực. Đại gia dược Sanofi đã bán thuốc Depakine ở Pháp từ năm 1967. Ngoài ra thuốc còn được bán phổ biến ở 120 quốc gia trên toàn thế giới và có cả thuốc phiên bản.