Các chuyên gia chính trị quốc tế nhận định với việc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã lộ rõ ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh 25-02-2016
- Cập nhật : 25/02/2016
Trung Quốc đưa gần 10 máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm
Trung Quốc (TQ) vừa triển khai một số máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang tranh chấp và kiểm soát trái phép, hãng tin Fox News (Mỹ) ngày 23-2 dẫn lời hai quan chức Mỹ không nêu tên.
Theo một quan chức thì số máy bay khoảng dưới 10 chiếc. Tình báo Mỹ đã phát hiện hai máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 tại đảo Phú Lâm một vài ngày trước.
Fox News nhận định động thái này chứng tỏ TQ muốn gia tăng sự mất ổn định lên biển Đông vốn đã rất căng thẳng.
Đảo Phú Lâm là nơi TQ vừa triển khai hai tên lửa đất đối không HQ-9 như Fox News đã độc quyền đưa tin tuần trước, thời điểm Tổng thống Mỹ Obama và 10 lãnh đạo ASEAN đang hội nghị lại Mỹ.
Trước đây TQ từng triển khai máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm. Tháng 11-2015, truyền thông TQ công khai hình ảnh một số máy bay Thẩm Dương J-11 trên đảo Phú Lâm.
Phản ứng trước sự việc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Curis Wilbur tuần tra biển Đông. Cuối năm 2015, Mỹ triển khai một số máy bay ném bom B-52 và tàu chiến thực hiện một cuộc tập trận tự do lưu thông hàng hải bất chấp sự phản đối và đe dọa của Mỹ.
Tuy nhiên, đợt triển khai này là lần đầu tiên kể từ khi TQ đưa máy bay thương mại đến kiểm tra đường băng mới xây dựng trên đảo Phú Lâm.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22-2, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS - Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy TQ đã lắp đặt hệ thống radar ở bốn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (đá Gaven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Châu Viên).
Hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Mỹ ngày 23-2, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố TQ hy vọng Mỹ chấm dứt các chuyến bay quân sự và tuần tra của tàu hải quân Mỹ ở biển Đông.
Đáp lời, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ muốn TQ chấm dứt quân sự hóa biển Đông, vì động thái này không giúp giải quyết tranh chấp biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trông rất căng thẳng trong cuộc họp báo chung tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23-2. (Ảnh: GETTY IMAGES)
Chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ của ông Vương Nghị dự kiến diễn ra trong ngày 23-2 nhưng cuối cùng bị hủy, chưa rõ bên nào hủy và nguyên nhân hủy. Trả lời Fox News cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook do lịch trình khó sắp xếp.
Điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ trong ngày 23-2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris cho rằng TQ rõ ràng đang quân sự hóa biển Đông.
Hàn Quốc cảnh báo sẽ khiến Triều Tiên phải 'ân hận'
Yonhap dẫn một tuyên bố của hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết sẽ khiến Triều Tiên phải trả giá bằng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu nước này tiếp tục các hành động khiêu khích.
"Nếu Triều Tiên phớt lờ các lời cảnh báo, chúng ta sẽ khiến họ phải cảm thấy ân hận sâu sắc bằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ", JCS khẳng định.
JCS cũng nhấn mạnh rằng phía Triều Tiên sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả của các hành động mang tính khiêu khích của họ.
Ngày 23/2, quân đội Triều Tiên lên án các cuộc tập trận chung của quân đội Hàn Quốc và Mỹ, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3/2016, đồng thời đe dọa thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào phủ tổng thống Hàn Quốc và các cơ sở quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng tuyên bố sở hữu "những biện pháp tấn công tối tân và uy lực nhất thế giới", đủ khả năng "giáng đòn chí mạng lên lãnh thổ Mỹ vào bất cứ lúc nào".
Bất chấp Trung Quốc, Hàn Quốc quyết dùng tên lửa Mỹ
Ngày 24-2, chính quyền Hàn Quốc bác bỏ cảnh báo của Trung Quốc rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên có thể đe dọa quan hệ Seoul - Bắc Kinh.
Theo AFP, người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc Jeong Yeon-Guk khẳng định: “Việc triển khai hệ thống THAAD là biện pháp phòng thủ để đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang ngày càng trở nên nghiêm trọng từ Triều TIên”.
Hệ thống THAAD có thể bắn tên lửa đánh chặn tên lửa của kẻ thù ở trong hoặc bên ngoài bầu khí quyển.
Một số chuyên gia quân sự nhận định điều Trung Quốc lo sợ nhất chính là hệ thống radar của THAAD có thể phát hiện ra tên lửa đạn đạo nước này bắn đi nhắm tới Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Jeong nhấn mạnh: “Đây là vấn đề được quyết định theo tình hình an ninh và lợi ích quốc gia Hàn Quốc. Trung Quốc sẽ phải chấp nhận luận điểm này”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong cảnh báo việc Mỹ đưa hệ thống THAAD tới Hàn Quốc có thể “phá hủy” quan hệ song phương Seoul - Bắc Kinh.
Lo ngại lá chắn THAAD sẽ làm giảm sức mạnh tên lửa của nước này nên trong những ngày qua Bắc Kinh liên tục đòi Seoul hủy bỏ kế hoạch tiếp nhận lá chắn THAAD. Thậm chí các quan chức Trung Quốc còn dùng mối quan hệ thương mại đang phát triển giữa hai nước để gây sức ép lên chính quyền Hàn Quốc.
Các lãnh đạo Đảng Saenuri cầm quyền tại Hàn Quốc chỉ trích Trung Quốc đã phớt lờ chủ quyền và an ninh quốc gia Hàn Quốc khi phản đối kế hoạch THAAD.
“Việc triển khai THAAD là vấn đề lợi ích quốc gia và sự an toàn của người dân Hàn Quốc” - nghị sĩ Saenuri Won Yoo-Chul mô tả.
Ông chỉ trích lời phản đối của Đại sứ Trung Quốc Qiu là “thô lỗ, vô lý và hoàn toàn không tôn trọng chủ quyền và an ninh của Hàn Quốc”.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc đàm phán với Seoul và Washington về kế hoạch triển khai lá chắn THAAD ở bán đảo Triều Tiên sẽ chính thức bắt đầu vào tuần tới.
Đô đốc Mỹ: Trung Quốc rắp tâm thống trị Đông Á
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng biển Đông bằng việc triển khai tên lửa và radar tới đảo nhân tạo trái phép nhằm một mục tiêu xa hơn: Thống trị khu vực Đông Á.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 23-2, Đô đốc Harris cho biết ông tin rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), hệ thống radar mới trên bãi Đá Châu Viên và xây đường băng trên bãi Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa (cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam) là hành động cho thấy Bắc Kinh "rõ ràng đang thay đổi hiện trạng biển Đông".
Trước cuộc họp tại Washington giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry diễn ra cùng ngày 23-2, ông Harris lên án hành động của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Khi được hỏi về mục đích của Bắc Kinh, ông Harris trả lời: “Tôi tin Trung Quốc đang muốn thực hiện mộng bá quyền ở khu vực Đông Á”.
Đô đốc Harris cũng cho biết các tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc có khả năng đe dọa tàu sân bay Mỹ nhưng Washington sẽ chủ động phản ứng nếu gặp nguy hiểm. Ông Harris cũng ủng hộ Không quân và Hải quân Mỹ tuần tra thường xuyên biển Đông để khẳng định quyền thực thi tự do hàng hải và hàng không.
Cũng tại cuộc điều trần này, nhiều quan chức Mỹ lên tiếng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama chưa thể ngăn chặn lối hành xử cưỡng ép của Bắc Kinh tại biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tự do hàng hải trong khu vực.
Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại ủy ban trên, ông Jack Reed, đánh giá Trung Quốc không hề có ý định đóng vai trò là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tại một cuộc họp báo sau đó cùng ngày với ông Kerry, ông Vương khẳng định không có vấn đề gì xảy ra với tự do hàng hải và Trung Quốc cùng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đủ sức duy trì sự ổn định ở biển Đông.
Đáp lại, vị ngoại trưởng Mỹ bày tỏ sự đáng tiếc về việc Trung Quốc triển khai tên lửa,máy bay chiến đấu và khí tài quân sự ở vùng biển này.
Hôm 23-2, đài Fox News đưa tin Bắc Kinh đã triển khai “dưới 10 máy bay chiến đấu” Shenyang J-11 và Xian JH-7 tới đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), hơn 1 tuần sau khi nước này tập kết hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 ở đây. Đây không phải lần đầu Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ đến Phú Lâm song vào thời điểm hiện nay, điều này rõ ràng là có tính toán.
Nổ làm sập nhà máy điện ở Anh
Theo The Sun, các nhân chứng hoảng sợ khẳng định đã nghe thấy tiếng nổ lớn phá hủy một phần nhà máy điện Didcot ở hạt Oxfordshire, đông nam Anh và làm rung chuyển các tòa nhà xung quanh vào khoảng 16h ngày 23/2.
Phần lớn số người gặp nạn là các công nhân đang chuẩn bị phá hai lò hơi.
"Việc giải cứu người đang được gấp rút thực hiện, đã có một người tử vong, 5 người nhập viện và ba người mất tích", Mat Carlile, giám đốc khu vực của phòng cứu hỏa Oxfordshire cho biết.
Nhà máy điện bị đóng cửa ba năm trước và ba tháp làm lạnh đã bị phá hủy.
Một nhân chứng viết trên Facebook: "Tôi vừa rời khỏi chỗ làm và đi bộ về nhà thì nghe một tiếng nổ như sấm rồi bụi bay mù mịt khắp nơi"."Tôi cũng nghe tiếng nổ đùng, đùng và một số người còn nhìn lên trời xem chuyện gì đang xảy ra", một người bổ sung.
"Hiện tại chúng tôi vẫn xem đây là vụ sập nhà máy, không phải vụ nổ có kế hoạch, nhưng rõ ràng đã có tiếng nổ lớn", theo Rodney Rose, phó hội đồng quản hạt Oxfordshire.
Ảnh hiện trường cho thấy khu A của nhà máy nhiệt điện Didcot sụp đổ hoàn toàn.
"Tòa nhà của chúng tôi rung chuyển và khi nhìn ra cửa sổ thì gian tuabin chính đã sụp xuống đất khiến bụi bốc lên mù mịt", David Cooke, người làm ở công ty đông lạnh Thames Cryogenics có tòa nhà đối diện nhà máy điện cho biết.
Cảnh sát đã được gọi tới hiện trường cùng 6 xe cứu thương và hai máy bay cứu thương. Lực lượng chức năng đang tích cực dọn dẹp đống đổ nát và điều tra nguyên nhân sự việc.