Myanmar phóng thích hàng loạt tù nhân chính trị
Mỹ: Chính Trung Quốc đẩy các nước láng giềng đến gần Mỹ
Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Nhật không bàn Biển Đông ở G7
Hồ sơ Panama: Thủ tướng Anh bị áp lực từ chức
ASEAN - Trung Quốc hợp tác chống khủng bố
Tin thế giới đọc nhanh chiều 22-10-2015
- Cập nhật : 22/10/2015
Trung Quốc đe dọa đáp trả nếu tàu chiến Mỹ tiến vào Trường Sa
Trong một bài xã luận, Tân Hoa xã cho rằng các vụ tuần tra của Hải quân Mỹ gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng", có thể làm căng thẳng leo thang và kéo theo những "hiểu lầm nguy hiểm" giữa quân đội hai nước.
Tân Hoa xã không ngần ngại lớn tiếng cảnh cáo Mỹ rằng bất kỳ hành động tuần tra nào như vậy sẽ buộc Trung Quốc phải đối phó "một cách thích hợp và dứt khoát" vì đó là những hành vi khiêu khích.
Theo giới phân tích, giọng điệu gay gắt của Tân Hoa xã phản ánh thái độ lo ngại của Trung Quốc trước việc Mỹ ngày càng tỏ rõ quyết tâm cho tàu áp sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở Trường Sa.
Sau giới chức quân sự và quốc phòng, Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 19/10 cũng đã xác nhận chiến dịch tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp tại Trường Sa.
Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường các hoạt động tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường sa, tiến hành các hoạt động hiếu chiến với các bên có tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam và Philippine tạo ra sự căng thẳng về ngoại giao và làm gia tăng phản ứng tiêu cực từ công luận.
Việc Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động khiêu khích các quốc gia láng giềng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và có thể gây ra thảm họa môi trường, đe dọa các nguồn tài nguyên biển, sự đa dạng sinh học biển, đồng thời tạo ra các mối đe dọa lâu dài đối với các rạn san hô đẹp vào bậc nhất thế giới tại Biển Đông.
Tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đều tiến hành các hoạt động tôn tạo tại các khu vực mình kiểm soát. Tuy nhiên, quy mô tôn tạo và xây dựng của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với tổng diện tích tôn tạo của các nước còn lại cộng lại.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định các hoạt động của tôn tạo không ảnh hưởng tới an ninh, môi trường sinh thái biển nhưng các bằng chứng khoa học chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.(Theo Vietnam+)
Nga có thể dùng chiến thuật 'chia để trị' với IS
Sau ba tuần ném bom liên tục vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Nga đang xem xét triển khai chiến thuật mới nhằm tối đa hóa hiệu quả không kích, trang mạng quốc phòng Réseau International của Pháp ngày 20/10 cho hay.
Trước tình trạng nhiều căn cứ, kho tàng bị chiến đấu cơ Nga phá hủy, phiến quân IS đối phó bằng cách phân tán lực lượng thành từng nhóm nhỏ, ẩn mình trong các khu dân cư. Chúng sử dụng xe bán tải có tính cơ động cao để di chuyển và tiếp tế vũ khí, nhiên liệu giữa các căn cứ, khiến việc lần theo dấu vết của phiến quân khó khăn hơn.
Theo các chuyên gia quân sự Pháp, để nâng cao hiệu quả không kích, Nga có thể triển khai kế hoạch phân vùng, cô lập phiến quân IS vào từng khu vực riêng biệt, rồi sử dụng bom và tên lửa có độ chính xác cao để tiêu diệt phiến quân một cách nhanh chóng.
Các chỉ huy quân sự Nga có thể chia lãnh thổ phiến quân đang kiểm soát thành các phân khu riêng biệt theo hai lớp nhiệm vụ cụ thể: trinh sát và không kích.
Đối với lớp nhiệm vụ trinh sát, lãnh thổ do phiến quân chiếm giữ sẽ được chia thành 20 - 28 "phân khu nhỏ" với kích thước từng phân khu là 50 x 30 km. Mỗi phân khu sẽ có một máy bay trinh sát tầm cao liên tục quần thảo để tìm dấu vết của IS. Như vậy Nga phải điều sang Syria thêm 10 máy bay trinh sát không người lái Dozor 600 có khả năng hoạt động liên tục trong 24 giờ.
Đối với lớp nhiệm vụ không kích, địa bàn được chia thành 5-7 "phân khu lớn", mỗi phân khu lớn bao gồm 4 phân khu nhỏ. Nhiệm vụ không kích trong từng phân khu lớn sẽ được giao cho từng nhóm chiến đấu cơ cụ thể.
Mỗi khi máy bay trinh sát phát hiện dấu vết của phiến quân ở phân khu nhỏ, thông tin lập tức được truyền đến các chiến đấu cơ trực chiến tại phân khu lớn. Thời gian từ lúc phát hiện phiến quân đến lúc các chiến đấu cơ xuất kích sẽ không quá 5 phút, thay vì 15 phút như trong thời gian vừa qua.
Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Pháp, với chiến thuật "phân vùng" mới, mỗi chiến đấu cơ Nga có thể thực hiện 4 - 8 lượt không kích mỗi ngày nhằm vào các mục tiêu cách xa nhau 40 - 50 km. Với 50 chiến đấu cơ hiện có ở Syria, Nga có thể nâng cường độ không kích lên 300 lượt mỗi ngày.
Trung Quốc điều tra cha đẻ công nghiệp áo giáp
Chu Quốc Thái, 66 tuổi, từng là phó chủ nhiệm bộ phận vật tư và nhiên liệu thuộc Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc trước khi về hưu. Cơ quan chống tham nhũng của tổng cục điều tra Chu vì nghi ngờ ông "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", tờ PLA Daily cho biết. Các công tố viên quân đội đã tiếp nhận vụ việc.
Chu bị điều tra sau khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc cử các đội thanh tra tới trụ sở 4 tổng cục, trong đó có hậu cần, làm việc vào cuối tháng trước. Cục hậu cần bị kiểm soát chặt chẽ trong chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm nhổ tận gốc tham nhũng trong quân đội.
Chu được coi là "cha đẻ của áo giáp Trung Quốc". Ông dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu đồ bảo vệ. Loại áo giáp này được sử dụng trong quân đội và cảnh sát Trung Quốc, xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, trong đó có Mỹ. Chu nhận nhiều giải thưởng và trở thành thành viên Học viện Kỹ thuật Trung Quốc năm 1999.
Chu gia nhập quân đội từ năm 1968, đi lên từ vị trí lính gác tại Tổng cục Hậu cần ở Bắc Kinh. Ông sau đó chuyển sang căn cứ thử nghiệm bom nguyên tử ở tỉnh miền tây Tân Cương, nhận nhiệm vụ chăm sóc chó dùng trong thử nghiệm phóng xạ. Đây cũng là lúc ông quyết định chuyển sang nghiên cứu áo giáp.
"Nếu chưa trải nghiệm thì bạn sẽ không thể hiểu được mức độ tàn khốc của chiến tranh. Đó là lý do tôi muốn nghiên cứu (áo giáp). Người khác nghiên cứu 'mâu', tôi muốn nghiên cứu 'thuẫn' để bảo vệ nhân loại", ông nói, nhắc đến vũ khí giáo và khiên trong chiến trận xưa.
Mỹ ra tối hậu thư buộc Iraq chọn Mỹ hoặc Nga giúp chống IS
Mỹ vừa ra yêu cầu với các nhà lãnh đạo Iraq rằng họ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục nhờ sự hỗ trợ hiện nay của Mỹ hay là nhờ quân đội Nga can thiệp trong cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tại New York trong cuộc họp của Đại hội đồng LHQ tháng 9 vừa qua - Ảnh: Reuters
Theo CBS, ngày 20-10, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cho biết phía Iraq đã cam kết sẽ không yêu cầu bất cứ đợt không kích hay hỗ trợ nào khác từ phía Nga trong cuộc chiến chống IS.
Ngay sau khi rời Baghdad, ông Dunford nói với các phóng viên đi cùng, trong cuộc gặp với thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi, và bộ trưởng quốc phòng Khaled al-Obeidi, ông đã “lật bài ngửa” lựa chọn này với họ.
Ông Dunford nói: “Tôi đã nói sẽ rất khó để chúng tôi có thể giúp những việc họ cần nếu người Nga cũng đang tiến hành các hoạt động quân sự tại đây. Chúng tôi sẽ không thể triển khai các hoạt động quân sự nếu người Nga cũng làm như thế tại Iraq ở thời điểm này”.
Ông Dunford cũng cho biết phía Mỹ rất không hài lòng khi có nguồn tin truyền thông cho biết ông al-Abadi tuyên bố hoan nghênh việc Nga không kích tại Iraq.
Ông nói “không thể có một quan hệ với Nga ngay lúc này trong bối cảnh tình hình của Iraq”.
Việc ông Dunford đưa ra đề nghị lựa chọn với ông Abadi tại Iraq ngày 20-10 là dấu hiệu rõ rệt cho thấy Mỹ sẽ không chấp nhận cạnh tranh với Nga trên không phận của hai quốc gia láng giềng với nhau tại Trung Đông.
Hãng tin Reuters cho rằng, tối hậu thư Mỹ gửi tới Iraq lần này sẽ đặt ông Abadi vào thế khó. Bởi lẽ ở trong nước các đảng liên minh chính trị của Abadi và một số tổ chức có uy thế của người Shiite đang hối thúc ông này đề nghị Nga hỗ trợ không kích.
Một hãng thông tấn cho biết một đề xuất về việc nhờ Nga hỗ trợ không kích đã được trình lên ông Abadi tuần trước nhưng ông vẫn chưa hồi đáp.
Tối hậu thư Mỹ đưa ra với Iraq trong lúc quân đội Nga đang thắng thế tại chiến trường Syria, quốc gia nằm giáp ngay phía tây Iraq.
Trong khi đó, chuyến thăm của tổng thống Syria Assad tới Matxcơva ngày 21-10 được biết là chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông Assad kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Syria năm 2011. Ông tới để gặp và trực tiếp cảm ơn ông Putin vì đã hỗ trợ quân sự tại Syria.
Báo chí Mỹ thậm chí còn bình luận, những bức ảnh chụp về cuộc gặp gỡ giữa ông Assad và ông Putin cho thấy nhà lãnh đạo Syria lần đầu tiên mỉm cười sau rất nhiều năm không hề có nét rạng rỡ nào trên gương mặt.
Ông Joe Biden tuyên bố rời cuộc đua vào Nhà Trắng
Ngày 21-10, phó tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tuyên bố ông sẽ không ứng cử trong đợt bầu cử tống thống Mỹ năm 2016.
Theo Foxnews, tuyên bố của ông Biden đã chấm dứt những đồn đoán nhiều tháng qua về việc này. Phát biểu tại Rose Garden khi đứng bên vợ ông là bà Jill và tổng thống Obama, ông Biden cho biết cánh cửa cơ hội đến với chiến thắng trong cuộc đua này của ông “đã khép lại”.
Ông cũng cân nhắc về quyết định này suốt từ mùa hè rồi, nhưng vì biến cố lớn là sự ra đi của con trai ông, Beau Biden, vì bệnh ung thư não, và một số vấn đề khác nên ông đã tuyên bố lựa chọn cuối cùng vào ngày 21-10.
Quyết định “bỏ cuộc chơi” của ông Biden có vẻ như sẽ góp phần làm tăng thêm lợi thế cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà Trắng.
Sau thông tin ông Biden chính thức công bố, bà Hillary chia sẻ trên tài khoản Twitter: “Phó tổng thống là một người bạn tốt và là một người đàn ông tuyệt vời. Hôm nay và lúc nào cũng vậy, luôn truyền cảm hứng cho người khác từ tinh thần lạc quan và sự tận tụy của ông trong việc đưa thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Trên thực tế, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Joe Biden rất cao. Theo kết quả một cuộc thăm dò do Đại học Monmouth thực hiện và công bố tuần này, có 17% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ ông Biden trở thành tổng thống.
Trong tương quan so sánh, ông Biden chỉ kém hai ứng cử viên của đảng Dân chủ là thượng nghị sỹ Bernie Sanders (21%) và bà Hillary Clinton (48%).
Một điều tra gần đây của Fox News cũng cho thấy nếu so với về tương quan ủng hộ, ông Biden có thể đánh bại tất cả các ứng cử viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa.