tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 24-10-2015

  • Cập nhật : 24/10/2015

Putin lệnh thay đổi chiến lược an ninh quốc gia

Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định thay đổi chiến lược an ninh quốc gia trước thời điểm cuối năm 2015. 
tong thong nga vladimir putin. anh: rianovosti

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIANovosti

"Tổng thống quyết định sửa lại chiến lược an ninh quốc gia để đảm bảo tiếp nối chính sách nhà nước trong phạm vi an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược quốc gia", Moscow Times dẫn cơ quan báo chí của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết. 

Bản sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia Nga sẽ giúp nước này không bị cách biệt với phần còn lại của thế giới và vạch ra chính sách đối ngoại chủ động tích cực, Sputnik News dẫn hội đồng này cho hay. Bản sửa đổi chiến lược sẽ được trình lại cho ông Putin xét duyệt trước khi năm 2015 khép lại. 

Dù hiện chưa rõ chính xác điều ông Putin dự định thay đổi, nhưng những lần sửa đổi các học thuyết quân sự trong năm qua cho thấy Nga coi liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những mối đe dọa an ninh chính của nước này. 

Luật của Nga yêu cầu cập nhật chiến lược an ninh quốc gia 6 năm một lần. Phiên bản hiện tại được ông Putin thông qua ngày 12/5/2009. Tài liệu an ninh quốc gia được sửa đổi gần đây nhất là học thuyết hải quân, trong đó cập nhật nhằm ưu tiên tăng cường hiện diện của Nga tại các khu vực chiến lược, chủ yếu là Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.  

Tháng 12/2014, Putin thông qua việc sửa đổi học thuyết quân sự tổng thể của Nga, trong đó cho rằng việc mở rộng của NATO về phía các biên giới của Nga là mối đe dọa chính với an ninh quốc gia nước này. 


Tổng thống Obama phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng 612 tỷ USD

tong thong obama phu quyet du luat ngan sach quoc phong 612 ty usd

Tổng thống Obama phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng 612 tỷ USD

Đây là lần hiếm hoi Tổng thống Obama thể hiện công khai việc phủ quyết một dự luật.

Ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức phủ quyết dự luật quốc phòng trị giá 612 tỷ USD, đưa dự luật này trở lại Quốc hội. Ông Obama phản đối việc dự luật cho phép sử dụng tiền dùng để chi tiêu cho chiến tranh nhằm né tránh các biện pháp cắt giảm ngân sách tự động đối với các chương trình quân sự.

Ông Obama cũng cho biết ông không đồng tình với các điều khoản trong Dự luật ủy quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) bởi dự luật sẽ làm hạn chế khả năng của ông trong việc đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo trước khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Người đứng đầu Nhà Trắng và các nghị sỹ Dân chủ mong muốn một thỏa thuận ngân sách rộng hơn có thể giải quyết được vấn đề cắt giảm chi tiêu thay vì chỉ cấp thêm ngân sách cho Lầu Năm Góc.

Đây là lần hiếm hoi Tổng thống Obama thể hiện công khai việc phủ quyết một dự luật. Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng hòa tuyên bố sẽ chống lại phủ quyết của Tổng thống. Theo quy định, Hạ viện sẽ xem xét phủ quyết của Tổng thống trước khi chuyển cho Thượng viện. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 5/11.

Trung Quốc thử nghiệm vũ khí mới

Tap chí Quân sự IHS Jane’s ngày 21/10 đưa tin Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm khí cầu mang tên Yuanmeng ở môi trường cận vũ trụ, khoảng giữa 20 km tới 100 km trong bầu khí quyển, trong thời gian kéo dài 48 giờ.

hinh minh hoa cho khi cau yuanmeng (anh: thediplomat)

Hình minh họa cho khí cầu Yuanmeng (Ảnh: TheDiplomat)

Khí cầu Yuanmeng đã bay lên đến độ cao 20km trong bầu khí quyển ở khu vực thử gần Xilinhot tại Nội Mông. Sau khi đạt được độ cao nhất định, khí cầu này đã sử dụng năng lượng mặt trời để ba động cơ cánh quạt hoạt động.

Khí cầu Yuanmeng của Trung Quốc là một trong những khí cầu chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo tạp chí Popular Science, khí cầu này chứa 18.000 m3, dài 75m và cao 22m.

Trong lần thử nghiệm này, khí cầu đã mang theo lô hàng hóa nặng khoảng từ 5-7 tấn, bao gồm hệ thống đường truyền Internet băng rộng, hệ thống truyền phát dữ liệu, hệ thống giám sát không gian và hệ thống chụp ảnh trên không. Đây đều là những hệ thống có khả năng hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Một nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án trả lời tờ Want China Times của Đài Loan cho biết khí cầu Yuanmeng được làm bằng vật liệu siêu nhẹ có khả năng chịu được áp lực lớn và trang bị tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả cao, cũng như các hệ thống điện tử nhẹ.

“Thách thức lớn nhất hiện nay với khí cầu Yuanmeng là khả năng hoạt động trong thời điểm thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm”, một nhà khoa học khác trả lời trên trang điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo.

Khí cầu Yuanmeng do Công ty Công nghệ Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh và Khoa Vũ trụ Hàng không của Đại học Bắc Kinh thiết kế và phát triển. Khí cầu này được phát triển phục vụ mục đích dân sự như theo dõi thời tiết, đánh giá về các vụ mùa và hỗ trợ các chương trình tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, theo một bài báo của Trung Quốc được tạp chí Jane’s trích dẫn cho rằng “từ góc nhìn an ninh quốc gia, các khí cầu có khả năng hoạt động ở khu vực cận vũ trụ mang tới lợi thế rõ rệt cho các hệ thống cảnh báo sớm, hỗ trợ hệ thống liên lạc trên biển và tham gia công tác chuẩn bị cho các cuộc tấn công”.

Ví dụ nếu xảy ra cuộc xung đột trong tương lai khi mà các hệ thống vệ tinh liên lạc của Trung Quốc bị khóa hoặc những vệ tinh này bị phá hủy bởi các loại vũ khí của đối phương, khí cầu  Yuanmeng có thể trở thành một trung tâm liên lạc cho các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

Theo tờ Popular Science, hoạt động trên khu vực cận vũ trụ cho phép khí cầu có tầm nhìn rõ ràng trên mọt khu vực rộng lớn, điều rất quan trọng cho các hệ thống radar và vệ tinh theo dõi. Tăng khả năng theo dõi đồng nghĩa với việc tăng thời gian cảnh báo sớm những mối đe dọa “tàng hình” như tên lửa đạn đạo, qua đó cho phép các lực lượng của quân đội Trung Quốc sớm phát hiện và bắn hạ những mối đe dọa như vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không có khó thể bắn được các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trung Quốc nhờ khả năng cảnh báo sớm từ khí cầu Yuanmeng.

Dù khí cầu Yuanmeng dễ dàng bị tấn công bởi các tên lửa hoặc những loại vũ khí chống vệ tinh, nhưng với hệ thống cảm biến, khí cầu này có thể được Trung Quốc sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm trong một cuộc chiến công nghệ cao trong tương lai. Cụ thể, khí cầu Yuanmeng sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng chống tiếp vận và phát hiện sớm ra các tên lửa, máy bay tàng hình hay tàu chiến của đối phương.


Ukraine kiện Nga lên WTO liên quan đến nhập thiết bị đường sắt

Reuters dẫn thông báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết Ukraine đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Nga hạn chế nhập khẩu các thiết bị đường sắt do Kiev sản xuất.

Theo một tuyên bố của WTO, Ukraine khiếu kiện rằng từ cuối năm 2013, việc cấp các giấy chứng nhận đánh giá hợp cách cho những sản phẩm đường sắt nhập khẩu từ Ukraine vào Nga đã bị đình chỉ mà không có bất cứ lời giải thích nào trong khi những đơn xin cấp (chứng nhận) mới đều bị bác bỏ.

Ukraine cáo buộc rằng những hạn chế nói trên vi phạm một số quy định của WTO và trên thực tế tương đương với một lệnh cấm nhập khẩu những mặt hàng này vào Nga./.


Con trai thủ tướng Campuchia làm trưởng cơ quan tình báo

Con trai thứ hai của Thủ tướng Hun Sen trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo, một trong những vị trí chủ chốt của lực lượng vũ trang Campuchia.
thu tuong campuchia hun sen. anh: the daily star

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: The Daily Star

Theo tài liệu chính phủ có chữ ký của ông Hun Sen hôm 16/9, tướng Hun Manith, 34 tuổi, được thăng chức từ cấp phó lên trưởng cơ quan tình báo Campuchia, thay thế cấp trên cũ hiện là phó chỉ huy trưởng Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia.

Theo Bangkok Post, bên cạnh nhiệm vụ mới, tướng hai sao Manith còn nắm giữ ba vị trí chủ chốt khác trong chính phủ, liên quan đến việc giải quyết đình công, biểu tình và vấn đề đất đai.

Ông Hun Sen có ba người con trai và hai con gái. Con trai cả của ông, tướng Hun Manet, 38 tuổi, là người đứng đầu bộ phận chống khủng bố. Con trai thứ ba của Thủ tướng Hun Sen là Hun Many, 33 tuổi, một nhà lập pháp và là người đứng đầu liên đoàn thanh niên.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục