Khi tàu của Mỹ vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc có thể sẽ cảnh báo bằng lời và sau đó điều tàu chiến và máy bay không người lái ngăn cản, đó là một trong các kịch bản dự đoán.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 21-10-2015
- Cập nhật : 21/10/2015
Trung Quốc rót 31 tỷ USD cho khu vực biên giới Lào
Kế hoạch thiết lập vùng kinh tế thí điểm rộng 4.500 km2 trên đã được Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc thông qua hồi tháng 7, bao gồm việc xây dựng một khu phát triển kinh tế tại thị trấn Ma Hàm (Mohan) trên biên giới với Lào.
Ông Nguyễn Kiến Trung, quan chức Sở Kế hoạch Vân Nam, cho biết vùng kinh tế thí điểm Mãnh Lạp sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Lào, là trung tâm giao thương toàn diện nối Trung Quốc với Đông Dương, đồng thời là đầu máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực biên giới giáp Lào.
Cựu ngoại trưởng Úc kêu gọi tuần tra Biển Đông
Cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans vừa lên tiếng kêu gọi quân đội nước này triển khai tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Theo ABC, trong cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ tuần trước, phía Úc đồng ý tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ, nhưng cho biết chưa tính đến việc cùng lực lượng Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Cựu ngoại trưởng Evans cho rằng Úc cần phải sớm hành động.
“Phía Mỹ hoàn toàn có lý khi muốn tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây. Điều đó thể hiện quan điểm rằng họ không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở đó. Úc cũng cần phải làm như vậy, dù có thể không phối hợp với Mỹ” - ông Evans tuyên bố.
“Điều quan trọng là chúng ta cần phải chống lại một số chính sách vô lý, không thể biện minh của Trung Quốc. Đầu tiên là việc đưa ra những đòi hỏi chủ quyền lịch sử quy mô lớn vô lý đối với toàn bộ Biển Đông, và thứ hai là xây cơ sở trên các đá mà họ không có lý do hợp lý để đòi chủ quyền” - ông Evans nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết chính quyền Canberra ủng hộ Mỹ triển khai tàu chiến tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép. Tuy nhiên phía Úc chưa tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ tham gia chiến dịch này cùng Mỹ.
Cựu ngoại trưởng Evans cho rằng ngoài tàu quân sự, các tàu dân sự quốc tế cũng cần đi sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp mà không cần xin phép Trung Quốc để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Hiện hải quân Úc đang có ba tàu chiến hoạt động trên Biển Đông.
Canada có tân thủ tướng 43 tuổi
Theo Los Angeles Times, ông Trudeau, con trai cố thủ tướng Pierre Trudeau, trở thành thủ tướng mới của Canada sau khi đảng Tự do của ông giành đa số trong 338 ghế của quốc hội, đánh bại đảng Bảo thủ của ông Stephen Harper.
Chiến thắng của chính trị gia trẻ đột ngột chấm dứt giai đoạn 9 năm Canada nằm dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Harper và đảng Bảo thủ.
Ông Trudeau, người sẽ bước sang tuổi 44 vào ngày Giáng sinh, sẽ trở thành thủ tướng trẻ thứ nhì trong lịch sử Canada, và là người đầu tiên tiếp bước cha giữ chức vụ này.
"Chúng tôi đánh bại nỗi sợ hãi bằng niềm hy vọng", ông Trudeau lý giải về chiến thắng. "Chúng tôi đánh bại sự hoài nghi bằng sự chăm chỉ. Chúng tôi đánh bại chính trị tiêu cực, gây chia rẽ bằng một tầm nhìn tích cực đưa người Canada đến gần nhau. Và trên tất thảy, chúng tôi đánh bại tư tưởng rằng người Canada cần ít đòi hỏi hơn".
Phát biểu tại Calgary, ông Harper thừa nhận thất bại nhưng cho rằng đảng Bảo thủ sẽ lại trỗi dậy. "Sự thất vọng mà tất cả các bạn đều cảm thấy là lỗi của tôi và của riêng tôi mà thôi", ông nói. Dù ông Harper không đề cập đến kế hoạch tương lai, một số báo dẫn thông cáo của đảng Bảo thủ cho biết ông đã từ chức lãnh đạo đảng.
Ông Pierre Trudeau là thủ tướng Canada trong gần 16 năm trước khi nghỉ hưu năm 1984. Hơn 40 năm trước, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Richard Nixon từng dự báo về tương lai của Justin Trudeau trong quốc yến do ông Pierre Trudeau chủ trì. "Đêm nay, chúng ta sẽ rũ bỏ sự nghiêm trang. Tôi muốn nâng cốc vì thủ tướng tương lai của Canada: cho Justin Pierre Trudeau", ông Nixon nói tại Ottawa năm 1972.
Ông Tập phát biểu gây hấn về biển Đông khi thăm Anh
Trên đường đến thăm chính thức nước Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại phát biểu đầy khiêu khích và gây hấn về vấn đề biển Đông.
Trả lời phỏng vấn Reuters trước khi đến Anh, ông Tập tuyên bố vô lý rằng biển Đông không phải là vùng biển quốc tế, mà là “ao nhà” của Trung Quốc. “Các đảo và đá trên biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi biển Đông) là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại. Cha ông đã để lại chúng cho chúng tôi” - ông Tập ngang nhiên nói.
“Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm chủ quyền và lợi ích của chúng tôi trên biển Đông” - ông Tập khẳng định đầy đe dọa.
Có lẽ chủ tịch Trung Quốc cố tình "quên" việc lập luận "chủ quyền lịch sử" này đã bị các chuyên gia quốc tế bác bỏ từ lâu.
Một bằng chứng rõ rệt là tất cả những bản đồ cổ chính thức và không chính thức của Trung Quốc và quốc tế đều chỉ rõ rằng đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.
Dù phát biểu gây hấn, ông Tập vẫn thanh minh rằng Trung Quốc “không muốn xảy ra bất ổn” trên biển Đông và bác bỏ cáo buộc nước này khiêu khích khi tấn công tàu nước ngoài ở vùng biển Đông Nam Á.
Theo AFP, hôm nay chính phủ Anh thông báo nhân chuyến thăm của ông Tập, hai nước sẽ ký các thỏa thuận thương mại trị giá 30 tỷ bảng, tương đương 46,4 tỷ USD. Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron cho biết các ngành bán lẻ, năng lượng, tài chính và hàng không sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc.
Các thỏa thuận sẽ tạo 3.900 công ăn việc làm ở Anh. Một trong những thỏa thuận lớn hai bên đang thảo luận là việc doanh nghiệp Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong dự án xây nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở tây nam nước Anh, trị giá 24,5 tỷ bảng.
Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc xấu đi đáng kể từ năm 2012 khi Thủ tướng Anh Cameron tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh cáo buộc là lãnh đạo phong trào ly khai ở Tây Tạng. Báo chí Anh cho biết Thái tử Charles, người nhiều lần lên tiếng ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma, sẽ không dự lễ tiếp đón chính thức ông Tập. (Tuổi Trẻ Online)
Nga, Mỹ hoàn tất thỏa thuận tránh đối đầu trên không ở Syria
Thỏa thuận đề ra một khuôn khổ cho máy bay của cả hai nước duy trì một "khoảng cách an toàn" với nhau.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook từ chối cho biết chính xác khoảng cách đó là bao nhiêu trong một cuộc họp báo. Ông Cook cho biết Nga đã yêu cầu không chia sẻ công khai toàn bộ nội dung biên bản ghi nhớ. Tuy nhiên, ông cho biết thỏa thuận bao gồm những quy định bao gồm "luôn duy trì tính chuyên nghiệp trong phi hành, việc sử dụng những tần số liên lạc cụ thể, và việc thành lập một đường dây liên lạc trên mặt đất." Ông cho biết đường dây liên lạc trên mặt đất sẽ được dùng làm đường dây dự phòng trong trường hợp những biện pháp bảo vệ trên không thất bại.
Thỏa thuận được áp dụng mọi loại máy bay bay trên không phận Syria, kể cả máy bay không người lái, và chỉ riêng ở Syria. Thỏa thuận không áp dụng cho bất kỳ nước nào khác.
"Người Nga bây giờ phải tuân thủ những quy định về an toàn phi hành" ở Syria. Chúng tôi không muốn xảy ra tính toán sai lầm", ông Cook nói.
Quan chức này nhấn mạnh những nguyên tắc phi hành không nằm trong một thỏa thuận rộng lớn hơn về cách thức hai nước có thể hoạt động tại Syria. "Chúng tôi vẫn tin rằng chiến lược của Nga tại Syria là phản tác dụng và chế độ (của Tổng thống Syria Bashar al-Assad) sẽ chỉ làm cho cuộc nội chiến ở Syria tồi tệ hơn," ông Cook nói.
Ông Cook khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược riêng của mình ở Syria là tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo và hỗ trợ thành phần ôn hòa ở Syria. Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã nhắm mục tiêu tấn công vào những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria với hơn 2.600 cuộc không kích kể từ tháng 9 năm 2014.
Nga đã yêu cầu hội đàm với Mỹ nhằm hóa giải xung đột sau khi bắt đầu những cuộc không kích hồi tháng trước.
Trong một diễn biến liên quan khác, theo Liên Hợp Quốc, hàng chục nghìn người Syria đã phải di tán do các cuộc không kích của Nga kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Quân đội của Tổng thống Assad dưới sự yểm trợ của Nga đã giành lại thế áp đảo ở nhiều khu vực do phiến quân Hồi giáo (IS) chiếm đóng.