(Tin kinh te)
Nhật Bản rất quan tâm đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông, và việc Nhật dự định hỗ trợ Mỹ tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông sẽ làm quan hệ Nhật - Trung thêm rạn nứt.
Nhật làm gì khi Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh minh họa: Reuters
Washington có những động thái gần đây cho thấy sẽ tiến hành các hoạt động quân sự trên biển và đưa tàu chiến tiến sâu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông để thách thức Trung Quốc. Dù Mỹ chưa công bố thời điểm sẽ tiến hành tuần tra, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ Mỹ trong kế hoạch hành động này.
Ông Ian Storey, học giả cấp cao chuyên nghiên cứu các vấn đề hàng hải châu Á - Thái Bình Dương thuộc viện Yusof Ishak ở Singapore, nói rằng Mỹ tuần tra ở Trường Sa không phải chỉ một lần mà sẽ thường xuyên nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, buộc Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự do đó.
“Điều này mở ra một khả năng rằng trong tương lai Mỹ sẽ mời quốc gia khác tuần tra chung; Nhật Bản và Úc là hai ứng viên rất sáng giá để Washington lựa chọn”, ông Storey phát biểu, theo tờ Japan Times (Nhật Bản) hôm 22.10.
Theo học giả Storey, Nhật Bản rất quan tâm và sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị của Mỹ vì Tokyo quan tâm đến tranh chấp ở Biển Đông trong khi cũng đang tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. Các quan chức trong chính phủ Nhật Bản cho rằng vấn đề ở Biển Đông và Hoa Đông có mối liên hệ với nhau.
Tuy nhiên, ông Storey cho rằng việc chấp nhận lời đề nghị tham gia tuần tra chung của Mỹ cho thấy vai trò quan trọng của Nhật Bản ở Biển Đông, nhưng chắc chắn sẽ làm mối quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc, vốn đang rất căng thẳng, càng thêm rạn nứt. Điều này theo ông, Tokyo hiểu rất rõ. Trong mấy năm qua Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tốn nhiều nguồn lực chính trị để cố gắng không làm mối quan hệ đó rạn nứt thêm.
Sẽ đưa quân tuần tra với Mỹ?
Tàu chiến Mỹ sẽ áp sát khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông - Ảnh minh họa: Reuters
Học giả Zack Cooper của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) cũng đồng tình với nhận định cho rằng Nhật Bản sẽ tham gia tuần tra chung với Mỹ, nhưng cân nhắc và tính toán là điều người Nhật không thể bỏ qua khi đối mặt với Trung Quốc.
“Nhật chắc chắn có quyền tham gia tuần tra trong vùng biển quốc tế độc lập hoặc cùng hợp tác với Mỹ. Điều đó cũng sẽ tạo cái cớ cho Trung Quốc lên tiếng (phản đối) về những vấn đề quốc tế, nhưng Bắc Kinh sẽ không tôn trọng luật pháp quốc tế, thay vào đó tiếp tục đe dọa phá vỡ trật tự khu vực nhằm mục đích đưa Trung Quốc vươn lên vị trí đứng đầu”, ông Cooper nhận định.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng cũng có thể Tokyo sẽ tiếp tục tiếp cận vấn đề ở Biển Đông theo hướng đa chiều, nhất là khi chính phủ của ông Abe đã giành chiến thắng trong việc đưa đạo luật an ninh vượt qua được cuộc bỏ phiếu vừa rồi của Quốc hội Nhật và cho phép Nhật triển khai quân đội ra ngoài lãnh thổ.
“Nhật Bản cần kiểm soát vấn đề ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và biển Hoa Đông”, Corey Wallace, nhà phân tích chính sách an ninh ở trường Đại học Tự do Berlin (Đức), chia sẻ.
“Đối với Biển Đông, Nhật thận trọng trước hành động của mình để không vượt mặt các nước khác trong khu vực. Nếu không có sự thỏa thuận của các nước trong khu vực, chính phủ Nhật sẽ còn do dự. Tuy nhiên tôi muốn nói rằng họ sẽ còn tiếp tục tăng cường quân sự và hàng hải (ở Biển Đông và biển Hoa Đông)”, nhà phân tích chính sách an ninh này nhận định.
Minh Quang
Theo Thanh Niên Online