Citigroup hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016
IMF: Saudi Arabia có thể cạn kiệt tài sản tài chính trong 5 năm tới
Qatar phát tín hiệu can thiệp quân sự vào Syria
IS có thể sẽ bắt tay al-Qaeda ở Syria
Mỹ chỉ trích Nga “trải thảm đỏ” đón Tổng thống Syria
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-10-2015
- Cập nhật : 21/10/2015
Trung Quốc biện hộ xây hải đăng không thay đổi nguyên trạng
Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 9/10 tổ chức trái phép buổi lễ hoàn tất xây dựng ngọn hải đăng Huayang và Chigua trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh thông báo hai hải đăng sẽ hỗ trợ an ninh đi lại trong khu vực nhưng giới chuyên gia và ngoại giao gọi đây là động thái thâm sâu để củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay một lần nữa ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có "chủ quyền không tranh cãi" với quần đảo Trường Sa và Bắc Kinh "không cần xây hải đăng để củng cố tuyên bố chủ quyền".
"Nó cũng không làm thay đổi nguyên trạng", bà Hoa biện hộ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 13/10 nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc xây hai ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gọi đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, khiến tình hình thêm phức tạp.
Ông khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.
Philippines hôm qua cũng kịch liệt chỉ trích Trung Quốc xây hải đăng, cho rằng chúng là những phương tiện để Bắc Kinh hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Manila sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương đó như "sự đã rồi".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển một số nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines. Nước này còn cải tạo đất, biến một số bãi đá thành đảo nhân tạo, và xây các cơ sở, đường băng trên đó.
Mỹ phản đối động thái xây đảo nhân tạo của Trung Quốc và tuyên bố sẽ giương buồm hoặc bay qua mọi khu vực luật pháp quốc tế cho phép.
Tokyo phản đối Hàn Quốc đòi xử tù nhà báo Nhật
Ngày 20-10, chính phủ Nhật lên tiếng phản đối việc các công tố viên Hàn Quốc đề nghị án tù 18 tháng đối với một nhà báo Nhật bị buộc tội phỉ báng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye.
Theo AFP, vụ xử nhà báo Tatsuya Kato, cựu trưởng văn phòng đại diện báo Sankei Shimbun ở Seoul, đang khiến quan hệ Nhật - Hàn Quốc tiếp tục xấu đi. Ông Kato bị đưa ra tòa xét xử hồi tháng 12-2014 vì cáo buộc viết bài phỉ báng Tổng thống Park.
Bài báo đề cập đến việc bà Park đi đâu vào ngày phà Sewol chìm khiến 300 người thiệt mạng. Nhà báo Kato trích tin đồn trên giới truyền thông Hàn Quốc rằng bà gặp riêng tư một cựu cố vấn thời điểm đó. Cho rằng ông Kato “cố tình phỉ báng” bà Park, hôm qua các công tố viên Hàn Quốc đề nghị mức án tù 18 tháng.
Tòa án ở Seoul sẽ ra phán quyết vào ngày 26-11 tới.
Sáng nay 20-10, người phát ngôn chính phủ Nhật Yoshihide Suga tuyên bố đề xuất án tù này là “vô cùng đáng tiếc”. Ông Suga khẳng định Tokyo đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về phiên tòa xử ông Kato “xét từ quan điểm tự do báo chí, tự do ngôn luận và quan hệ hai nước”.
Báo Sankei Shimbun tuyên bố “vô cùng ngạc nhiên và giận dữ” với mức án các công tố viên Hàn Quốc đề xuất. Ông Kato được trở về Nhật hồi tháng 4 nhưng dự kiến sẽ phải quay trở lại Hàn Quốc khi bản án được công bố.
Trung Quốc phá đường dây sản xuất hàng triệu viên Viagra giả
Cảnh sát Trung Quốc vừa phá đường dây sản xuất và bán thuốc chống liệt dương ở nam giới Viagra giả quy mô lớn ở tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam, miền bắc nước này.
Dụng cụ và nguyên liệutại một xưởng sản xuất thuốc viagra và khán sinh giả bị tịch thu ở Quảng Châu, Quảng Đông - Ảnh: people.com.cn
Báo South China Morning Post cho biết có 19 nghi can trong đường dây này bị bắt. Băng nhóm này đã bán hơn 1 triệu viên Viagra ra thị trường.
Cảnh sát mở cuộc điều tra và lần theo dấu băng nhóm này sau khi nhận được khiếu nại, tố cáo mua nhầm thuốc giả của người tiêu dùng tại 10 cửa hiệu bán dược phẩm dành cho người lớn ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô).
Chủ các cửa hàng này khai đã mua lượng thuốc trên từ một cửa hàng trực tuyến ở tỉnh Thiểm Tây. Chủ cửa hàng trực tuyến này lại khai rằng ông ta mua số thuốc trên từ tỉnh Hà Nam.
Cuối tháng 9-2015, cảnh sát miền nam Trung Quốc đã bắt giữ 17 thành viên của một băng nhóm chuyên điều hành các phòng thí nghiệm sản xuất và tiêu thụ thuốc Viagra và thuốc kháng sinh giả ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Hơn 30 cảnh sát đã truy quét hai phòng thí nghiệm của băng nhóm trên ở làng Bạch Vân (thuộc Quảng Châu), tịch thu khoảng 530.000 viên thuốc Viagra thành phẩm, 2,6 triệu viên đang hoàn thành và 2.800 viên thuốc kháng sinh Amoxicilin.
Từ những bằng chứng tịch thu được trong hai đợt truy quét này, cảnh sát tiếp tục đột nhập thêm ba nhà máy sản xuất khác của băng nhóm trên, tọa lạc ở hai thị trấn nhỏ khác tại vùng ngoại ô Quảng Châu, tịch thu thêm hàng triệu viên thuốc Viagra và kháng sinh khác đang chuẩn bị được tung ra thị trường.
Cảnh sát Quảng Đông ước tính đường dây này đã sản xuất hơn 100 triệu viên thuốc giả từ tháng 5-2014 đến nay. Các sản phẩm giả này được bán chủ yếu ở Bắc Kinh, An Huy và bán ra nước ngoài. Đây là đường dây sản xuất thuốc giả với quy mô cực lớn được phát hiện gần đây nhất ở Trung Quốc. Hiện cảnh sát nước này vẫn đang tiếp tục điều tra.
Vùng ly khai ở Gruzia muốn sáp nhập Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay người đứng đầu nhà nước tự xưng cộng hòa Nam Ossetia Leonid Tibilov trong một cuộc gặp ở thủ đô Moscow. Ảnh:Reuters.
Leonid Tibilov, người đứng đầu nhà nước tự xưng cộng hòa Nam Ossetia, nói ông đã phác thảo kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý trong cuộc gặp với Vladislav Surkov, một trong những cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua.
"Thực tế chính trị hiện nay buộc chúng tôi phải có lựa chọn lịch sử, tái thống nhất với Nga, để có thể đảm bảo an ninh và thành công cho nhà nước cộng hòa cùng người dân trong nhiều thế kỷ", Reuters dẫn lời ông Tibilov cho biết trong một thông báo phát đi sau cuộc gặp.
Theo Tibilov, kết quả trưng cầu dân ý, ông tin là tích cực, sẽ cho phép Nam Ossetia đoàn kết người dân. Ông không công bố ngày tổ chức trưng cầu và cho biết cách thức sáp nhập sau bỏ phiếu sẽ được thống nhất với điện Kremlin.
Chính phủ Gruzia lên án kế hoạch của Nam Ossetia, tuyên bố sẽ thông báo với các đối tác quốc tế về động thái đi ngược luật pháp quốc tế này.
Khi được hỏi Nga sẽ phản ứng thế nào về cuộc trưng cầu dân ý, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Putin, nói điện Kremlin biết ý định hướng đến hợp nhất của Nam Ossetia và từ chối bình luận thêm.
Đề xuất của Nam Ossetia xuất hiện vào thời điểm quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây vẫn còn căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraine và chiến dịch không kích hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad của Moscow.
Nam Ossetia, dân số khoảng 50.000 người sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, có quan hệ mật thiết với Nga. Khu vực này sử dụng đồng rouble Nga và phần lớn ngân sách là từ Moscow. Nga và Nam Ossetia hồi đầu năm ký thỏa thuận hợp nhất các lực lượng an ninh và quân đội khiến Gruzia tức tối.
Gruzia và Nga từng có xung đột trong năm 2008 với một bên là Tbilisi và một bên là Moscow cùng các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Nga sau đó công nhận hai vùng ly khai là quốc gia độc lập trong khi nhiều nước khác phản đối động thái trên.
Nga bị tố không kích làm dân thường Syria thiệt mạng
"Nga không kích tại khu vực Jabal al-Akrad chiều qua làm ít nhất 45 người chết", AFP dẫn lời Rami Abdel Rahman, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở Anh, nói. "Trong đó có cả dân thường nhưng chúng tôi không có con số chính xác".
Một chỉ huy và nhiều gia đình của các tay súng nổi dậy nằm trong số người thiệt mạng. Hàng chục người bị thương, ông Rahman cho biết thêm, đồng thời dự báo thương vong sẽ tăng vì có nhiều người bị thương nặng.
Phe nổi dậy, gồm lực lượng Mỹ cho là ôn hòa, đóng tại khu vực Jabal al-Akrad, phía bắc tỉnh Latakia. Latakia là thành trì của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria từ ngày 30/9. Moscow tuyên bố tấn công nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) và "các nhóm khủng bố khác". Phe nổi dậy cùng các nước hậu thuẫn cáo buộc Nga ưu tiên không kích lực lượng này hơn là IS.
Nga hôm qua thông báo phi cơ nước này xuất kích 33 lần trong 24 giờ trước đó, phá hủy hai sở chỉ huy khủng bố, ba kho vũ khí, hai hầm ngầm, 32 vị trí chiến đấu trên núi, 9 vị trí kiên cố và một nhà máy sản xuất đầu đạn tại Syria.