Thôn Đài Tây, sát khu công nghiệp Lục Khinh của Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất và có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan.
Tin thế giới đọc nhanh 05-07-2016
- Cập nhật : 05/07/2016
Iran tuyên bố chuẩn bị 100.000 tên lửa tấn công Israel
Tờ The Jerusalem Post ngày 3-7 đưa tin Hossein Salami, phó chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, tuyên bố “hơn 100.000 tên lửa của Iran đã sẵn sàng tấn công Israel”.
Ông Salami còn tuyên bố “cơ hội để hủy diệt Israel vào lúc này là thuận lợi hơn bao giờ hết” bởi có hàng chục ngàn tên lửa tầm xa phá hủy từ các khu vực lãnh thổ Hồi giáo đều đang nhằm vào mọi khu vực thuộc Israel mà phía Iran cho là bị chiếm đóng.
"Nếu những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái có bất cứ động thái sai lầm nào, mọi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ bị lực lượng chiến binh trung thành tấn công và theo ý nguyện của thượng đế, các vùng lãnh thổ đó sẽ được giải phóng" - phó chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Iran cảnh báo.
Hôm 1-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc các cường quốc phương Tây đã cố tình khai thác những khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite để làm chệch hướng quan tâm về bản chất cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
“Chúng tôi ủng hộ quốc gia của những người Palestine bị tước đoạt” - ông nói.
Brexit có thể dẫn tới một cú sốc tài chính đối với Xứ Wales
Việc người dân nước Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể dẫn tới một cú sốc tài chính đối với một trong những khu vực nghèo nhất của Vương quốc Anh này, vốn phụ thuộc vào nguồn vốn của EU để trợ cấp cho nông dân và phát triển đô thị.
Điều bất ngờ là đa số người dân Xứ Wales cũng bỏ phiếu ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 vừa qua, trong khi hai khu vực khác thuộc Vương quốc Anh là Scotland và Bắc Ireland ủng hộ nước Anh ở lại EU.
Một kết quả nghiên cứu trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit do Đại học Cardiff tiến hành cho hay số tiền mà Xứ Wales nhận từ ngân sách EU trong năm 2014 nhiều hơn số tiền mà xứ này đóng góp vào EU tới 245 triệu bảng Anh (326 triệu USD). Hiện có những lo ngại là xứ Wales có thể mất đi nguồn tài trợ cho dự án hệ thống tàu điện ngầm nối giữa Cardiff và khu vực phụ cận.
Theo học giả chính trị Brian Klaas của Trường London School of Economics, nguồn vốn của EU có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Xứ Wales.
Đặc biệt, hơn một tuần sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử với gần 52% cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU, ngày 2-7, biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Anh để bày tỏ sự ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit./.(VN+)
Trung Quốc dụ dỗ Philippines bỏ phán quyết biển Đông
Báo China Daily (kênh thông tin chính thức của chính phủ Trung Quốc) ngày 4-7 dẫn nguồn tin chính phủ Trung Quốc dụ dỗ Philippines bỏ qua phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo đó, Trung Quốc sẵn sàng thương lượng với Philippines về các vấn đề liên quan biển Đông nếu Philippines chịu bỏ qua phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực sẽ có vào ngày 12-7 tới.
“Các vấn đề thương lượng này có thể gồm hợp tác phát triển chung, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, nếu chính phủ mới của Philippines chịu bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực qua một bên" - báo China Daily viết.
China Daily không nêu danh tính cụ thể của nguồn tin nhưng cho biết những nguồn tin này rất quen thuộc với các vấn đề tồn tại giữa hai nước.
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần một tàu đánh cá của Philippines trên vùng biển bãi cạn Scarborough trong ngày độc lập của Philippines 12-6. (Ảnh: FORBES)
Bản thân Trung Quốc bác bỏ vụ kiện, nói Tòa án Trọng tài thường trực không có thẩm quyền xét xử, lặp đi lặp lại rằng mình sẽ không tuân thủ phán quyết, tuyên bố chỉ muốn giải quyết tranh chấp với Philippines qua đàm phán song phương. Ngày ra phán quyết càng đến gần, Trung Quốc càng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền phản đối và bác bỏ.
Tháng trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc dằn mặt Philippines là hồi năm 1995 hai nước đã từng đồng ý giải quyết tranh chấp biển Đông “một cách hòa bình và hữu nghị thông qua các cuộc tham vấn dựa trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau”.
Kế hoạch triển khai F-35 trong chiến tranh tương lai của Mỹ
Các quan chức Lầu Năm Góc lần đầu lên kế hoạch chi tiết về hướng triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-35 trong kịch bản chiến tranh giả định tương lai.
Trong bản báo cáo có tựa đề "Duy trì lợi thế Liên quân trong không chiến tiêm kích thế hệ 5" mới công bố, thiếu tướng Jeff Harrigian, giám đốc Phòng Tích hợp F-35 của không quân Mỹ, vạch rõ phương thức sử dụng chiến đấu cơ F-35 trong trường hợp xảy ra chiến tranh vào năm 2026, theo Defense One.
Theo kịch bản được vạch ra trong bản báo cáo, khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ tìm cách gây nhiễu radar và sóng radio để làm tê liệt các chiến đấu cơ Mỹ. Trong trường hợp đó, chỉ có các máy bay tàng hình như tiêm kích F-22, F-35 và oanh tạc cơ B-2 và B-21 đủ khả năng xâm nhập và tấn công các mục tiêu được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa đất phòng không di động của đối phương.
"Nếu chúng ta sử dụng tiêm kích thế hệ 4 như F-15, F-16 ở mặt trận Thái Bình Dương, chúng sẽ bị tiêu diệt. Do vậy, cần sử dụng chiến đấu cơ có khả năng hủy diệt và sống sót cao như tiêm kích F-35", tướng Harrigian khẳng định.
Thay vì bố trí tập trung ở siêu căn cứ, chiến đấu cơ F-35 cần được phân tán quanh Thái Bình Dương theo từng tốp nhỏ trên các đường băng dân sự và quân sự, một số nằm cách chiến trường hơn 1600 km. Chiến thuật này giúp phi đội F-35 không bị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đối phương phá hủy trong đòn tấn công hủy diệt chớp nhoáng vào căn cứ."Trong những ngày đầu của cuộc chiến, F-35 trở về căn cứ và phát hiện ra rằng đường băng đã bị hư hại nặng sau các đợt tấn công bằng tên lửa của đối phương. Những chiếc F-35 đó phải chuyển sang sân bay dân sự. Vào thời điểm này, F-22 và F-35 sẽ không cần tới nhân viên kiểm soát không lưu bởi hệ thống máy tính công nghệ cao sẽ dẫn đường cho chúng tới đường băng, ngay cả trong thời tiết xấu", Harrigian viết trong báo cáo.
Trong khi đó, các chiến đấu cơ cũ hơn như tiêm kích F-15, F-16, vốn dễ bị radar đối phương phát hiện, cần phải hiện diện ở khoảng cách xa hơn, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của địch.
Theo Harrigian, ngoài việc thay đổi cách bố trí chiến đấu cơ, Lầu Năm Góc còn phải thay đổi cách thức triển khai chúng để giành chiến thắng trong chiến tranh tương lai.
Các tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 cần phải được sử dụng thường xuyên hơn các máy bay thông thường khác. Các chiến đấu cơ tối tân này sẽ tiếp nhận thông tin mục tiêu từ trung tâm chỉ huy thông qua máy tính công nghệ cao và gói liên kết dữ liệu khi tiếp cận chiến trường. Việc kết nối giữa chiến đấu cơ cũ và mới cũng cần phải được cải thiện.
Bên cạnh đó, không quân Mỹ cần xuất kích nhanh hơn với ít trang bị và nhân lực hơn từ các căn cứ tại nước Mỹ do đối phương có thể di chuyển lực lượng trên chiến trường.
Ngoài ra, các chiến đấu cơ thế hệ 5 cũng cần thu thập và truyền tải dữ liệu về trung tâm chỉ huy và máy bay khác, cũng như đưa vào mạng liên kết dữ liệu "đám mây" nhanh chóng hơn.
Chiến đấu cơ thế hệ 5 là các máy bay được trang bị công nghệ tàng hình, máy tính công nghệ cao và các thiết bị cảm biến giúp nó đóng vai trò là trung tâm đầu não trên chiến trường, thu thập, chia sẻ thông tin tình báo và dữ liệu mục tiêu cho các máy bay khác.
"Mọi người đều cảm thấy an tâm hơn khi tiêm kích thế hệ 5 như F-22 hoặc F-35 hiện diện trên chiến trường", Harrigian nhấn mạnh.
Bản báo cáo không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ thù trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ đề cập đến kịch bản cuộc chiến diễn ra ở "một khu vực trọng yếu tại nước ngoài", trong đó đề cập chi tiết đến việc tiêm kích F-35 cần chuyển hướng sang một căn cứ ở Australia.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Defense One cho rằng chỉ có Trung Quốc và Nga mới sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 và các hệ thống phòng thủ tối tân cần tới sự can thiệp của tiêm kích F-35. Nga bị loại trừ trong kịch bản này, do nằm ở xa khu vực mặt trận Thái Bình Dương mà báo cáo đề cập.(VNEX)
Brexit: Không phải dân Anh muốn 'chia tay' EU là được
Kết quả trưng cầu dân ý Brexit - Anh rời EU đã có hơn 10 ngày. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa chính phủ Anh sẽ tự động được phép kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình thương lượng rời EU.
Thực tế chính phủ Anh đang đứng trước một thách thức pháp lý lớn để có thể biến kết quả trưng cầu Brexit thành sự thật, vì chỉ kết quả trưng cầu dân ý thôi thì không đủ mà còn phải có một đạo luật chấp nhận của Quốc hội, hãng tinAFP (Pháp) dẫn nhận định của nhiều luật sư tại Công ty luật Mishcon de Reya.
“Kết quả trưng cầu dân ý dĩ nhiên không có gì phải bàn cãi nhưng theo luật thì cần có một cuộc tranh luận rồi bỏ phiếu trong Quốc hội để thông qua một đạo luật cho phép chính phủ Anh tuyên bố kích hoạt điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình thương lượng rời EU”, AFP dẫn lời luật sư Kasra Nouroozi tại Công ty Mishcon de Reya.
Theo luật sư Nouroozi, bản thân kết quả trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý, cả đương kim Thủ tướng David Cameron hay thủ tướng tương lai đều không có quyền kích hoạt thương lượng rời EU nếu không được sự đồng ý của Quốc hội.
AFP dẫn lời một người phát ngôn Văn phòng Nội các Anh cho biết hiện chính phủ Anh đang xem xét, sắp xếp các chi tiết cụ thể, đồng thời khẳng định “Quốc hội rõ ràng có vai trò đảm bảo tìm ra con đường đi tốt nhất cho đất nước.”
Một khi điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, Anh sẽ có tối đa hai năm để thương lượng rời EU. Tuy nhiên, với tình hình phần lớn nghị sĩ Anh phản đối Brexit như hiện nay thì đây quả là một thách thức rất lớn và phức tạp để Anh bắt đầu tiến trình Brexit.
Mishcon de Reya là một trong những công ty luật lớn nhất của Anh, cho biết hiện đang có một nhóm khách hàng đang nhờ Công ty Mishcon de Reya hỗ trợ pháp lý để kiện chính phủ Anh nếu chính phủ kích hoạt thương lượng Brexit mà không thông qua Quốc hội. Công ty Mishcon de Reya không nói cụ thể khách hàng này là những ai, thuộc thành phần nào, tuy nhiên theo tạp chíThe Lawyer thì nhóm khách hàng này là “một nhóm thương nhân”