Nga nêu điều kiện nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ điều thêm tàu chiến tới Đông Á đối phó Trung Quốc
NATO hỗ trợ cải cách quân đội Ukraine
Cựu bộ trưởng Argentina bị bắt quả tang chôn giấu hàng triệu USD
Trung Quốc mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng
Tin thế giới đọc nhanh chiều 04-07-2016
- Cập nhật : 04/07/2016
Áo dọa rời khối nếu Thổ Nhĩ Kỳ vào EU
Theo Express - Anh, đây là cam kết của thủ lĩnh đảng cực hữu chống nhập cư tại Áo - ông Norbert Hofer đưa ra ngày 2-7.
Theo đó ông Norbert Hofer cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, người Áo sẽ buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để quyết việc rời khỏi liên minh.
Ông Norbert Hofer đưa ra quan điểm này trong lúc lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức EU đang xới lại những cuộc trao đổi liên quan tới yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên EU của nước này.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ xem đây như một phần “có đi có lại” sau những đóng góp của họ giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vừa qua.
Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua bế tắc trong những thỏa thuận về việc đăng ký gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này từ chối cải cách các điều luật chống khủng bố để đổi lấy ưu đãi tự do đi lại miễn thị thực và khoản tiền 3,3 tỉ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Tuy nhiên sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho rằng, EU đang cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn lúc nào hết và hối thúc thực hiện các thủ tục gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ lĩnh đảng cực hữu chống nhập cư Norbert Hofer nêu quan điểm của mình: “Tôi hy vọng sẽ không cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tại Áo, và Liên minh sẽ phát triển theo một cách tích cực.
Tuy nhiên tôi hoàn toàn chắc chắn rằng người Áo sẽ không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên EU”.(TT)
Úc đối mặt nguy cơ quốc hội treo
Úc đối mặt với nguy cơ quốc hội treo sau khi kết quả 3/4 số phiếu trong cuộc bầu cử tại hạ viện được công bố ngày 3-7 cho thấy chưa có đảng nào giành đủ đa số để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo Ủy ban Bầu cử Úc (AEC), liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull giành được 71 ghế, trong khi Công Đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu giành được 67 ghế. Chỉ còn 12 trong tổng số 150 ghế tại hạ viện chưa có kết quả chính thức nhưng kết quả cuối cùng ít nhất phải chờ tới sau khi AEC nối lại việc kiểm phiếu vào ngày 5-7.
Kết quả sơ bộ cho thấy không loại trừ kịch bản Úc sẽ phải thay thủ tướng lần thứ 5 chỉ trong vòng 3 năm qua. Tuy vậy, phát biểu trước những người ủng hộ ngày 3-7, Thủ tướng Turnbull vẫn tự tin vào khả năng giành đủ 76 ghế cần thiết để thành lập chính phủ mới.
“Dựa vào lời khuyên từ các quan chức trong đảng, chúng tôi hoàn toàn tự tin vào chiến thắng để có thể đứng ra thành lập một chính phủ liên minh đa số” - ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công Đảng Bill Shorten cũng khẳng định đảng của ông đã “trở lại” sau 3 năm làm phe đối lập. Kết quả bỏ phiếu sơ bộ nêu trên cũng thể hiện sự trỗi dậy đáng kể của Công Đảng bởi trước cuộc bầu cử ngày 2-7, đảng này chỉ có 55 ghế tại hạ viên, còn liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền có tổng cộng 90 ghế, gồm 75 ghế của Đảng Tự do và 15 ghế của Đảng Quốc gia.
Các nhà phân tích dự đoán khả năng liên đảng Tự do - Quốc gia của ông Turnbull lập chính phủ mới vẫn là cao nhất. Tuy nhiên, theo đài BBC, nguy cơ xảy ra tình trạng quốc hội treo cũng không hề nhỏ. Trong trường hợp đó, cả 2 ông Turnbull và Shorten đều có cơ hội đứng ra lập chính phủ mới bằng cách đạt được thỏa thuận với các nghị sĩ tự do và đảng nhỏ.
Cùng ngày, Cảnh sát Liên bang Úc tuyên bố sẽ điều tra việc các tin nhắn chính trị gửi tới hàng ngàn cử tri trước cuộc bỏ phiếu cảnh báo rằng ông Turnbull có kế hoạch tư nhân hóa dịch vụ y tế quốc gia Medicare của Úc. Thủ tướng Turnbull cáo buộc Công Đảng đứng sau những lời dối trá có hệ thống và ác ý nhất từ trước tới nay trên chính trường Úc nêu trên.
Mỹ cung cấp radar chống pháo cho Ukraine
Ukraine vừa nhận một lô hàng radar chống pháo của Mỹ hôm 2-7 và chuẩn bị triển khai chúng tại vùng chiến sự Donbass, theo lời Tổng thống Petro Poroshenko.
Lô hàng gồm 14 hệ thống radar các loại, như radar hạng nhẹ AN/TPQ-49 và radar chống pháo AN/TPQ-36 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt pháo.
Theo thông tin đăng tải trên trang web tổng thống Ukraine, AN/TPQ-36 có thể định vị súng cối, pháo và hệ thống phóng tên lửa đa nòng. Chúng được quân đội Mỹ sử dụng từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên được cung cấp cho Ukraine.
Với tầm hoạt động 25 km, các loại radar này có thể phát hiện kịp thời những vụ tấn công nhắm vào quân đội Ukraine tại vùng Donbass và cứu “hàng trăm mạng người”, ông Poroshenko khẳng định trong buổi lễ tiếp nhận.
Tổng thống Poroshenko khẳng định rằng “đây chỉ là một phần nhỏ của sự hỗ trợ quân sự mà Mỹ dự kiến cung cấp cho Ukraine trong năm nay”.
Ông Peroshenko tiết lộ Kiev đang đợi gói viện trợ trị giá 500 triệu USD từ Washington.
Trước đó, có thông tin cho rằng Mỹ đã chấp thuận viện trợ 335 triệu USD cho Ukraine, trong đó có việc cung cấp công nghệ quân sự hiện đại cho Kiev. Ngoài ra, Mỹ còn tham gia huấn luyện quân đội Ukraine từ năm 2014 và hỗ trợ nước này các thiết bị phòng thủ.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra ở Ba Lan, chính phủ Ukraine hi vọng sẽ được nhận gói viện trợ quân sự “toàn diện” từ khối này. Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman cáo buộc Moscow đang tỏ ra "hiếu chiến" gần các biên giới của NATO.(NLĐ)
Dân số Trung Quốc có thể giảm một nửa vào năm 2100
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa qua, một học giả Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nảy lửa sau khi nêu ý kiến rằng dân số nước này có thể giảm xuống dưới 1 tỉ người vào năm 2100.
Ông Zheng Zhenzhen, thành viên Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, tuyên bố dân số nước này có thể giảm xuống mức tương đương với năm 1980.
Trước ý kiến này, một vài người cho rằng con số của ông Zheng có phần lạc quan bởi tỉ lệ sinh đang được dự báo ở mức cao hơn thực tế đáng kể. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, một số nhà nhân khẩu học thậm chí tin rằng dân số nước này có thể giảm xuống còn 600 triệu người vào năm 2100, tức chỉ bằng phân nửa so với dân số hiện nay.
Các cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi về ảnh hưởng của sự gia tăng tuổi thọ và tỉ lệ sinh trì trệ lên dân số Trung Quốc. Một phe thì khẳng định nếu ngày càng có nhiều người sống lâu hơn, dân số sẽ giảm chậm hơn nhiều, ngay cả khi số em bé chào đời ít hơn. Trong khi đó, phe còn lại chỉ ra tác động của tỉ lệ sinh thấp và những gì xảy ra tại các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á để dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm mạnh.
Học giả Yi Fuxian dự đoán với chính sách hai con được triển khai trong năm 2016, tỷ lệ sinh sẽ chỉ tăng từ 1,25 trong năm 2015 lên 1,4 trong năm 2017. Dựa theo những gì xảy ra tại Hàn Quốc và Đài Loan, tỉ lệ sinh này sau đó sẽ giảm còn 1,1 trước năm 2035. Điều này có thể khiến Trung Quốc chỉ còn 560 triệu người vào năm 2100.
Trước đó, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, dân số Trung Quốc sẽ đạt mức 1,004 tỉ người vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, một số học giả Trung Quốc cho rằng Liên Hiệp Quốc ước tính quá cao tỉ lệ sinh của Trung Quốc.
Tổng thống Erdogan: Ông Assad còn nguy hiểm hơn IS
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ngày 2-7 rằng Tổng thống Syria Bashar Assad là “khủng bố cao cấp”, nguy hiểm hơn cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuyên bố này đưa ra bất chấp vụ khủng bố kinh hoàng tại sân bay Ataturk của Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ mới đây mà phía Thổ nhận định do IS thực hiện.
Trong bài phát biểu ở thị trấn Kilis, gần biên giới Syria, ông Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh Tổng thống Bashar Assad phải chịu trách nhiệm cái chết hơn 600.000 công dân Syria và là nguồn gốc gây ra nội chiến ở Syria. “Ông ấy là khủng bố cao cấp hơn cả các phần tử của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) và nhóm dân quân Các đơn vị Bảo vệ Người dân người Kurd (YPG). Thậm chí, ông ấy còn cao cấp hơn IS” – Erdogan nói.
Bên cạnh đưa ra nhận xét về Tổng thống Syria, ông Erdogan còn nói về vụ khủng bố sân bay Ataturk khiến ít nhất 44 người thiệt mạng. Dù không bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin rằng IS đã gây ra chuyện kinh hoàng này.
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ ít nhất 24 người ở một số khu vực quanh Istanbul bị nghi dính đến vụ khủng bố. 17 người khác bị tạm giam ở tỉnh Gaziantep.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ ghé thăm sân bay nói trên hôm 2-7, cầu nguyện trước đài tưởng niệm thiết lập vội cho các nạn nhân. Sau đó, ông bay đến Kilis, nơi số người tị nạn Syria cao hơn cả người dân địa phương. IS từng tấn công thị trấn này bằng rocket, giết ít nhất 21 người. Ông Erdogan thông báo chính phủ mình sẽ tiếp tục cho người tị nạn Syria tá túc.
Ankara lâu nay bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ để các phần tử khủng bố vào Syria qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân hành động này là Thổ Nhĩ Kỳ muốn chính quyền ông Assad sụp đổ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cáo buộc không hành động đủ mạnh để tiêu diệt IS dù cho phép liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng căn cứ không quân quan trọng trong cuộc chiến diệt khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ toàn bộ cáo buộc trên nhưng thông qua những tuyên bố mà ông Erdogan dành cho ông Assad, các chuyên gia nhận định IS không là mục tiêu ưu tiên của nước này.
Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Michael McCaul nói với CNN rằng phần tử khủng bố người Chechnya Akhmed Chatayev đã chỉ đạo vụ tấn công sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, CIA và Nhà Trắng từ chối bình luận lời nhận định của Michael McCaul, mà chỉ cho biết cuộc điều tra đang diễn ra.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng không xác định vai trò trách nhiệm của Akhmed Chatayev. Tờ báo Sabah dẫn một nguồn tin từ chính phủ nói cảnh sát phát động cuộc săn lùng đối tượng này.