Mỹ vẫn mời Trung Quốc dự tập trận hải quân lớn nhất thế giới
Áo xây rào chặn người di cư sẽ gây "thảm họa chính trị"
13 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng ở Syria
Tử hình 6 đối tượng vì tội làm gián điệp cho nước ngoài
Nga nói vũ khí hóa học sử dụng ở Iraq có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ
Tin thế giới đọc nhanh chiều 06-05-2016
- Cập nhật : 06/05/2016
Trung Quốc nâng cấp vũ khí cho hàng loạt tàu chiến cũ
Hôm 4/5, Trung Quốc lắp đặt 32 ống phóng tên lửa thẳng đứng cho tàu khu trục tên lửa 6.100 tấn mang tên Thâm Quyến (Shenzhen), phục vụ trong hải quân từ năm 1998, theo Popsci.
Tên lửa đối không HQ-16 có tầm bắn 50 - 60 km, chuyên đối phó các mục tiêu tầm thấp và tầm cao trên không. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là "tiến bộ quan trọng" của hải quân Trung Quốc, nâng cấp hỏa lực của tàu chiến đóng từ thế kỷ trước lên 4 lần, phạm vi chiến đấu của tên lửa tăng 16 lần.
Nhiều trang mạng Trung Quốc cho biết tàu Thâm Quyến được lắp tên lửa HQ-16B và HQ-16C, hai loại tên lửa đất đối không mới nhất. Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo Galting Type 1130 có khả năng bắn 10.000 phát mỗi phút. Đây là vũ khí giúp tăng cường khả năng chống tên lửa và phòng không tầm thấp.
Trung Quốc cũng nâng cấp vũ khí cho hai tàu khu trục tên lửa mang tên Hàng Châu (Hangzhou) và Phúc Châu (Fuzhou). Hai tàu này được Nga đóng từ thập niên 90 thế kỷ trước, sau đó bán cho Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc vẫn dựa vào hệ thống vũ khí Nga trên tàu, thêm vào các linh kiện do Trung Quốc sản xuất như hệ thống điện tử, hệ thống cảm biến và lắp thêm pháo, ống phóng tên lửa.
Tàu Hàng Châu được lắp từ 32 đến 48 ống phóng tên lửa đất đối không, hải đối đất. Hệ thống tháp pháo hai tầng AK-130 trên ba tàu được thay bằng pháo H/PJ-38 13 cm do Trung Quốc sản xuất. Hệ thống pháo này có lượng đạn ít nhưng tầm bắn xa hơn. Trung Quốc cũng thay 4 ống phóng tên lửa KT-190 sang loại tên lửa đối hạm YJ-12.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là cách lựa chọn có chi phí thấp nhưng ít nhiều tăng được năng lực tác chiến cho các tàu cũ của hải quân Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch cải tổ của quân đội Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang muốn xây dựng một cấu trúc chỉ huy tương tự như Mỹ. Bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng xuống còn 7,6% so với 10% năm 2015, hải quân và không quân nước này lại được chú trọng đầu tư và phát triển.
Tây Ban Nha phát lệnh bắt quan chức thân cận ông Putin
Lệnh bắt giữ được đưa ra đối với ông Vladislav Reznik - một nghị sĩ hàng đầu của đảng Nước Nga thống nhất, sau cuộc điều tra kéo dài 10 năm về các hoạt động của mafia Nga.
Gennady Petrov, kẻ đứng đầu Tambov, từng bị bắt ở Tây Ban Nha năm 2008 nhưng sau đó chạy trốn sang Nga - Ảnh: AFP
Ông Vladislav Reznik là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vợ ông này, bà Diana Gindin, cũng có tên trong danh sách truy bắt.
Tổng cộng có 12 người bị Tây Ban Nha phát lệnh truy bắt với cáo buộc có liên quan đến hoạt động của các băng đảng Nga tại Tây Ban Nha. Hầu hết những người này được tin là đang ở Nga.
RIA Novosti cho biết ngoài vợ chồng ông Reznik còn có ông Nikolai Aulov - phó giám đốc cơ quan chống ma túy liên bang Nga, Igor Sobelevsky - nguyên phó giám đốc ủy ban điều tra liên bang Nga.
Những người này được cho là đã giúp Tambov - một trong những băng mafia nổi tiếng nhất Nga, thâm nhập vào các cơ quan nhà nước, cảnh sát, giới chức bến cảng, các tập đoàn và ngân hàng tư nhân.
Cùng với băng Malyshev, băng Tambov bị cáo buộc đã rửa tiền thông qua mua bán bất động sản Tây Ban Nha. Kẻ đứng đầu Tambov, Gennady Petrov, cũng được nói là có quan hệ với một số đồng minh thân cận của ông Putin. Petrov từng bị bắt ở Tây Ban Nha năm 2008 nhưng sau đó chạy trốn sang Nga.
Theo The Guardian ngày 4-5, lệnh bắt giữ các quan chức Nga được đưa ra sau một cuộc điều tra quy mô lớn kéo dài 10 năm của các công tố viên và cơ quan tình báo của Tây Ban Nha về hoạt động của mafia Nga.
Tuy nhiên khả năng điện Kremlin cho phép dẫn độ công dân Nga sang Tây Ban Nha gần như là không có, do hiến pháp Nga cấm dẫn độ công dân nước này.
IS âm mưu tấn công thảm sát ở Mỹ
"Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoàn toàn có khả năng đó. Đây là điều mà chúng tôi lo ngại nhiều ở Mỹ, nơi IS có thể tiến hành một vụ tấn công giống như ở Paris hay Brussels", Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper phát biểu trên CNN ngày 4/5.
Ông Clapper cũng cảnh báo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ vẫn còn tồn tại chừng nào mà các vấn đề mất cân bằng xã hội, kinh tế cũng như tình trạng vô chính phủ chưa được giải quyết tận gốc.
"Nếu không có những biện pháp hữu hiệu giải quyết những vấn đề cơ bản này, tôi nghĩ chúng ta còn phải đấu tranh chống lại IS, thậm chí là các nhóm khủng bố mới khác trong một thời gian rất dài", ông Clapper khẳng định.
Ông Clapper nhậm chức giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ từ năm 2010, chịu trách nhiệm điều phối và giám sát 17 tổ chức tình báo trên toàn nước Mỹ.
Trước đó, các vụ tấn công do IS tiến hành tại Paris hồi tháng 11/2015 đã làm 130 người thiệt mạng, trong khi các vụ đánh bom liều chết ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng ba khiến 32 người thiệt mạng.
Hàng ngàn nhà báo Ai Cập đòi sa thải bộ trưởng Nội vụ
Hàng ngàn nhà báo Ai Cập ngày 4-5 đã xuống đường kêu gọi tổng thống bãi nhiệm bộ trưởng Nội vụ và xin lỗi vì cuộc đột kích của cảnh sát vào một văn phòng báo chí và bắt giữ 2 nhà báo đối lập.
Reuters đưa tin bất chấp sự hiện diện của cảnh sát vũ trang, hơn 3.000 nhà báo vẫn tham dự cuộc họp khẩn để phản đối vụ bắt giữ Mahmoud El Sakka và Amr Badr làm việc cho trang tin đối lập Bawabet Yanayer.
Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Ai Cập muốn dập tắt những bất đồng chính kiến đang ngày một gia tăng chống lại tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.
Cán bộ công đoàn phóng viên Ai Cập cho biết hành động của cảnh sát tại văn phòng là cuộc bố ráp đầu tiên nhắm đến cơ quan báo chí trong suốt 75 năm qua.
"Chúng tôi yêu cầu tổng thống đưa ra một lời xin lỗi rõ ràng đối với các nhà báo vì đã bố ráp văn phòng" - nhân viên văn phòng báo chí Ai Cập Karem Mahmoud lên tiếng.
"Chúng tôi yêu cầu sa thải bộ trưởng Nội vụ vì ông ấy là người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng này" - Mahmoud bổ sung.
Tháng trước chính phủ Ai Cập đã triển khai hàng trăm cảnh sát vũ trang đến trung tâm Cairo sau khi người biểu tình phản đối quyết định của tổng thống Ai Cập về việc trao hai hòn đảo tại biển Đỏ cho Ả Rập Saudi.
Em gái Kim Jong-un có thể làm bộ trưởng ở tuổi 29
Bà Kim Yo-jong hiện là phó chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên. "Nhiều khả năng bà Kim sẽ được thăng chức lên bộ trưởng sau ba năm có kinh nghiệm thực tế", Yonhap dẫn lời giáo sư Yang Moo-jin ở Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, trụ sở tại Hàn Quốc, hôm nay cho biết.
Bà Kim dược cho là có vai trò quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng nếu bà Kim được đề cử, gần như chắc chắn bà sẽ thành bộ trưởng, giúp người anh trai củng cố vị thế lãnh đạo.
Đại hội đảng Lao động Triều Tiên sắp tới là sự kiện quan trọng, tiết lộ chính sách tiếp theo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau 5 năm nắm quyền. Ông Kim đã lãnh đạo Triều Tiên từ cuối năm 2011, sau khi cha là ông Kim Jong-il đột ngột qua đời do bệnh tim.
Triều Tiên có sự cởi mở rõ rệt dưới sự cầm quyền của Kim Jong-un. Ông cho phép những biểu tượng văn hóa của phương Tây và Mỹ như chuột Mickey và cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman xuất hiện ở Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un cũng nới lỏng việc kiểm soát thiết bị công nghệ cao và hàng hóa tiêu dùng tại Triều Tiên. Từ giữa năm 2014, những chiếc điện thoại chứa trò chơi công nghệ cao và tiểu thuyết lãng mạn đã "cập bến" thủ đô Bình Nhưỡng.