Ông Obama bị kiện vì tiến hành chiến tranh trái phép chống IS
Lở đất tại khu khai thác ngọc ở Myanmar, 13 người thiệt mạng
Trực thăng Malaysia mất tích: Khoanh vùng tìm kiếm
Trung Quốc doạ "bật như lò xo" nếu bị chỉ trích trên Biển Đông
Tàu cá Trung Quốc đâm tàu hàng Malta, 2 người chết, 17 mất tích
Tin thế giới đọc nhanh sáng 06-05-2016
- Cập nhật : 06/05/2016
Mỹ, Nga, Đức bất ngờ cùng nhau chỉ trích Ukraine
Các đại biểu đoàn quốc hội Mỹ, Đức, Nga đã bất ngờ thống nhất được quan điểm với nhau và cho rằng chính Ukraine mới là bên đang có những cản trở đối với việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Minsk 2.
Tuyên bố trên được chính ông Rüdiger Lentz, Giám đốc đồng thời là Chủ tịch điều hành Viện Aspen Mỹ ở Berlin, Đức đưa ra.
Theo những thông tin do ông Rüdiger Lentz công bố, trong thời gian từ ngày 1-3/5 vừa qua, đoàn đại biểu gồm các nghị sỹ Quốc hội Nga đã tham gia vào cuộc gặp 3 bên với các nghị sỹ Mỹ và Đức. Tham dự vào cuộc gặp này còn có nhiều chuyên gia quốc tế khác.
Trong cuộc gặp này, đoàn đại biểu 3 bên đã thống nhất được quan điểm cho rằng chính Ukraine là bên đang cản trở đến việc thực hiện Thỏa thuận Minsk-2.
“Các bên đều thấy rõ rằng chính Ukraine đang phải đối mặt với những vấn đề to lớn liên quan đến sự ổn định của Chính phủ Ukraine. Điều này cũng đồng nghĩa rằng chính quyền Ukraine cũng đang gặp vấn đề khi tiến hành các cuộc đàm phán. Xét từ khía cạnh này, tôi cho rằng sẽ là tốt hơn nếu như Mỹ, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến Chính phủ Ukraine sẽ có thông điệp rõ ràng về việc họ sẽ làm cách nào để thúc đẩy tiến trình đạt được thỏa thuận giữa các bên (về Minsk)”- Rüdiger Lentz nhấn mạnh.
Ông Rüdiger Lentz cũng đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù các bên đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng “quan điểm các bên vẫn khá xa nhau đối với vấn đề Crimea”.
Được biết, đây là lần hiếm hoi đoàn nghị sỹ Quốc hội Nga có cuộc tiếp xúc chính thức với đoàn nghị sỹ Đức sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Đoàn nghị sỹ Nga đã không tiếp xúc với các nghị sỹ Mỹ từ mùa hè năm 2013. Do đó, việc các bên không chỉ nối lại tiếp xúc mà còn đạt được sự đồng thuận trong quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể là tín hiệu tích cực đối với quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Từ tháng 4/2014, chính quyền Ukraine đã bắt đầu thực hiện cái gọi là“chiến dịch chống khủng bố” ở vùng Donbass. Đây là chiến dịch quân sự do chính quyền trung ương Ukraine tiến hành nhằm chống lại các lực lượng đòi ly khai ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk.
Theo các số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 9 nghìn người thiệt mạng. Vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng này đã được nhiều lần đưa ra thảo luận trong các cuộc gặp của nhóm “Bộ tứ Normady” (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp).
Tính từ tháng 9/2014 đến nay, “Bộ tứ Normady” đã thông qua một số văn kiện quan trọng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine (Thỏa thuận Minsk, Minsk-2…) nhưng sau các thỏa thuận này, các bên vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và tiếng súng vẫn chưa ngừng trên lãnh thổ Donbass.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ từ chức
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 5/5 thông báo ông sẽ từ chức, mở đường cho Tổng thống nước này Recept Tayyip Erdogan tiếp tục kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn.
Phát biểu với giới báo chí tại Ankara, ông Davutoglu nói: “Tôi đã quyết định vì sự đoàn kết của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, việc thay đổi Chủ tịch đảng này sẽ phù hợp hơn. Tôi sẽ không tính tới việc tranh cử (chức Chủ tịch AKP) trong đại hội đảng dự kiến diễn ra vào ngày 22/5 tới”.
Quyết định này chưa có hiệu lực lập tức vì AKP sẽ tổ chức đại hội bất thường vào ngày 22/5 để bầu ra nhà lãnh đạo mới, người cũng sẽ đảm nhận cương vị thủ tướng.
Sự bất đồng giữa Thủ tướng Davutoglu và Tổng thống Erdogan được cho là đã "âm ỉ" trong nhiều tháng qua. Đến ngày 4/5 vừa qua, cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo này nhằm giải quyết mâu thuẫn đã thất bại. Ông Davutoglu khẳng định sẽ từ chức nhưng không bao giờ chỉ trích Tổng thống Erdogan.
Ông Davutoglu tiếp quản chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 8/2014 khi ông Erdogan rời khỏi chức vụ này để nhậm chức Tổng thống.
* Thổ Nhĩ Kỳ: Mâu thuẫn nội bộ lãnh đạo khiến đảng AKP cầm quyền phải tổ chức đại hội bất thường
Ngày 5/5, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại nước này sẽ tổ chức đại hội bất thường vào ngày 22/5 tới. Theo kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và kênh truyền hình NTV, tại cuộc họp của Ban chấp hành AKP, diễn ra sau cuộc gặp ngày 4/5 giữa Thủ tướng Davutoglu và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đảng này đã quyết định tổ chức đại hội bất thườngvào ngày 22/5 tới để bầu chọn một nhà lãnh đạo mới, người mà theo quy định của AKP cũng sẽ đảm nhận chức vụ Thủ tướng.
Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cemil Ertem cùng ngày cho biết nước này dự kiến không tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn sau khi AKP bầu một nhà lãnh đạo mới, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục "giữ nguyên" chính phủ đương nhiệm cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019.
Campuchia hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ
Khoảng 2,5 triệu người dân Campuchia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do quốc gia Đông Nam Á trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua.
Phó Chủ tịch Trung tâm quản lý thảm họa quốc gia Campuchia Nhim Vanda ngày 5/5 cho biết khoảng 2,5 triệu người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do quốc gia Đông Nam Á hiện trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ qua.
Theo ông Nhim Vanda, 80% người dân sinh sống tại các khu vực bị hạn hán ở gần 100 quận huyện trên khắp Campuchia đã được cung cấp nước sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát động chiến dịch cấp phát nước trên diện rộng ngày 26/4 vừa qua. Hiện nhiệt độ một số khu vực của nước này lên tới 42 độ C.
Hơn 300 con bò và trâu ở tỉnh Stung Treng, Đông Bắc Campuchia và khoảng 65 tấn cá sống trong hồ ở tỉnh Kampong Thom, miền Trung Campuchia đã chết do hạn hán và nắng nóng.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đã nhắc lại đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang và tổ chức từ thiện tiếp tục phân phát nước cho những người sinh sống ở khu vực bị hạn hán.
Dự báo hạn hán sẽ tiếp tục hoành hành ở Campuchia cho đến tháng 7 tới do các tác động của hiện tượng El Nino.
Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ bị tin tặc tấn công, do thám công nghiệp
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Parmelin cho biết cơ quan của ông từng bị tin tặc tấn công hồi tháng 1 vừa qua.
AP đưa tin, ngày 4/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Parmelin cho biết cơ quan của ông từng bị tin tặc tấn công hồi tháng 1 vừa qua, đồng thời ám chỉ động cơ của vụ tấn công này là do thám công nghiệp.
Nhật báo Tages-Anzeiger dẫn lời ông Parmelin nêu rõ vụ việc trên xảy ra khi ông đang tham dự Diễn dàn Kinh tế Thế giới ở Davos, miền Đông Thụy Sĩ, tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đã có thể đối phó với vụ tấn công mạng và tiếp tục hoạt động bình thường.
Mặc dù Bộ trưởng Parmelin không nêu đích danh thủ phạm đứng sau vụ tấn công, song tờ Tages-Anzeiger cho rằng hành động này có thể liên quan tới một vụ tấn công mạng nhằm vào công ty công nghệ quốc phòng Ruag trực thuộc Chính phủ Thụy Sĩ.
Australia đóng mới 21 tàu tuần tra cho hải quân
Ngày 5/5, Chính phủ Australia đã ký hợp đồng với công ty đóng tàu Austal đóng mới 21 tàu tuần tra, trị giá 208,8 triệu USD nhằm tăng thêm sức mạnh cho lực lượng hải quân của nước này.
Trong một thông cáo, Chính phủ Australia cho biết, việc đóng 21 tàu tuần tra kể trên sẽ bắt đầu được thực hiện từ giữa năm 2017 và dự kiến chiếc tàu đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018. Đóng tàu cho hải quân là một phần quan trọng trong kế hoạch mà Australia từng công bố hồi tháng 2 vừa qua, nhằm tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 30 tỷ AUD trong 10 năm tới.