Sau hơn 3 năm kể từ khi Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”, phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được tòa đưa ra vào tháng 6/2016.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 08-05-2016
- Cập nhật : 08/05/2016
Mỹ vẫn mời Trung Quốc dự tập trận hải quân lớn nhất thế giới
Trung Quốc sẽ tham gia tập trận hải quân đa quốc gia tại Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu diễn ra trong tháng 6 và tháng 7 tại Hawaii, bất chấp những căng thẳng thời gian qua vì những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông, SCMP hôm qua đưa tin.
Hôm 6/5, trong cuộc họp báo tại Thượng Hải, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, cho biết Trung Quốc vẫn được mời tham gia RIMPAC năm nay. Hồi tháng 3, Mỹ từng tuyên bố "xem xét lại" việc mời Trung Quốc. Tuyên bố của ông Aucoin được đưa ra sau khi chiến hạm Blue Ridge của Mỹ cập cảng Thượng Hải, vài ngày sau sự kiện Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ cập cảng Hong Kong.
"Đó là cách để chúng tôi hiểu rõ nhau hơn, làm việc cùng nhau gần gũi hơn, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là với các công việc như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo", ông Aucoin nói. Chỉ huy Hạm đội 7 cũng bác bỏ nhận định rằng các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông gây ảnh hưởng xấu trong khu vực. Ngoài ra, việc Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ vào Hong Kong bị coi là "trở ngại nhỏ" trong quan hệ hai nước.
Trước đó, Trung Quốc từng tham gia RIMPAC 2014. Cuộc tập trận này diễn ra hai năm một lần.
Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh thời gian qua tiếp tục xây dựng trái phép các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Truyền thông quốc tế chỉ trích mạnh mẽ động thái này, trong khi Trung Quốc cũng phản ứng việc Mỹ đưa tàu chiến, máy bay đi gần các đảo, đá bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Mỹ nói đây là hành động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, còn Trung Quốc cáo buộc Mỹ khiêu khích quân sự và dọa sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp cần thiết.
Áo xây rào chặn người di cư sẽ gây "thảm họa chính trị"
Việc Áo xây rào chắn tại biên giới với Italy sẽ là một "thảm họa chính trị" cho châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Đức ngày 7/5.
Với hơn 28.500 người di cư đến từ ngày 1/1, Italy một lần nữa trở thành cửa ngõ chính cho người di cư tới châu Âu sau thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai, cùng với trước đó là việc đóng cửa tuyến đường Balkan từ Hy Lạp. Italy không chỉ lo ngại việc Áo đóng cửa biên giới khiến người di cư mắc kẹt tại Italy mà còn lo ngại những hậu quả kinh tế có thể xảy ra.
Biên giới Italy- Áo là tuyến đường vận chuyển hơn 40% số lượng hàng hóa được chuyên chở mỗi năm từ Italy sang các nước châu Âu bằng đường bộ. Vì vậy, việc gia tăng kiểm soát ở biên giới của Áo sẽ làm tăng thời gian di chuyển trên đường của các phương tiện vận tải, đẩy giá vận chuyển lên cao và gây thiệt hại ước tính hơn 1 tỉ euro cho các doanh nghiệp Italy mỗi năm.
13 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng ở Syria
Phiến quân Hồi giáo nổi dậy hôm qua chiếm làng chiến lược Khan Touman, cách Aleppo khoảng 15 km về phía tây nam. Chúng là liên minh phiến quân Jaish al-Fatah, bao gồm cả Mặt trận Nusra, có liên hệ với al-Qaeda. Hàng chục người đã thiệt mạng trong trận chiến này.
Hãng tin Fars hôm nay dẫn lời quan chức Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết có 13 cố vấn quân sự người Iran thiệt mạng và 21 người bị thương trong giao tranh. Đây được cho là một trong những thiệt hại lớn nhất của Iran từ khi nước này điều quân hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Jaish al-Fatah và lực lượng liên minh đăng tải lên mạng xã hội video và ảnh chụp thi thể nghi của người Iran hoặc dân quân Hồi giáo dòng Shiite thiệt mạng ở Khan Touman. Một số video còn cho thấy ví tiền, giấy tờ cá nhân và tiền Iran. Có dấu hiệu cho thấy trong số người thiệt mạng có người Afghanistan, được huấn luyện ở Iran và điều động cùng binh sĩ Iran sang Syria.
IRGC kêu gọi người dân không nên bị tác động bởi "chiến tranh tâm lý trên mạng xã hội".
Ali Akbar Velayati, cố vấn cấp cao cho Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khamenei, hôm nay tái khẳng định Tehran sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Assad trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria ở thủ đô Damascus.
Tử hình 6 đối tượng vì tội làm gián điệp cho nước ngoài
Do tiết lộ hàng loạt thông tin mật về an ninh quốc gia để đổi lấy hàng triệu USD, 6 đối tượng đã bị kết án tử hình.
Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013, Cairo đã gia tăng trấn áp những người ủng hộ nhà lãnh đạo Hồi giáo này. Hơn 1.400 người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố.
Nga nói vũ khí hóa học sử dụng ở Iraq có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ
"Những hóa chất hoặc được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc được bán ở đó dù họ không có quyền tái xuất khẩu", Press TV dẫn lời đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin hôm qua cho biết trong một phiên họp Hội đồng Bảo an.
Theo ông Churkin, phát hiện trên có được dựa vào "phân tích thành phần hóa học cốt lõi trong các hợp chất nổ thu giữ từ" những kẻ khủng bố gần thành phố Tikrit, Iraq.
"Các tác nhân chiến tranh hóa học đang lan rộng khắp khu vực và được những phần tử khủng bố sử dụng. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên (Hội đồng Bảo an) lại ngoan cố tìm cách nhắm mắt làm ngơ và đổ tất cả lỗi cho (chính quyền Tổng thống Syria) Bashar al-Assad", ông nói.
Nga và Trung Quốc đã trình dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an kêu gọi mọi quốc gia thành viên báo cáo mọi hoạt động của các nhóm vũ trang muốn sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hóa học cho Hội đồng Bảo an. Ông Churkin cho rằng bằng cách đổ lỗi cho chính phủ Syria, các nước phương Tây "muốn ngăn cản đề xuất Nga - Trung Quốc".
Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ngày 3/5 cảnh báo có những dấu hiệu "cực kỳ đáng ngại" cho thấy Nhà nước Hồi giáo (IS), chủ yếu hoạt động ở Iraq và Syria, có thể đang tự chế tạo vũ khí hóa học.
Vũ khí hoá học chưa phải là loại vũ khí hiệu quả nhất của IS nhưng tác động tâm lý của nó đối với dân thường rất đáng kể. 25.000 người dân ở trong và quanh Taza, một thị trấn ở Iraq, đã phải rời bỏ nhà cửa tháng trước do lo sợ bị IS tấn công bằng loại vũ khí này.