Hàng trăm người Myanmar biểu tình phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng
Nhật cải thiện quan hệ với Nga để kiềm chế Trung Quốc
Quân đội Triều Tiên báo động cao trong dịp Đại hội đảng
Người Hồi giáo đầu tiên làm thị trưởng London
Hệ thống phòng không di động mới của lính dù Nga
Giáo sư Carl Thayer: "Nhật đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á để đối phó Trung Quốc"
- Cập nhật : 05/05/2016
(Tin kinh te)
Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật đến Việt Nam là một phần nỗ lực của Tokyo muốn tăng cường quan hệ với ASEAN để đối phó Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ hôm nay tới ngày 6/5, trong khuôn khổ chuyến công du các nước châu Á. 3 trong 4 quốc gia mà ngoại trưởng Nhật Bản tới thăm thuộc khu vực Đông Nam Á. Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định về những nỗ lực chuyển trục của Nhật Bản sang khu vực này.
- Theo quan sát của ông, quan hệ Việt - Nhật đã có những bước chuyển biến mới nào?
- Cả Hà Nội và Tokyo đều đang hướng đến tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược. Sau Đại hội Đảng XII, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại đa phương. Trong khi đó, Tokyo cũng đang nỗ lực đóng vai trò chủ động, tích cực hơn để không bị đứng bên lề trong các vấn đề khu vực.
Có thể thấy Nhật đang đi đầu trong việc hỗ trợ trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Philippines. Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản cũng đang muốn tham gia vào tình hình Biển Đông qua việc cử các đội tàu lần lượt đến thăm Philippines và Việt Nam.
Các chính sách của Tokyo với Hà Nội sẽ giúp hỗ trợ đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa” của Việt Nam.
- Khi phát biểu tại Thái Lan, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh các nước ASEAN cần đoàn kết để đối phó với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này thể hiện gì khi Trung Quốc đang thực hiện “chia để trị” tại ASEAN?
- Trước khi ông Kishida đến Bangkok, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã công du Campuchia, Lào và Brunei, đồng thời thông báo đạt được thỏa thuận riêng với các nước này về tranh chấp ở Biển Đông. Ông Vương Nghị nói các bên đã nhất trí là tranh chấp phải được giải quyết giữa các bên liên quan trực tiếp, “người ngoài” không nên can thiệp.
Do vậy, Ngoại trưởng Kishida đã mạnh mẽ khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và một ASEAN thống nhất để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đây là sự đáp trả với kế hoạch của Trung Quốc cũng như tuyên bố của ông Vương Nghị.
Cần lưu ý, Nhật Bản cũng là một nhà tài trợ lớn của Campuchia và Lào. Tokyo đang hỗ trợ và viện trợ đáng kể cho 2 nước này, nên họ không hẳn là hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việc ông Kishida nhấn mạnh về luật pháp quốc tế cũng mang ý nghĩa quan trọng, vì theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì mọi phán quyết của Tòa án Trọng tài phải được thực thi ngay lập tức và không thể kháng cáo. Ngoại trưởng Nhật đang cố gắng khẳng định đây là cách đối phó với chính sách “sức mạnh là lẽ phải” của Trung Quốc.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của một ASEAN thống nhất trong chính sách của Tokyo để đối phó với Trung Quốc?
- Đối với Nhật Bản, sự đoàn kết của ASEAN là điều rất quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc chi phối khu vực. Bắc Kinh luôn tìm cách gây chia rẽ và lợi dụng cơ chế ra quyết định của ASEAN, vốn yêu cầu sự đồng thuận từ tất cả thành viên.
Tokyo cho rằng, nếu ASEAN đoàn kết thì Nhật Bản và các đối tác như Mỹ, Australia, Hàn Quốc… sẽ có thể ủng hộ khối này thuận lợi hơn. Nói cách khác, Nhật Bản muốn củng cố tính trung tâm của ASEAN trong các vấn đề về Đông Nam Á, để từ đó có thể đối phó với các cường quốc khác.
- Nhật Bản quan tâm vụ kiện do Philippines khởi xướng như thế nào, khi nước này cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc?
- Nhật Bản luôn kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS. Tokyo đã bày tỏ quan điểm các nước có quyền sử dụng cơ quan tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nếu các biện pháp ngoại giao đều đã thất bại.
Nhật và nhiều nước khác chắc chắn sẽ mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc nếu Bắc Kinh bác bỏ và từ chối tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài.
UNCLOS không giải quyết những tranh chấp về chủ quyền, mà chỉ giải quyết những tranh chấp về quyền tài phán trên biển. Quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang do Nhật Bản chiếm đóng và quản lý.
Lợi ích duy nhất từ phán quyết của Tòa án Trọng tài là củng cố vai trò của luật pháp quốc tế trong việc phân xử tranh chấp về quyền lợi phát sinh từ những bãi đá.
- Chuyến thăm Trung Quốc tuần qua của ông Kishida là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Nhật đến nước này sau 5 năm. Ông đánh giá ý nghĩa của sự kiện này như thế nào?
- Chuyến thăm 3 ngày của Ngoại trưởng Kishida đến Bắc Kinh là bước đầu tiên để khắc phục những rạn nứt trong quan hệ Nhật - Trung. Chuyến đi không đạt được kết quả thực tiễn nào, ngoài ý nghĩa khôi phục những mối quan hệ cấp cao.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế. Do vậy, căng thẳng càng kéo dài sẽ khiến cả 2 bên gánh chịu hậu quả.
Những vấn đề giữa 2 nước vô cùng sâu sắc và không dễ giải quyết, đó là ký ức chiến tranh kinh hoàng mà Nhật Bản gây ra ở Trung Quốc, tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bất đồng về vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu cả 2 bên thống nhất kiềm chế hành động, điều này có thể tạo điều kiện để Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Tokyo.
Minh Anh (thực hiện) / Zing.vn