tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 08-05-2016

  • Cập nhật : 08/05/2016

Biển Đông nóng, Trung Quốc đe siết chặt lệnh cấm đánh cá

Ngày 5/5, người đứng đầu ngành ngư nghiệp Trung Quốc tuyên bố năm nay lệnh cấm đánh cá sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài.

tau hai canh trung quoc nay moi day da dam tau ca cua ngu dan viet nam hoat dong gan khu vuc quan dao hoang sa

Tàu hải cảnh Trung Quốc này mới đây đã đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa

Theo Tân Hoa Xã, thứ trưởng phụ trách nghề cá của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc Dư Hân Vinh thông báo, việc thực thi lệnh cấm đánh bắt sẽ do lực lượng tuần duyên và cơ quan ngư nghiệp phụ trách. Thứ trưởng Nông Nghiệp Trung Quốc cũng cho biết chính quyền có chủ trương tái định hướng nghề cá, theo hướng giảm sản lượng, giảm số tàu đánh bắt, khuyến khích ngư dân chuyển nghề để bảo vệ nguồn hải sản.

Theo quan chức Trung Quốc nói trên, chính quyền đã tiến hành bốn chiến dịch truy bắt các tàu cá hành nghề bất hợp pháp và các phương tiện khai thác bất hợp pháp, với kết quả là 16.000 tàu không có giấy phép bị cấm hành nghề và 600.000 lưới đánh cá không hợp lệ (với mắt lưới quá nhỏ) bị thu giữ.

Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm, tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Theo chính quyền Trung Quốc, việc cấm khai thác vào mùa này là để tạo điều kiện cho nguồn cá phục hồi. Biển Đông, vốn được coi là một trong các khu vực có trữ lượng cá hàng đầu thế giới, được đánh giá bị khai thác quá mức.

Theo một nghiên cứu chính thức được Tân Hoa Xã công bố, hàng năm có khoảng từ 8 đến 9 triệu tấn hải sản đánh bắt được tại khu vực này. Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường Biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ Biển Đông.

Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Cá Biển Đông ngày càng cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt ồ ạt tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở ngoài khơi miền tây châu Phi. Đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển này. Theo một nghiên cứu, hàng năm ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 2 triệu tấn cá tại Tây Phi.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Việc Trung Quốc ra thông báo quy định phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là một hành động vô giá trị và Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này.


Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cấp tàu chiến để phong tỏa Crimea

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từ chối cung cấp tàu chiến cho tổ chức cực đoan đã bị Nga cấm là "Medjlis của người Tatar Crimea" để phong tỏa Crimea.

tong thong tho nhi ky recep tayyip erdogan. anh: ap

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Đó là thông báo của một thủ lĩnh tổ chức cực đoan nói trên là Mustafa Dzhemilev, nghị sĩ Quốc hội Ukraine.Trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang tin online.ua, thủ lĩnh của Medjlis cũng phàn nàn rằng Ankara từ chối liên kết vào các biện pháp trừng phạt chống Nga. Đồng thời, chính trị gia Ukraine này lưu ý rằng Tổng thống Erdogan đã nhiều lần khẳng định lập trường về qui chế của Crimea.


Người dân Mỹ lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc

50% người Mỹ tham gia cuộc thăm dò dư luận nhận xét sự trỗi dậy để trở thành cường quốc của Trung Quốc là mối đe dọa quan trọng đối với Mỹ.

Trong khi đó, 80% xác định IS là mối lo ngại lớn và 55% ghi nhận nguy cơ đe dọa đến từ người di cư Syria và Iraq. Ngày 6-5, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) đã công bố kết quả thăm dò như trên.

Theo báo South China Morning Post, 55% số người được hỏi mong muốn Mỹ là cường quốc quân sự duy nhất trên thế giới. Gần 1/4 số người được hỏi xem Trung Quốc là đối thủ của Mỹ. Tỉ lệ này ngang ngửa với tỉ lệ nhận định như thế với Nga.

Pew nhận xét hai tỉ lệ Trung Quốc và Nga là đối thủ của Mỹ không thay đổi nhiều trong những năm qua. Các cuộc thăm dò trước đó của Pew cho thấy người dân Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ đối với Trung Quốc từ năm 2012 sau khi căng thẳng xảy ra ở biển Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp báo hôm 5-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đổ lỗi cho Philippines không thực hiện cam kết trong khi Trung Quốc và Philippines đã thỏa thuận hàng loạt hồ sơ song phương và đa phương để giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua đối thoại. Người phát ngôn nói Philippines không bao giờ trao đổi với Trung Quốc về việc kiện “đường chín đoạn” ở Tòa Trọng tài Thường trực. Trước đó, Philippines tuyên bố đối thoại song phương với Trung Quốc xem như đã chấm dứt.


Trung Quốc đặt "Bom hẹn giờ" ở châu Á

Ấn Độ lo ngại con sông Brahmaputra của mình sẽ bị bức tử khi Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện ở thượng nguồn.

Tình trạng thiếu nước của châu Á đang ngày càng nguy hiểm.

Vốn đã được xem là lục địa khô cằn nhất thế giới (tính theo lượng nước trên đầu người), châu Á giờ đây còn đối mặt một đợt hạn hán tồi tệ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, trải dài trên khu vực rộng lớn.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Đợt nắng nóng đang hoành hành Ấn Độ nhiều tuần qua có nhiệt độ cao bất thường so với cùng kỳ hằng năm. Ở một số khu vực, nhiệt độ có khi lên tới gần 50 độ C. Chính phủ Ấn Độ cho biết khoảng 330 triệu người dân đang vật lộn vì cái nóng cháy da cháy thịt, trong khi hạn hán hoành hành khắp 10 bang đã hủy hoại nghiêm trọng nền kinh tế của quốc gia có hơn nửa dân số phụ thuộc vào nghề nông này. Có những khu vực như bang Maharashtra ở miền Tây, hạn hán đã kéo dài 4 năm liên tiếp, đẩy nông dân tới tuyệt vọng và nhiều người đành tự kết liễu đời mình bằng thuốc trừ sâu.

khoang 330 trieu nguoi an do dang suy kiet vi nang nong. anh: ap

Khoảng 330 triệu người Ấn Độ đang suy kiệt vì nắng nóng. Ảnh: AP

Thêm vào đó, nắng nóng kết hợp với ẩm thấp khiến Ấn Độ trở thành điểm nóng toàn cầu về các bệnh tật liên quan, trong đó hơn 370 trường hợp tử vong được ghi nhận cho đến nay.

Trong khi nhiều người không biết có thể cầm cự được tới mùa mưa - thường vào giữa tháng 6 - hay không thì các chuyên gia khí tượng dự báo dù có mưa vẫn không đủ bù đắp lượng nước ngầm đã bị rút kiệt.

Theo Ủy ban Nước trung ương, các hồ lớn của Ấn Độ đã mất 79% lượng nước và 75% lưu vực chứa lượng nước thấp hơn mức trung bình 10 năm qua. Tướng Shankar Roychowdhury, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, hồi cuối tháng 4 đã cảnh báo thực trạng ở Ấn Độ là bằng chứng rõ ràng của hậu quả tàn khốc mà biến đổi khí hậu gây ra. Mặt khác, ông báo động kế hoạch xây dựng ít nhất 4 nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên sông Yarlung Tsangpo. Dòng sông xuyên biên giới dài 2.880 km này khởi nguồn từ Tây Tạng - Trung Quốc, trải dài xuống phía Bắc Ấn Độ với tên gọi Brahmaputra và đoạn cuối của nó chảy vào Bangladesh với cái tên Jamuna.

Nhiều nhà quan sát Ấn Độ quan ngại những nhà máy thủy điện khổng lồ của Trung Quốc chỉ là sự khởi đầu cho kế hoạch làm khô cạn sông Brahmaputra nếu họ cố tình chặn dòng chảy vào Ấn Độ. Tất nhiên, điều đó cũng gây nguy hại tới Bangladesh.

Chiến tranh vì nước sạch?

Những quốc gia Đông Nam Á “cùng uống chung dòng nước” sông Mê Kông với Trung Quốc đã thấm thía được nhiều điều trong đợt hạn nghiêm trọng hiện nay. Trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất có 27/76 tỉnh của Thái Lan, nhiều khu vực ở Campuchia, 2 thành phố lớn Yangon và Mandalay của Myanmar.

Tình hình cấp bách như vậy nhưng Bắc Kinh vẫn chần chừ, tới giữa tháng 3 mới chịu xả nước các đập thủy điện của mình để “giúp” các nước hạ nguồn Mê Kông. Tuy nhiên, lượng nước xả quá ít, chẳng thấm tháp vào đâu!

Một điều đáng chú ý là trong số các nạn nhân của đợt hạn hán tồi tệ năm nay có tới 3 quốc gia sản xuất gạo hàng đầu, gồm Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ. Điều này đe dọa thị trường gạo thế giới bị xáo trộn trong thời gian tới.

Không dừng lại ở đó, báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) còn đặt ra câu hỏi đáng sợ: Liệu nguy cơ thiếu nước có thể gây ra chiến tranh?

Theo báo cáo này, khu vực Trung Đông, châu Phi và Trung Á sẽ là những nơi thiếu nước sạch trầm trọng vào năm 2050.

Nhà kinh tế học môi trường Richard Damania, tác giả bản báo cáo nêu trên, cho biết nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Trong khoảng 30 năm tới, nhu cầu sử dụng nước trong lĩnh vực sản xuất lương thực sẽ tăng 40%-50%, khu vực đô thị và công nghiệp tăng 50%-70%, thậm chí lĩnh vực sản xuất năng lượng tăng tới 85%. Chuyên gia này cảnh báo tình trạng khan hiếm nước sạch có thể gây ra những làn sóng nhập cư và xung đột mới trên toàn thế giới.


Tổng thống Putin cấp 1ha đất miễn phí cho người dân ở Viễn Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kí sắc lệnh cho phép người Nga hoặc người nước ngoài nhập tịch có thể nhận 1 ha đất miễn phí tại vùng Viễn Đông.

“Chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương để người dân nhận đất ở những khu vực đang có cơ sở hạ tầng tối thiểu”, Tổng thống Putin nói khi có cuộc gặp mặt với Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông, Alexander Galushka vào hôm 5/5.

tong thong nga vladimir putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo ông Galushka, cơ sở hạ tầng còn có thể được cung cấp miễn phí cho một nhóm 20 người nhận đất cùng nhau và đã có rất nhiều người đăng kí nhận đất miễn phí kể từ khi chính phủ có chương trình này. Bên cạnh đó, Moscow cũng đang cân nhắc cung cấp điện giá rẻ hơn cho khu vực Viễn Đông so với mặt bằng chung ở Nga.

“Đạo luât Cấp nhà cho người di cư” được đặc phái viên Tổng thống Nga ở khu vực Viễn Đông, ông Yury Trutnev đề xuất vào đầu năm 2015. Ông Trutnev đề nghị cung cấp lô đất lớn miễn phí cho bất cứ ai sẵn sàng tái định cư ở vùng Viễn Đông để mở trang trại hay kinh doanh. Đây là chương trình nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực.

Lô đất miễn phí có thể được sử dụng để làm mọi điều mà luật pháp cho phép, tuy nhiên, việc cho thuê, đem bán hoặc cho không chỉ được thực hiện sau khi đã sở hữu 5 năm. Thậm chí cả người nước ngoài cũng được phép sử dụng đất, tuy nhiên, toàn quyền sở hữu khu đất đó chỉ được trao khi người đó nhập tịch Nga.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục