Venezuela: Bùng phát cướp bóc vì khủng hoảng
EURO 2016 - mục tiêu hấp dẫn của khủng bố
Nga yêu cầu Triều Tiên giải thích vụ bắt giữ du thuyền Nga
Ukraine "chơi xấu" các nhà báo ở miền đông
Nga bác tin chuyển giao đảo cho Nhật Bản
Tin thế giới đọc nhanh trưa 06-05-2016
- Cập nhật : 06/05/2016
Ba nước Đông Nam Á sẽ tuần tra chung ở Biển Đông
Theo CNA, quyết định được thống nhất trong cuộc họp giữa các quan chức dân sự và quân sự của ba nước, do Indonesia chủ trì ở thành phố Yogyakarta. Các nước này đều có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
"Cuộc họp được tiến hành nhằm đề ra các kế hoạch hợp tác tuần tra chung", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói. Giới chức cũng thảo luận chi tiết về quy trình hoạt động tiêu chuẩn cả ba nước cùng chia sẻ.
"Đầu tiên, chúng ta cần tìm ra cách hợp tác tuần tra chung", ông Widodo nói. "Thứ hai, nếu có vụ việc xảy ra, chúng ta cần xác định các bước hành động. Thứ ba, về trao đổi thông tin, chúng ta sẽ cần mở đường dây nóng giữa các trung tâm khủng hoảng của chúng ta".
Cuộc gặp ba bên diễn ra sau các vụ bắt cóc ở vùng biển ngoài khơi phía nam Philippines và phía bắc Borneo, nơi Indonesia chia sẻ đường biên giới với Malaysia. Hơn 55 triệu tấn hàng và hơn 18 triệu hành khách hàng năm di chuyển qua khu vực. Nhưng ngày càng nhiều dân thường cả ba nước đang trở thành nạn nhân bắt cóc tại khu vực chiến lược.
Trong 5 tuần qua, 14 thủy thủ Indonesia, 4 thủy thủ Malaysia bị các tay súng bắt cóc khỏi tàu. Chúng được cho là có quan hệ với nhóm khủng bố Abu Sayyaf. 10 người Indonesia bị bắt hồi cuối tháng ba được thả hôm 1/5 và đã trở về nhà. Malaysia cho rằng cần xử lý nguyên nhân gốc rễ khiến số vụ bắt cóc gia tăng, đó là tình trạng bất ổn ở phía nam Philippines, thành trì của Abu Sayyaf.
Nga bất ngờ đồng ý xem xét “loại bỏ” ông Assad?
Washington và Moskva đã đạt được bước tiến quan trọng trong vài ngày gần đây qua các cuộc điện đàm marathon giữa hai ngoại trưởng John Kerry và Sergei Lavrov.
Tổng thống Venezuela ra sắc lệnh ngăn Quốc hội bãi nhiệm nội các
Thông cáo của Phủ Tổng thống Venezuela tố cáo phe đối lập đang âm mưu gây nên một bầu không khí đối đầu ở quốc gia Nam Mỹ.
Ngày 4/5, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã ban bố sắc lệnh ngăn cản Quốc hội nước này, do phe đối lập chiếm đa số, bãi nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng, đồng thời khẳng định văn bản này là cần thiết để không làm cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở nên trầm trọng hơn.
Theo phóng viên tại Nam Mỹ, thông cáo của Phủ Tổng thống Venezuela tố cáo phe đối lập đang âm mưu gây nên một bầu không khí đối đầu ở quốc gia Nam Mỹ.
Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu khí hàng đầu thế giới, hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc.
Nguồn thu từ dầu khí chiếm tới 90% nguồn ngoại tệ của Venezuela. Khan hiếm lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm đang trở thành gánh nặng đối với chính phủ của Tổng thống Maduro.
Năm ngoái, kinh tế Venezuela suy giảm -5,7%, với mức lạm phát lên tới 180% và là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, phe đối lập đang âm mưu thúc đẩy môt cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro.
Ngày 3/5, phe đối lập đã gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) danh sách 1,85 triệu chữ ký những người muốn phế truất ông Maduro.
Bản thân ông Maduro tuyên bố sẽ cho phép tiến hành trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm ông nếu CNE xác nhận các chữ ký mà phe đối lập đã thu thập là hợp lệ.
Các chữ ký này là yêu cầu đầu tiên mở đường cho việc tiến hành các thủ tục cần thiết để phế truất Tổng thống Maduro trong bối cảnh nhà lãnh đạo này vừa hoàn thành nửa nhiệm kỳ cầm quyền vào tháng 4 vừa qua.
Phe đối lập chỉ cần thu thập đủ 200.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để hoàn thành yêu cầu đầu tiên trong nhiều thủ tục để có thể tiến tới việc bãi nhiệm ông Maduro.
Sau quá trình này, phe đối lập một lần nữa cần thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Venezuela đồng ý bãi nhiệm ông Maduro để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn như Hiến pháp quy định.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 4/5, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) thông báo sẽ tiến hành một cuộc họp đặc biệt vào ngày 5/5 để bàn về tình hình chính trị hiện nay ở Venezuela theo đề nghị của Caracas.
Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez dự kiến sẽ tham dự cuộc họp.
Trong buổi làm việc với Tổng Thư ký OAS, Luis Almargo tuần trước, phe đối lập Venezuela đã yêu cầu thành lập một nhóm quan sát viên tham dự cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm ông Maduro, cũng như tạo thuận lợi cho đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập.
Xu hướng lực lượng cực hữu mạnh lên ở châu Âu
Bản đồ chính trị châu Âu đang biến đổi nhanh chóng do tác động bởi các cuộc khủng hoảng gần đây, thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ cử tri ủng hộ lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa trong những cuộc bầu cử cả ở cấp độ EU cũng như tại một số nước thành viên.
Đó là nhận định của chuyên gia phân tích Milos Balaban trên nhật báo Pravo (CH Séc) số ra mới đây. Bài báo viết: “Biến động này bắt đầu trở nên rõ ràng hơn sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2014. Các đảng phái hoài nghi châu Âu đã giành được số ghế cao nhất trong EP từ trước tới nay. Xu hướng này tiếp tục mạnh lên trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương trong EU sau đó.
Tại Tây Ban Nha, sau khi việc thành lập chính phủ thất bại các đảng phái lại chuẩn bị cho cuộc bầu cử nữa trong tháng 6 tới. Thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, giai đoạn 40 năm thay nhau cầm quyền của hai chính đảng lớn nhất nước này (PP và PSOE) sắp chấm dứt.
Các đảng phái đại diện cho sự bất bình của người dân có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ mới. “Cơn địa chấn” này cũng có khả năng sẽ xảy ra ở Áo khi ông Norbert Hofer, ứng cử viên của đảng cánh hữu Tự do (FPOe) vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một vừa qua.
Biến động chính trị cũng đang diễn ra tại các nước “đầu tàu của EU” Đức và Pháp. Tỷ lệ ủng hộ tăng mạnh trong cuộc bầu cử tại ba bang vừa qua đối với đảng “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) mới bước chân vào chính trường được 3 năm, cho thấy, người dân ngày càng không hài lòng đối với chính phủ hiện tại ở Đức.
Tại Pháp việc “Mặt trận Dân tộc” của bà Marine Le Pen bước vào vòng hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 sẽ không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Liên minh châu Âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong xã hội, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người dân trong vòng hai, ba năm tới.
Tỷ lệ ủng hộ đối với xu hướng hội nhập sâu hơn trong nội bộ EU sẽ giảm xuống, tác động tiêu cực đến khả năng của EU trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh nội khối, nhất là trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với nhiều bất ổn khó lường hiện nay.
Trước đó nhà xã hội học Ba Lan Marcin Krol từng nhận định, việc các tầng lớp trung lưu bị gạt ra khỏi việc quản lý xã hội, thay vào đó là giới lãnh đạo ngân hàng, giới đầu cơ, tỷ phú, sẽ thúc đẩy tầng lớp này tìm kiếm sự thay đổi.
Hiện xu hướng này đã lan sang cả giới nhân viên văn phòng khi đội ngũ này ủng hộ mạnh mẽ bà Le Pen và ông Hofer tại Pháp và Áo.
Thêm vào đó, giới lãnh đạo hiện nay của EU đang cho thấy những hạn chế và sự thiếu hiệu quả trong chính sách đối phó với khủng hoảng nhập cư. Những yếu tố này dẫn tới những biến động mạnh trên chính trường châu Âu là điều không thể tránh khỏi.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đảng cánh hữu, cánh tả truyền thống, vốn định hình chính trường châu Âu trong hơn 60 năm qua, sẽ đối phó được với xu hướng biến động này. “Viễn cảnh Tổng thống Pháp Le Pen bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong thời gian tới”.
Tổng thống Argentina bị điều tra do liên quan đến "Hồ sơ Panama"
Argentina đã yêu cầu Bahamas và Panama cung cấp thông tin liên quan tới các công ty do Tổng thống nước này làm Chủ tịch trong vụ "Hồ sơ Panama".
Ngày 4/5, Thẩm phán Argentina Sebastián Casanello đã yêu cầu Bahamas và Panama cung cấp thông tin liên quan tới các công ty do Tổng thống nước này, Mauricio Macri, làm Chủ tịch trong vụ Hồ sơ Panama.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Thẩm phán Casanello nhấn mạnh việc điều tra này nhằm xác định ông Macri có góp cổ phần trong các công ty tài khoản ủy thác gồm Fleg Trading và Kagemusha có trụ sở tại hai "thiên đường thuế" nói trên hay không.
Phát biểu với báo giới cùng ngày tại Phủ Tổng thống, ông Macri khẳng định sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Tổng thống Macri nhiều lần bác bỏ cáo buộc có liên quan tới các công ty nêu trên bởi khẳng định không có cổ phần trong các công ty gia đình này mặc dù giữ chức Chủ tịch.
Tổng thống Macri đã không khai báo về các hoạt động của ông này trong 2 công ty trên tuy nhiên thừa nhận có sự liên quan bởi đây là công ty do bố ông sáng lập. Ông này cũng đã gửi các tài liệu đến văn phòng chống tham nhũng để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu tòa án xác thực kê khai tài sản của mình. Tổng thống Macri đã tuyên bố đưa toàn bộ tài sản của mình vào một quỹ tín thác độc lập trong thời gian giữ chức tổng thống - một biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích và tạo sự minh bạch trong việc quản lý các lợi nhuận kinh doanh của ông.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính cũng như bí mật của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài.
* Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Thượng viện Uruguay đã thông qua việc thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ Hồ sơ Pamana. Thông cáo của Thượng viện Uruguay cho biết ủy ban này gồm 7 nghị sĩ sẽ có nhiệm vụ đưa ra các giải pháp phòng chống gian lận tài chính, trốn thuế và rửa tiền.
Cơ quan lập pháp Uruguay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc minh bạch hóa các hoạt động tài chính quốc tế bao gồm việc tiếp cận với thông tin mật của ngân hàng và xác định rõ danh tính các cổ đông của các công ty tài khoản ủy thác. Uruguay là một trong những quốc gia có nhiều công ty tài khoản ủy thác được thành lập nhất thông qua công ty luật Panama Mossack Fonseca.