Mỹ 'dằn mặt' Đài Loan trên Biển Đông
Đảng cầm quyền Singapore chiến thắng trong bầu cử bổ sung
Lãnh đạo Triều Tiên không loại trừ sự thống nhất với Hàn Quốc bằng vũ lực!
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt hơn 50 chiến binh IS
Website của Thủ tướng Hun Sen bị tấn công
Tin thế giới đọc nhanh 08-05-2016
- Cập nhật : 08/05/2016
Ông Obama bị kiện vì tiến hành chiến tranh trái phép chống IS
Một đại úy Lục quân Mỹ đã khởi kiện Tổng thống Barack Obama trong ngày thứ Tư tuần này, nói rằng ông không được Quốc hội cấp đủ thẩm quyền để tổ chức cuộc chiến chống nhóm IS ở Iraq, Syria.
Nói một cách khác, cuộc chiến này là hoạt động trái phép, không tuân theo luật lệ.
Đại úy Nathan Michael Smith đã đâm đơn kiện lên Tòa án sơ thẩm tại Washington khi ông Obama đang đưa thêm lính đặc nhiệm tới khu vực – và chỉ một ngày sau khi một người lính đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ bị giết tại đây khi đang chiến đấu. Đây là người lính Mỹ thứ ba thiệt mạng kể từ khi Mỹ tổ chức chiến dịch chống IS trong mùa Hè 2014.
Smith ủng hộ cuộc chiến, coi IS là một “đạo quân của những gã đồ tể.” Nhưng anh muốn tòa nói với Obama rằng ông cần phải đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyền sử dụng lực lượng quân sự mới.
Để chiến đấu chống IS, Obama vẫn đang dựa vào thẩm quyền mà Quốc hội Mỹ cấp cho Tổng thống George W. Bush khi ông tiến hành cuộc chiến tranh chống Al Qaeda và tấn công Iraq. Các nhà chỉ trích nói rằng Nhà Trắng đã lạm dụng thẩm quyền này.
Về phần mình, Nhà Trắng tuyên bố họ đã có đủ thẩm quyền cần thiết để chống IS, dù một sự chấp thuận mới từ Quốc hội với cuộc chiến chống IS có thể gửi đi tín hiệu rõ ràng hơn về sự đoàn kết của bộ máy lãnh đạo.
Smith đã đề nghị tòa án tìm hiểu xem cuộc chiến chống IS có vi phạm một đạo luật mang tên Nghị quyết về quyền chiến tranh hay không, bởi Quốc hội chưa tuyên chiến với IS hay cấp cho ông Obama thẩm quyền đặc biệt để chống nhóm này.
Lở đất tại khu khai thác ngọc ở Myanmar, 13 người thiệt mạng
Giới chức địa phương ngày 6/5 cho biết một vụ lở đất nghiêm trọng tại bang Kachin, khu vực khai thác ngọc ở miền Bắc Myanmar đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng.
Vụ việc xảy ra tối 5/5 tại khu mỏ ngọc ở thị trấn Hpakant thuộc bang Kachin. Đất đá lở đã chôn vùi những người đang tìm ngọc. Lực lượng cứu hộ đã đưa được 13 thi thể nạn nhân ra khỏi lớp đất đá. Được biết những người này đều từ các địa phương khác đến bang Kachin làm công việc khai thác ngọc. Công tác cứu hộ hiện đã ngừng.
Lở đất và tai nạn ở các khu khai thác ngọc của Myanmar xảy ra khá thường xuyên. Tháng 11/2015, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một vụ lở đất. Theo một thống kê không chính thức, ngành khai thác ngọc của Myanmar thu về 31 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.
Trực thăng Malaysia mất tích: Khoanh vùng tìm kiếm
Hiện khu vực tìm kiếm chiếc trực thăng Malaysia mất tích đã được khoanh vùng trong bán kính 10km quanh khu vực sông Batang Lupar.
Ngoài việc triển khai tìm kiếm trên sông, các trực thăng của Malaysia cũng đang tích cực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Reuters.
Tờ New Straits Times đưa tin, 6h26 sáng 6-5, các nhân viên cứu hỏa cùng lực lượng cứu hộ đã đến bến phà Sebuyau để bắt đầu tìm kiếm chiếc trực thăng chở một số quan chức của Malaysia bị mất tích ở khu vực sông Batang Lupar.
Dữ liệu theo dõi vệ tinh cho thấy, chiếc máy bay trực thăng hiệu Eurocopter Ecureuil mất liên lạc lúc 17h ngày 5-5 (theo giờ địa phương) gần Sebuyau. Hiện khu vực tìm kiếm đã được khoanh vùng trong bán kính 10km.
Theo giới chức Malaysia, lực lượng cứu hộ bao gồm các nhân viên cứu hỏa và chuyên gia ứng phó với tình huống khẩn cấp thuộc các đơn vị đến từ Simunjan, Samarahan và Kuching. Hiện có 3 thuyền và khoảng 24 nhân viên cứu hộ đã được triển khai để tìm kiếm ở các vùng nước sâu.
Ông Azman Julaihi, một quan chức điều hành chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm từ ở khu vực cửa biển, trên sông Batang Lupar cũng như trong khu vực Linggi. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm kiếm ở những khu vực có khả năng chiếc máy bay rơi xuống như Batang Sadong”.
Theo truyền thông địa phương, chiếc trực thăng chở nhiều khách VIP mất tích trong khi đang bay từ Betong đến Kuching Sarawak.
Trên chiếc trực thăng bị mất tích có 5 hành khách gồm: vợ chồng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch công nghiệp và hàng tiêu dùng Malaysia Noriah Kasnon, nghị sỹ Wan Mohammad Khair-il Anuar Wan Ahmad, Tổng thư ký Bộ Kế hoạch công nghiệp và hàng tiêu dùng Malaysia Sundaran Annamalai và vệ sỹ của bà Noriah Kasnon.
Trung Quốc doạ "bật như lò xo" nếu bị chỉ trích trên Biển Đông
Một nhà ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng nói rằng việc cộng đồng quốc tế chỉ trích Bắc Kinh về những vấn đề liên quan đến Biển Đông có thể gây hiệu ứng như ấn vào lò xo.
"Dĩ nhiên là chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các bình luận mang tính xây dựng và chỉ trích từ quốc gia liên quan. Nhưng nếu họ muốn gây áp lực hay làm tổn hại thanh danh Trung Quốc, có thể coi đó là một lò xo, có cả lực tác dụng và phản lực. Áp lực càng lớn, lò lo bật càng mạnh", ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, lãnh đạo cơ quan Ranh giới và Các vấn đề Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu trong buổi họp báo ngày 6/5.
Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh phát biểu về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh ngày 6/5. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Âu Dương, Trung Quốc đã xem xét vụ kiện của Philippines và kết luận rằng đây chỉ là vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới trên biển, Trung Quốc có quyền không tham gia. Vị quan chức mạnh miệng tuyên bố ba hiệp ước quốc tế năm 1898, 1900, 1930 đều đã đánh dấu ranh giới của Philippines và theo đó, bãi cạn Scarborough thuộc về Trung Quốc. Ông cáo buộc Philippines "chiếm đóng bất hợp pháp" bãi cạn này của Trung Quốc vào những năm 1960.
Bình luận của ông Âu Dương được đưa ra trong bối cảnh Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước thời điểm PCA chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện, Bắc Kinh liên tục gây sức ép với các nước. Giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại phán quyết của PCA có thể sẽ khiến Trung Quốc đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, như Bắc Kinh từng làm ở khu vực biển Hoa Đông năm 2013. Trung Quốc không bác bỏ cũng không xác nhận điều này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Dù nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.
Tàu cá Trung Quốc đâm tàu hàng Malta, 2 người chết, 17 mất tích
Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin từ lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho hay 2 người đã thiệt mạng và 17 người bị mất tích khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm phải một tàu chở hàng của Malta và chìm ở biển Hoa Đông vào rạng sáng 7/5.
Tàu cá Lu Rong Yu mang số hiệu 58398 lúc đó đang chở 19 người thì vụ tai nạn bất ngờ xảy ra lúc 3 giờ 40 phút sáng (giờ địa phương). Theo báo cáo, hai thuyền viên đã được các tàu cá gần đó cứu nhưng sau đó cả hai người này đều tử vong. Hiện 17 người vẫn mất tích.
Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
Biển Hoa Đông là vùng biển nơi có nhiều đảo mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có tuyên bố chủ quyền. Trước đây, các vụ việc liên quan đến tàu đánh cá Trung Quốc và tàu tuần tra Nhật Bản đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.