Philippines lạc quan trong vụ kiện Trung Quốc
Luật sư trưởng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông kỳ vọng tòa trọng tài quốc tế tại Hague, Hà Lan sẽ có phán quyết vào tháng 6-2016.
Luật sư Paul Reichler kỳ vọng sẽ có phán quyết về vụ kiện Trung Quốc khoảng giữa năm sau - Ảnh: ITLOS
Theo Reuters ngày 30-10, luật sư Paul Reichler bày tỏ tin tưởng rằng bất chấp việc Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này, với sức ép của quốc tế, Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài ở The Hague.
Trong một diễn biến có lợi cho Philippines, hôm 29-10, tòa trọng tài quốc tế nói họ có thẩm quyền để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về một số tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Reichler gọi đây là một chiến thắng lớn và nói ông kỳ vọng phiên điều trần về vụ kiện sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Sau đó, một phán quyết sẽ được đưa ra trong vòng 6 tháng, tức khoảng giữa năm sau.
“Chúng tôi đang nói đến phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào khoảng giữa năm sau, có thể là tháng 6-2016. Tuy nhiên, tôi chỉ suy đoán mốc thời gian này” - ông nói.
Ông Reichler cũng bày tỏ lạc quan rằng kết quả cuối cùng sẽ có lợi cho Philippines.
Manila đưa vụ kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài năm 2013. Trung Quốc tẩy chay vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa trọng tài.
Ông Reichler nói một ngày nào đó Trung Quốc không thể tránh khỏi việc phải tuân thủ phán quyết đối với họ nếu như Trung Quốc muốn được nhìn nhận là một nước tôn trọng luật pháp quốc tế.
LHQ và Chữ thập đỏ đồng quở trách lãnh đạo thế giới
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và chủ tịch Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đồng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới “tê liệt một cách đáng ngại” trước các cuộc xung đột.
Ông Ban Ki Moon và Peter Maurer tại cuộc họp báo ngày 31-10 (BBC)
“Điều này bất tôn mục đích hoạt động cơ bản nhất của Liên Hiệp Quốc”, ông Ban Ki Moon nói.
Theo BBC, đây là lần đầu tiên LHQ và ICRC cùng đưa ra một tuyên cáo chung như vậy. Đây là dấu hiệu của sự tuyệt vọng trước làn sóng xung đột lan nhanh khắp thế giới.
Chủ tịch ICRC Peter Maurer cho rằng thế giới chưa bao giờ chứng kiến nhiều sự đau khổ và bất ổn như hiện nay.
“Chúng tôi chưa từng thấy nhiều người bỏ chạy như vậy trước đây. Khoảng 60 triệu người trên toàn cầu bị buộc phải rời nhà vì xung đột và bạo lực”, ông Maurer nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký LHQ ngày 31-10.
“Vậy là đủ rồi. Kể cả chiến tranh cũng phải có luật. Bây giờ là lúc thực thi chúng”, ông Ban nhấn mạnh.
LHQ cùng ICRC đồng kêu gọi các quốc gia thực hiện các bước mang lại hòa bình:
- Kiềm chế các nhóm vũ trang, bắt chúng chịu trách nhiệm về tội ác. Ngưng dùng vũ khí hạng nặng tại khu vực đông dân.
- Bảo vệ và hỗ trợ những người tị nạn, giúp tìm giải pháp lâu dài.
- Không gây khó khăn cho các sứ mệnh y tế và nhân đạo. Lên án bất cứ ai vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
- Nỗ lực hơn nữa tìm kiếm các giải pháp cho xung đột.
Có rất nhiều người di cư đã vượt Địa Trung Hải đến châu Âu trong năm 2015 để trốn chiến tranh ở quê nhà. LHQ ước tính hơn 700.000 người đã đến châu Âu bằng thuyền cho đến thời điểm này. Con số này vẫn không giảm kể cả khi mùa đông đang đến gần.
Indonesia có thật sự phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông?
Trong khi một số nước trong khu vực ủng hộ việc Mỹ tuần tra tại Biển Đông, một quan chức cấp cao Indonesia lại lên tiếng phản đối. Đó có phải là cách tiếp cận thật sự của “xứ vạn đảo” về vấn đề này?
Tổng thống Joko Widodo cho rằng đảm bảo tự do hàng hải là một trong những vấn đề cần tập trung tại Biển Đông - Ảnh: Reuters
Chuyên gia Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat, chuyên về chính sách đối ngoại của Indonesia, phụ trách mảng Đông Nam Á và chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng không nên coi lời phản đối của quan chức đó là chính thức, mà cần phải nhìn nhận kỹ hơn Indonesia đã từng làm gì để thấy được cách tiếp cận của nước này về các vấn đề tại Biển Đông.
Ông Lulut Pandjaitan, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề về chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia và là một trong những cố vấn cấp cao của Tổng thống Joko Widodo đã nói rằng Indonesia không đồng ý với việc Mỹ phô diễn sức mạnh, viện dẫn từ sự không hiệu quả của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, theo Kyodo News ngày 28.10. Nhiều người sẽ nghĩ rằng bình luận đó dường như có ý chống Mỹ và thậm chí là ủng hộ Trung Quốc, và Indonesia không xem sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông là đáng báo động.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Parameswaran, bình luận của ông Pandjaitan không nên được xem là quan điểm chính thức về chính sách của Indonesia về Biển Đông. Thay vào đó, phát ngôn của Tổng thống Jokowi tại Viện Brookings (ở thủ đô Washington, Mỹ) trong chuyến thăm Mỹ vừa qua đáng được tin tưởng như là cách tiếp cận của Indonesia. Tổng thống Jokowi nói rằng, dù không phải là bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, theo Straits Times. Ông kêu gọi tất cả các bên, trong đó có Mỹ, kiềm chế.
Tổng thống Indonesia nói rằng những căng thẳng trong khu vực cần được giải quyết hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, bên cạnh đó Trung Quốc và ASEAN cần đạt tiến triển về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tổng thống Indonesia đã phát biểu như trên chỉ vài giờ sau khi Mỹ tiến hành tuần tra tại Biển Đông ngày 27.10.
Hơn nữa, Tổng thống Indonesia cũng dành phần lớn thời gian để nói về các vấn đề Biển Đông. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm quyền tự do hàng hải như là một trong những yếu tố quyết định tại khu vực.
Những suy đoán rằng lập trường của Indonesia về Biển Đông có phần nghiêng về ủng hộ Trung Quốc và chống Mỹ là sự phóng đại quá mức, theo chuyên gia Parameswaran. Có thể đưa ra vài ví dụ để thấy được những gì mà Indonesia đang làm tại Biển Đông là trái với những phát ngôn cá nhân của vài quan chức nước này.
Để đáp lại sự ngang ngược trong vài năm qua của Trung Quốc tại Biển Đông, gây ảnh hưởng đến cả vùng biển của Indonesia, Jakarta đã tự tăng cường khả năng phòng thủ và còn theo đuổi các mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các nước khác, trong đó có Mỹ.
Hồi tuần rồi, cơ quan lập pháp Indonesia đã đưa ra đề xuất phân bổ thêm ngân sách để tăng cường cho căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna, nơi bị “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc "liếm" qua. Các quan chức nói rằng kế hoạch này được đưa ra sau những căng thẳng tại Biển Đông.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, vấn đề an ninh hàng hải cũng là điểm nổi bật trong cuộc đối thoại giữa Tổng thống Jokowi và Tổng thống Obama. Mặc dù Jakarta và Bắc Kinh có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, nhưng các quan chức quân đội thừa nhận rằng mối quan hệ quốc phòng vẫn còn rất hạn chế do thiếu tin tưởng.
Phát biểu của Bộ trưởng Pandjaitan dù có phần cường điệu khi so sánh việc tuần tra của Mỹ với cuộc chiến tranh tại Trung Đông, nhưng nó cũng phần nào phản ánh xu hướng mở rộng hơn trong chính sách đối ngoại của Indonesia.
Jakarta trước nay vẫn dè dặt trong nhận định về việc can thiệp của các cường quốc vào các khu vực, và có xu hướng trung lập, duy trì sự tự chủ của mình thay vì nghiêng về một bên nào đó.
Thông điệp của ông Pandjaitan có thể là sự phản ánh xu hướng đó, cho rằng Indonesia đơn giản chỉ lo ngại về nguy cơ sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc bị trầm trọng thêm, ảnh hưởng đến tính ổn định trong khu vực và quyền tự chủ của Indonesia khi buộc phải chọn một bên.
Không nên nhầm lẫn và cho rằng phát ngôn của các quan chức Indonesia luôn đại diện cho lập trường chính thức hay sự thay đổi chính sách của đất nước. Giới quan sát nên nhìn kỹ hơn về những điều mà nước này đã làm đối với chính sách Biển Đông, theo The Diplomat.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản: Gỡ tay đôi, đẩy tay ba
Sau hơn 3 năm, giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mới lại có cuộc gặp cấp cao với nhau. Căng thẳng và trắc trở trong quan hệ tay đôi giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm ngưng trệ khuôn khổ quan hệ tay ba.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cụng ly trong một buổi tiệc tại Seoul - Ảnh: Reuters
Trung Quốc và Hàn Quốc không hài lòng với nhận thức và trách nhiệm của Nhật Bản về thời kỳ quá khứ lịch sử và về một số quan điểm chính sách mang nặng dấu ấn chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Giữa Nhật Bản và Trung Quốc lại còn có chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Chuyện song phương như thế làm cho sự hợp tác giữa ba nước này gần như không tiến triển, cho dù cả ba đều có lợi ích thiết thực ở đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực.
Ý tưởng lớn nhất, quan trọng nhất và cụ thể nhất là hình thành khu vực mậu dịch tự do vẫn còn ở xa vời. Trong vấn đề an ninh, giữa ba nước này hiện vẫn tồn tại nghi ngại sâu sắc liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.
Cả ba nối lại cơ chế cấp cao vì có được nhận thức chung là vừa phải dùng khuôn khổ quan hệ hợp tác tay ba để giúp vượt qua trắc trở trong các cặp quan hệ song phương, vừa dùng việc gỡ vướng mắc song phương để thúc đẩy hợp tác tay ba, không để bất hòa cản trở cả việc phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác và liên kết khu vực.
Cho nên cuộc gặp cấp cao này có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cả ba và khởi đầu quá trình cải thiện các mối quan hệ song phương cũng như tay ba, tuy nhiên mới chỉ đạt được sự khởi đầu, chứ chưa có được bước khai thông đột phá.
Trung Quốc phản đối đưa Biển Đông vào cuộc gặp cấp cao với Nhật
Trung Quốc ngày 31.10 lên tiếng phản đối ý định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp sắp tới với Thủ tướng Lý Khắc Cường, theo Kyodo News.
Binh sĩ Mỹ diễn tập trên tàu khu trục USS Lassen ở Biển Đông ngày 28.10. - Ảnh: Reuters
“Tôi tự hỏi Nhật có liên quan gì đến Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với giới phóng viên tại Seoul.
Trước đó, một số quan chức Nhật tiết lộ với Kyodo News rằng Thủ tướng Abe sẽ bay tỏ quan ngại về các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, khi ông hội đàm lần đầu tiên với ông Lý tại Seoul vào ngày mai 1.11, bên lề hội nghị cấp cao 3 bên với Hàn Quốc.
Theo những quan chức Nhật nói trên, trong cuộc gặp, ông Abe sẽ phát biểu rằng những hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc là “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” và sẽ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do lưu thông và luật pháp quốc tế.
Các cuộc gặp trên diễn ra vài ngày sau khi Mỹ cho tàu khu trục USS Lassen tuần tra sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thủ tướng Abe đã lên tiếng ủng hộ hành động tuần tra vừa qua của tàu USS Lassen.
(
Tinkinhte
tổng hợp)