Tổng thống Poroshenko tuyên bố không tin tưởng vào tổng thống Putin và kêu gọi quân đội chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 01-11-2015
- Cập nhật : 01/11/2015
Liên minh châu Âu ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Đông
Tàu khu trục USS Lassen (DDG 82) (phải) trong một cuộc tập trận của hải quân Mỹ đầu năm nay. Ảnh: Reuters
"Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải của họ", Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của EU nói hôm qua.
EU quan ngại về kế hoạch xây dựng các đảo mới của Trung Quốc trên Biển Đông, quan chức trên cho biết thêm.
"Dù không đứng về bên nào, EU cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên các quy tắc của luật quốc tế đã được phản ánh trong Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)", một phát ngôn viên đối ngoại của EU cho biết trong một thông cáo.
Hôm 27/10, tàu khu trục Mỹ lần đầu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Trung Quốc ngay lập tức phản ứng gay gắt.
Hải quân Mỹ cho rằng việc điều tàu tuần tra này là một phần trong các hoạt động nhằm bảo vệ quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời của tất cả các nước theo luật pháp quốc tế.
EU đang cải thiện quan hệ với Trung Quốc, hy vọng thu hút được ngân sách để kích thích nền kinh tế trì trệ của khối này. Hai bên đang đàm phán một thỏa thuận đầu tư và thương mại song phương. Các chính phủ EU cũng đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á do Trung Quốc đứng đầu.
Tuy nhiên, việc EU đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông có thể gây ảnh hưởng đến cuộc trao đổi của Brussels với Bắc Kinh tại Hội nghị Ngoại trưởng trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) tuần tới ở Luxembourg. Sự kiện có sự tham gia của 28 nước EU và 21 nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Hàn Quốc tìm cách 'đi dây' trong quan hệ với Nhật - Trung
Hội nghị thượng đỉnh Trung - Hàn - Nhật được tổ chức vào ngày mai sẽ là bước đột phá ngoại giao đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã tìm kiếm cơ hội họp một với một với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, trong bối cảnh Mỹ đang cố thúc đẩy hai đồng minh châu Á gạt đi quá khứ cay đắng để cùng đối diện với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
"Chúng tôi đã tiến hành một chính sách ngoại giao ngày càng trưởng thành với cả Mỹ và Trung Quốc trong những năm qua", Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc, nói. "Trong trường hợp của Nhật Bản thì mọi chuyện khó khăn hơn, nhưng chúng tôi hiểu rằng cần tiến về phía trước".
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc với Trung Quốc đã bị rối bời bởi điều Bắc Kinh và Seoul xem là "sự ngoan cố" của Tokyo đối với những tội ác chiến tranh trong quá khứ, đặc biệt là vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị coi là nô lệ tình dục khi phải hành nghề gái điếm trong các nhà thổ của quân Nhật trong Thế chiến II.
"Trung Quốc chưa sẵn sàng, Hàn Quốc chưa sẵn sàng, nhưng Mỹ muốn Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần hơn", cựu chuyên gia ngoại giao Nhật Kunihiko Miyake nói.
Bà Park đã có những hành động nhằm mang Hàn Quốc và Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước mình – xích lại gần nhau. Bà đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 6 lần. Với Thủ tướng Lý Khắc Cường, cuộc gặp ngày 1/11 tại Seoul sẽ là lần thứ 5.
Ít ai trông đợi các nước sẽ thể hiện thật nhiều thiện chí trong hội nghị này, nhưng đối với bà Park, đây là cơ hội để tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến lợi ích khu vực, bao gồm cả việc thúc đẩy quan hệ kinh doanh và đối phó các chương trình vũ khí của Triều Tiên.
"Tôi nghĩ rằng hợp tác kinh tế có khả năng là nội dung nổi bật trong cuộc họp", Tổng thư ký nội Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
Hội nghị thượng đỉnh ba nước vốn được tổ chức hàng năm kể từ năm 2008 để thảo luận về hợp tác kinh tế, nhưng đã bị dừng sau năm 2012 trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản hoan nghênh hội nghị lần này, đánh dấu cuộc đàm phán hai chiều đầu tiên giữa bà Park và ông Abe kể từ khi họ nhậm chức. Ông Abe đã gặp ông Tập hai lần kể từ tháng 11/2014.
Seoul và Tokyo có lịch sử hợp tác kinh tế lâu dài, nhưng các tranh cãi ngoại giao đã ảnh hưởng đến thương mại song phương, khiến nó bắt đầu giảm kể từ năm 2011, Kim Bong-man, người đứng đầu về hợp tác khu vực tại Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc cho biết.
"Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Hàn - Nhật sẽ là cơ hội để bình thường hóa quan hệ".
Nga quan ngại việc IMF thay đổi các quy định cho vay với Ukraine
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, đã bày tỏ quan ngại về khả năng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh các quy định cho vay đối với Ukraine ngay cả khi nước này không thể thanh toán các khoản nợ cho Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, ngày 30/10, đã bày tỏ quan ngại về khả năng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh các quy định cho vay đối với Ukraine ngay cả khi nước này không thể thanh toán các khoản nợ cho Nga.
Hãng tin Interfax của Nga dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Siluanov cho biết mặc dù không muốn Ukraine bị IMF cắt chương trình cứu trợ, song Moskva thực sự lo ngại về các đề xuất thay đổi chính sách mới đây của thể chế này.
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga được đưa ra một ngày sau khi IMF cho biết đang xem xét cải cách các quy định cho vay. Theo giới phân tích, điều này đồng nghĩa với việc IMF có thể sẽ tiếp tục chương trình cứu trợ khổng lồ cho Kiev.
Trước đó, IMF cảnh báo nếu Ukraine không đạt thỏa thuận với các chủ nợ về cơ cấu lại nợ trước cuối tháng này thì điều đó có thể đe dọa chương trình cho vay 17,5 tỷ USD kéo dài 4 năm mà mà định chế tài chính này nhất trí dành cho Ukraine hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, nhân vật quyền lực thứ hai trong IMF là ông David Lipton ngày 9/6 vừa qua đã phát tín hiệu rằng Kiev vẫn có thể nhận được tiền mà không cần đạt thỏa thuận về cơ cấu lại nợ.
Trước sức ép từ IMF, hồi tháng 8 vừa qua, Ukraine đã đàm phán thành công với các chủ nợ tư nhân để được xóa 3,6 tỷ USD trong số gần 20 tỷ USD nợ nước ngoài. Kiev cũng được hoãn thanh toán 15,5 tỷ nợ còn lại, bao gồm 3 tỷ nợ Nga không được tái cơ cấu, đến năm 2019. Theo thỏa thuận hiện hành với IMF, Kiev phải tiết kiệm hơn 15 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, trong đó 5,2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015.
Cuộc xung đột ở miền Đông kéo dài hơn một năm qua đã đẩy kinh tế Ukraine vào tình trạng kiệt quệ với giá trị đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục, trong khi lãi suất tăng cao nhất trong 15 năm qua. Tổng nợ quốc gia và nợ quốc gia đảm bảo của Ukraine hiện lên tới 70 tỷ USD. Trong quý I/2015, tăng trưởng kinh tế của Ukraine đã giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
IS ở Ai Cập tuyên bố bắn hạ máy bay Nga
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại một địa điểm chưa xác định trong video đăng tải ngày 17/3/2014. Ảnh: AFP.
"Các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn hạ một phi cơ Nga bay qua tỉnh Sinai khi nó đang chở theo hơn 220 quân thập tự chinh Nga. Chúng đều bị tiêu diệt, cảm ơn đấng tối cao", Reuters dẫn lại thông báo của IS đang lan truyền trên Twitter cho biết.
Website Aamaq, được coi là "hãng thông tấn" bán chính thức của IS, cũng đăng tải thông báo này. BBC đưa tin IS đăng thông báo đầu tiên trên một ứng dụng nhắn tin.
Tuy nhiên, IS không nêu cách nhóm phiến quân bắn hạ máy bay. Các tên lửa đất đối không vác vai (Manpad) có xuất hiện tại tỉnh Sinai nhưng phi cơ chở khách Nga bay ở độ cao 9.450 m, nằm ngoài tầm bắn của Manpad, các chuyên gia an ninh nhận định.
IS hôm 13/10 từng dọa sẽ tiêu diệt Nga do Moscow triển khai chiến dịch không kích nhằm vào nhóm phiến quân ở Syria.
Chuyến bay mang số hiệu 7K9268 của hãng hàng không giá rẻ Nga Kogalymavia (Metrojet) gặp nạn khi đang trên đường từ thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập, đến St Petersburg, Nga. Nó cất cánh lúc 3h31 GMT và biến mất khỏi radar sau đó 23 phút. Chiếc Airbus A-321 chở theo 224 người, trong đó có 217 hành khách.
Một nguồn tin an ninh cho hay máy bay rơi xuống Hassana, một khu vực đồi núi nằm cách thành phố bên bờ biển Địa Trung Hải al-Arish 35 km về phía nam. Quan chức an ninh Ai Cập khẳng định các dấu vết trên xác chiếc máy bay Nga gặp nạn không có dấu vết của một cuộc tấn công khủng bố.
Vị trí máy bay Nga rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập. Đồ họa: BBC.
Tàu sân bay Mỹ, khu trục hạm Nhật tập trận chung ở Biển Đông
Cuộc tập trận chung bắt đầu từ ngày 28/10, với sự tham gia của tàu khu trục Fuyuzuki, tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ, Yomiuri Shimbun dẫn lời các nguồn tin cho biết. Cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày ở Biển Đông, bao gồm hoạt động vận chuyển thuỷ thủ bằng trực thăng và tập huấn liên lạc.
Tất cả các tàu trong cuộc tập trận này đã tham gia tập trận chung Mỹ - Nhật - Ấn Độ hồi giữa tháng 10 ở Ấn Độ Dương.
Theo các nguồn tin, những tàu này không có kế hoạch lại gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một tàu khu trục hải quân Mỹ tuần này đi vào phạm vi 12 hải lý quanh ít nhất một đảo nhân tạo, khiến Bắc Kinh giận dữ, triệu đại sứ Mỹ để phản đối.
"Đây là cuộc tập trận bình thường, không liên quan đến các hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở đó", một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật nói.