Indonesia tổ chức đối thoại khu vực về an ninh hàng hải
Triều Tiên có thể không mời Trung Quốc tham dự đại hội đảng
Đụng độ tiếp diễn tại Pháp
Sau bin Laden, CIA nhắm tới tiêu diệt thủ lĩnh IS
Đài Loan lên kế hoạch đưa tên lửa ra đảo Ba Bình
Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-05-2016
- Cập nhật : 01/05/2016
NATO xem xét đưa 16.000 quân áp sát biên giới Nga
Các nước đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cho là đang lên kế hoạch triển khai 4 lữ đoàn quân sự tại Ba Lan và các nước vùng Baltic để tăng cường sự hiện diện tại khu vực biên giới Nga, trong bối cảnh Moscow đẩy mạnh các hoạt động quân sự thời gian qua.
Theo tờ Wall Street Journal hôm 29/4, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đã xác nhận quy mô của đợt triển khai lực lượng lần này của NATO gồm 4 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn gồm 4.000 quân, đồng thời khẳng định động thái này của NATO nhằm đáp trả các hoạt động quân sự ngày càng mạnh mẽ của Nga xung quanh Lithuania, Latvia và Estonia.
Chia sẻ với tờ Wall Street Journal, các quan chức phương Tây cho biết trong số 4 lữ đoàn triển khai lần này, Mỹ có thể sẽ điều 2 lữ đoàn, 2 lữ đoàn còn lại có thể sẽ do Đức và Anh phụ trách.
Các quan chức của NATO cho rằng họ muốn lực lượng triển khai tới biên giới Nga lần này có sự tham gia của nhiều nước nhất có thể. Vì vậy, NATO đang yêu cầu các nước đồng minh nhỏ hơn đóng góp quân cho lực lượng. Các quan chức NATO cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Đức vì với tư cách là “át chủ bài” của NATO, Berlin được cho là sẽ giúp đối phó thành công với Moscow.
Song kế hoạch của Đức chưa chắc đã “trơn tru” được như thế, tờ Wall Street Journal nhận định. Mặc dù vậy, Thủ tướng Angela Merkel và các quan chức cấp cao của Đức hiện nay cũng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh quốc tế. Dù Đức đang xem xét việc sẽ phụ trách một lữ đoàn quân đặt tại Lithuania trong đợt triển khai lần này của NATO, nhưng Berlin vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức cuối cùng.
“Nga đang tiến hành nhiều cuộc tập trận bất thường với sự tham gia của rất đông binh sĩ nhằm vào các nước giáp biên giới Nga. Theo quan điểm của chúng tôi (NATO), có thể coi đây là những hành động khiêu khích bất thường của Nga”, ông Work cho biết thêm.
Nga gần đây liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự với lý do để đối phó với sự hung hăng của NATO, cũng như đáp trả các hoạt động quân sự tăng cường của tổ chức này nhằm vào Nga.
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Work cho biết Mỹ vẫn đang bàn luận về việc góp quân vào đợt triển khai lần này của NATO. Theo đó, có thể Mỹ sẽ rút quân từ những lữ đoàn riêng mà Mỹ từng nói sẽ điều luân phiên tới châu Âu.
Căng thẳng giữa Mỹ và Nga bị đẩy lên cao hồi tháng trước sau khi các máy bay Nga liên tục áp sát máy bay chiến đấu và tàu khu trục của Mỹ ở biển Baltic. Thứ trưởng Work nói rằng vụ việc này là hành động mang tính khiêu khích của Moscow trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tuyên bố lẽ ra Hải quân Mỹ đã có thể bắn hạ máy bay Nga lúc đó.
Về phía Nga, Moscow bảo vệ lập trường của mình cho rằng máy bay và tàu chiến Mỹ hoạt động quá gần căn cứ quân sự của Nga ở Kalingrad.
Nga - Trung sắp diễn tập phòng thủ tên lửa chung lần đầu tiên
"Bộ trưởng quốc phòng Nga và Trung Quốc đã nhất trí cho phép thực hiện cuộc tập trận chung đầu tiên mang tên An ninh không phận và không gian năm 2016 trong tháng 5", hãng Tass hôm qua dẫn thông báo từ văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Theo đó, mục đích của hoạt động này nhằm giúp Lực lượng phòng thủ không gian thuộc Viện nghiên cứu trung tâm, Bộ Quốc phòng Nga, thực hành việc phòng thủ tên lửa.
Các lực lượng trên không và phòng thủ tên lửa của cả Trung Quốc và Nga sẽ thực hành các hoạt động chung nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bất ngờ, khiêu khích có sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Phía Nga nhấn mạnh hoạt động này không nhằm chống lại nước thứ ba.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 27/4 cho biết năm nay nước này và Trung Quốc sẽ tổ chức nhiều cuộc tập trận và sự kiện hơn so với những năm trước. Tuyên bố của ông Shoigu được đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ở Moscow. Ông Shoigu cho hay hai nước sẽ tập trận cả trên bộ và trên biển. Cuộc tập trận quân sự lớn nhất giữa hai nước trong năm nay sẽ là tập trận hàng hải Joint Sea 2016 do Trung Quốc tổ chức.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm qua kêu gọi Mỹ dừng ý định bàn với Hàn Quốc về khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ông Vương cho rằng động thái của Mỹ vượt quá nhu cầu phòng thủ của các nước có liên quan, nếu Mỹ triển khai THAAD, nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc.
Người biểu tình xông vào đập phá tòa nhà Quốc hội Iraq
Hàng trăm người biểu tình ở Iraq đã xông vào tòa nhà Quốc hội nước này tại “Vùng Xanh” ở thủ đô Baghdad để bày tỏ sự thất vọng đối với Thủ tướng Haider al-Abadi ngày 30-4.
Những người biểu tình đang trèo qua các bức tường xung quanh Vùng Xanh, khu vực vốn được bảo vệ nghiêm ngặt - Ảnh: Reuters
Theo Washington Post ngày 30-4, trong một đoạn phim được trực tiếp trên truyền hình Iraq, những người biểu tình sau khi xông vào tòa nhà Quốc hội đã vẫy cờ, la hét, đập phá bàn ghế. Một số nghị sĩ Iraq bị tấn công khi cố gắng thoát khỏi tòa nhà trong khi vẫn còn khá nhiều người khác bị kẹt lại. Hiện vẫn chưa rõ tình hình của những người này.
Việc Thủ tướng al-Abadi không thể triệu tập một cuộc họp cải tổ nội các đã khiến những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite Moqtada al-Sadr tức giận. Họ yêu cầu bãi bỏ hệ thống chính trị theo kiểu hạn ngạch ở Iraq, vốn được Mỹ hậu thuẫn kể từ năm 2003.
“Đây là kỷ nguyên mới của Iraq” một người biểu tình hét lớn, “họ đã cướp nhiều thứ của chúng ta trong suốt 13 năm qua”
Shwan al-Dawoodi, một nghị sĩ người Kurd tại Iraq nhấn mạnh: “Đây là sự kết thúc cho hệ thống chính trị sau năm 2003. Lỗi phần lớn thuộc về người Mỹ khi họ đã khiến Iraq không thể giải quyết được vấn đề do chính Washington tạo ra”
Việc người biểu tình xông vào Vùng Xanh, mà đặc biệt là Quốc hội đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Đây là khu vực tập trung không chỉ các cơ quan đầu não của Iraq mà còn của một số cơ quan đại diện của Liên Hiệp Quốc và đại sứ quán các nước, bao gồm cả Mỹ.
Chính quyền thủ đô Baghdad đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trong đêm 30-4. Mọi tuyến đường chính vào thủ đô đã bị phong tỏa.
Một số nguồn tin khẳng định với Reuters cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn chỉ thiên đạn cao su với hi vọng làm nản lòng người biểu tình. Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm Iraq đã được triển khai tới bên ngoài đại sứ quán Mỹ, ngăn không cho người biểu tình tiến vào trong.
Nói với Washington Post một nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Iraq khẳng định cơ quan này vẫn chưa nhận được yêu cầu sơ tán. Những người tổ chức cuộc biểu tình cũng kêu gọi người biểu tình không nên tấn công các đại sứ quán nước ngoài tại Vùng Xanh.
Triều Tiên lần đầu tiên xảy ra cướp ngân hàng
Theo hãng tin UPI hôm 29-4, một nguồn tin từ tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên cho biết vụ cướp ngân hàng xảy ra vào ngày 4-4 ở huyện Shinam, Chongjin, một thành phố gần biên giới với Trung Quốc.
“Bởi đây là lần đầu tiên một ngân hàng bị cướp kể từ khi thành lập nước (CHDCND Triều Tiên) nên nhiều người đang ám ảnh vì vụ việc” - nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin, ngân hàng bị cướp nằm gần nhà hát Dorip và chi nhánh Shinam nơi có lực lương canh gác vào ban đêm. Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra vụ việc, các nhân viên bảo vệ không có mặt tại chốt an ninh.
Những tên cướp ngân hàng đã phá cửa ở lối vào và cướp đi số tiền mặt được cho là tổng cộng 70 triệu won Triều Tiên.
Nhà chức trách Triều Tiên hiện đang điều tra liệu có tay trong đồng lõa với bọn cướp hay không. Sau vụ việc, công tác giám sát cũng được tăng cường tại các chi nhánh ngân hàng khác.
Nguồn tin còn cho biết các chi nhánh ngân hàng tại Triều Tiên đang trữ nhiều tiền mặt hơn bình thường để chuẩn bị cho các hoạt động liên quan tới Đại hội VII của đảng Lao động Triều Tiên diễn ra ngày 6-5 tới.
Trung Quốc tập trận đổ bộ đảo trên Biển Đông
Cuộc diễn tập diễn ra vào sáng hôm qua trên một khu vực thuộc Biển Đông, Xinhua hôm nay đưa tin. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể không được tiết lộ. Hai tàu lưỡng cư cùng tàu đổ bộ đệm khí Trường Bạch Sơn tham gia tập trận.
Quân Trung Quốc chia thành hai bên xanh, đỏ. Bên xanh dựa vào địa hình thuận lợi và vũ khí hỏa lực mạnh chống lại bên đỏ là binh lính đến từ hạm đội Nam Hải.
Trung Quốc đã đưa vào sử dụng ba tàu đổ bộ Type 071 mang tên Côn Lôn Sơn 998, Tĩnh Cương Sơn 999, Trường Bạch Sơn 989. Chúng đều được biên chế cho hạm đội Nam Hải.
Nghi Mông Sơn 988 là tàu đổ bộ do Trung Quốc tự chế tạo, được hạ thủy ngày 25/1. Tàu có lượng giãn nước toàn tải khoảng 25.000 tấn, dài 210 m, rộng 28 m, cao 7 m, tốc độ hơn 24 hải lý/h. Tàu có thể vận chuyển một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 15 - 20 xe bọc thép, 4 trực thăng Z-8 và tàu đổ bộ đệm khí. Vũ khí trên tàu gồm pháo hạm AK-176 76 mm, pháo hạm H/PJ-26, thiết bị phóng tên lửa.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sử dụng tàu đổ bộ Type 071 vận chuyển binh sĩ, xe bộ binh, xe tăng để triển khai tác chiến đổ bộ và máy bay nhằm thực hiện đánh chiếm đảo và mục tiêu trên biển