tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 31-01-2016

  • Cập nhật : 31/01/2016

Trung Quốc lao đao, châu Á ra sao?

trung quoc lao dao, chau a ra sao?

Trung Quốc lao đao, châu Á ra sao?


Mặc dù sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho một số nước, nó cũng đem lại cơ hội cho những nước khác.

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 đã gây ra những hậu quả lớn cho nhiều nước trong khu vực. Đối với hầu hết các nước, được dự báo tăng trưởng GDP dưới 7% trong năm nay và những năm tới sẽ là một lý do để ăn mừng. Tuy nhiên, sau ba thập kỷ tăng trưởng ở mức hai con số, sự đi xuống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một mối quan ngại lớn và không phải chỉ Trung Quốc phải đối mặt với mối quan ngại này.

Mặc dù sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho một số nước, nó cũng đem lại cơ hội cho những nước khác. Số phận của các nước trong khu vực phụ thuộc vào cấu trúc nền kinh tế và quan trọng là cách chúng thích ứng với các biến đổi đang diễn ra trong nền kinh tế của người láng giềng khổng lồ.

Các nước sản xuất nguyên liệu thô như đồng, dầu mỏ và khoáng sản phục vụ cho sản xuất ở Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi rõ rệt nhất. Sự đi xuống của nền công nghiệp Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu các mặt hàng trên giảm. Các nước như Kazakhstan và Chile có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực sản xuất đang gặp thách thức nghiêm trọng trước sự sụt giảm trên.

Các nước sản xuất hàng hóa trung gian cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như Nhật Bản, nước chế tạo phụ tùng và linh kiện rồi xuất khẩu sang Trung Quốc để sản xuất hàng điện tử tiêu dùng. Nói cách khác, việc xuất khẩu giá trị gia tăng ra thế giới thường đi qua con đường Trung Quốc. Do đó, sự giảm tốc của Trung Quốc có tác động rõ rệt lên năng lực xuất khẩu của Nhật Bản.

Nhưng số phận của các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản và hàng hóa trung gian không phải là không thay đổi được. Khách hàng sẽ không giảm mua điện thoại thông minh, đồ chơi điện tử hay máy tính mà việc sản xuất những hàng hóa này chỉ đơn giản là chuyển từ Trung Quốc sang các nước sản xuất có chi phí thấp hơn. Chẳng hạn như việc Việt Nam đã tăng cường sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh và hàng điện tử tiêu dùng một phần nhờ vào thu hút đầu tử trực tiếp nước ngoài nhiều hơn – một lĩnh vực mà Trung Quốc từng thống trị tuyệt đối

Các nước khác như Ấn Độ và Indonesia trên lý thuyết có thể nổi lên như là những người khổng lồ xuất khẩu mới. Mặc dù vậy, đề điều này xảy ra, các nước này sẽ phải đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và cải cách chính sách đề làm cho môi trường đầu tư và logistics của mình trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Một nhóm nước khác chịu tác động của việc tái cấu trúc ở Trung Quốc lại bán sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc. Bất chấp tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc đang tăng lên và thị trường nước này vẫn là một trong những thị trường triển vọng nhất thế giới. Doanh nghiệp nào có thể tận dụng được sự gia tăng tiêu dùng này sẽ vẫn hoạt động tốt.

Cho đến nay, các nước bên ngoài Châu Á – như Đức với ngành công nghiệp ôtô và Mỹ với ngành công nghệ cao là những nước hưởng lợi chính từ sự gia tăng thu nhập ở Trung Quốc. Nhưng các nước Châu Á-Thái Bình Dương cũng có phần của mình. Singapore và Australia đang tận dụng sự gia tăng nhu cầu giáo dục chất lượng cao ở Trung Quốc bằng cách mở rộng xuất khẩu các dịch vụ đại học. Nhật Bản đang hưởng lợi từ thói quen chi tiêu mạnh tay của du khách Trung Quốc đến mức mà hiện tượng này được gọi là “bùng nổ mua sắm” đã trở thành một từ phổ biến ở Nhật.

Nhóm nước thứ ba có thể hưởng lợi bao gồm những nước cạnh tranh với Trung Quốc. Những nền kinh tế này có thể tăng thị phần toàn cầu của mình khi Trung Quốc rút khỏi một số lĩnh vực. Chính bởi vì thành công của mình, giá lao động của Trung Quốc đã tăng hơn 100% trong mười năm qua, khiến hoc nhiều nước khác – không chỉ Việt Nam hay Ấn Độ, mà cả các nước đông dân khác như Bangladesh và Myanmar có giá lao động tương đối rẻ hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc đã mất tính cạnh tranh và tăng trưởng tương lai của kinh tế Trung Quốc phải đến từ cải tiến và tăng năng suất thay vì dựa vào lao động giá rẻ. Chẳng hạn như Bangladesh đã bắt đầu tân dụng sự rút lui của Trung Quốc khỏi phân khúc giá rẻ của thị trường may mặc. Sản xuất và xuất khẩu của nước này đang tăng lên nhanh chóng và ngày nay Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Bangladesh và Việt Nam hiện này là hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Nhưng lợi ích từ sự giảm tốc của Trung Quốc không phải tự nhiên mà có. Vì có quá nhiều nước đang cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần toàn cầu mà Trung Quốc đã bỏ lại, các nền kinh tế đang phát triển của khu vực cần theo đổi một loạt các cải cách và đầu tư vào điện lưới, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị để làm môi trường đầu tư của mình cạnh tranh hơn.

Khi sự giảm tốc của Trung Quốc phần lớn đang được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản (đặc biệt là sự suy giảm lực lượng lao động và giá nhân công tăng), cần hiểu rằng đó là một nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế thế giới. Vì kinh tế Trung Quốc hiện nay đã quá lớn, thậm chí tăng trưởng 6% hiện tại của nước này cũng đóng góp cho sản lượng kinh tế thế giới hơn tăng trưởng 10% trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.

Với những nước còn lại, cách tốt nhất để đối phó với sự giảm tốc của Trung Quốc là thực hiện các cải cách trong nước cần để định vị quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.


40% người Đức muốn Thủ tướng Merkel từ chức

ba merkel dang doi mat voi rat nhieu suc ep - anh: reuters

Bà Merkel đang đối mặt với rất nhiều sức ép - Ảnh: Reuters


Một khảo sát mới công bố ngày 29-1 cho thấy có tới 40% cử tri Đức cho rằng Thủ tướng Angela Merkel nên từ chức vì chính sách mở rộng vòng tay đón nhận người nhập cư và tị nạn.

Theo AFP, khảo sát do viện nghiên cứu Insa thực hiện đăng trên tạp chí Focus cho thấy quan điểm của người Đức về cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn thay đổi đáng kể kể từ các vụ tấn công tình dục đêm giao thừa 2016 ở thành phố Cologne.

Thậm chí sự căng thẳng còn có chiều hướng leo thang trở thành bạo lực. Hôm nay, một số kẻ ném một quả lựu đạn vào một trung tâm dành cho người tị nạn ở thị trấn Villingen-Schwenningen ở miền nam nước Đức. Rất may là lựu đạn không nổ và không ai bị thương.

Cảnh sát cho biết quả lựu đạn này chứa đầy chất nổ. Thời gian qua, những vụ tấn công người nhập cư và tị nạn ở Đức bắt đầu tăng lên. Riêng từ đầu tháng 1 đến nay có 10 vụ tấn công tại nhiều vùng ở Đức.

Trong thời gian qua, sức ép đè lên đôi vai bà Merkel càng lúc càng trở nên nặng nề hơn. Ngay cả các chính trị gia trong đảng của bà cũng lên tiếng phản đối chính sách đón nhận người nhập cư cư ồ ạt. Bên ngoài nước Đức, hàng loạt lãnh đạo châu Âu cũng thể hiện rõ thái độ không ủng hộ bà Merkel.

Mới đây nhất, Thụy Điển và Đan Mạch tuyên bố sẽ trục xuất hàng nghìn người không xin được quy chế tị nạn. Áo đang đòi hạn chế số lượng người nhập cư đi vào nước này trong khi các quốc gia Đông Âu quyết chặn dòng người nhập cư.

Năm ngoái, nước Đức tiếp nhận tới 1,1 triệu người nhập cư và tị nạn. Trước làn sóng phản đối dữ dội sau đêm giao thừa hỗn loạn ở Cologne, mới đây liên minh cầm quyền của bà Merkel phải đồng ý xiết chặt các quy định xin quy chế tị nạn nhằm hạn chế dòng người nhập cư.

Bà Merkel cũng cam kết sẽ giảm số lượng người nhập cư và tị nạn đi vào Đức trong năm 2016.


Tiền trốn thuế tại Italy tương đương với hơn 30% GDP

dong euro. (nguon: afp/ttxvn)

Đồng euro. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Theo báo cáo này, GDP của Italy hiện ở mức 1.500 tỷ euro, nhưng số tiền mà người dân nước này trốn thuế hàng năm thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi lên tới 540 tỷ euro, tương đương với hơn 30% GDP.

"Tất cả chúng ta đều trốn thuế? Có lẽ thế." Đó là câu hỏi và tự trả lời mà Trung tâm nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội Italy (Eurispes) đưa ra trong bản báo cáo về tình hình Italy trong năm 2016.

Theo báo cáo này, GDP của Italy hiện ở mức 1.500 tỷ euro, nhưng số tiền mà người dân nước này trốn thuế hàng năm thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi lên tới 540 tỷ euro, tương đương với hơn 30% GDP.

Ngoài ra, mức "thu nhập" phi pháp trung bình của các hệ thống mafia cũng lên tới 200 tỷ euro mỗi năm. Đó là những con số thiệt hại khổng lồ đối với ngân sách của Italy do thuế vụ không thể thu được số tiền này.

Vậy số tiền thất thu thuế 540 tỷ euro kia trên thực tế từ đâu ra?

Theo Eurispes, lao động "chui," ám chỉ việc lao động không có hợp đồng hoặc không khai báo sở thuế, chính là nguồn thu nhập trốn thuế nhiều nhất. 80% số người trông trẻ, 78,7% số giáo viên dạy tư, 72,5% số lao động tự chủ tại gia trốn thuế, tiếp sau đó là người phục vụ, làm vườn, thợ điện, thợ mộc, với tỷ lệ hơn 50% số lao động không đóng thuế.

Theo Eurispes, số người trốn thuế ở Italy đang có xu hướng ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ có màu xám. Việc Italy đã thoát khỏisuy thoái kinh tế và đang có dấu hiệu phục hồi đã khiến tỷ lệ người dân Italy lạc quan về tình hình kinh tế đất nước tăng cao gấp đôi so với năm ngoái ( từ 14,6% lên 30,3%), trong khi số người tin rằng, tình hình đang tệ đi cũng giảm hơn một nửa, từ 58,4% xuống còn 23,3%. 14,1% người Italy cho rằng kinh tế nước này trong năm 2016 sẽ diễn biến tích cực hơn năm ngoái.

Số hộ gia đình nghèo gặp khó khăn về kinh tế khi không còn đủ tiền để chi tiêu vào cuối tháng đã giảm từ 47,2% năm ngoái xuống còn 27,3% năm 2016. Tuy nhiên vẫn có tới gần 45% số gia đình khẳng định rằng, họ chỉ có thể có tiền tiêu nếu tiết kiệm tối đa.

Cũng theo Eurispes, niềm tin của người dân Italy vào hệ thống chính trị đã tăng hơn, bất chấp việc năm 2015, Chính phủ Italy chìm trong nhiều vụ bê bối liên quan đến tham nhũng và sự cấu kết của nhiều quan chức với mafia. Sự tin tưởng của dân chúng vào các hệ thống cảnh sát ở Italy cũng cao hơn nhiều năm trước.


Trung Quốc tính điều tàu sân bay thường trực ở Biển Đông

Hải quân Trung Quốc có thể sẽ điều một tàu sân bay hoạt động lâu dài ở Biển Đông.
tau san bay lieu ninh cua trung quoc. anh: ap.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Quá trình điều động có thể bắt đầu khi tàu sân bay thứ hai của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đi vào hoạt động đầy đủ, tờ IHS Jane's hôm 28/1 dẫn lời giáo sư Chu Shulong, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết.

"Đối với biển Bắc, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Trung Quốc không cần có một tàu sân bay. Các phi cơ Trung Quốc ở đất liền đủ khả năng tiếp cận những khu vực như quần đảo Điếu Ngư", Chu nói, nhắc đến quần đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản, được Tokyo gọi là Senkaku.

Theo ông Chu, vấn đề này ở Biển Đông lại khác bởi Trung Quốc không có đủ năng lực trên không để đối phó với những thách thức như việc Mỹ điều tàu cùng phi cơ đến khu vực.

Chiến đấu cơ Trung Quốc ở căn cứ trên đảo Hải Nam cũng phải mất một giờ mới tiếp cận được khu vực phía nam Biển Đông. "Những thách thức (từ Mỹ) dường như sẽ diễn ra thường xuyên hơn", ông Chu nhận định.

Hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ, đáng chú ý là điều một tàu khu trục vào gần một đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông hồi tháng 10, đã khiến giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cảm thấy cần triển khai một tàu sân bay đến Biển Đông.

Tàu sân bay tự chế tạo đầu tiên của Trung Quốc đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Con tàu sẽ đi vào hoạt động cùng tàu sân bay Liêu Ninh mà Bắc Kinh mua lại từ Kiev năm 1998.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Đô đốc Harry Harris, đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, ngày 27/1 nói hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên Biển Đông.

Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Washington cho rằng các đảo nhân tạo sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự dù Bắc Kinh phủ nhận điều này, nhấn mạnh dùng các đảo với mục đích chính là nhân đạo.


Trung Quốc cảnh báo Hàn Quốc về hệ thống tên lửa THAAD

Trung Quốc hôm qua kêu gọi Hàn Quốc suy nghĩ lại về quyết định cho phép đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đến nước này.
he thong phong thu ten lua thaad trong mot cuoc thu nghiem vao ngay 10/9/2013. anh: stripes.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trong một cuộc thử nghiệm vào ngày 10/9/2013. Ảnh: Stripes.

"Chính phủ Trung Quốc hy vọng quốc gia liên quan (Hàn Quốc) sẽ giải quyết vấn đề một cách thận trọng", Yonhap dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.

Bà Hoa nhấn mạnh Bắc Kinh cho rằng mọi quốc gia nên tính đến lợi ích các nước khác khi cân nhắc vấn đề an ninh của riêng họ.

Bình luận trên được xem là phản ứng từ Trung Quốc về thông tin Hàn Quốc cho phép Mỹ điều động Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên để củng cố khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo THAAD sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia nhưng chưa đàm phán chính thức với Lầu Năm Góc về vấn đề này.

THAAD được thiết kế nhằm đánh chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Mỹ năm 2013 cũng triển khai hệ thống THAAD tại Guam để bảo vệ các căn cứ của Washington trước hành động của Bình Nhưỡng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục