tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kế hoạch tuyệt mật bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư

  • Cập nhật : 30/01/2016

(Tin kinh te)

Nhật và Mỹ từng soạn thảo một kế hoạch tuyệt mật nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện Tokyo quản lý trên biển Hoa Đông.

may bay trinh sat nhat bay ngang quan dao senkaku/dieu ngu - anh: afp

Máy bay trinh sát Nhật bay ngang quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP


Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là trung tâm của một vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc kể từ năm 2010. Tờ Nikkei Asian Review gần đây nhận định nguy cơ gia tăng căng thẳng tại Hoa Đông vẫn là một thách thức an ninh hàng đầu cho Tokyo, trong khi tờ The Wall Street Journal cho rằng vùng biển này có thể trở thành địa điểm chứng kiến hành động gây hấn của Trung Quốc đối với láng giềng.
Nhật báo The Asahi Shimbun mới đây đã hé lộ chi tiết của một kế hoạch tác chiến nhằm đẩy lùi một cuộc xâm chiếm Senkaku/Điếu Ngư.

4 bước phòng thủ
Theo tờ báo trên, tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Nhật hồi tháng 9.2012, Tokyo và Washington đã nhất trí rằng một tình huống khẩn cấp ở Senkaku/Điếu Ngư sẽ nằm trong phạm vi vận dụng của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Hai nước đã soạn thảo một chương trình hành động phối hợp dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, vốn cho phép họ “thực hiện kế hoạch phòng thủ song phương”.
Kế hoạch trên đã được các quan chức hàng đầu của Lực lượng phòng vệ Nhật và lực lượng Mỹ đóng tại nước này phê duyệt. Ngoài ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng, nó từng được báo cáo lên cả Thủ tướng Nhật khi đó là ông Yoshihiko Noda, thuộc đảng Dân chủ. Chịu trách nhiệm soạn thảo là các nhân viên của Cục Tham mưu liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Nhật và trung tâm chỉ huy của lực lượng Mỹ tại Nhật. Họ đã sử dụng các mật danh để chỉ tên nước tấn công và quần đảo cần phải bảo vệ, thay vì nêu cụ thể những cái tên như “Trung Quốc” và “Senkaku”.
Kế hoạch bao gồm 4 bước. Thứ nhất, Nhật và Mỹ sẽ tăng cường an ninh xung quanh Senkaku/Điếu Ngư thông qua những cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay nhằm ngăn chặn lực lượng đối phương đổ bộ lên đảo. Nếu một nhóm nhỏ những kẻ xâm nhập vũ trang đổ bộ lên đảo, 2 nước sẽ tiến đến bước thứ hai là phong tỏa sự tiếp cận của lực lượng chi viện và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế. Trong bước thứ ba, 2 nước sẽ tấn công những kẻ xâm nhập bằng pháo binh và các cuộc không kích cho đến khi khả năng kháng cự của họ suy yếu. Cuối cùng, lực lượng phối hợp của Nhật và Mỹ sẽ tiến hành một cuộc đổ bộ để giành lại quần đảo.

Cảnh giác cao độ
Cơ sở cho việc soạn thảo kế hoạch trên chính là sự cảnh giác của người Nhật về tình trạng khủng hoảng liên quan đến những hành động của Trung Quốc ở Hoa Đông. Vào năm 2010, một tàu cá Trung Quốc đã đâm vào các tàu tuần tra Nhật xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Đến năm 2012, các nhà hoạt động Hồng Kông đã lên đảo Uotsurishima thuộc Senkaku/Điếu Ngư, dẫn đến việc Tokyo bắt giữ 14 người. Tháng 9 cùng năm, Nhật quốc hữu hóa 3 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, khiến căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh leo thang nghiêm trọng.
Trong bối cảnh như thế, chính phủ Nhật và Mỹ bắt đầu xét lại các nguyên tắc chỉ đạo về sự hợp tác quốc phòng giữa 2 đồng minh. Cùng thời điểm, kế hoạch hành động cho một tình huống khẩn cấp ở Senkaku/Điếu Ngư cũng bắt đầu được soạn thảo sau những cánh cửa đóng kín. Tuy nhiên, do đảng Dân chủ đánh mất chính phủ vào tay đảng Dân chủ Tự do vào cuối năm 2012, nên kế hoạch trên chưa thể trở thành phương án tác chiến đầy đủ.
Mặc dù vậy, 2 nước gần đây đã “xắn tay áo” chuẩn bị một kế hoạch hành động phối hợp mới sau cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng hồi tháng 11.2015. Kế hoạch mới sẽ bao gồm nhiều phần trong đề xuất năm 2012 cùng những hoạt động mới theo quy định an ninh sửa đổi, bao gồm việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. “Kế hoạch hành động phối hợp mới sẽ xử lý tình huống Trung Quốc thực hiện các cuộc xâm chiếm quy mô lớn vào các đảo của Nhật”, một nguồn tin quốc phòng Nhật cho biết.
Theo Kyodo News, phát biểu tại một sự kiện ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ ngày 27.1, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã gọi Trung Quốc là “kẻ xâm lấn tiềm tàng”, đồng thời tái khẳng định cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong trường hợp bị tấn công.
 

Trùng Quang
Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục