Nỗi hoang mang của người Anh ở châu Âu hậu Brexit
Trung Quốc: Phó tổng biên tập tạp chí đảng tự tử
Tàu chiến Nga, Mỹ suýt va chạm ở Địa Trung Hải
Trung Quốc có thể đắc lợi từ cuộc chia tay giữa Anh và EU
Triều Tiên đề nghị đối thoại, Hàn Quốc bác bỏ
Tin thế giới đọc nhanh trưa 31-01-2016
- Cập nhật : 31/01/2016
Trung Quốc hụt hơi trong cuộc đua giành ngôi vương với Mỹ
GDP Mỹ tăng 590 tỷ USD năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu công bố cuối tuần trước. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, tương đương thêm 439 tỷ USD. Đồng NDT yếu đi khiến GDP quy ra USD cũng giảm theo."Mỹ đã trở lại sau khủng hoảng tài chính. Sự đột phá công nghệ đã dẫn đầu đà tăng trưởng cho nước này. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc lại đi xuống. Những con số này bản thân nó không phải là lý do duy nhất để lạc quan hay bi quan. Nhưng nếu Trung Quốc không thể cải tổ thành công nền kinh tế, khoảng cách thực giữa hai nước này sẽ ngày càng nới rộng. Và Trung Quốc sẽ càng mất thêm thời gian để đuổi kịp Mỹ", Niu Jun - Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Năm ngoái là lần đầu tiên kể từ 2006, Trung Quốc không có tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi kinh tế Mỹ tăng 2,4% năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc lại tăng trưởng chậm nhất 25 năm, do các động cơ tăng trưởng truyền thống như công nghiệp nặng và xuất khẩu dần chậm lại.
Năm 2016, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,5%. Trong khi đó, NDT có thể mất giá 7% so với USD.
"Việc Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ, tính theo USD, không quan trọng bằng họ có duy trì được tốc độ phát triển bền vững hay không. Miễn là GDP Trung Quốc có thể tăng 5% mỗi năm trong thập kỷ tới, việc họ vượt Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian thôi", Xia Le - nhà kinh tế học tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria kết luận.
Mỹ tính mở rộng chiến dịch chống IS sang Libya
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria suốt 18 tháng qua. Nhiều nguồn tin từ chính phủ Mỹ hôm qua cho biết Nhà Trắng muốn tăng tốc và mở rộng chiến dịch này.
"Cần có hành động tại Libya trước khi Libya trở thành nơi trú ẩn cho IS, trước khi chúng trở nên khó bị đánh bật", AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nói. "Chúng tôi không muốn để xảy ra tình trạng giống như ở Iraq và Syria".
Các lựa chọn tiềm năng bao gồm từ gia tăng không kích đến tham gia một lực lượng trên bộ, được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, giúp đối phó với khoảng 3.000 phiến quân IS ở Libya.
Tuy nhiên, các quan chức lưu ý những kế hoạch chưa được trình bày với Tổng thống Barack Obama và tình hình ngoại giao còn biến động. Họ cho biết kế hoạch chống IS "thường xuyên được cải tiến". Các bước đi tiếp theo có thể sẽ phụ thuộc phần nào vào khả năng Libya thực hiện Thỏa thuận Chính phủ Quốc gia mà Liên Hợp Quốc đang cố thiết lập.
"Cần có giải pháp chính trị trước khi có giải pháp quân sự", một quan chức quốc phòng khác nói. "Chúng tôi hy vọng giải pháp chính trị có thể bắt đầu nhằm thiết lập một chính phủ hợp pháp và mời chúng tôi diệt IS".
Tổng thống Obama ngày 28/1 triệu tập cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về chiến dịch đang diễn ra cùng những bước đi tiếp theo. "Tổng thống nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với IS ở mọi quốc gia nếu cần thiết", Nhà Trắng thông báo sau cuộc họp.
Libya rơi vào nội chiến sau khi lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. IS lợi dụng tình trạng hỗn loạn trên để lớn mạnh, tấn công và chiếm được Sirte, thị trấn quê nhà cố lãnh đạo Gaddafi, gần các cơ sở dầu mỏ.
Sự can thiệp của Mỹ vào Libya hiện chỉ bao gồm không kích đơn lẻ, điều động lực lượng đặc nhiệm thiết lập quan hệ với các nhóm vũ trang địa phương và cung cấp tin tình báo. Tháng 11/2015, một phi cơ F-16 của Mỹ không kích thị trấn miền đông Derna, tiêu diệt Abu Nabil, còn gọi là Wissam Najm Abd Zayd al-Zubaydi, thủ lĩnh IS bản địa.
Nga phẫn nộ trước việc Mỹ tố Tổng thống Putin tham nhũng
Telegraph đưa tin, Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Tổng thống Putin đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc ông Putin tham nhũng của Bộ Tài chính Mỹ và cho đó là những tuyên bố bịa đặt và mang tính xúc phạm.
Ông Peskov cũng cáo buộc Washington cố ý làm mất uy tín của ông Putin trước thềm bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào năm 2018 dù rằng ông Putin chưa có quyết định tham gia chạy đua chức tổng thống hay không.
Ngoài ra, trong một cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 28-1, Điện Kremlin cũng chỉ trích những cáo buộc của Mỹ đã phá hoại mối quan hệ song phương Nga-Mỹ.
“Ông Lavrov bày tỏ sự tức giận trước những cáo buộc bịa đặt và không thể tha thứ đó nhằm vào nhà lãnh đạo Nga” - Bộ Ngoại giao Nga viết trong một tuyên bố. “Cần nhấn mạnh rằng việc cố ý làm leo thang căng thẳng quan hệ hai nước là lỗi của Washington”.
Trước đó, BBC đưa tin, Adam Szubin - quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Putin là “bức tranh của tham nhũng”. Sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Nhà Trắng ủng hộ các cáo buộc trên, nói rằng đánh giá đó của Bộ Tài Chính Mỹ đã “phản ánh quan điểm của chính quyền Mỹ”.
Phần Lan trục xuất 20.000 người nhập cư
Hơn 60% người nhập cư tới Phần Lan năm ngoái sẽ không được cấp cơ chế tị nạn, theo đó khoảng 20.000 di dân sẽ sớm phải rời khỏi quốc gia này.
Người nhập cư đi vào trung tâm đăng ký dưới sự giám sát của cảnh sát tại Tornio, Phần Lan - Ảnh: Reuters
Theo RT, quan chức Bộ nội vụ Phần Lan, bà Paivi Nerg, cho biết: “20.000 là ước tính của chúng tôi tại thời điểm này, nhưng với số lượng các di dân tự nguyện trở về, con số này sẽ còn thay đổi”.
Cũng theo bà Nerg, tỉ lệ người nhập cư bị từ chối cấp phép cư trú như vậy là bình thường. Tuy nhiên số người bị trục xuất quá lớn là vì lượng người đổ vào Phần Lan năm qua quá đông.
Chẳng hạn năm 2014, khi chỉ có 3.651 người đăng ký xin tị nạn tại Phần Lan, cũng có tới 56% trong số họ bị từ chối.
Năm ngoái chính phủ Phần Lan đã siết chặt hơn quá trình cấp cơ chế tị nạn cho những di dân đến từ Iraq, Afghanistan và Somalia với lý do tại một số khu vực ở những nước này, tình hình an ninh đã ổn định hơn.
Người Iraq chiếm gần 2/3 trong tổng số người xin tị nạn tại Phần Lan. Theo bà Nerg, trong những tháng tới đây, chính phủ Phần Lan sẽ thuê hai chuyến bay để vận chuyển những người bị trục xuất trở về Iraq.
Tới thời điểm này bà Nerg cho biết khoảng 4.000 người nhập cư đã tự nguyện xin rút đơn xin tị nạn và chính quyền hy vọng sẽ có thêm nhiều người hành động như vậy.
Theo luật pháp Phần Lan, để khuyến khích di dân tự nguyện về quê, chính phủ quy định sẽ hỗ trợ họ 1.000 euro mỗi người để mua vé phương tiện về nhà.
Mặc dù điều luật này bị nhiều người dân Phần Lan chỉ trích, nhưng bà Nerg cho rằng nó vẫn là tiết kiệm hơn nhiều so với chi phí phải trục xuất họ.
Cũng theo Bộ nội vụ Phần Lan, các trạm trung chuyển độc lập sẽ được thành lập để hỗ trợ những người tự nguyện rời Phần Lan và cả những người bị trục xuất trên hành trình hồi hương.
Tất cả các đơn xin tị nạn của di dân sẽ được giải quyết xong vào cuối tháng 8 năm nay.
Đầu tuần này, quốc gia láng giềng của Phần Lan là Thụy Điển đã từ chối 80.000 trong số 163.000 đơn xin cấp cơ chế tị nạn mà nước này nhận được trong năm 2015.
Bà Nerg nói: “Thông tin về Thụy Điển không có gì bất ngờ. Chúng tôi cũng đang gặp tình huống tương tự tại đây (ở Phần Lan).
Quan chức Bộ nội vụ Phần Lan nói bà tin sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự từ chối khác nữa trên toàn châu Âu.
Quỹ phát triển Malaysia bị rút ruột 4 tỉ USD
Khoảng 4 tỉ USD bị các công ty nhà nước Malaysia rút ruột trong suốt thời gian hoạt động với các dự án phát triển kinh tế, xã hội của nước này.
Mặc dù được tuyên “trắng án”, nhưng thủ tướng Malaysia có vẻ như vẫn chưa vượt qua được bê bối bị cáo buộc tham nhũng liên quan tới quỹ 1MDB - Ảnh: Reuters
Theo BBC, cáo buộc do một công tố viên tham gia điều tra bê bối tham nhũng tại quỹ 1MDB của Malaysia đưa ra.
Quỹ 1MDB được thành lập năm 2009 nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cho các dự án phát triển kinh tế và xã hội của Malaysia.
Năm 2015 chính quyền Thụy Sĩ mở cuộc điều tra quỹ này sau khi nó vay nợ tới hơn 11 tỉ USD.
Ngày 29-1, Bộ trưởng tư pháp Thụy Sĩ Michael Lauber cho biết “đã có những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy khoản quỹ này bị các công ty nhà nước Malaysia biển thủ”.
Theo ông Michael Lauber, một phần trong số tiền bị thất thoát được chuyển vào các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ thuộc sở hữu của các cựu quan chức Malaysia. Số khác “chạy” vào tài khoản của các quan chức cả về hưu lẫn đương nhiệm của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Bộ trưởng tư pháp Thụy Sĩ nói: “Tuy nhiên cho tới nay các công ty Malaysia liên quan tới sự việc vẫn chưa hề đả động gì tới những khoản tiền mất mát mà họ biết là đã xảy ra này”.
Ông Lauber kêu gọi chính quyền Malaysia hỗ trợ đầy đủ về mặt pháp lý cho các đối tác Thụy Sĩ của họ.
Năm ngoái Thụy Sĩ mở cuộc điều tra về quỹ 1MDB với lý do “nghi ngờ về hoạt động tham nhũng của các quan chức ngoại giao, sự quản lý công ích thiếu trung thực và rửa tiền”.
Các quan chức Malaysia và quỹ 1MDB vẫn chưa phản hồi gì về những cáo buộc mới nhất từ Bộ trưởng tư pháp Thụy Sĩ.
Được biết các cơ quan chức năng của Mỹ và Hong Kong cũng đang tiến hành điều tra về hoạt động của quỹ 1MDB.
Chủ tịch ban cố vấn quỹ 1MDB là thủ tướng Najib Razak. Ngay sau khi nắm cương vị thủ tướng Malaysia năm 2009, ông Razak triển khai việc lập quỹ này.
Tháng 7 -2015, Bộ trưởng tư pháp Malaysia khi đó là ông Abdul Gani Patail cáo buộc về khoản tiền bất chính 681 triệu USD được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Najib. Tuy nhiên sau đó ông Patail bị mất chức.
Sau một thời gian điều tra, ngày 26-1 tân bộ trưởng tư pháp Malaysia Mohamed Apandi Ali khẳng định ông Razak không liên quan gì tới cáo buộc tham nhũng.
Theo đó khoản tiền 681 triệu USD chuyển vào tài khoản cá nhân ông này là quà tặng của hoàng gia Saudi Arabia nhằm ủng hộ ông Razak trong giai đoạn bầu cử.
Có vẻ như “kết luận” của cuộc điều tra này để lại nhiều câu hỏi hơn là những lời giải đáp thỏa đáng cho dư luận về những cáo buộc tham nhũng liên quan tới ông Najib Razak.