Giới chức quân sự Mỹ thừa nhận đang rất quan ngại việc Nga và Trung Quốc tăng tốc phát triển các loại vũ khí bội siêu thanh.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-01-2016
- Cập nhật : 30/01/2016
Nhật Bản trình làng chiến đấu cơ tàng hình tự sản xuất
Cơ quan tiếp nhận thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố loại chiến đấu cơ tàng hình tự sản xuất X-2 tại một sân bay gần thành phố miền trung Komaki.
X-2 dự kiến bắt đầu bay thử nghiệm vào giữa tháng 2 trước khi chuyển giao cho Bộ Quốc phòng vào cuối tháng 3/2017, AFP dẫn thông tin từ cơ quan tiếp nhận cho biết.
X-2, do Mitsubishi Heavy Industries phát triển, dài 14,2 m, rộng 9,1 m. được coi là máy bay kế nhiệm của chiến đấu cơ F-2, phát triển chung với Mỹ. Hiện tại chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc được quốc tế công nhận là những quốc gia phát triển thành công chiến đấu cơ tàng hình có người lái.
Nhật Bản được cho là đã chi khoảng 39,4 tỷ yen (332 triệu USD) để phát triển X-2.
Tháng 11, phi cơ chở khách đầu tiên sản xuất trong nước của Nhật Bản, cũng do Mitsubishi Heavy Industries chế tạo, đã bắt đầu chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Sự kiện này là một cột mốc đối với Nhật Bản do Tokyo từng bị cấm phát triển máy bay sau khi thua cuộc trong Thế Chiến II.
NATO lần đầu muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 22/1. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng tổ chức cuộc gặp Hội đồng NATO - Nga (NRC)", AFP dẫn lời Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết, xác nhận thông tin hãng này đưa ngày 20/1.
Theo ông Stoltenberg, NATO và Moscow cần phải minh bạch để không hiểu nhầm và tránh xảy ra những tai nạn tương tự như vụ phi cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh, bắn hạ ở khu vực gần biên giới Syria hồi tháng 11.
"Hiện chưa có quyết định cuối cùng. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận vấn đề này với phái đoàn Nga tại NATO rồi quyết định thời gian tổ chức cuộc gặp", ông Stoltenberg cho biết thêm.
Tổng thư ký NATO không cung cấp thông tin chi tiết về chương trình nghị sự NRC nhưng kỳ vọng nó diễn ra vào cuối tháng tới, sau cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên liên minh, hoặc đầu tháng 3.
Các nguồn tin ngoại giao tuần trước nhận định có thể sẽ diễn ra hàng loạt cuộc gặp NRC trước khi hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO bắt đầu ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, vào tháng 7.
NATO, do Mỹ dẫn đầu, đình chỉ mọi hợp tác thiết thực với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, NATO vẫn giữ lại NRC như một kênh liên lạc giữa hai bên.
NRC bao gồm toàn bộ 28 quốc gia thành viên, thường là ở cấp độ đại sứ, với người đồng cấp Nga để quản lý các mối quan hệ. Lần họp gần đây nhất của NRC được tổ chức vào tháng 6/2014.
Lãnh đạo Đài Loan biện bạch về chuyến thăm phi pháp đến Ba Bình
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu trả lời báo giới tại thành phố Đài Bắc tối ngày 28/1 sau khi kết thúc chuyến đi phi pháp ra đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu sáng nay bay trái phép đến đảo Ba Bình bằng phi cơ C-130. Ông Mã đi cùng khoảng 20 quan chức, học giả, chuyên gia. Đây là lần đầu tiên ông Mã tới đảo trong nhiệm kỳ 8 năm làm lãnh đạo Đài Loan.
"Tôi không hiểu chuyến đi của tôi làm gia tăng căng thẳng như thế nào",AFP dẫn lời lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu phát biểu với báo giới khi trở về thành phố Đài Bắc trong tối cùng ngày.
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan thông báo mục đích chính của chuyến đi là thăm binh sĩ Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình. Ông Mã nói đã báo trước Mỹ về chuyến đi.
Ông Mã sáng nay còn ngang nhiên cho rằng Ba Bình là "một phần lãnh thổ Đài Loan". Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây, đồng thời xây dựng phi pháp một số công trình như hải đăng, đường băng.
"Việc lãnh đạo Đài Loan, bất chấp quan ngại từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế, vẫn tiến hành chuyến đi đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay cho biết.
Ông Bình tuyên bố hành động này còn đi ngược lại những phát biểu gần đây của phía Đài Loan mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự, làm leo thang căng thẳng, phức tạp tình hình Biển Đông", ông Bình cho biết, đồng thời khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mỹ, đồng minh lớn nhất của Đài Loan, hôm qua cho rằng chuyến đi của ông Mã "hoàn toàn vô ích" và không đóng góp cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp. Trong khi đó, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, hôm qua cũng kiên quyết phản đối hành động này.
Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản từ chức vì bê bối tham nhũng
Các chính trị gia Nhật Bản tuần trước tố Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cùng trợ lý đã nhận khoản tiền hối lộ 12 triệu yen (101.000 USD) từ một công ty xây dựng. Bộ trưởng Amari hôm nay phát biểu trên truyền hình, xin lỗi vì bê bối trên nhưng phủ nhận cáo buộc đã nhận hối lộ.
"Nếu là thật thì điều đó sẽ hạ thấp nhân phẩm của tôi, không chỉ với tư cách chính trị gia mà còn là một cá nhân. Tôi không thể làm điều đó", AFPdẫn lời ông Amari, 66 tuổi, phát biểu trước khi bật khóc. Nhưng "xem xét trách nhiệm với tư cách là một thành viên quốc hội phải giám sát các thư ký, một thành viên nội các và niềm tự hào một chính trị gia, tôi sẽ từ chức từ hôm nay".
Bộ trưởng Amari thừa nhận có những phong bì chứa đầy tiền được chuyển đến văn phòng của ông nhưng đã ra lệnh cho thư ký giải quyết một vài khoản tiền theo các nguyên tắc đóng góp chính trị. Công ty xây dựng từ chối nhận lại khoản tiền và người thư ký đã sử dụng khoảng ba triệu yen cho "mục đích cá nhân". Ông không nêu rõ tổng số tiền đã nhận.
Tạp chí Shukan Bunshun tuần trước đưa tin công ty xây dựng muốn ông Amari giúp đỡ giải quyết vấn đề với một công ty nhà ở liên quan đến thiệt hại trong một dự án làm đường.
Tạp chí dẫn lời một quan chức công ty cho biết họ đã chiêu đãi nhân viên của bộ trưởng và tặng quà kèm phong bì chứa tiền mặt, có lần đưa một triệu yen cho ông Amari. Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản thừa nhận gặp các quan chức công ty xây dựng nhưng nói không thể nhớ lại chi tiết.
Nobuteru Ishishara, từng là tổng thư ký đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP), con trai một cựu thống đốc Tokyo, được chọn là người kế nhiệm ông Amari.
Ông Amari từ chức trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách khởi động lại nền kinh tế "sắp thoát ra khỏi tình trạng giảm phát sau 15 năm". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng từ chối đề nghị từ chức của Amari năm 2013, sau khi được chẩn đoán bị ung thư lưỡi, và đứng về phía ông từ khi bê bối xuất hiện.
Thủ tướng Trung Quốc phản pháo tỷ phú Soros
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trên một website Chính phủ rằng: "Những ngày gần đây, có rất nhiều bình luận quốc tế bi quan về kinh tế Trung Quốc. Và một số người thậm chí khẳng định Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu. Điều này thật vô lý". Ông cũng nhấn mạnh tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn trong "ngưỡng hợp lý".
Và dù Thủ tướng Lý không đề cập đến tên Soros, tờ Xinhua vẫn tỏ ra vui mừng với thông tin này. Họ cho rằng nhà đầu tư lão luyện đã "nhắm mắt" khi nhận xét bi quan về triển vọng của Trung Quốc và các tiền tệ châu Á tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Dù đây cũng là nhận định chung của rất nhiều người ưa bán khống khác."Tại sao những kẻ đầu cơ lại khẳng định điều trái hẳn với sự thật như vậy. Rõ ràng họ cố ý gây hoảng loạn để kiếm lời", Xinhua kết luận.
"Thật là vô căn cứ khi bi quan về kinh tế Trung Quốc. Thực sự thì nếu có cơ hội quan sát gần gũi cuộc sống thường ngày của người Trung Quốc, anh có thể thấy chẳng có dấu hiệu nào của việc kinh tế suy giảm cả. Và chắc chắn là không có cảnh báo trước nào về một sự sụp đổ hết",People’s Daily khẳng định.
Tờ này cho rằng những thay đổi về tỷ giá NDT chỉ là sự điều chỉnh bình thường trong biên độ hợp lý và biến động của thị trường chứng khoán. Những việc xảy ra hè năm ngoái cũng không phản ánh tình trạng thật của nền kinh tế.
Trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần trước, George Soros đã nhận xét: "Hạ cánh cứng là điều không thể tránh khỏi. Tôi không dự báo điều này, mà đang quan sát nó". Hạ cánh cứng là tình trạng nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp rất nhanh, và sau đó là suy thoái.Soros là nhà đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary. Ông được đặt biệt danh "kền kền" do chuyên kiếm lời từ các doanh nghiệp, thậm chí là các nền kinh tế, đang lao đao. Vì vậy, những bình luận tuần trước của ông đã khiến giới truyền thông Trung Quốc phản ứng rất gay gắt.
Bắc Kinh đã cố vực dậy niềm tin vào nền kinh tế lớn nhì thế giới. Dù vậy, nước này cũng đang có nhiều điểm yếu khó che giấu. GDP Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng chậm nhất 25 năm, trong bối cảnh nước này đối mặt với các khoản nợ khổng lồ và dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm qua đã tăng giá nội tệ ngày thứ 5 liên tiếp, một phần để xoa dịu mối lo do các bình luận của Soros gây ra. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nghi ngờ độ hiệu quả của các biện pháp này.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Lý cũng lên tiếng bảo vệ tốc độ tăng trưởng thấp của Trung Quốc. Ông cho rằng với quy mô kinh tế 10.000 tỷ USD hiện tại, mỗi phần trăm tăng tăng trưởng của GDP cũng tương đương 1,5% của 5 năm trước, hay 2% của 10 năm trước rồi.
"Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển. Những người cho rằng Trung Quốc đã gây biến động thị trường thế giới thực sự đánh giá quá cao chúng tôi rồi", ông nói.
Ông cũng khẳng định đồng NDT không có cơ sở để mất giá mạnh. Đây cũng là quan điểm của Chen Xingdong – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại BNP Paribas: "Với Chính phủ Trung Quốc, NDT đang ở, hoặc đã rất gần mức cân bằng rồi. Không có cơ sở để đồng tiền này mất giá mạnh nữa đâu. Nhưng nếu thị trường không chấp nhận điều đó, nó sẽ trở thành cuộc chiến giữa Chính phủ với thị trường".