Biển Đông: Trung Quốc tuyên bố đạt thỏa thuận với Lào, Campuchia, Brunei
Cảnh báo âm mưu đánh bom thành phố lớn nhất miền Nam Thái Lan
Tổng thống Syria từ chối đưa gia đình sang Iran
Vụ lừa đảo khổng lồ khiến Trung Quốc - Đài Loan bất đồng
Gần 300 người chết nắng ở Ấn Độ
Tin thế giới đọc nhanh 30-01-2016
- Cập nhật : 30/01/2016
Mỹ sẽ tuần tra Biển Đông nhiều hơn
"Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi tiếp tục con đường tự do hàng hải, bạn sẽ thấy nhiều cuộc hơn, và bạn sẽ thấy mức độ phức tạp gia tăng, phạm vi gia tăng trong các khu vực thách thức", Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), hôm 27/1 trả lời câu hỏi tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
Tuy nhiên, theo Diplomat, ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về chiến dịch trong tương lai.
Nhìn chung, ông Harris tái khẳng định mối quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, như việc nước này xây đảo nhân tạo, cải tạo hơn 1.200 ha đất trong chỉ hai năm. Nếu Bắc Kinh tiếp tục xây các thực thể ở Biển Đông, Harris cảnh báo đến năm 2020, họ sẽ kiểm soát vùng biển và chỉ Washington mới có thể thách thức được Trung Quốc.
Harris cũng lo ngại khi tàu tuần duyên, tàu cá Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác đang cố bảo vệ lợi ích của bản thân và chính phủ của họ, họ có nguy cơ kích động cuộc xung đột giữa các nước, và kéo cả Mỹ vào. "Sự tham gia của họ có thể khiến lực lượng quân sự của các nước can dự, và chúng tôi phải thực hiện nghĩa vụ trong hiệp ước, tùy thuộc vào nước tham gia", ông nói.
Mỹ khẳng định các chiến dịch tự do hàng hải đã hiện diện trong nhiều thập kỷ và không nhằm vào bất cứ nước nào. Việc tàu USS Lassen hồi tháng 10 năm ngoái đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Kể từ đó, nhiều người tự hỏi về tương lai của chiến dịch, như việc tàu Mỹ sẽ áp sát các thực thể nào, và nước đồng minh, đối tác nào sẽ tham gia cùng Mỹ.
Chiến đấu cơ Nga bị tố chặn máy bay do thám Mỹ trên Biển Đen
Michelle L. Baldanza, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết phi cơ RC-135U hôm 25/1 đang trong đường bay thường lệ ở không phận quốc tế trên Biển Đen thì chiến đấu cơ Su-27 chặn nó lại "một cách không an toàn và không chuyên nghiệp".
Bà nói thêm rằng tất cả chi tiết về vụ việc liên quan đến máy bay không quân Mỹ và Nga đã được nghiên cứu và điều tra toàn diện.
Washington Free Beacon đưa tin chiến đấu cơ Nga bay cách máy bay trinh sát RC-135 khoảng 6 m trên Biển Đen. Trang này dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay Su-27 bay ngang với RC-135, rồi "nghiêng cánh khiêu khích", bay ra xa máy bay. "Lực đẩy của Su-27 đã làm xáo trộn khả năng kiểm soát của RC-135", một quan chức am hiểu chi tiết vụ việc, nói.
Fox News dẫn Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook nói các quan chức quân sự Nga hôm qua thảo luận trực tuyến qua camera với Lầu Năm Góc về an toàn bay ở Syria. Cuộc họp nhằm "tránh các tai nạn và đối đầu không mong muốn giữa liên minh và lực lượng Nga bất cứ khi nào hai bên hoạt động ở cự ly gần", ông Cook nói.
Tuy nhiên, bà Baldanza cho biết không có sự cố cụ hay sự kiện cụ thể nào dẫn đến cuộc thảo luận hôm qua. Nga chưa có bình luận về vụ việc.
Dịch vụ cho thuê bạn gái nở rộ ở Trung Quốc dịp sát Tết
Các trung tâm mai mối cho hay họ có sẵn hàng chục cô gái xinh đẹp để khách hàng thuê làm bạn gái dịp Tết. Ảnh: Shanghaiist
Với thanh niên Trung Quốc, Tết Âm lịch là dịp vừa khiến họ mong ngóng về nhà nhưng cũng vừa lo sợ vì phải đối mặt với gánh nặng cưới xin từ gia đình. Trong quan niệm của các bậc cha mẹ Trung Quốc, con cái đã đến tuổi dựng vợ gả chồng mà vẫn "ế" chẳng khác nào khiến họ "mất mặt". Để xoa dịu tạm thời áp lực này, nhiều thanh niên độc thân Trung Quốc đã chọn giải pháp đơn giản nhất là thuê người yêu.
Theo Shanghaiist, phóng viên của đài truyền hình tỉnh Hồ Nam hôm 27/1 đã thâm nhập các trung tâm mai mối để tìm hiểu về dịch vụ cho thuê bạn gái đang nở rộ.
Một trung tâm đưa ra mức giá cho thuê bình quân là 2.999 nhân dân tệ (500 USD) và cam kết rằng họ nắm trong tay rất nhiều ứng viên tiềm năng chắc chắn sẽ làm thỏa mãn khách hàng.
Một trung tâm mai mối khác cho hay họ còn có thể sắp xếp các cuộc hôn nhân giả nên việc tìm kiếm một cô người yêu tạm thời cho dịp Tết hoàn toàn không phải là điều gì to tát. Trung tâm này có ít nhất 20-30 cô gái để khách lựa chọn.
Thời gian thuê bạn gái sẽ kéo dài 6-7 ngày với mức phí là 3.000 - 4.000 nhân dân tệ (500 - 600 USD).
Theo những nhân viên mai mối, khách hàng thậm chí có thể ngủ cùng phòng với cô gái mà họ thuê.
"Hãy nghĩ về chuyện đó, nếu anh đưa bạn gái về nhà, anh và cô ấy chắc chắn phải qua đêm cùng nhau", một nhân viên giải thích và nói thêm rằng các cô gái đều còn trẻ nên việc ở chung với người lạ không quá khó khăn đối với họ.
Sau khi kết thúc hợp đồng dài 7 ngày, khách phải trả thêm tiền nếu muốn tiếp tục thuê bạn gái. Nếu họ muốn hủy hợp đồng sớm, họ sẽ không được hoàn tiền.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc hiện là 118 bé trai trên 100 bé gái. Ước tính đến năm 2020, nước này sẽ có tới 30 triệu người độc thân.
Triều Tiên có thể đã thử bộ phận bom nhiệt hạch
Một người đàn ông ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, hôm 6/1 theo dõi bản tin về việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch. Ảnh: Bloomberg
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng Triều Tiên hồi đầu tháng có thể đã thử nghiệm một số bộ phận liên quan đến bom nhiệt hạch.
Mỹ đưa ra đánh giá trên sau khi kiểm tra kỹ lưỡng các phân tích tình báo mới nhất. Tuy nhiên, quan chức nhấn mạnh không có kết luận cuối cùng.
Ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hồi đầu tháng này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã thông báo, phân tích ban đầu của Mỹ cho thấy không có một cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch thành công diễn ra.
Washington không xác nhận tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này đã thử bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, Mỹ không thể đưa ra được kết luận sau khi lấy mẫu không khí, khiến họ phải nghiên cứu thêm dữ liệu địa chấn.
Phân tích mới cho thấy cuộc thử nghiệm dưới lòng đất của Triều Tiên đã được tiến hành ở độ sâu gấp hai lần mức mà đánh giá ban đầu đưa ra, và đây là độ sâu phù hợp để thử bom nhiệt hạch.
Tuy nhiên, quy mô địa chấn và các thông tin tình báo khác cho thấy vật được thử nghiệm dường như không phải là một thiết bị đầy đủ chức năng. Theo quan chức, Triều Tiên có thể tin rằng họ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầy đủ, nhưng Mỹ thì cho rằng chỉ một vài bộ phận đã phát nổ, nhiều khả năng là ngòi nổ.
Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch thu nhỏ uy lực ngày 6/1 và nhấn mạnh thử hạt nhân là hành động tự vệ trước Mỹ. Washington và Seoul đã lên án hành động của Bình Nhưỡng và đang tìm cách áp đặt thêm biện pháp trừng phạt với nước này.
Bộ trưởng quốc phòng Syria đến Nga ngay trước đàm phán hòa bình
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và người đồng cấp Syria Fahed Jassem al-Freij. Ảnh: RT/PressTV.
"Kết quả chiến dịch của không quân Nga ở Syria, nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố, đã được thảo luận", các hãng tin Nga dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết. "Cuộc gặp diễn ra trong không khí thân thiện và khẳng định ý định mở rộng hợp tác mang tính xây dựng giữa bộ quốc phòng hai nước.
Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán hòa bình Syria, theo kế hoạch bắt đầu vào hôm nay, tại Geneva, Thụy Sĩ. Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ không còn sự trì hoãn nào đối với vòng đàm phán này.
Các thành viên phe đối lập ở Syria hôm qua tiếp tục tổ chức họp để quyết định có tham gia vòng đàm phán hay không. Riad Hijab, đứng đầu phe đối lập được Arab Saudi hậu thuẫn, nói sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu đạt được thỏa thuận cứu trợ cho những thị trấn đang bị bao vây.
"Chúng tôi có thể đến Geneva nhưng sẽ không vào phòng đàm phán nếu các yêu cầu không được đáp ứng", ông nói vói kênh truyền hình Al-Arabiya tối qua,
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng ngày còn gặp tham mưu trưởng liên quân Jordan, tướng Mohammed al-Zaben Meshaal, để thảo luận về hợp tác quân sự song phương.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo muốn tổ chức một cuộc gặp quốc tế về tình hình Syria, bao gồm các bên liên quan từ phương Tây đến Trung Đông, tại Munich, Đức, vào tháng 2.
Khoảng 17 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình trong năm ngoái nhằm giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.