tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 28-12-2015

  • Cập nhật : 28/12/2015

Cảnh báo nguy cơ khủng bố ở châu Âu trước đêm Giao thừa

Các nước châu Âu đang tăng cường an ninh khi Áo thông báo những kẻ quá khích có thể tấn công trong thời gian đón Giáng Sinh và năm mới.
canh sat ao tang cuong canh giac sau khi thong bao nguy co khung bo o chau au. anh minh hoa: reuters

Cảnh sát Áo tăng cường cảnh giác sau khi thông báo nguy cơ khủng bố ở châu Âu. Ảnh minh họa: Reuters

Những thiết bị được dùng có thể là vật liệu nổ hoặc súng, CNN dẫn tuyên bố từ cảnh sát Áo hôm qua cho biết, tuy nhiên họ không nêu tên cụ thể thành phố nào có nguy cơ.

Danh tính của một số nghi phạm cũng được công khai, được thu thập sau khi nhà chức trách Áo điều tra. "Nói chung, đây là một manh mối, có thể chỉ ra tình trạng nguy hiểm chung trên", thông báo cho hay.

Theo đó, cảnh sát Áo sẽ kiểm soát các trạm an ninh kỹ lưỡng hơn, đảm bảo sự sẵn sàng khi có tình huống khẩn cấp, tăng cường cảnh giác với các vali và túi rỗng.

Sau khi nhận được thông báo, cảnh sát các nước khác ở châu Âu cũng tăng giám sát ở các địa điểm công cộng, đặc biệt là nơi tổ chức các sự kiện lớn và các tuyến giao thông đông đúc. Cảnh sát Pháp từ chối đưa ra bình luận về nguy cơ mới, cho hay hơn 48.000 sĩ quan được giao nhiệm vụ canh gác ở các điểm nhạy cảm trong thời gian các em học sinh nghỉ lễ từ ngày 19/12 đến 4/1/2016.


Gian nan phân định biển Trung - Hàn

tau ca trung quoc ket lai voi nhau de chong tra tau tuan tra han quoc trong mot dot dung do o hoang hai - anh: afp

Tàu cá Trung Quốc kết lại với nhau để chống trả tàu tuần tra Hàn Quốc trong một đợt đụng độ ở Hoàng Hải - Ảnh: AFP


Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, ngày 25.12 đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh cùng nhiều chiến đấu cơ J-15 vừa tiến hành cuộc tập trận tại Bột Hải, tiếp giáp Hoàng Hải và gần bán đảo Triều Tiên. Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập với mục tiêu tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa chiến đấu cơ J-15 và tàu Liêu Ninh. Trong đó bao gồm các bài tập cất/hạ cánh trên tàu.
PLA Daily còn khoe từ đầu năm tới nay, tàu Liêu Ninh đã đạt được “bước tiến rõ rệt” trong việc nâng cao hiệu quả tác chiến. Số chiến đấu cơ đóng trên tàu Liêu Ninh và chuyến xuất kích hằng ngày từ tàu này đều tăng, nhưng PLA Daily không nói rõ chi tiết cụ thể.
Đáng chú ý, thông tin về cuộc tập trận được tung ra chỉ vài ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul không đạt được bước tiến nào trong quá trình đàm phán về phân định vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của hai bên còn chồng lấn ở Hoàng Hải.
Trong cuộc hội đàm diễn ra ở Seoul, phía Trung Quốc yêu cầu Hàn Quốc nhường phần lớn EEZ của nước này ở Hoàng Hải cho Bắc Kinh, theo tờ The Telegraph. Lập trường của Hàn Quốc là vùng chồng lấn sẽ được chia đều bằng một giới tuyến nằm ngay giữa Hoàng Hải theo đúng quy chuẩn quốc tế. Trong khi đó, Bắc Kinh đề xuất một đường phân định lấn hẳn sang phía đông Hoàng Hải, gần bờ biển nước láng giềng hơn. The Telegraph dẫn lời các quan chức Seoul tham gia hội đàm cho hay đoàn Trung Quốc đưa ra lập luận là nước này rộng lớn hơn, dân số đông hơn và bờ biển dài hơn Hàn Quốc.
Cũng theo đề xuất nói trên thì bãi đá ngầm đang tranh chấp Ieodo/Tô Nham Tiêu ở phía nam Hoàng Hải sẽ thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Đá ngầm này nằm cách đảo cực nam của Hàn Quốc Marado 149 km về phía tây nam, nhưng cách đảo gần nhất của Trung Quốc là Đồng Đảo tới 247 km về phía đông bắc. Hồi năm 2013, quan hệ song phương từng lâm vào giai đoạn căng thẳng dâng cao sau khi Hàn Quốc xây một trạm nghiên cứu hải dương trên Ieodo/Tô Nham Tiêu.
Sau khi hội đàm kết thúc, Thứ trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul cho biết hai bên sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán, nhưng thừa nhận quá trình phân định sẽ “khó khăn và kéo dài”. Quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc đang trong thời kỳ hợp tác rất tốt đẹp nhưng tranh chấp ở Hoàng Hải vẫn luôn là “hòn đá tảng” giữa hai bên. Cuộc đàm phán mới nhất là lần đầu tiên song phương ngồi lại với nhau kể từ năm 2008 sau 14 vòng đàm phán kéo dài suốt 12 năm trước đó không mang lại kết quả nào, theo tờ The Korea Times.
Trong thời gian qua, Seoul đã nhiều lần phản ứng về tình trạng tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển Hàn Quốc để đánh bắt trái phép và có hàng trăm tàu bị bắt mỗi năm, theo Yonhap. Chưa hết, mỗi khi bị lực lượng tuần duyên Hàn Quốc (KCG) truy quét, thuyền viên Trung Quốc thường dùng vũ khí chống trả dẫn đến đụng độ chết người, chẳng hạn như vụ một thuyền trưởng Trung Quốc đâm 2 nhân viên KCG khiến 1 người chết và 1 người bị trọng thương hồi năm 2011.

Triều Tiên có thể chế tạo 8 đơn vị vũ khí hạt nhân

trieu tien duoc cho co the che tao 8 don vi vu khi hat nhan voi 5 kg plutonium/don vi vu khi - anh: reuters

Triều Tiên được cho có thể chế tạo 8 đơn vị vũ khí hạt nhân với 5 kg plutonium/đơn vị vũ khí - Ảnh: Reuters


Nhiều nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, với sự phát triển của công nghệ cao, Triều Tiên có thể chế tạo một đơn vị vũ khí hạt nhân với 5 kg plutonium thay vì 6 kg như trước đây.

Theo Hàn Quốc, nước láng giềng phía bắc hiện sở hữu khoảng 40 kg plutonium, đủ để sản xuất 8 đơn vị vũ khí hạt nhân. Một số nguồn tin không loại trừ khả năng trong vài tháng qua, số lượng plutonium ở Triều Tiên có thể đã tăng cao, vượt quá con số 40 kg. Yonhap cũng dẫn một số nguồn tin cho biết Triều Tiên đang nỗ lực sản xuất uranium đã được làm giàu.
Năm 2005, Triều Tiên đã tự tuyên bố là một cường quốc hạt nhân. Trong các năm 2006, 2009 và 2013, quốc gia này đã tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, khiến cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ.

Trong tháng 12.2012 Triều Tiên phóng tên lửa Unha-3 mang theo phiên bản cải tiến của vệ tinh Kwangmyongsŏng-3 (Quang minh tinh-3). Nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng đó thực chất là một cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa.


Thủ lĩnh IS thách thức Nga và Mỹ trong tuyên bố mới

Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự xưng, cho rằng các cuộc không kích của các nước đang thất bại.
ke dung dau is nhao bang my khong dam trien khai quan tren mat dat. anh: nbc news

Kẻ đứng đầu IS nhạo báng Mỹ không dám triển khai quân trên mặt đất. Ảnh: NBC News

Trong đoạn âm thanh dài 24 phút công bố hôm qua, Al-Baghdadi khẳng định IS đang lớn mạnh, bất chấp các cuộc không kích của cả Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria đã phá hủy các cơ sở lọc dầu và một số lãnh đạo bị tiêu diệt, theo NBC News.

Al-Baghdadi còn nhạo báng Mỹ không dám triển khai quân trên mặt đất "vì quá sợ hãi", liên quân chống IS không khiến các phiến quân giảm quyết tâm mở rộng tầm kiểm soát. 

Kẻ này cảnh báo các quốc gia chống lại IS sẽ phải trả giá, đồng thời đe dọa "IS đang tiến gần tới Israel từng ngày". Việc Arab Saudi mới tuyên bố liên quân chống khủng bố gồm 34 thành viên sẽ đặt trụ sở tại thủ đô Riyadh cũng bị thủ lĩnh IS chỉ trích. 

Al-Baghdadi kêu gọi tất cả những người Hồi giáo tham gia cuộc chiến đáp trả các nước, cho rằng đó là nghĩa vụ của họ. 

Tuyên bố mới của kẻ đứng đầu IS được đưa ra trong bối cảnh nhóm này đang bị đẩy lùi ra khỏi một số địa điểm ở Syria và Iraq. Quân đội chính phủ Iraq đã giành lại thị trấn Sinjar tháng trước và đang tiến sát đến Ramadi.

Đoạn audio được Flashpoint Intelligence, công ty an ninh Mỹ, cho rằng do nhóm truyền thông IS công bố qua các kênh online chính thức. Tuy nhiên NBC News vẫn chưa xác định được tính xác thực của nó.

Nga bắt đầu không kích IS tại Syria từ cuối tháng 9, phá hủy hàng trăm mục tiêu quan trọng của nhóm khủng bố. Mỹ và các nước đồng minh gần đây cũng tăng cường các cuộc không kích kể từ sau vụ tấn công liên hoàn tại Paris, Pháp, hôm 13/11, khiến 130 người thiệt mạng.

Al-Baghdadi vừa được tạp chí Time bình chọn là người đứng thứ hai trong danh sách "Nhân vật của năm", vì y đã lôi kéo nhiều người tham gia nhóm phiến quân và tấn công khủng bố nhiều quốc gia. Năm 2015, al-Baghdadi biến IS từ nhóm tách khỏi al-Qaeda thành một "tổ chức khủng bố xuyên quốc gia", sát hại hơn 1.600 người bằng hơn 80 vụ tấn công tại 20 quốc gia trong 18 tháng.


Liên minh nổi dậy Syria giành lại đập chiến lược từ IS

Một liên minh nổi dậy người Kurd và người Arab hôm nay giành lại một con đập chiến lược ở miền bắc Syria từ tay Nhà nước Hồi giáo, xóa bỏ tuyến đường hậu cần của nhóm phiến quân trên sông Euphrates.
thanh vien cac don vi bao ve nguoi kurd (ypg), mot nhom noi day thuoc lien minh cac luc luong dan chu syria (sdf). anh: ap.

Thành viên Các đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG), một nhóm nổi dậy thuộc liên minh Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Ảnh: AP.

Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiếm được đập Tishreen cùng 7 ngôi làng dọc theo bờ phía đông sông Euphrates sau nhiều đợt đụng độ dữ dội với Nhà nước Hồi giáo (IS), AFP dẫn lời Talal Sello, người phát ngôn SDF, cho biết. Hàng chục phiến quân IS đã bị tiêu diệt.

IS chiếm đập Tishreen từ năm 2014. Con đập giúp tạo ra nguồn điện cung cấp cho nhiều khu vực rộng lớn ở tỉnh Aleppo. miền bắc Syria.

SDF, được liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu không kích yểm trợ, bắt đầu tấn công các thị trấn dọc bờ phía đông sông Euphrates bị IS kiểm soát từ cuối ngày 23/12. Đây là chiến dịch lớn thứ hai của SDF sau khi quét sạch IS khỏi 200 ngôi làng tại tỉnh miền bắc Hasakeh.

"Xin chúc mừng người dân của chúng ta... các trận chiến đang diễn ra, chiến dịch đang diễn ra và chiến thắng đang đến", Sherfan Darwish, người phát ngôn cho một nhóm nổi dậy Arab trong SDF, viết trên mạng Internet.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng thông báo SDF đã "giải phóng bờ phía đông sông Euphrates và vượt qua con đập". "Trận chiến giờ diễn ra ở bờ phía tây con sông", Rami Abdel Rahman, giám đốc SOHR, nói.

SDF kể từ khi thành lập vào tháng 10 đã giành được nhiều thắng lợi trước IS ở miền đông bắc Syria và dường như đang mở rộng hoạt động xa hơn về phía tây.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục