Hạ viện Mỹ ngày 1-10 đã thông qua dự luật về chính sách quốc phòng trị giá 612 tỉ USD với tỉ lệ phiếu 270/156.
Tuy nhiên, tương lai của dự luật nói trên dường như bị che mờ bởi cuộc tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về chính sách chi tiêu chính phủ.
Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu dự luật này vào tuần tới. Nhà Trắng ngày 1-10 cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết dự luật nếu nó được Quốc hội thông qua vì làm tăng chi tiêu quân sự. Theo Tổng thống Obama và các nghị sĩ Đảng Dân chủ, dự luật trên đã vượt mức trần chi tiêu liên quan tới quốc phòng vào thời điểm khi mà kinh phí cấp cho các cơ quan nội địa bị hạn chế. Hạ viện Mỹ đã gia tăng chi tiêu quốc phòng bằng việc cho thêm một khoản chi riêng cho chiến tranh trị giá 38,3 tỉ USD.
Đầu tuần này, Nhà Trắng đã nhắc lại mối đe dọa phủ quyết của Tổng thống Obama. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Josh Earnest gọi đó là một “cách vô trách nhiệm để hỗ trợ cho các ưu tiên quốc phòng”.
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng dự luật trên nhằm bảo đảm an ninh quốc gia trước các mối đe dọa toàn cầu, đảm bảo chi tiêu cho tàu thuyền, máy bay và quân nhân. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry cho rằng dự luật là rất quan trọng đối với quân đội và an ninh nước Mỹ. “Không có thời gian để chơi trò chơi chính trị. Giờ là thời gian họp lại và thông qua một dự luật sẽ giúp ích an ninh của đất nước. Đây là một thế giới nguy hiểm và từng phút một nguy hiểm hơn” – ông Mac Thornberry tranh luận tại Hạ viện.
Nhà Trắng tuyên bố các cuộc không kích của Nga ở Syria là "bừa bãi" và cảnh báo Nga sẽ lún sâu vào khủng hoảng, BBC đưa tin.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Nga đã thực hiện những đợt không kích hú họa chống lại phe đối lập Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga đã nhắm mục tiêu các nhóm khủng bố tương tự như liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Ông bác bỏ ý kiến cho rằng Moscow hậu thuẫn cho quân đội Syria.
Nga cho biết họ nhắm mục tiêu là Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm chiến binh khác nhưng phe đối lập Syria và các nhóm khác chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đông minh của Kremlin - nói rằng chính họ đang bị tấn công.
Quân đội Syria đã bị mất quyền kiểm soát vào tay IS và nhiều nhóm phiến quân khác trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, cuộc đàm phán ở Paris hôm thứ Sáu 2/10 liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ trì bởi người đồng cấp Pháp Francois Hollande dự kiến sẽ bị lạc sang chủ đề Syria, mặc dù cuộc cuộc gặp theo dự kiến là để thảo luận về nỗ lực hòa bình ở Ukraine.
"Việc tiến hành các chiến dịch quân sự bừa bãi chống lại phe đối lập Syria là nguy hiểm cho Nga", ông Earnest nói.
"Điều đó chỉ kéo dài xung đột phe phái bên trong Syria, nếu không muốn nói là làm xung đột kéo dài mãi, và đem lại nguy cơ nhấn chìm Nga vào cuộc xung đột đó".
Ông Earnest cho biết các quan chức Hoa Kỳ và Nga đã hội đàm kéo dài một giờ hôm thứ Năm 1/10 để thảo luận về việc ‘tránh đụng nhau’ và cuộc gặp đầu tiên trong một loạt các cuộc họp.
Nga cho hay họ đã tiến hành ngày không kích thứ hai hôm thứ Năm 1/10 và đã đánh vào đạn dược, trung tâm chỉ huy của IS.
Phát biểu trong phiên họp Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Lavrov cho biết Nga cũng sẽ chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố khác trong đó có Mặt trận al-Nusra - một nhánh của al-Qaeda.
"Chúng tôi không ủng hộ bất cứ ai chống lại người dân của họ. Chúng tôi chiến đấu chống khủng bố", ông nói.
"Theo như tôi biết, liên quân Hoa Kỳ công bố IS và các nhóm liên quan là kẻ thù. Liên quân này cũng hoạt động giống như Nga".
Ông Lavrov cho biết Nga "phối hợp với quân đội Syria" chọn mục tiêu không kích.
Tuy nhiên, ông nói rằng Nga không xem lực lượng Quân đội Syria Tự do khủng bố và cho biết nhóm này nên là một phần của tiến trình chính trị.
Ông Lavrov cũng cho hay Nga không có kế hoạch mở rộng các cuộc không kích vào Iraq.
Iran - một đồng minh của Tổng thống Assad - bình luận rằng các chiến dịch của Nga là "một bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố và giải khủng hoảng".
Cuộc nội chiến tại Syria đã diễn ra trong bốn năm, nhiều nhóm vũ trang giao tranh để lật đổ chính phủ.
Hoa Kỳ và các đồng minh muốn Tổng thống Assad từ chức trong khi Nga ủng hộ ông tại vị.
Các cuộc không kích của Nga hôm thứ Năm 1/10 đã đánh vào các tỉnh Homs, Hama và Idlib.
Chỉ huy một nhóm phiến quân do Hoa Kỳ đào tạo cho biết một trại huấn luyện tại tỉnh Idlib đã bị phi cơ Nga tấn công.
Các nhóm đối lập Syria cho biết các cuộc không kích đã giết chết dân thường nhưng quan chức Nga nói rằng máy bay chiến đấu của nước này đã tránh khu vực nhà dân.
Nga tính “bắt tay” với Trung Quốc can thiệp vào Syria: Một cuộc chơi mới?
BizLIVE - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói lên ý định đối tác với Nga để cùng nhau thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong khuôn khổ phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói lên ý định đối tác với Nga để cùng nhau thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria, Sputnik đưa tin.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga, khi giới thiệu với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dự thảo nghị quyết về phối hợp hoạt động của các lực lượng đấu tranh chống IS, đã liệt kê các nước mà sự tham gia của họ trong giải pháp chính trị cho vấn đề Syria sẽ rất hữu ích. Đó là Nga, Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Jordan, Qatar. Ngoài ra, theo ý kiến của ông Lavrov, sự tham gia của Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng sẽ rất hữu ích.
Trung Quốc có thể hỗ trợ bằng cách nào? Theo ý kiến của nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev, Nga có đủ nguồn lực và không cần đến sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc tại Syria: "Trước hết, Trung Quốc là một cầu thủ giúp tìm kiếm giải pháp chính trị. Và thứ hai, sự hỗ trợ tài chính và kinh tế của Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sự hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực này sẽ rất hữu ích. Tôi nghĩ rằng, sự đối tác với Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này cũng là hữu ích, và ông Lavrov cũng đã nói về điều đó. Ở đây trước hết nói về việc làm giảm số lượng người tị nạn. Và Trung Quốc có thể trở thành một nhà tài trợ. Nếu nhìn từ góc độ này thì phải hiểu rõ Bắc Kinh có thể thực hiện những bước đi nào để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria".
Vào hôm thứ Tư, khi các máy bay của binh chủng Không quân vũ trụ Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự chống IS, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghiên cứu khả năng triệu tập một hội nghị quốc tế để để tìm ra một giải pháp cho vấn đề Syria - "Geneva-3".
Đặc biệt ông kêu gọi không đưa ra những điều kiện tiên quyết và đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Theo ý kiến của nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev, đã có thỏa thuận từ trước giữa Moscow và Bắc Kinh về nội dung này. Chuyên gia Yevseyev nói: "Hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có lập trường chung. Và Nga không chỉ tuyên bố trên lời nói mà còn đang thực hiện một kịch bản quân sự. Sau khi Nga thực hiện bước đột phá trên mặt trận quân sự, cần phải tổ chức cuộc đàm phán, và Trung Quốc kêu gọi tổ chức hội nghị "Geneva-3" để tất cả các bên tham chiến ở Syria ngồi vào bàn đàm phán".
Quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria là một thực tế địa chính trị mới, ông Vladimir Yevseyev cho biết: "Tôi cho rằng, một lần nữa Nga đã bị đánh giá thấp. Phương Tây đã cho rằng, Nga không còn quan tâm đến Syria, và họ cuối cùng có thể buộc Assad phải ra đi. Tuy nhiên, Nga nhanh chóng triển khai các cuộc không kích tại Syria, và phương Tây thậm chí không có thời gian để phản ứng kịp thời. Nga đã tạo ra một thực tế mới và nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc. Đây là điều bất ngờ với phương Tây".
Sáng kiến của Tổng thống Nga về thành lập một liên minh rộng rãi chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở Syria và toàn bộ khu vực Trung Đông có mục đích ổn định lại tình hình. Trung Quốc giữ lập trường rõ ràng trong vấn đề này.
"Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố. Trong cuộc đấu tranh chống khủng bố nên tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác. Và chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực của Nga trong lĩnh vực này..", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố như vậy khi bình luận đề xuất của Tổng thống NgaVladimir Putin.
Nga khẳng định phá tan sở chỉ huy của IS ở Syria
Các máy bay của Nga đã phá tan thành trì của Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Raqqa, Syria trong ngày thứ hai của chiến dịch không kích.
Máy bay Nga hạ cánh trên đường băng tại Syria sau cuộc không kích hôm qua. Ảnh: Reuters
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay Su-34 hôm qua đã phá hủy trụ sở chỉ huy được ngụy trang ở tây nam Raqqa và cơ sở mà IS dùng để đào tạo các phiến quân, AFP cho hay. Raqqa là thành trì của IS ở Syria.
Ít nhất 12 thành viên của IS thiệt mạng trong các cuộc không kích này, ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay.
Theo Reuters, Nga cũng phá hủy hoàn toàn sở chỉ huy của IS ở Hama, một trụ sở khác cùng trung tâm liên lạc ở Aleppo cũng bị thiệt hại, sau khi Moscow triển khai các máy bay Sukhoi-34, Sukhoi-24M và Sukhoi-25 tham gia chiến dịch. Nguồn tin quân sự của Syria cho hay các mục tiêu của IS ở Idlib cũng nằm trong số đích ngắm mà Nga không kích thành công.
New York Times dẫn lời Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow điều hơn 50 máy bay với hơn 30 lượt xuất kích trên bầu trời Syria, dùng máy bay không người lái và vệ tinh để nhận dạng các mục tiêu. Đạn dược và các thiết bị khác được dự trữ sẵn ở căn cứ hải quân Tartus, đặt trên bờ Địa Trung Hải của Syria đã giúp việc triển khai được nhanh chóng.
Hãng thông tấn Nga RIA cho biết các cuộc không kích của quân đội Syria, cùng với Không lực Nga đã tiêu diệt được 107 phiến quân, bao gồm ba chỉ huy của Mặt trận Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda ở đây.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ilya Rogachev hôm qua cho rằng can thiệp quân sự của nước này không nên hạn chế ở Syria. Có thể Moscow sẽ nhận được đề nghị từ Baghdad để đưa máy bay đến truy lùng IS.
Chiến dịch truy quét IS của Nga tại Syria khiến Mỹ lo ngại gây hại đến lực lượng người Kurd mà Washington đào tạo.
Campuchia xét xử nghị sĩ xuyên tạc hiệp ước biên giới
Tòa án Campuchia mở phiên xét xử thượng nghị sĩ Hong Sok Hour do ông này xuyên tạc tài liệu liên quan đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Nghị sĩ Hong Sok Hour, áo cam, bị dẫn ra tòa hôm nay. Ảnh: Reuters
Thẩm phán Ros Piseth hôm nay bác bỏ yêu cầu được bảo lãnh của ông Sok Hour, bắt đầu xem xét liệu ông này có bị phạt tù đến 17 năm hay không, theo AP.
Trước đó ông Sok Hour nói rằng mình cần chăm sóc y tế do bị một số bệnh và hứa "sẽ không bỏ trốn".
Thượng nghị sĩ đảng Sam Rainsy này bị bắt giữ từ giữa tháng 8 theo yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông Sok Hour bị buộc tội phản quốc vì đăng tải các hiệp ước quốc tế giả mạo liên quan đến biên giới Việt Nam - Campuchia lên mạng xã hội Facebook.
Theo cáo trạng, nghị sĩ đối mặt với ba tội danh làm giả công văn, sử dụng tài liệu giả mạo và gây bất ổn nghiêm trọng an ninh xã hội.
Ông Sok Hour là người đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch kéo dài ba tháng qua của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), liên minh giữa đảng Sam Rainsy và Đảng Nhân quyền, với cáo buộc chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ phân giới cắm mốc với Việt Nam không chính xác.
Thủ tướng Hun Sen hôm 20/8 đề nghị nhà chức trách thực hiện các hành động pháp lý đối với bất kỳ người nào cáo buộc chính phủ sử dụng bản đồ giả. Quyết định này được đưa ra sau khi Campuchia so sánh bản đồ của chính phủ với bản đồ gốc mượn của Liên Hợp Quốc nhằm xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Qua đó, Phnom Penh xác nhận bản đồ của chính phủ là chính xác.
Giữa tháng trước ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng CNRP yêu cầu các nghị sĩ của đảng này ngừng chỉ trích chính quyền về các vấn đề liên quan tới biên giới với Việt Nam để tập trung vào các vấn đề nội bộ của nước này.
Việt Nam và Campuchia đến nay đã phân giới được 920 km trong tổng số chiều dài đường biên giới 1.137 km, xác định được 260 vị trí mốc, xây dựng được 305 cột mốc. Hiện còn 7 đoạn trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia mà hai nước chưa thống nhất được cách giải quyết. Lãnh đạo hai nước gần đây nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến.
(
Tinkinhte
tổng hợp)