Biến các đảo nhân tạo ở Biển Đông thành căn cứ quân sự, Trung Quốc nhờ đó có thể tăng cường khả năng kiểm soát trên một khu vực rộng lớn, lấn lướt các bên liên quan khỏi tranh chấp chủ quyền.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 02-10-2015
- Cập nhật : 02/10/2015
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Nga suy giảm 3,8% năm nay
WB dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 3,8% trong năm 2015 so với mức dự báo âm 2,7% đưa ra trước đó.Con số này có thể rơi xuống âm 4,3% nếu giá dầu vẫn tiếp tục giảm và chỉ còn trung bình 50 USD/thùng trong năm nay.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 30/9 hạ dự báo triển vọng kinh tế củaNga, đồng thời cảnh báo nhiều người dân nước này sẽ rơi vào cảnh nghèo túng khi cuộc khủng hoảng kinh tế mà họ đang phải đối mặt có chiều hướng xấu đi và sẽ để lại dư âm tới năm sau.
WB dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 3,8% trong năm 2015 so với mức dự báo âm 2,7% đưa ra trước đó.
Thậm chí con số này có thể rơi xuống âm 4,3% nếu giá dầu vẫn tiếp tục giảm và chỉ còn trung bình 50 USD/thùng trong năm nay.
WB cũng đảo ngược dự báo triển vọng kinh tế Nga trong năm 2016 từ mức tăng trưởng nhẹ 0,7% thành âm 0,6% và khả năng tăng trưởng dương chỉ trở lại vào năm 2017 với con số khiêm tốn 1,5%.
Giám đốc của WB tại Nga Andras Horvai nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế đã cuốn phăng mọi tiến triển trong công cuộc xóa đói giảm nghèo mà Nga đã cố gắng đạt được trong thập kỷ trước.
Các hộ gia đình đang gồng mình trước tình trạng lạm phát ở mức hai con số, chủ yếu do giá cả thực phẩm leo thang kể từ khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng ởUkraine.
Theo nhận định của WB, việc tỷ lệ nghèo đói tăng lên 15,1% tương đương với 21,7 triệu người dân là vấn đề đáng lo ngại.
Ở một số khu vực, số người dân sống trong nghèo đói gia tăng, trong khi có tới 12% người dân quốc gia này cho biết họ không còn đủ tiền để chi trả cho thực phẩm hàng ngày.
Kể từ đầu năm 2015, ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu liên tục trượt dốc đã khiến nền kinh tế của quốc gia này rơi vào khủng hoảng.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Nga đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ ở mức từ âm 3,9% đến âm 4,4%.
Mỹ trừng phạt 2 công ty Triều Tiên liên quan đến phát triển tên lửa
Mỹ trừng phạt hai công ty Triều Tiên vì liên quan tới hoạt động phát triển công nghệ tên lửa - Ảnh: Reuters
Thái Lan tăng cường an ninh tại đại sứ quán Trung Quốc
Theo đài PBS, lực lượng cảnh sát và quân đội tối 30/9 dựng chốt an ninh để kiểm tra các xe đi qua đường Ratchadapisek, nơi có đại sứ quán Trung Quốc. Cảnh sát mặc thường phục và cảnh sát đặc biệt được triển khai ở khu vực lân cận, đề phòng những vụ việc không mong muốn xảy ra.
Tất cả những nơi liên quan đến biểu tượng Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ, cũng như các điểm du lịch, khu vực thương mại khách du lịch Trung Quốc hay đến. Hiện chưa có vụ việc nào được báo cáo, nhưng an ninh sẽ vẫn được thắt chặt trong vài ngày tới để đảm bảo bạo lực không xảy ra.
Trung Quốc hôm qua kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 66. Đây cũng là ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, nơi có sự căng thẳng giữa chính quyền Trung Quốc và cư dân Hồi giáo địa phương.
Hơn một chục bom thư phát nổ ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, làm ít nhất 7 người chết và hơn 50 người bị thương. Giới chức Trung Quốc loại trừ khả năng khủng bố và cho biết nghi phạm được xác định có họ Wei, 33 tuổi, vẫn chưa bị bắt.
Khu tự trị Quảng Tây cũng có một lượng lớn các dân tộc thiểu số sinh sống và là tuyến đường lớn người Duy Ngô Nhĩ đi qua để rời Trung Quốc một cách bất hợp pháp.
Vụ nổ bom liên hoàn gia tăng lo ngại bất ổn ở Trung Quốc
Các vụ nổ diễn ra chiều qua, tại huyện Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Nghi phạm là một người đàn ông họ Wei, 33 tuổi.
Bom nổ tại 17 địa điểm, trong đó có các văn phòng chính phủ, một bệnh viện và một nhà tù. Vụ nổ tạo ra cảnh tượng hỗn loạn, với các tòa nhà đổ sập, khói bụi bay mịt mù, ô tô lật nhào, gạch vỡ la liệt trên đường phố, người dân địa phương hoảng sợ chạy tìm chỗ nấp. Họ miêu tả vụ nổ làm "rung chuyển mặt đất", với tiếng động "như tiếng phá đá trên núi".
Hãng thông tấn nhà nước Xinhua không đưa tin về động cơ vụ đánh bom. Một số trang tin trực tuyến nói rằng nghi phạm có mâu thuẫn với một bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh, nhưng truyền hình nhà nước CCTVbác bỏ thông tin này.
Nikkei Asian Review đánh giá vụ việc có quy mô lớn như thế này có thể là do hơn một người tiến hành. Công tác điều tra có thể phát hiện ra một âm mưu đánh bom lớn hơn. Truyền thông địa phương đưa tin giới chức phát hiện 60 bưu kiện đáng ngờ sau vụ nổ.
Vụ nổ diễn ra ngay khi Chủ tịch Tập Cận Bình vừa trở về từ chuyến thăm Mỹ, và chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 66 năm ngày quốc khánh.
Ngày hôm nay cũng đánh dấu 60 năm thành lập khu tự trị Tân Cương, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Du Chính Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách các vấn đề dân tộc thiểu số, đang ở thăm khu vực tây bắc Trung Quốc này.
Khi đất nước đang đón hai lễ kỷ niệm đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường an ninh để duy trì trật tự công cộng. Điều này làm cho các vụ nổ bom tại Liễu Thành thậm chí còn hơn cả một cú sốc.
Trung tâm Thông tin vì Nhân Quyền và Dân Chủ, có trụ sở tại Hong Kong, cho rằng bom được sử dụng ở Liễu Thành do các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ chế tạo. Căng thẳng và bạo lực giữa chính quyền và người Duy Ngô Nhĩ đã nhiều lần diễn ra ở Tân Cương, làm gia tăng lo ngại về quan hệ giữa phần tử Duy Ngô Nhĩ cực đoan và các nhóm khủng bố quốc tế khác.
Dân tộc thiểu số không phải là vấn đề duy nhất. Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự bất mãn từ người dân vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, bất bình trước nạn tham nhũng và vấn đề môi trường.
Theo Nikkei Asian Review, việc thiếu một lời giải thích rõ ràng cho vụ nổ kho hóa chất lớn ở Thiên Tân hồi tháng 8 cũng khiến công chúng thêm lo lắng. Của cải tăng do phát triển kinh tế nhanh chóng làm dịu những thất vọng của người dân với chính quyền. Nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục xuống dốc, sự bất mãn đã tích tụ từ lâu của người dân có thể "tức nước vỡ bờ".
Trung Quốc trong những năm gần đây phải vật lộn với một loạt các cuộc tấn công gây thương vong, một số trường hợp được cho là do những kẻ khủng bố cực đoan thực hiện, một số khác được kết luận là tội phạm địa phương hoặc hành vi bột phát do tuyệt vọng.
Các vụ tấn công bằng dao và bằng bom từng xảy ra tại các điểm du lịch, bến tàu và chợ rau ở Bắc Kinh, thành phố phía nam Côn Minh và Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. Trung Quốc cho rằng những vụ việc này do phần tử ly khai ở Tân Cương thực hiện và gần đây khởi động chiến dịch chống khủng bố để đối phó.
Trung Quốc cũng chứng kiến một số vụ dùng chất nổ để trả thù người thân, hàng xóm và các quan chức. Theo Reuters, chất nổ tương đối dễ kiếm tại đây, vì chúng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.
Theo NYTimes, năm 2001, giới chức ở tây bắc Trung Quốc tử hình một người đàn ông bị kết tội giết 47 người, bằng cách cho nổ tung một đống thuốc nổ, sau tranh chấp kéo dài với láng giềng. Cũng vào năm đó, hơn 100 người đã thiệt mạng trong một loạt vụ nổ ở Thạch Gia Trang, bắc Trung Quốc. Cảnh sát nói rằng động cơ là trả thù vợ cũ và những người thân khác.
Năm 2011, một người đàn ông ở miền đông Trung Quốc, bất mãn với khoản bồi thường cho ngôi nhà bị phá hủy của mình, đã tiến hành ba vụ nổ gần các văn phòng chính phủ, giết chết chính mình và hai người khác.
Năm 2013, một loạt vụ đánh bom đã khiến một người thiệt mạng và 8 người bị thương bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương ở Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây. Vụ nổ làm đường phố rải đầy đinh và viên kim loại. Cảnh sát sau đó bắt giữ một cựu tù nhân 41 tuổi, và cho biết họ đã phát hiện bom tự chế ở nhà ông ta.
Li Jianghan, người ở Liễu Thành, theo dõi sát các vụ việc trên cho rằng những vụ nổ trước đó ở nơi công cộng xuất phát từ những căng thẳng xã hội sâu sắc, tư thù và sự bất bình của người khiếu nại.
"Thủ phạm chọn tiến hành ngay trước ngày quốc khánh, việc này sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi và lo ngại", Li nói.
Nga bị tố không kích căn cứ của phiến quân do Mỹ huấn luyện
Một chiếc xe bốc cháy tại căn cứ của nhóm nổi dậy Ahrar al-Sham ở Idlib, Syria, mà các nhà hoạt động cho hay đã bị Nga không kích hôm nay. Ảnh: Reuters
Ông Hassan Haj Ali, người đứng đầu nhóm phiến quân Liwa Suqour al-Jabal, cho hay với Reuters rằng khu trại ở tỉnh Idlib bị khoảng 20 tên lửa tấn công trong hai đợt khác nhau. Nhóm Liwa Suqour al-Jabal nhận sự huấn luyện từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Qatar và Arab Saudi.
Haj Ali, một đại úy quân đội Syria đào ngũ sau cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, cho biết một số lính gác của căn cứ bị thương nhẹ trong vụ tấn công. Các thành viên từng phục vụ trong không quân Syria của nhóm ông đã nhận ra các máy bay không kích của Nga.
Nhóm của ông tự xưng là một phần của Quân đội Syria Tự do (FSA), do những sĩ quan quân đội Syria đào ngũ thành lập. FSA hiện nay là một liên minh lỏng lẻo giữa các nhóm phiến quân mà không có một bộ máy chỉ huy tập trung.
CIA đang tiến hành chương trình huấn luyện cho các nhóm phiến quân Syria mà phương Tây xem là trung lập. Ông Haj Ali cho biết các chiến binh của ông đã tham gia một số khóa đào tạo ở Qatar và Arab Saudi.
Đây ít nhất là nhóm phiến quân thứ ba của FSA cho rằng họ bị Nga không kích trong khi đang tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hôm nay cũng cáo buộc rằng các cuộc không kích đầu tiên của Nga ở Syria nhằm vào các tân binh của FSA được Washington hậu thuẫn.
Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời một quan chức không quân Nga khẳng định phân tích dữ liệu của nước này cho thấy các máy bay chỉ tấn công vào các mục tiêu của IS.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói tại Liên Hợp Quốc hôm nay rằng quân đội nước này đang nhắm vào các phiến quân IS và "những nhóm khủng bố khác" ở Syria. Tuy nhiên, Nga không xem FSA là một nhóm khủng bố và nhóm này nên là một phần trong giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.
Các chiến đấu cơ Nga đã bước sang ngày thứ hai tiến hành đánh bom vào các mục tiêu IS ở phía bắc, phía tây và phía đông Syria, trong đó có tỉnh Raqqa, thành trì của nhóm khủng bố.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo không quân đã tấn công thêm 4 cơ sở của IS bằng 8 chiếc SU-24 và SU-25.
Chiến dịch không kích diễn ra ngay sau khi Thượng viện Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin được sử dụng không quân để chống lại IS. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này không có ý định tham gia vào liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng đang làm nhiệm vụ ở Syria.
Quân đội Mỹ và Nga sẽ tổ chức hội đàm qua video bảo mật lúc 15h00 GMT để tìm kiếm giải pháp tránh va chạm giữa hai bên tại Syria. Ông Elissa Slotkin, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, và một sĩ quan quân sự cấp cao thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ sẽ đại diện cho Lầu Năm Góc tại cuộc họp này.