Indonesia quyết khẳng định quyền lợi ở Biển Đông sau các cuộc đụng độ giữa các tàu hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh 05-10-2015
- Cập nhật : 05/10/2015
Thủ tướng Pháp mang thông điệp Paris về Biển Đông tới Nhật Bản
Trong chuyến thăm chính thức ba ngày tại Nhật Bản kể từ 3/10, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tôn trọng luật pháp quốc tế” ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang gây tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Theo tin từ Đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản và Đài RFI, ngày 3/10 trả lời phỏng vấn của Nhật báo Yomiuri Shimbun, một tờ báo hàng đầu tại Nhật Bản, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nêu rõ:
“Pháp luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển cùng các quy định về quyền tự do lưu thông trên biển và trên không. Quyền tự do hàng hải và hàng không cần phải được tuyệt đối tôn trọng ở Biển Đông cũng như ở những nơi khác”.
Trả lời câu hỏi về giải pháp của Paris nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và nhằm đảm bảo an ninh cho các nước châu Á, Thủ tướng Pháp nhấn mạnh: “Để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, không có giải pháp nào hơn là đối thoại. Đây là thông điệp của nước Pháp gửi đến tất cả các nước liên quan, kể cả các đối tác gần gũi nhất của chúng tôi, trong đó có Tokyo và Bắc Kinh”.
Ông Manuel Valls cũng khẳng định: “Pháp là một cường quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương… Cùng với đồng minh và đối tác của mình, Pháp luôn phấn đấu hết mình cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trung Quốc, nước đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu khắp Biển Đông, đã rầm rộ bồi đắp trên quy mô lớn các bãi ngầm và rạn san hô mà họ ngang nhiên chiếm đóng trái phép tại vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong năm qua, Bắc Kinh tiếp túc tăng cường việc xây dựng trái phép cảng biển, đường băng và các cơ sở hạ tầng khác có thể biến thành cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo này. Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như của toàn bộ Châu Á.
Mỹ và các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để từ các tiền đồn xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế một trong những tuyến đường hàng hải này vốn được coi là có tính chiến lược và quan trọng nhất thế giới.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố Washington và các nước đồng minh trong khu vực sẽ chống lại những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay hành vi bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa.
Nhật tái cơ cấu công nghiệp quốc phòng
Chính phủ Nhật thông báo Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần được thành lập nhằm hợp nhất các cơ quan liên quan đến mua bán và phát triển thiết bị quân sự vào một cơ quan duy nhất thay vì phải thông qua nhiều cơ quan riêng biệt dẫn đến tốn kém, lãng phí ngân sách quốc phòng.
Nhiệm vụ chính của Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần là quản lý công tác phát triển và bán thiết bị quân sự giữa các nhà thầu Nhật với các đối tác nước ngoài theo các quy định xuất khẩu vũ khí được nới lỏng hồi tháng 4-2014. Đây là đợt tái cơ cấu lớn nhất của Bộ Quốc phòng Nhật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần do ông Hideaki Watanabe đứng đầu gồm khoảng 1.800 nhân viên. Ông Watanabe từng là tổng giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật.
Phát biểu tại lễ thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nhận xét Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần là một phần trong chương trình tái cơ cấu lớn của Bộ nhằm ứng phó với môi trường an ninh ngày càng biến động. Ông nói cơ quan nêu trên được thành lập nhằm cắt giảm chi phí mua sắm thiết bị quân sự và tăng cường hợp tác phát triển thiết bị quốc phòng với các quốc gia khác.
Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật) nhận định ưu tiên hàng đầu của Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần là giành hợp đồng hợp tác, phát triển tàu ngầm mới cho Úc. Úc cân nhắc tàu ngầm lớp Soryu của Nhật vốn nổi tiếng với động cơ hoạt động êm ái, là ứng viên sáng giá cho chương trình nâng cấp hạm đội tàu ngầm nước này.
Tokyo dự kiến sẽ cung cấp thông tin kỹ thuật cần thiết về tàu ngầm (ảnh) để Úc lựa chọn đối tác cho dự án phát triển và đóng tàu ngầm. Ngoài Nhật còn có hai đối thủ cạnh tranh khác là Đức và Pháp. Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần sẽ chịu trách nhiệm xúc tiến đàm phán để được chọn làm đối tác trước cuối năm 2015.
Cơ quan này cũng sẽ hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển các công nghệ quốc phòng mới như thỏa thuận Nhật-Anh về phối hợp phát triển công nghệ tên lửa không đối không. Ngoài ra phát triển máy bay chiến đấu tàng hình nội địa thế hệ mới cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần Nhật.
Bình Nhưỡng giục Mỹ ký hiệp ước hòa bình
CHDCND Triều Tiên mới đây hối thúc Mỹ ký kết một hiệp ước hòa bình để tránh gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Ri Su Yong của Bình Nhưỡng cho biết sự gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên cách đây hai tháng là lý do Mỹ không nên trì hoãn việc ký hiệp ước hòa bình.
“Đây là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có thể làm nhằm đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên và tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Bình Nhưỡng” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Ri, cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại.Tuy nhiên, trang Sputnik ngày 2-10 dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không xiêu lòng trước lời đề nghị này.
“Chính sách của chúng tôi không thay đổi và chúng tôi sẽ đánh giá Triều Tiên qua hành động chứ không phải lời nói của họ” - quan chức này nói. Trước đó, Washington cho biết chỉ đối thoại với điều kiện Bình Nhưỡng nhượng bộ về vấn đề giải trừ hạt nhân.
Tuyên bố của ngoại trưởng Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại nước này sẽ phóng tên lửa tầm xa nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động vào ngày 10-10.
Ông Ri khẳng định có hơn 10 nước đã phóng vệ tinh nhưng Mỹ chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng để chỉ trích. Mỹ và các đồng minh cho rằng đây sẽ là một vụ thử tên lửa đạn đạo trong chương trình hạt nhân của nước này.
Nhưng trong khi tỏ lập trường mềm mỏng ở LHQ, đại sứ Triều Tiên tại Anh lại dọa rằng nước này có thể phóng tên lửa “vào bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu” bất chấp các lời đe dọa trừng phạt. “Chúng tôi không có gì phải sợ. Chúng tôi sẽ cứ làm, chắc chắn là vậy” - đại sứ Hyon Hak Bon khẳng định trên tờ Daily Star của Anh.
Tuy nhiên, hôm qua giới quan sát lại cho rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tổ chức diễu binh thay vì phóng tên lửa trong dịp lễ tới. Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn các quan chức Hàn Quốc cho biết đến nay vẫn chưa phát hiện dấu hiệu Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa. Koh Yu Hwan, giáo sư thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, nhận định vụ phóng tên lửa chỉ là chiêu trò để Bình Nhưỡng dọa các nước phương Tây.
“Vực thẳm” mới trong quan hệ Nga-phương Tây
Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bắt tay nhau tại trong Điện Elysee nhưng gương mặt căng thẳng của họ trong suốt cuộc gặp hôm thứ Sáu vừa qua cho thấy một khoảng trống ngày càng sâu trong quan hệ Nga và Phương Tây về tình hình Syria.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Elysee ngày 2/10/2015.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn chỉ vài giờ trước cuộc họp bốn bên Pháp, Đức, Ukraine và Nga về vấn đề Ukraine. Dường như, cái “nóng” của vấn đề Syria đã khiến các nhà lãnh đạo quên đi chủ đề thảo luận Ukraine, một “vực thẳm” chưa được lấp đầy trong quan hệ Nga - phương Tây.
Trong bối cảnh các nước phương Tây lo lắng về mục tiêu không kích của Nga tại Syria, cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo xoay quanh các cuộc không kích đầu tiên của cả Pháp và Nga vào lãnh thổ Syria tuần qua. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo chỉ dừng lại ở phép so sánh mà không tìm được tiếng nói chung.
Ông Hollande cho rằng các cuộc không kích tại Syria chỉ được phép nhắm đến mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông kêu gọi Nga thực hiện mục tiêu này và nhấn mạnh những hành động đáng nghi ngại của Nga hiện nay có thể thổi bùng chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tại đất nước Trung Đông này.
Trong khi Moscow cương quyết với lập trường rằng sẽ không có giải pháp nào cho vấn đề Syria nếu thiếu vắng sự tham gia của Chính quyền Tổng thống Bashar Assad thì Paris và Washington duy trì quan điểm ngược lại, khẳng định không thể duy trì chế độ của ông Assad tại Syria.
Trong khuôn khổ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Hollande cũng đã đưa ra cách ví von không thể liên kết “nạn nhân và kẻ giết người cùng nhau”, rằng Chế độ của Tổng thống Assad chính là gốc rễ khủng hoảng Syria, vì vậy ông Assad không thể là một bên tham gia tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng đẫm máu này.
Cuộc họp 4 bên diễn ra sau đó cũng hướng tới thảo luận giải pháp cho vấn đề Syria. Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức kêu gọi Nga ngừng ngay các cuộc đánh bom và dân thường và lực lượng chống chính phủ tại Syria. Nhưng ông Putin khẳng định rằng lực lượng quân đội của ông chỉ đang hướng tới mục tiêu là phiến quân Hồi giáo IS.
Mỹ dùng kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam trong đàm phán hạt nhân Iran
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ kinh nghiệm có từ Chiến tranh Việt Nam đã tác động thế nào đến quyết định của ông trong đàm phán hạt nhân với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đã dùng kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam để đàm phán hạt nhân với Iran - Ảnh: Reuters
Tham gia một chương trình truyền hình của hãng tin CBS hôm 2.10, ông Kerry đã kể lại các cuộc thảo luận riêng giữa ông với người đồng cấp phía Iran để bàn về tác động của đàm phán hạt nhân đối với khu vực và cả thế giới.
Từng là một người lính tham chiến tại Việt Nam từ năm 1966 đến 1970 và là nhà hoạt động phản chiến nổi tiếng ở Mỹ, Ngoại trưởng Kerry cho biết ông chưa từng xem nhẹ các quyết định có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.
Khi được hỏi kinh nghiệm thời chiến ở Việt Nam có liên quan gì đến quyết định được đưa ra trong các vòng đàm phán hạt nhân với phía Iran, ông Kerry cho biết cả hai đều là “chiến tranh”.
“Nếu bạn cố đàm phán rồi thất bại, hoặc không thể đàm phán, khi đó bạn sẽ cảm thấy áp lực về khả năng xảy ra xung đột. Điều tôi đúc kết được ở Việt Nam rất đơn giản, đó là một cuộc chiến, nơi rất nhiều bạn bè của tôi đã chết, mà lẽ ra đã có thể tránh khỏi nếu những người lãnh đạo thời đó chọn những quyết sách khác”, ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.
“Và tôi đã thề rằng nếu tôi là một trong những người có quyền nói trên, tôi sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo rằng thanh niên và phụ nữ Mỹ sẽ không bao giờ bị điều ra chiến trường, trừ phi không còn giải pháp nào khác”, ông Kerry nói.
Được biết, hồi tháng 7 vừa qua, Iran và Nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) đã đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran; theo đó sẽ hạn chế khả năng làm giàu uranium của quốc gia Hồi giáo này. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt Tehran của phương Tây và Mỹ sẽ được dần được loại bỏ.