Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và kinh tế Vương quốc Anh (CEBR) đã công bố bảng phân tích thường niên World Economic League Table (WELT) liệt kê các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 27-12-2015
- Cập nhật : 27/12/2015
Indonesia: Bắt hai nghi can âm mưu đánh bom
Ngày 25-12, cảnh sát Indonesia thông báo hôm trước đó, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88 đã bắt giữ hai nghi can âm mưu đánh bom tự sát trong dịp năm mới tại thủ đô Jakarta.
Một nghi can tên Arif Hidyatulloh (bí danh Abu Muzab) bị bắt gần Jakarta khi tên này lái xe không có biển số.
Cảnh sát tìm thấy trong xe sách dạy cách chế tạo bom, danh sách các tên khủng bố Indonesia ngồi tù vì sản xuất bom và danh sách các đối tượng người Indonesia bị tình nghi sang Syria gia nhập khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tiếp tục khám xét nhà nghi can này tại Bekasi ở ngoại ô Jakarta, cảnh sát bắt thêm nghi can thứ hai tên Ali là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc. Cảnh sát đã tìm thấy áo chống đạn và thiết bị dùng để làm bom.
Người phát ngôn cảnh sát thông báo: “Chúng tôi cũng đã tìm thấy một sơ đồ tại các địa điểm sẽ bị đánh bom”.
Arif Hidyatulloh khai với cảnh sát một phần tử khủng bố ở Syria đã yêu cầu hắn giúp đưa người Indonesia gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin tướng chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Badrodin Haiti cho biết tên Ali đã được chọn để đánh bom tự sát. Tên này có tay nghề về thuốc nổ và đang học tiếng Indonesia.
Ngày 24-12, lực lượng đặc nhiệm và cảnh sát phá bom kiểm tra nhà thờ Công giáo tại Jakarta. Ảnh: AFP
Danh tính thật của hắn chưa được xác định vì không có hộ chiếu và trong người hắn chỉ có một thẻ căn cước Indonesia.
Nguồn tin từ cảnh sát đặc nhiệm Indonesia cho biết hai tháng trước, Ali đã cùng với hai nghi can khác người dân tộc Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc vào Indonesia qua đảo Batam và đội lốt người xin nhập cư.
Hai tên này đang đào tẩu cùng với thiết bị chế tạo bom. Trước khi vào Indonesia, chúng bị nghi ngờ đã vào Thái Lan và Malaysia.
Cơ quan điều tra Indonesia nghi ngờ Ali có liên quan đến vụ nổ bom ở đền Erawan tại Bangkok hôm 17-8 (27 người chết, 120 người bị thương).
Một nguồn tin khác cho biết nhóm của Arif Hidyatulloh là một trong chín nhóm khủng bố ở Indonesia có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhóm này chuyên đưa người Indonesia sang Syria và nhận tiền trợ cấp từ Bahrum Naim là công dân Indonesia đang tham gia khủng bố ở Syria.
Các mục tiêu nhóm này định đánh bom tự sát gồm có các quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có tướng Badrodin Haiti, hai sĩ quan Gories Mere và Tito Karnavian (chỉ huy cảnh sát Jakarta) đã từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, chỉ huy đặc nhiệm Ibnu Suhendra và Nur Ali chỉ huy cảnh sát tỉnh Trung Java.
Ngoài ra còn có các đền thờ Hồi giáo, các lợi ích phương Tây ở Indonesia và các địa điểm công cộng có đông người lui tới.
Nhóm của Arif Hidyatulloh khác với hai nhóm đã bị bắt cuối tuần trước ở tỉnh Tây Java và tỉnh Trung Java. Hai nhóm này thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng và tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah.
Chúng âm mưu đánh bom tự sát tại các nhà thờ Công giáo và cộng đồng tín đồ Hồi giáo dòng Shiite.
Hiện thời lực lượng đặc nhiệm Indonesia đang ráo riết săn lùng tên đầu sỏ Santoso trong rừng rậm đảo Sulawesi.
Tuy nhiên, chuyên gia Sidney Jones ở Viện Phân tích các chính sách xung đột tại Jakarta nhận xét: “Trong khi cảnh sát và quân đội tập trung săn lùng Santoso (tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Indonesia) trong vùng núi giữa tỉnh Trung Sulawesi thì Nhà nước Hồi giáo đã thành công xây dựng mạng lưới ở ngoại ô Jakarta”.
Santoso là đối tượng Indonesia đầu tiên tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Okinawa kiện chính phủ Nhật vì căn cứ Mỹ
Tỉnh Okinawa - Nhật Bản ngày 25-12 đệ đơn kiện chính phủ nước này trong nỗ lực ngăn chặn việc di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ.
Theo chính quyền Okinawa, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã đình chỉ bất hợp pháp quyết định của Thống đốcOkinawa Takeshi Onaga về việc hủy giấy phép cải tạo đất nhằm xây căn cứmới ở vịnh Henoko (cũng thuộc Okinawa) thay thế cho Futenma (hiện ở TP Ginowan).
Giấy phép này do người tiền nhiệm của ông Onaga ký vào năm ngoái. Vì quyết định này mà ông Onaga bị Bộ trưởng MLIT Keiichi Ishii kiện ra tòa vào tháng 11 năm nay.
Chính quyền trung ương và Okinawa đã giằng co gần 20 năm qua vì căn cứ Futenma, đẩy Tokyo vào thế kẹt giữa việc làm hài lòng Washington và kiểm soát cơn giận của người dân địa phương.
Theo một thỏa thuận năm 1996 với Washington, Tokyo phải di dời Futenma ra khỏi khu dân cư. Trang tin 47news cho biết Okinawa đòi thỏa thuận lại các điều kiện xây dựng để bảo đảm yêu cầu về môi trường song chính phủ trung ương từ chối.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga mô tả vụ kiện của chính quyền Okinawa là “cực kỳ đáng tiếc”, đồng thời khẳng định các điều kiện phù hợp đã được thỏa thuận dưới thời thống đốc tiền nhiệm.
Trong khi đó, người dân Okinawa muốn Futenma đóng cửa hoàn toàn vì quá mệt mỏi trước tiếng ồn, ô nhiễm và hàng loạt vụ tấn công tình dục do binh lính Mỹ trong Futenma gây ra. Theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, có khoảng 50.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật, trong đó hơn phân nửa đóng ở Okinawa.
Okinawa nằm dưới sự chiếm đóng của Mỹ suốt 27 năm kể từ khi Nhật bại trận trong Thế chiến thứ hai.
Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ thăm “kẻ thù truyền kiếp” Pakistan
Lần đầu tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm bất ngờ tới Pakistan để gặp gỡ người đồng cấp Nawaz Sharif hôm 25-12 (giờ địa phương).
Hai ông Modi và Sharif nối lại quan hệ cấp cao bằng một cuộc trò chuyện ngắn ngủi tại đàm phán biến đổi khí hậu ở Paris – Pháp hồi cuối tháng trước. Cuộc hội đàm này là nỗ lực của 2 phía nhằm khởi động một cuộc đối thoại hòa bình.
Trong cuộc gặp hôm 25-12 tại TP Lahore, ông Modi gửi lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 66 của ông Sharif. Phát ngôn viên Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi, Nalin Kohli, cho biết New Delhi đã sẵn sàng “tiến 2 bước về phía trước nếu Islamabad chấp nhận tiến 1 bước” nhằm cải thiện mối quan hệ bị sứt mẻ sau 3 cuộc chiến tranh kể từ năm 1947.
Tuy nhiên, Đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập gọi chuyến thăm của ông Modi là “vô trách nhiệm” và nó sẽ không làm tan băng quan hệ. Hồi tháng 8, Pakistan hủy cuộc hội đàm cấp cao với Ấn Độ sau khi bị cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn qua biên giới.
Thủ lĩnh Đảng Quốc đại Manish Tewari lên tiếng chỉ trích: “Nếu quyết định (của ông Modi) không phải là phi lý thì nó hoàn toàn vô lý”.
Trong tháng này, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng có chuyến thăm đầu tiên trong vòng 3 năm qua tới Pakistan, ngay sau cuộc gặp của hai ông Modi và Sharif tại Paris.
Ngoài động thái cải thiện quan hệ với “đối thủ truyền kiếp” Pakistan, Ấn Độ hôm 24-12 còn ký 16 thỏa thuận hợp tác với Nga, bao gồm hoạt động sản xuất của các lò phản ứng hạt nhân, nhà máy năng lượng mặt trời, đường sắt và quốc phòng.
Các thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm 2 ngày của ông Modi tới Nga. Nhà lãnh đạo Ấn Độ thông báo: “Thỏa thuận chế tạo trực thăng Kamov 226 ở Ấn Độ là dự án quốc phòng đầu tiên của chúng tôi. Tốc độ hợp tác về năng lượng hạt nhân với Nga đang tăng lên. Chúng tôi đang chạy 12 lò phản ứng hạt nhân của Nga tại 2 địa điểm”.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ấn Độ là cường quốc thực hiện một chính sách đối ngoại cân bằng và có trách nhiệm. Lãnh đạo Ấn Độ duy trì các chuyến thăm Nga hàng năm bắt đầu từ năm 2000.
Đánh bom tự sát tại Bangladesh
AFP ghi nhận an ninh đã được tăng cường ở Bangladesh (ảnh) vào dịp lễ Giáng sinh. Nhiều nhà thờ Công giáo lo ngại đe dọa từ các nhóm cực đoan. Nhiều linh mục và giám mục cho biết họ đã nhận được tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại đe dọa từ những kẻ lạ mặt.
Từ nhiều tháng qua bạo lực bùng nổ ở Bangladesh. Trong nhiều vụ sát hại nhắm vào người nước ngoài, cộng đồng dòng Shiite và nhà văn thế tục có một nhà nông học Nhật và một nhà hoạt động nhân đạo người Ý. Cảnh sát cho rằng thủ phạm là tổ chức khủng bố Jamayetul Mujahideen Bangladesh trong khi Thủ tướng Sheikh Hasina lại chỉ trích phe đối lập gây rối loạn.
Jamayetul Mujahideen Bangladesh và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm hai vụ đánh bom nhắm đến tín đồ dòng Shiite ở Bangladesh.
Na Uy tiếp tục áp trừng phạt kinh tế với Nga
Các lệnh hạn chế thương mại của Na Uy với Nga sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới khi nào chúng được gỡ bỏ hay sửa đổi, đó là thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Na Uy.
Ngoại trưởng Na Uy Børge Brende (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Kirkenes hồi tháng 10-2014 - Ảnh: Thebarentsobserver
Theo Barents Observer, thông tin do cố vấn truyền thông Rune Bjåstad của Bộ Ngoại giao Na Uy cung cấp, cùng với quyết định kéo dài thêm 6 tháng các lệnh trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Na Uy cũng không cần có thêm quyết định mới nào khác.
Ngày 21-12, Hội đồng châu Âu đã chính thức tuyên bố kéo dài thời hạn trừng phạt kinh tế với Nga tới ngày 31-7-2016.
Không giống EU, Na Uy không có giới hạn thời gian trong các lệnh cấm vận kinh tế của nước này với Nga. Các lệnh trừng phạt của Na Uy được thông qua từ tháng 8-2014 sau khi tình hình tại Ukraine ngày càng tồi tệ.
Tuy nhiên về mặt văn bản, các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga của Na Uy cũng có nội dung tương tự như những lệnh trừng phạt kinh tế Nga của EU.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt Nga của Na Uy bao gồm việc hạn chế đi lại với các cá nhân, đóng băng tài sản của các doanh nghiệp, cấm nhập khẩu từ Crimea, cấm nhập khẩu và xuất khẩu những sản phẩm liên quan tới quốc phòng, cấm xuất khẩu sang Nga những sản phẩm được dùng trong ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ…
Đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo EU, thời hạn áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của Na Uy cũng sẽ đi liền với quá trình các bên liên quan thực thi thỏa thuận Minsk.