tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 04-10-2015

  • Cập nhật : 04/10/2015

Các ngân hàng lớn Nga có thể phá sản trước cuối năm 2016

Chủ tịch ngân hàng quốc doanh Sberbank (Ngân hàng Tiết kiệm), ông German Gref ngày 2/10 cho biết tình hình ngành ngân hàng Nga tới cuối năm 2016 sẽ rất khó khăn với một số vấn đề về vốn và các ngân hàng có thể sẽ bị phá sản.

anh minh hoa. (nguon: www.todayonline.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: www.todayonline.com)

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia 24 tại diễn đàn đầu tư ở Sochi, ông Gref nói: "Toàn ngành hiện tương đối ổn định, không có vấn đề về thanh khoản. Có một số vấn đề về vốn, song chúng không khó khăn như nửa năm trước. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một số lượng lớn các ngân hàng nhỏ và trung bình phá sản, thậm chí có thể cả những ngân hàng lớn. Vì vậy, trong lĩnh vực này, tôi cho rằng trước khi kết thúc năm 2016, tình hình khá khó khăn..."

Chủ tịch Ngân hàng Tiết kiệm cũng nói hiện có khả năng Ngân hàng trung ương Nga sẽ giảm lãi suất cơ bản. Ông nói: "Có khả năng Ngân hàng trung ương thay đổi lãi suất cơ bản bởi lạm phát tiếp tục giảm. Trừ khi có một số bất ổn trên thị trường tiền tệ, tôi hy vọng trước khi kết thúc năm nay sẽ có ít nhất một lần giảm lãi suất cơ bản."

Ông Gref cho biết thêm tỷ lệ lạm phát cuối năm nay là từ 12-13%, và xu hướng lạm phát chững lại trong những tuần gần đây vẫn được duy trì. Ngân hàng trung ương Nga từ ngày 11/9 đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 11%.

Theo Chủ tịch Sberbank, ông không chờ đợi các biện pháp đặc biệt trong năm nay để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng một số lĩnh vực kinh tế có nhu cầu được kích thích.

Ông nói: "Một số lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật, công nghiệp ôtô, và các xí nghiệp của chúng ta vẫn tốt - cả Kamaz, GAZ, VAZ, và nhiều xí nghiệp khác, cần được hỗ trợ, vì vậy tôi hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ các lĩnh vực như vậy"./.


Argentina sẽ hoàn trả gần 6 tỷ USD tiền nợ theo đúng thời hạn

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof ngày 2/10 khẳng định Argentina sẽ hoàn trả khoản nợ trị giá 5,9 tỷ USD vào ngày thứ Hai (5/10) tới theo đúng thời hạn phải trả.

Ông Axel Kicillof nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tuân thủ việc trả hạn theo đúng thời hạn như nhiều năm nay vẫn vậy. Đây là khoản thanh toán nợ lớn nhất mà Argentina phải trả một lần trong một thập niên trở lại đây và Argentina sẽ tiếp tục lộ trình trả nợ dần."

Khoản trả nợ này sẽ được trích từ kho dự trữ ngoại tệ của Argentina, tính đến ngày 2/10 là 32,5 tỷ USD. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này vẫn đang mắc trong cuộc tranh cãi kéo dài về nợ nần với các quỹ đầu tưmạo hiểm của Mỹ.

Kể từ khi nền kinh tế bị sụp đổ hồi năm 2001, Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, vẫn đang tái cơ cấu các khoản nợ của nước này với 93% các chủ nợ. Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ vẫn yêu cầu nước này phải trả nợ đầy đủ và không chấp nhận việc tái cơ cấu nợ.

Một tòa án Mỹ đã ra quyết định yêu cầu Argentina phải trả nợ đầy đủ cho các chủ nợ, điều mà Buenos Aires gọi là một hành động tống tiền của một nhóm các "quỹ kền kền" (săn tìm lợi nhuận trong sự rủi ro của người khác).


FTA EU-Hàn Quốc sẽ có hiệu lực đầy đủ từ giữa năm 2016

Liên minh châu Âu (EU) cho biết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa khối này với Hàn Quốc, được ký kết hồi tháng 10/2010, sẽ có hiệu lực đầy đủ từ giữa năm 2016.

Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng cạnh tranh EU, được tổ chức tại Luxemburg, nơi các bộ trưởng phụ trách cạnh tranh của các nước thành viên EU thảo luận về việc giám sát hoạt động cạnh tranh tại khu vực công nghiệp.

FTA EU-Hàn Quốc gồm các quy định về các vấn đề liên quan đến thương mại như cạnh tranh, hỗ trợ của nhà nước, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.

Hội đồng trên cho biết theo thỏa thuận FTA giữa hai bên, gần như tất cả thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm của EU và Hàn Quốc sẽ được bãi bỏ.

Trên thực tế, đa phần nội dung thỏa thuận của hiệp định thương mại giữa EU và Hàn Quốc đã được thực hiện từ ngày 1/7/2011 mà theo đó phần lớn thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ.

Cả EU và Hàn Quốc đều cam kết kể từ ngày 1/7/2016 sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như tất cả các sản phẩm, trừ một số nông sản.

FTA EU-Hàn Quốc là thỏa thuận tự do thương mại đầu tiên của EU với một nước châu Á. Hàn Quốc là đối tác xuất khẩu lớn thứ 10 của EU, trong khi EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Hàn Quốc.


Brazil cải tổ nội các quy mô lớn

Ngày 2/10, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã thông báo tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn.

Theo kế hoạch, Chính phủ Brazil sẽ giảm bớt 8 Bộ nhằm cắt giảm chi tiêu công và giành được sự ủng hộ lớn hơn từ các đảng trong Quốc hội.

Trong lần cải tổ này, Bộ Chiến lược, các Văn phòng đặc trách về các vấn đề phụ nữ, nhân quyền và bình đẳng dân tộc… sẽ bị xóa bỏ, đồng thời hợp nhất Bộ Lao động và Bộ An ninh Xã hội thành Bộ Lao động và An ninh Xã hội, hợp nhất Bộ Nông nghiệp với Bộ Ngư nghiệp... Số lượng các Bộ trong Chính phủ Brazil sẽ giảm từ 39 Bộ xuống còn 31 Bộ.

Tổng thống Rousseff khẳng định, cuộc cải tổ lần này sẽ giúp Brazil nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Theo bà, đây là bước đi đầu tiên và cũng là bước đi quan trọng trong tiến trình cải tổ bộ máy đất nước.


Ấn Độ: Đình công toàn quốc phản đối mức thu phí đường bộ

Ngày 1/10, giới tài xế tại Ấn Độ đã được kêu gọi biểu tình vô thời hạn trên toàn quốc nhằm phản đối mức thu phí đường bộ tối thiểu hiện hành.

Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng mức thu phí đường bộ tối thiểu 4 Rupi/km (gần 1.400 đồng/km). Đối với giới tài xế tại quốc gia này, đây là mức phí quá cao, bất hợp lý khiến lợi nhuận của họ giảm đáng kể.

Sau nhiều cuộc thương thảo giữa Hiệp hội Tài xế toàn Ấn Độ với Chính phủ không đạt được sự đồng thuận, Hiệp hội đã kêu gọi giới tài xế biểu tình vô thời hạn trên toàn quốc nhằm phản đối mức phí này. Lời kêu gọi đình công của Hiệp hội Vận tải toàn Ấn Độ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng triệu tài xế trên cả nước.

Đề xuất của Chính phủ Ấn Độ về dự án thu phí đường bộ điện tử cũng vấp phải nhiều phản đối do thiếu tính khả thi. Trong khi đó, cuộc đình công quy mô lớn này đang khiến cho hoạt động vận chuyển hàng hóa trên toàn Ấn Độ rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục