Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con
Pháp, Italy và Nga có thể sẽ ra khỏi nhóm G8 vào năm 2030
Trung Quốc bán yến tiệc xa xỉ của quan chức cho người dân
Bão mạnh tại Mỹ, 41 người chết
Nga - Israel bắt tay giải quyết khủng hoảng Syria
Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-12-2015
- Cập nhật : 27/12/2015
Indonesia đối mặt với nguy cơ IS
Nhà chức trách Indonesia đang huy động lực lượng vây ráp các khu rừng trên đảo Sulawesi để săn lùng tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất đang lẩn trốn tại đây.
Bảng thông báo truy nã tội phạm ở Indonesia, trong đó có tên Santoso (trên cùng bên trái) - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, kẻ bị truy nã là Santoso, một chỉ huy của lực lượng phiến quân Hồi giáo. Tên này là người Indonesia đầu tiên công khai tuyên bố trung thành với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Santoso đã lẩn trốn pháp luật trong nhiều năm nay và được gia hạn thời gian đầu thú tới ngày 9-1-2016. Tuy nhiên trong lúc lực lượng quân đội đang bủa vây trên đảo Sulawesi, những cảnh báo về nguy cơ khủng bố lại đang dấy lên tại thủ đô Jakarta.
Các cuộc vây ráp của lực lượng an ninh trên toàn khu đảo Java đông đúc dân cư tuần trước đã bắt được rất nhiều phần tử ủng hộ IS, đồng thời triệt phá hàng loạt vụ tấn công. Cảnh sát cho biết những kẻ bị bắt mới chỉ là đám tay chân, còn đám chỉ huy vẫn đang ngoài vòng pháp luật và lập mưu tấn công giới quan chức, lãnh đạo và các tòa nhà chính phủ.
Bà Sidney Jones, chuyên gia nghiên cứu về phiến quân Hồi giáo tại Viện Phân tích chính sách xung đột ở Jakarta, cho rằng mặc dù nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công đẫm máu của IS như kiểu tại Paris ở Indonesia là rất nhỏ, nhưng nguy cơ đó đang lớn dần. Bà nhận định: “Trong khi cảnh sát và quân đội tập trung săn lùng tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Santoso ở vùng đồi núi Sulawesi, IS đã thành công trong việc gây dựng một mạng lưới những kẻ ủng hộ chúng tại các vùng ngoại ô Jakarta”.
Cũng theo chuyên gia này, những năm gần đây các phiến quân trong nước chủ yếu nhằm vào cảnh sát, nhưng hiện tại có lẽ chúng đã chuyển sang nhắm tới những người phương Tây và các mục tiêu dễ tấn công khác.
Hàn Quốc kêu gọi dân quyên góp nhiều hơn
Tổng thống Park Geun Hye vừa bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều người dân xứ kim chi quyên góp làm từ thiện.
Bà Park viết trên Facebook: “Gần đây tôi có trao đổi thư từ với giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg về việc chia sẻ và tinh thần quyên góp. Tôi hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều người tại quốc gia của chúng ta tiếp tục chia sẻ và đóng góp”. Theo Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, việc bà Park trao đổi với ông chủ Facebook có thể là do Mark cùng vợ vừa quyết định quyên góp 99% cổ phần của công ty để lập quỹ từ thiện.
“Tôi muốn cảm ơn mọi người vì đã chia sẻ và quyên góp thông qua quỹ Hi vọng tuổi trẻ (Youth Hope Fund)” - bà Park viết. Tháng 9 năm nay, Tổng thống Park đã phát động một nguồn quỹ tạo việc làm cho những người trẻ bởi tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Hàn Quốc đang trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Bà Park là người đầu tiên quyên góp cho quỹ này với số tiền lên đến 20 triệu won (17.000 USD) và cam kết sẽ góp thêm mỗi tháng 3,2 triệu won hay 20% lương tháng của bà.
Quỹ cũng nhận được tiền quyên góp từ các chính trị gia Hàn Quốc. “Tổng thống và bản thân tôi cũng như các bộ trưởng trong nội các và lãnh đạo các tổ chức công sẽ quyên góp tiền để tạo nên sự khác biệt thông qua quỹ này” - Thủ tướng Hwang Kyo Ahn tuyên bố. Ông Hwang hi vọng sắp tới các lãnh đạo từ các tổ chức thuộc khu vực công lẫn tư tại Hàn Quốc sẽ đóng góp thêm cho quỹ.
Bangladesh ký thỏa thuận xây nhà máy điện hạt nhân với Nga
Ủy ban Năng lượng Nguyên tử nhà nước Bangladesh ngày 25-12 ký thỏa thuận với Nga để thành lập hai nhà máy điện hạt nhân với công suất 1.200 MW với vốn đầu tư trị giá 12,65 tỉ USD.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Khoa học và Công nghệ Kamrul Islam Bhyian cho biết dự án sẽ bắt đầu vào đầu năm 2016 tại Ruppur ở Iswardi, cách Dhaka khoảng 160 km.
Bangladesh sẽ xóa tổng số vốn vay trong vòng 28 năm với thời gian gia hạn là 10 năm.
Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Maal Abdul Muhith cho biết đây sẽ là dự án điện lớn nhất của nước này.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2022 và nhà máy điện thứ hai sẽ bắt đầu hoạt động năm 2023.
Các quan chức Bangladesh cho biết nhà máy sẽ sử dụng một lò phản ứng thế hệ mới có tuổi thọ 60 năm. Các lò phản ứng được cải thiện các tính năng an toàn và hệ thống an toàn thụ động của lò có thể làm việc suốt 72 giờ trong bất kỳ tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng nào.
Cơ quan Hợp tác Năng lượng Nguyên tử Nga Rosatom sẽ bảo trì các nhà máy điện trong năm hoạt động thương mại đầu tiên trước khi bàn giao cho chính quyền Bangladesh và Rosatom cũng sẽ chịu cho phí nhiên liệu cho năm đầu hoạt động.
Xứ tuyết Nga nóng nhanh gấp 2,5 lần so với thế giới
Ngày 25-12, chính quyền Nga thừa nhận nhiệt độ nước Nga đang tăng nhanh gấp 2,5 lần so với trung bình toàn thế giới, dẫn tới nguy cơ lũ lụt và cháy rừng trên phạm vi toàn quốc.
Theo AFP, Bộ Môi trường Nga cho biết nhiệt độ nước này tăng 0,42 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1976, cao gấp 2,5 lần mức trung bình của toàn thế giới là 0,17 độ C.
“Biến đổi khí hậu đang dẫn tới nhiều hiện tượng khí tượng cực kỳ nguy hiểm” - Bộ Môi trường Nga cảnh báo.
Matxcơva ước tính kể từ năm 2014 đến nay đã có 569 hiện tượng khí tượng nguy hiểm xảy ra tại Nga, bao gồm các trận lũ nghiêm trọng hồi năm ngoái và tình trạng khô hạn ở phía đông hồ Baikal. Hậu quả là cháy rừng liên tiếp xảy ra ở khu vực này.
Báo cáo của Bộ Môi trường cho biết trong khi nhiệt độ toàn nước Nga tăng thì tại một số vùng ở Viễn Đông và Siberia mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn.
Cháy rừng và lũ lụt chết người xảy ra liên tục hàng năm ở Nga suốt cả 10 năm qua. Và hồi tháng 10, Bộ Khẩn cấp Nga thừa nhận phải lập chiến lược mới chống biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Khẩn cấp Vladimir Puchkov khẳng định trong một hội nghị hồi tháng 10 rằng nước này cần có những biện pháp mới bảo vệ hạ tầng trước mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Trong những ngày gần đây, thời tiết ở thủ đô Matxcơva và các vùng lân cận ấm bất thường. Hôm qua, nhiệt đô Matxcơva lên đến 8,5 độ C, mức cao kỷ lục từ trước đến nay trong một ngày tháng 12 mùa đông. Nhà chức trách thành phố đã phải đóng cửa các sân trượt tuyết.
Trung Quốc đòi phần lớn chủ quyền trên Hoàng Hải
Trung Quốc đòi một phần lớn chủ quyền trên Hoàng Hải trong cuộc đàm phán ranh giới hàng hải đầu tiên với Hàn Quốc trong bảy năm qua.
Tờ Yonhap mô tả không khí cuộc họp “thân tình” nhưng “các cuộc đàm phán rất khó khăn” khi các quan chức hai nước gặp tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc bắt đầu từ 22-12 để tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ trên Hoàng Hải.
Luật quốc tế quy định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ bờ biển mỗi quốc gia, tuy nhiên khu vực tranh chấp nằm trong vùng EEZ của cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc.
Seoul đề xuất chọn ranh giới nằm giữa khu vực chồng lấn giữa hai nước nhưng Bắc Kinh nhất quyết muốn đẩy ranh giới gần hơn về phía Hàn Quốc, lấn qua những khu vực mà Seoul đã xây dựng một căn cứ nghiên cứu hàng hải.
Giải thích việc muốn giành phần nhiều hơn, Bắc Kinh viện lý do rằng Trung Quốc ... lớn hơn, đông dân hơn và có đường bờ biển dài hơn nước láng giềng.
Các nhà ngoại giao Hàn Quốc khẳng định lý đề xuất của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Sau cuộc họp, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yul nói rằng hai nước sẽ còn tiếp tục đàm phán nhưng sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Năm 2008, hai nước cũng đã gặp gỡ về vấn đề ranh giới hàng hải nhưng không đạt được thỏa thuận nào khiến nhiều người lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột giữa tàu thuyền hai nước.
Tháng trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắn một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào lãnh hải của Seoul.
Ngoài ra, các vụ vi phạm của tàu đánh cá Trung Quốc cũng gia tăng mạnh trong thời gian qua với đỉnh điểm là một thuyền trưởng Trung Quốc bị phía Hàn Quốc bắn chết năm 2014.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc, cùng với việc chạy đua giành kiểm soát trên Biển Đông, đang tìm cách đẩy biên giới biển tiến xa bờ hơn để củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế ở khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên việc tranh chấp lãnh hải với Hàn Quốc có nguy cơ phá hủy mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước lên tiếng chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua.
“Quan điểm của chúng tôi là cần phải đảm bảo tự do đi lại và bay qua khu vực này, và bất cứ xung đột nào cũng phải được giải quyết theo các thỏa thuận liên quan và luật pháp quốc tế đã được thiết lập” - Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo phát biểu hồi tháng trước trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter.