Giới quan sát cho rằng Mỹ đang gửi thông điệp mạnh mẽ khi điều tàu khu trục đến tuần tra sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-10-2015
- Cập nhật : 27/10/2015
Ấn Độ đầu tư đưa dân đến khu tranh chấp với Trung Quốc
Ấn Độ tuyên bố sẽ đầu tư hàng tỉ USD để đưa dân đến khu vực tranh chấp với Trung Quốc là Arunachal Pradesh, bao gồm xây dựng một con đường cao tốc dài hơn 2.000km.
Ông Kiren Rijiju, lãnh đạo phụ trách nội vụ bang Arunachal Pradesh, cho biết việc khởi công xây dựng con đường cao tốc dài 2.000km trị giá hơn 6 tỉ USD sẽ bắt đầu tư năm 2018.
“Nếu phía Trung Quốc phát triển phía lãnh thổ bên họ thì chúng tôi cũng phát triển phía bên mình - Bloomberg dẫn lời ông Rijiju - Ấn Độ đã làm thất vọng người dân sống dọc biên giới và nay chúng tôi đang có những bước mạnh mẽ theo định hướng phát triển này”.
Ấn Độ đã lơ là bang Arunachal Pradesh kể từ sau cuộc chiến bốn tuần với Trung Quốc cách đây năm thập kỷ.
Tuy nhiên chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang quyết tâm dập tắt các tham vọng chiếm lãnh thổ của Trung Quốc ở vùng đông bắc hẻo lánh này.
Theo ông Rijiju, New Delhi sẽ tiếp thêm nguồn lực để Arunachal Pradesh xây dựng trường học, phòng khám, xây cầu và đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới viễn thông, đường sắt tại đây. Dù vậy, Ấn Độ phủ nhận việc này nhằm thách thức Trung Quốc.
“Tôi không muốn liên hệ việc này với Trung Quốc. Chúng tôi không làm gì ảnh hưởng đến quan hệ - ông Rijiju nói - Đây không phải việc nhằm thách thức hay cạnh tranh với Trung Quốc mà là nhằm đảm bảo an ninh cho lãnh thổ của chúng tôi”.
Ngoài việc phát triển khu vực phía đông bắc, Ấn Độ gần đây cũng tham gia lên tiếng ủng hộ Mỹ gìn giữ ổn định trên Biển Đông và siết chặt quan hệ với nước láng giềng Sri Lanka đang nghiêng về phía Bắc Kinh.
Bang Arunachal Pradesh tiếp giáp Trung Quốc, Myanmar và Bhutan, có diện tích bằng nước Áo nhưng dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người, tức chưa bằng 1% dân số của cả Ấn Độ. Một phần lớn người dân nơi đây sống dưới mức nghèo trong khi các ngành thủy điện, than và khai thác tài nguyên không phát triển.
Trong khi đó phía Trung Quốc đã xây dựng con đường cao tốc dài hơn 7.000km, các tuyến đường sắt nối đến trung tâm, năm sân bay và mạng cáp quang kết nối tất cả các thị trấn trong khu vực.
Mỹ ngăn Hàn Quốc xuất khẩu chiến đấu cơ vì sợ lộ bí mật
Chosun Ilbo dẫn lời một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc hôm 24/10 cho biết Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) đã đàm phán với chính phủ Uzbekistan để bán 12 máy bay T-50. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ phản đối thỏa thuận, viện dẫn khả năng rò rỉ công nghệ và quan ngại về chính sách đối ngoại.
"Chính phủ Mỹ không đồng ý việc xuất khẩu, nhưng Uzbekistan vẫn muốn được bàn giao, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục Washington", phát ngôn viên của KAI nói.
Thỏa thuận có thể mang lại cho Hàn Quốc khoảng 400 triệu USD. Nhưng do KAI phát triển T-50 với sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty Lockheed Martin của Mỹ, và hầu hết thiết bị cốt lõi như thiết bị điện tử hàng không và động cơ do Mỹ thiết kế. Điều này đồng nghĩa với việc Seoul cần sự đồng ý của Washington nếu muốn bán cho nước ngoài.
Hàn Quốc đã bán T-50 cho Indonesia, Iraq, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, Mỹ quan ngại Uzbekistan có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng nếu mua các máy bay này.
Bộ Quốc phòng, không quân và cơ quan phụ trách chương trình mua bán quốc phòng Hàn Quốc rất hào hứng xuất khẩu T-50 cho Uzbekistan. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người đồng cấp Uzbekistan Islam Karimov hồi tháng 5 thảo luận về vấn đề trong cuộc gặp tại Seoul, và hồi tháng 4, bộ trưởng Quốc phòng Uzbekistan đã thăm nước này, ký biên bản ghi nhớ về trao đổi quân sự. Bộ trưởng cũng được ngồi trong thiết bị mô phỏng T-50.
Ảrập Xêút sắp hết tiền
IMF cho biết giá dầu thấp đã khiến khu vực này thiệt hại 360 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Thặng dư ngân sách khổng lồ cũng sẽ sớm trở thành thâm hụt nếu giá dầu tiếp tục xuống quanh 45 USD, từ hơn 100 USD một thùng năm ngoái. Rất nhiều quốc gia tại đây sẽ phải dùng đến quỹ khẩn cấp để chống chọi với cơn bão giá dầu."Các nước xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh chính sách thu chi để đảm bảo tình hình tài khóa", CNN trích nhận định của IMF cho biết. Giá dầu lao dốc đúng thời điểm các nước tăng chi do bạo loạn trong khu vực và biến động trên thị trường tài chính.
Ảrập Xêút - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cần phải bán dầu tại 106 USD một thùng thì mới cân bằng được ngân sách, IMF ước tính. Quốc gia này sẽ không đủ tài chính để chống chọi quá 5 năm với giá dầu 50 USD.
Đây cũng là lý do tại sao gần đây, Ảrập Xêút đang tích cực duy trì tiền mặt. Họ không chỉ huy động 4 tỷ USD từ trái phiếu đầu năm nay, mà còn tích cực bán tài sản tại các quỹ trên toàn cầu, thu về khoảng 70 tỷ USD trong 6 tháng qua.
Sau nhiều năm thặng dư thương mại lớn, thâm hụt vãng lai của Ảrập Xêút có thể lên 20% GDP trong năm nay, Capital Economics ước tính. Núi tiền mặt của họ hiện vẫn rất lớn - 700 tỷ USD, nhưng đang co lại khá nhanh.
Ảrập Xêút không thể tăng thuế, nhưng sẽ giảm chi ở một vài lĩnh vực, trừ quân sự và phúc lợi xã hội. Henry Smith - Giám đốc hãng tư vấn Control Risks cho rằng các dự án lớn của Chính phủ sẽ phải thắt chặt chi tiêu.
Iran - một quốc gia xuất khẩu dầu khác thì cần giá dầu 72 USD để cân bằng. IMF ước tính họ có thể chịu giá dầu rẻ trong gần 10 năm tới. Viễn cảnh này tươi sáng hơn nhiều so với các nước láng giềng. Dù vậy, triển vọng của Iran vẫn bị phủ bóng bởi các lệnh trừng phạt tiềm tàng và cung dầu tăng vọt nếu đạt thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Một số nước, như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar lại có thể chịu được hàng thập kỷ với giá dầu 50 USD, do không cần giá dầu cao để cân bằng ngân sách. Điểm cân bằng của Kuwait là 49 USD, Qatar là 56 USD và UAE là 73 USD.
Những nước này có núi tiền khá vững, có thể giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn. IMF ước tính UAE có đủ tài chính để chống chịu giá dầu 50 USD thêm gần 30 năm nữa, trong khi con số này với Qatar và Kuwait là gần 25 năm.
Hàn Quốc đề xuất họp thượng đỉnh với Nhật
Ngày 26-10, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã đề nghị tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Nhật, một bước quan trọng đánh dấu sự cải thiện quan hệ song phương sau thời kỳ giá lạnh vừa qua.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye từng nhiều lần từ chối gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Reuters
Theo AFP, người phát ngôn văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết chính quyền Seoul đề nghị với phía Tokyo rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ diễn ra bên lề hội nghị ba bên Hàn Quốc - Nhật - Trung Quốc ở thủ đô Seoul tuần tới.
“Chúng tôi đã đề nghị họp thượng đỉnh với Nhật vào ngày 2-11 nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Tokyo” - người phát ngôn này cho biết. Nếu cuộc gặp giữa bà Park và ông Abe diễn ra, đó sẽ là bước tiến lớn trong quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc.
Quan hệ song phương Nhật - Hàn thời gian qua xấu đi đáng kể do các khác biệt về quan điểm lịch sử và tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Seoul. Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 2-2013, bà Park liên tục từ chối gặp chính thức ông Abe.
Bà Park cho rằng Tokyo chưa chịu bày tỏ sự hỗi lỗi một cách chân thành với những tội ác mà quân phiệt Nhật đã gây ra trên bán đảo Triều Tiên trong quá khứ. Các quan chức của Chính phủ Mỹ, đồng minh quân sự của cả Nhật và Hàn Quốc, thời gian qua liên tục vận động hai nước hàn gắn quan hệ.
Bản thân Thủ tướng Nhật Abe cũng từng nhiều lần bày tỏ mong muốn được họp thượng đỉnh với bà Park để thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước.
IS dọa tấn công khủng bố khu mua sắm Hàn Quốc
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dọa tấn công khu trung tâm mua sắm sầm uất COEX tại Gangnam, Hàn Quốc.
Một nhóm khủng bố IS có căn cứ tại Mali, châu Phi đăng tải trên mạng xã hội SNS mẩu thông tin đe dọa: “Chúng tôi đang có kế hoạch thực hiện tấn công khủng bố tại một cửa hàng gần COEX, tọa lạc ở Gangnam, Hàn Quốc”
Tờ Yeonhap News ngày 25-10 cho hay ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cảnh sát Gangnam đã cử 2 đơn vị bộ binh đến kiểm soát khu vực.
Theo thông tin Cục Tình báo Hàn Quốc thu được, IS dọa tấn công vào ngày 25-10. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ biến cố nào xảy ra. Hiện cảnh sát nước này vẫn tiếp tục canh giữ tại khu vực.
Một quan chức cảnh sát cho biết: “Chúng tôi lo nhất ở các khu vực thương mại, siêu thị vì đây là những địa điểm đông đúc nhất. Chúng tôi đang tăng cường lực lượng an ninh và cảnh sát, mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy tình hình vẫn yên ổn”.