Từ mươi ngày qua, xung đột đổ máu diễn ra tại Jerusalem giữa người Palestine và người Do Thái. Tình trạng bạo lực có chiều hướng lan rộng ra cả Bờ Tây, lãnh thổ Israel và dải Gaza.
Mỹ phát triển thủy lôi bay cô lập hải quân đối phương
- Cập nhật : 27/10/2015
(The gioi)
Với loại thủy lôi thông minh mới, Mỹ có thể phong tỏa căn cứ tàu ngầm, sở chỉ huy hải quân hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công đổ bộ của đối phương.
Thủy lôi là loại vũ khí đơn giản, rẻ tiền, thầm lặng nhưng gây ra thiệt hại rất lớn cho đối phương trong các cuộc chiến tranh, không chỉ về vật chất mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi, bất an trong lòng kẻ thù, theo chuyên gia vũ khí Michael Peck của National Interest.
Trong chiến dịch rải thủy lôi mang tên Starvation năm 1945, loại vũ khí được thả từ trên máy bay xuống các vùng biển Nhật Bản này đã đánh chìm số tàu chiến Nhật nhiều hơn các tàu ngầm Mỹ trong những tháng cuối cùng của Thế Chiến II. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq năm 1991, thủy lôi do quân đội Iraq rải xuống biển đã khiến hai tàu chiến Mỹ bị hư hỏng nặng nề, buộc Mỹ phải hủy một cuộc tấn công đổ bộ vì lo sợ thương vong sẽ tăng lên.
Khi quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng chiếc máy bay ném bom B-52 thử nghiệm rải những quả thủy lôi mới mang tên Quickstrike-ER từ độ cao lớn, điều kỳ lạ đã xảy ra: Thay vì rơi thẳng xuống vùng biển phía dưới, những quả thủy lôi này lượn trong không trung và rơi xuống khu vực mục tiêu cách đó 40 hải lý.
Lý do bởi loại thủy lôi Quickstrike-ER mới được trang bị thêm cánh để có thể lượn trong khi rơi. Đây thực chất là loại vũ khí kết hợp giữa thủy lôi và bom thông minh JDAM, xuất phát từ ý tưởng gắn thêm cánh đuôi và thiết bị dẫn đường GPS trên bom JDAM cho quả thủy lôi Quickstrike thông thường để biến nó thành vũ khí dẫn đường rẻ tiền.
Vài giây sau khi được thả xuống từ máy bay, bộ cánh trên thủy lôi Quickstrike-ER sẽ bung ra, biến nó từ một thủy lôi rơi tự do thành một vũ khí tầm trung. Sau khi rơi xuống mặt nước và nằm yên dưới đáy biển nông, thủy lôi Quickstrike-ER sẽ chờ đợi mục tiêu là tàu chiến, tàu ngầm đối phương đi qua để phát nổ, gây ra thiệt hại ngay lập tức cho các phương tiện này.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Air & Space Power, đại tá không quân Mỹ Michael Pietrucha cho biết kỹ thuật triển khai thủy lôi phổ biến nhất là rải từ máy bay xuống vùng biển của địch. Đây là kỹ thuật được quân đội Mỹ áp dụng từ năm 1943.
Tuy nhiên, khi rải thủy lôi bằng kỹ thuật này, máy bay sẽ phải lượn xuống thấp để đảm bảo thủy lôi rơi trúng khu vực mục tiêu. Với những khu vực được bảo vệ chặt chẽ bằng lưới lửa phòng không, hành động rải thủy lôi của phi công là vô cùng nguy hiểm, và máy bay có nguy cơ bị bắn hạ bất cứ lúc nào.
Thủy lôi mới Quickstrike-ER được gắn thêm bộ cánh JDAM-ER, cho phép nó có thể lượn được một quãng đường rất xa trên không. Khi được thả xuống từ độ cao 10.600 mét, thủy lôi Quickstrike-ER có thể lượn được tới 40 hải lý trước khi chạm mặt nước.
Với thủy lôi mới, quân đội Mỹ có thể sử dụng các loại máy bay ném bom chiến thuật và chiến lược để có thể phong tỏa đường biển, đường sông của đối phương mà không còn phải lo lắng về nguy cơ máy bay bị bắn hạ, đại tá Piertrucha nhấn mạnh.
Theo ông Piertrucha, loại thủy lôi nặng gần 1.000 kg này có thể được sử dụng để nhanh chóng phong tỏa, cô lập hải quân Trung Quốc trong trường hợp chiến sự nổ ra. "Sở chỉ huy các hạm đội hải quân Trung Quốc ở Trạm Giang, Ninh Ba và Thanh Đảo đều rất dễ bị cô lập bằng thủy lôi. Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam cũng không có nhiều lối ra vào, và một chiếc tàu bị đắm vì thủy lôi ngay trước lối vào căn cứ sẽ khiến đội tàu ngầm bị vô hiệu hóa", ông Piertrucha viết.
Ngoài ra, chúng có thể phong tỏa hoàn toàn các con sông huyết mạch ở Trung Quốc như sông Dương Tử hoặc các eo biển quan trọng khác, theo ông Piertrucha. Trong trường hợp hải quân Trung Quốc muốn phát động một đợt tấn công đổ bộ lên một hòn đảo tranh chấp với đồng minh của Mỹ, Washington có thể dễ dàng triển khai thủy lôi Quickstrike-ER để ngay lập tức tạo thành những bãi mìn phòng thủ dày đặc ngay trước đoàn tàu đổ bộ của Trung Quốc và ngăn chặn cuộc tấn công.
Những quả thủy lôi chính xác, dễ triển khai này lại rất khó phát hiện và rà phá, có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho tàu chiến Trung Quốc, tạo nên khả năng răn đe cao, chuyên gia Peck nhấn mạnh.