tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 27-10-2015

  • Cập nhật : 27/10/2015

Anh đóng băng mọi tiếp xúc chính trị với Nga

anh dong bang moi tiep xuc chinh tri voi nga

Anh đóng băng mọi tiếp xúc chính trị với Nga

Các cuộc tiếp xúc chính trị giữa Anh và Nga đã bị tạm đình chỉ trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng ở Syria và Ukraine.
Theo TASS, ngày 26/10, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết bắt nguồn từ lập trường từ phía London, các cuộc tiếp xúc chính trị giữa Anh và Nga đã bị tạm đình chỉ trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng ở Syria và Ukraine.

Trả lời phỏng vấn tờ The Times, ông Yakovenko khẳng định: "Trên thực tế, tất cả các cuộc tiếp xúc chính trị đã bị cắt đứt một cách bất ngờ, bắt nguồn từ lập trường từ phía Anh. Các cuộc đối thoại chính trị ở cấp cao, giữa các lãnh đạo, đã bị đình chỉ, trong khi các cuộc tiếp xúc ở cấp bộ cũng đã bị đóng băng. Xu thế này bắt đầu từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Syria, nhưng chúng tôi cảm nhận thấy rõ rệt nhất là sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine."

Theo Đại sứ Nga, các diễn đàn thảo luận liên quan tới một loạt lĩnh vực về hợp tác thương mại và kinh tế - nơi hai bên thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm - đã bị đóng băng; trong khi quan hệ khoa học cũng bị đình chỉ và hiện chỉ còn duy trì các mối quan hệ văn hóa.

Ông Yakovenko còn khẳng định rằng quan hệ ngoại giao giữa Nga và Anh tiếp tục xấu đi "nghiêm trọng" trong những năm gần đây khi số nhân viên đại sứ quán Nga tại London bị cắt giảm do giới chức Anh từ chối cấp visa cho các nhà ngoại giao Nga.


Indonesia muốn Mỹ giúp tăng cường an ninh hàng hải

Theo tờ Wall Street Journal, Indonesia đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ nhằm xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển mới để tăng cường hoạt động tuần tra và đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông.

Tổng thống Indonesia là Joko Widood sẽ gặp ông Obama vào tuần tới trong chuyến thăm đầu tiên đến Washington kể từ khi nhậm chức. An ninh hàng hải và các vấn đề quốc phòng khác sẽ có trong chương trình nghị sự giữa hai bên.

Điều này được ông Luhut Pandjaitan - Bộ trưởng phụ trách chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia cho biết trong cuộc phỏng vấn. Ông này tiết lộ thêm rằng Indonesia sẽ sớm có nhiều hoạt động tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng tham vọng của mình và tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng, trong đó có Việt Nam.

indonesia muon tang cuong luc luong tuan duyen. anh: european press photo agency

Indonesia muốn tăng cường lực lượng tuần duyên. Ảnh: EUROPEAN PRESS PHOTO AGENCY

Ông Luhut Pandjaitan hy vọng Mỹ hỗ trợ phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển để tăng cường an ninh hàng hải, bảo vệ đất nước có đến 18.000 đảo này. Hiện Indonesia chưa đủ nguồn lực để tuần tra tất cả. Đầu tháng này, Mỹ cho biết sẽ chi 100 triệu USD  để hỗ trợ Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam tăng cường năng lực bảo vệ luật pháp trên biển. Tuy nhiên, theo ông Luhut Pandjaitan, chi tiết hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà phân tích quốc phòng nói Indonesia ít hoạt đông trong một năm qua và để lý giải điều này, ông Luhut Pandjaitan cho biết : “7-8 tháng đầu tiên, chúng tôi tập trung toàn lực cho phát triển kinh tế. Nếu bạn không thể quản lý và giải quyết các vấn đề riêng trong nước thì làm sao có thể quản lý vấn đề có tính quốc tế”.

Bộ trưởng này nói Mỹ sẽ sớm cho tàu chiến tuần tra quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông. Một động thái mà theo ông, Mỹ hoàn toàn có quyền làm thế vì đây là vùng biển quốc tế và tàu thuyền đều có quyền đi qua. “Chúng tôi không công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông” – ông Luhut Pandjaitan nhấn mạnh và gọi đường lưỡi bò chỉ là “ảo tưởng”.

Hiện phía Trung Quốc chưa phản hồi về những phát biểu của Indonesia. Ngoài Indonesia, Philippines cũng là nước tích cực thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.


Mỹ cần tuần tra ở biển Đông thường xuyên

Kế hoạch đưa tàu chiến hoặc máy bay quân sự Mỹ vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông, nếu diễn ra, có thể mở ra một mặt trận căng thẳng mới giữa 2 nước này.

Theo các chuyên gia an ninh, những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Washington phải diễn ra thường xuyên mới đạt được hiệu quả mong muốn, nhất là khi Bắc Kinh đang có tham vọng bành trướng sức mạnh quân sự ở Đông Nam Á và xa hơn. “Kiểu tuần tra này không thể chỉ một lần rồi thôi mà phải diễn ra thường xuyên để tăng sức nặng cho thông điệp của mình” - ông Ian Storey, chuyên gia về biển  Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), dự báo các sứ mệnh trên có thể sẽ thường xuyên bởi hải quân Mỹ không muốn bị gạt ra rìa hoàn toàn ở biển Đông. “Không ai muốn Trung Quốc đơn phương áp đặt một khu vực cấm đi lại và kiểm soát vùng biển không phải của mình” - bà Glaser nói với Reuters.

hoat dong cai tao trai phep cua trung quoc tai da vanh khan tren bien dong anh: reuters

Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc tại Đá Vành khăn trên biển Đông Ảnh: REUTERS

Một số chuyên gia khác lo ngại Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở Mỹ, đe dọa gây ra căng thẳng quân sự và chính trị. Chẳng hạn, tàu hải quân Trung Quốc có thể cản trở hoặc bao vây tàu Mỹ, làm leo thang cuộc đối đầu.

An ninh hàng hải, nhất là tình hình biển Đông, chắc chắn là một trong những nội dung thảo luận chính khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo ở Nhà Trắng vào tuần tới.

Trả lời báo The Wall Street Journal (Mỹ), ông Luhut Pandjaitan - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia - cho biết Mỹ có quyền cho tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo nói trên bởi đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, quan chức này khẳng định Jakarta không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để mưu đồ độc chiếm biển Đông, đồng thời sẽ sớm đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở vùng biển này.


Nhiều thành viên nội các mới của Nhật Bản bị dính vào bê bối

Nội các Nhật Bản, vừa được thành lập ngày 7/10 vừa qua, đang vướng vào rắc rối khi có tới bốn bộ trưởng - chiếm một nửa trong số tám bộ trưởng thuộc Đảng Dân chủ tự do (LDP) mới được bổ nhiệm lần đầu, đang bị phanh phui các vụ bê bối.

Trong số bốn bộ trưởng bị cáo buộc dính vào bê bối, có hai vụ liên quan đến hoạt động gây quỹ chính trị. Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Hiroshi Moriyama bị cáo buộc nhánh LDP do ông đứng đầu đã nhận gần 70 triệu yen tiền tài trợ chính trị trong giai đoạn 2011-2013 từ 24 công ty bị cáo buộc từng hối lộ để thắng thầu trong các dự án công.

Nhánh LDP do Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học Hiroshi Hase đứng đầu cũng bị phát hiện từng nhận tiền tài trợ từ một công ty hiện nay đã đủ điều kiện được nhận sự hỗ trợ của nhà nước.

Còn Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Okinawa và Lãnh thổ phía Bắc Akiko Shimajiri bị nghi ngờ đã vi phạm luật bầu cử khi phân phát cho cử tri các tờ lịch có in tên của bà trên đó, một hành động có thể bị quy vào việc vi phạm lệnh cấm tài trợ trong bầu cử.

Trước đó một năm, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima cũng buộc phải từ chức do đã phát cho cử tri quạt giấy, hành động bị liệt vào diện vi phạm luật bầu cử.

Nhân vật thứ tư bị dính vào bê bối là Bộ trưởng phụ trách tái thiết sau thảm họa Tsuyoshi Takagi.

Cả bốn bộ trưởng trên đều bác bỏ các cáo buộc nhằm vào mình. Tuy nhiên, các đảng đối lập vẫn đang gây sức ép đòi chính phủ của ông Abe và liên minh cầm quyền triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để chất vấn các bộ trưởng.

Một quan chức cấp cao của LDP tuyên bố việc triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để thảo luận các vấn đề trên là không cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Đảng Duy tân Nhật Bản Yorihisa Matsumo cho rằng với việc không tổ chức họp quốc hội, chính phủ của ông Abe và LDP đang tìm cách che giấu các vụ bê bối


Mỹ lo ngại hoạt động của tàu ngầm Nga gần mạng cáp quang biển

my lo ngai hoat dong cua tau ngam nga gan mang cap quang bien

Mỹ lo ngại hoạt động của tàu ngầm Nga gần mạng cáp quang biển

Hải quân và tình báo Mỹ cho biết họ đang giám sát hoạt động gia tăng đáng kể của Nga dọc các tuyến cáp quang từ Biển Bắc tới Đông Bắc Á và các vùng biển gần Mỹ.
Tờ New York Times ngày 25/10 đưa tin sự hiện diện của các tàu ngầm và tàu do thám Nga gần mạng lưới cáp quang ngầm dưới biển đã khiến các quan chức Mỹ quan ngại rằng Moskva có thể đang lên kế hoạch cắt đứt những tuyến cáp này trong thời gian xung đột.

Theo nguồn tin trên, hiện chưa có bằng chứng về việc mạng lưới cáp quang - chuyên phục vụ kết nối thông tin liên lạc Internet toàn cầu - bị cắt, song mối quan ngại này đã phản ánh sự cảnh giác cao độ giữa các quan chức Mỹ và đồng minh đối với hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Nga trên khắp thế giới.

Tờ báo dẫn lời các chỉ huy hải quân và quan chức tình báo Mỹ cho biết họ đang giám sát hoạt động gia tăng đáng kể của Nga dọc các tuyến cáp quang từ Biển Bắc tới Đông Bắc Á và các vùng biển gần Mỹ.

Phát ngôn viên Hải quân Mỹ, Trung tá William Marks nhấn mạnh: "Đáng lo ngại khi nước nào đó can thiệp vào mạng lưới cáp quang, song do bản chất bí mật của các hoạt động tàu ngầm nên chúng tôi không thảo luận cụ thể."

Tháng trước, Mỹ đã theo dõi chặt chẽ tàu do thám Yantar của Nga. Tàu này, được trang bị 2 tàu lặn tự hành ở vùng biển sâu, đã chạy từ Bờ Đông nước Mỹ để hướng tới Cuba - nơi đặt một tuyến cáp gần căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo.

Theo giới chức hải quân Mỹ, tàu này và các tàu lặn của nó có khả năng cắt các tuyến cáp nằm sâu hàng km dưới biển.

Trong khi các tuyến cáp thường xuyên bị đứt do các mỏ neo của các tàu thuyền hoặc thiên tai và sau đó đã nhanh chóng được sửa chữa, thì các quan chức Lầu Năm Góc lại tỏ ra quan ngại rằng người Nga dường như đang tìm những điểm yếu nằm dưới sâu hơn nhiều - nơi khó xác định và sửa chữa các tuyến cáp bị đứt hơn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục