Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến thúc giục các nước Đông Nam Á đoàn kết đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông
Ngày tàn của mafia Nhật
- Cập nhật : 27/10/2015
(The gioi)
Nhiều thành viên các băng đảng mafia Nhật tìm cách thoát khỏi bóng tối và bắt đầu hoàn lương khi thế giới ngầm đang trong giai đoạn khủng hoảng lớn chưa từng có.
Satoru Takegaki, từng làm vệ sĩ cho cựu thủ lĩnh Yamaguchi-gumi, giơ tấm áp phích của chiến dịch chống mafia trong buổi phỏng vấn với AFP tại Himeji ngày 7/10. Ảnh:Kazuhiro Nogi.
Satoru Takegaki rời khỏi thế giới tội ác đã được mười năm. Giờ ông dành thời gian giúp đỡ các cựu thành viên yakuza, mafia Nhật hiện đại, tìm kiếm công việc lương thiện và thích ứng với cuộc sống bên ngoài những băng đảng khét tiếng Nhật Bản, theo AFP.
Không còn là vệ sĩ của ông trùm yakuza nữa, ông hy vọng sẽ đón thêm nhiều thành viên yakuza gia nhập nhóm hỗ trợ chiến dịch chống mafia do ông sáng lập, bởi thế giới ngầm của Nhật đang bước vào giai đoạn khủng hoảng lớn chưa từng có trong nhiều năm qua.
Tháng 9 vừa rồi, băng yakuza lớn nhất Nhật Bản Yamaguchi-gumi bị lung lay khi hơn chục thành viên đứng đầu ly khai và thành lập nhóm riêng.
Trước sự ly khai này, cảnh sát cảnh báo khả năng tái diễn cuộc tắm máu từng xảy ra vào những năm 1980 trong giới mafia. Sự kiện cũng hé lộ những tranh giành nội bộ và sự suy giảm về mức độ ảnh hưởng của mafia Nhật, từng khét tiếng với hệ thống danh dự nghiêm ngặt đến mức bất kỳ thành viên nào mắc lỗi cũng sẽ phải chặt đứt ngón tay.
"Nhìn lại, tôi thấy mình chẳng thu được lợi lộc gì khi trở thành một yakuza, ngoại trừ sự vui sướng nhất thời", Takegaki, 64 tuổi, nói bằng giọng đặc sệt mafia Nhật.
"Chúng tôi không còn sống trong thế giới mà yakuza có thể hoạt động công khai. Người ta không còn cần đến yakuza nữa", ông nói trong nhà riêng tại thành phố Himeji, cách Kobe, nơi đặt trụ sở của băng đảng Yamaguchi-gumi không xa.
Giới quan sát cho rằng sự biến động trong thế giới ngầm của Nhật phản ánh sự bất ổn của các nhóm tội phạm có tổ chức gần như hợp pháp tại nước này, bởi nền kinh tế lao đao và sự giảm dần về số lượng thành viên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của họ.
Các nhóm ít có tổ chức hơn cũng đang thâm nhập vào lãnh thổ yakuza truyền thống. Đồng thời, dân chúng cũng hết kiên nhẫn đối với hành động của họ.
"Sự ly khai cũng có nghĩa là cả hai bên đang yếu đi – không thể phủ nhận một điều rằng mafia Nhật đang lụi tàn", Atsushi Mizoguchi, phóng viên tự do và chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở Nhật, nói.
Dù cách thức hoạt động còn mờ ám, yakuza từ lâu đã được xã hội Nhật Bản coi như một thứ dù không muốn nhưng vẫn phải chịu đựng để duy trì trật tự trên đường phố và đảm bảo mọi thứ được thực hiện một cách nhanh chóng. Yakuza ra đời từ tình trạng hỗn loạn của nước Nhật sau chiến tranh và phát triển nhanh chóng thành các tổ chức tội phạm với thu nhập hàng năm lên tới hàng tỷ đô. Yakuza nhúng tay vào mọi thứ từ cờ bạc, ma túy, mại dâm đến cho vay nặng lãi, bảo kê và tội phạm công nghệ cao.
Sự nổi dậy của thành viên băng đảng
Số lượng thành viên yakuza giảm đều đặn trong nhiều năm trở lại đây. Từ con số đỉnh điểm là 180.000 vào những năm 1960, năm ngoái ước tính chỉ còn 53.000 người.
Tôn chỉ hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng danh dự của mafia Nhật bị lung lay sau vụ Tetsuya Shiroo, thành viên băng đảng Yamaguchi-gumi, bắn chết thị trưởng Nagasaki năm 2007 chỉ vì mối thâm thù với chính quyền thành phố.
Việc có khoảng 10% trong số 23.000 thành viên của Yamaguchi-gumi rời bỏ băng đảng để gia nhập nhóm ly khai có thể khiến thủ lĩnh Kenichi Shinoda, hay còn gọi là Shinobu Tsukasa, có nguy cơ bị kết tội trốn thuế giống như việc lật đổ gangster Chicago Al Capone, Mizoguchi nói.
"Những kẻ ly khai được cho là nắm thông tin về số tiền mà Tsukasa bỏ túi riêng" trong suốt nhiều năm qua và có thể tiết lộ những thông tin nhạy cảm này cho cảnh sát, Mizoguchi cho biết. Hè vừa rồi, ông trùm một băng đảng khác mới bị bắt vì trốn thuế.
Những kẻ ly khai rời bỏ băng đảng vì tức giận khi phải nộp hàng triệu đô la cho những tên cầm đầu, bao gồm tên trùm lúc nào cũng bảnh bao trong những bộ vét đắt tiền của Italy. "Nguyên nhân của sự chia tách này là việc những kẻ đứng đầu Yamaguchi-gumi biển thủ quá nhiều tiền, khiến các thành viên trong băng đảng phải nổi dậy", Mizoguchi nói.
Tsukasa ra tù năm 2011 sau 6 năm bóc lịch vì tội tàng trữ súng. Kể từ đó, ông trùm 73 tuổi này yêu cầu mỗi nhóm trong số hơn 70 nhóm của băng đảng trên khắp nước Nhật hàng năm phải giao nộp khoảng 30 triệu yên (250.000 đôla Mỹ) cùng nhiều tặng phẩm khác.
"Ước tính thu nhập hàng năm của thủ lĩnh Yamaguchi-gumi vào khoảng một tỷ yên (gần 8,3 triệu đôla Mỹ)", Mizoguchi nói.
"Trong khi đó, một thành viên yakuza cấp thấp lại cảm thấy mình giàu có và hài lòng chỉ với 10.000 yen (gần 83 đôla Mỹ) bỏ túi. Thế mới biết sự chênh lệnh về thu nhập lớn đến nhường nào".
Vùng xám hợp pháp
Khác với các băng đảng mafia Italy hay Hội Tam Hoàng Trung Quốc, yakuza từ lâu đã chiếm một vùng màu xám đặc biệt trong xã hội Nhật. Họ không bị coi là phi pháp và mỗi nhóm trong băng đảng có trụ sở riêng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.
Nhưng "luật pháp được đặt ra không phải để công nhận băng đảng này là tổ chức hợp pháp có quyền được bảo vệ, mà để kiểm soát hoạt động của nó", Kazuhito Shinka, người đứng đầu đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Nhật, nói.
Satoru Takegaki dành thời gian giúp đỡ các cựu thành viên yakuza tìm công việc lương thiện và thích nghi với đời thường. Ảnh: Kazuhiro Nogi.
Quy định về chống mafia Nhật nay nghiêm ngặt hơn khiến mọi thứ trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp và thành viên yakuza. Doanh nghiệp bị cấm làm ăn với yakuza, còn các thành viên yakuza cũng gặp khó khăn khi mở tài khoản ngân hàng hay nhận thư từ tại văn phòng.
Những thay đổi còn khiến một vài doanh nghiệp làm ăn hợp pháp khởi kiện các băng nhóm yakuza để đòi lại tiền bảo kê trong nhiều năm qua.
Dù vẫn giữ những bức thư "chân thành" mà cựu ông chủ Yamaguchi-gumi gửi khi đang ngồi tù, Takegaki cho rằng sự trung thành và tình nghĩa huynh đệ từng được ông coi là giá trị cốt lõi của yakuza đã mất từ lâu.
"Giờ mọi thứ dường như chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc, không còn cái gọi là nghĩa vụ hay tình người nữa", Takegaki nói. Ông bước vào thế giới yakuza từ năm 21 tuổi.
"Tôi hy vọng nhóm ly khai sẽ thuyết phục được thêm nhiều thành viên yakuza rời bỏ cuộc sống tội lỗi và trở thành những người lương thiện".