tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 24-01-2016

  • Cập nhật : 24/01/2016

Trung Quốc cùng Nga, Mỹ vào tốp 3 quốc gia quyền lực nhất

Mỹ, Nga và Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia quyền lực nhất thế giới, theo một khảo sát được US News & World Reportcông bố ngày 21-1.

lanh dao ba nuoc my, nga, trung quoc trong buoi ky ket hiep dinh ve khi dot thang 11-2015 - anh: ap

Lãnh đạo ba nước Mỹ, Nga, Trung Quốc trong buổi ký kết hiệp định về khí đốt tháng 11-2015 - Ảnh: AP

Theo Sputnik News, tiêu chí để các quốc gia được góp mặt trong bảng xếp hạng này chính là việc “chiếm ưu thế trong loạt tin tức, hoạch định chính sách và định hình tình trạng kinh tế thế giới”.

Bảng xếp hạng được thực hiện với sự hợp tác của Ban Tư vấn BAV và các chuyên gia từ trường Đại học Pennsylvania. Hơn 16.000 người dân ở bốn khu vực cũng đã tham gia vào cuộc khảo sát để đưa ra mức xếp hạng dành cho 60 quốc gia trong nhiều lĩnh vực như du lịch, văn hóa hay cuộc sống…

Bên cạnh đó, bảng xếp hạng này cũng được thực hiện dựa trên quyền lực của lãnh đạo quốc gia.

Cả 3 vị lãnh đạo của 3 quốc gia đứng đầu này đều nằm trong top 5 các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới trong năm 2015 do tạp chíForbes bình chọn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dựa vào chi tiêu quân sự và sự phân bổ tài chính quốc tế để đánh giá quyền lực của các quốc gia.

Hiện Mỹ, Nga và Trung Quốc đang là các quốc gia hàng đầu trong dữ liệu Quân sự Toàn cầu, chuyên xem xét sức mạnh quân sự tiềm năng của các quốc gia.

Ba nước này cũng là các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Các quốc gia còn lại trong bảng xếp hạng trên bao gồm Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Nhật Bản, Israel, Saudi Arabia và Hàn Quốc.


Hàn Quốc đòi loại Triều Tiên khỏi đàm phán sáu bên

Ngày 22-1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye kêu gọi loại CHDCND Triều Tiên ra khỏi vòng đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

tong thong han quoc park geun-hye to ra mat kien nhan voi chdcnd trieu tien - anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tỏ ra mất kiên nhẫn với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Theo AFP, bà Park khẳng định việc loại bỏ CHDCND Triều Tiên có thể là giải pháp khôi phục lại cuộc đàm phán sáu bên đã bế tắc trong một thời gian dài.

“Chúng ta cần tìm những cách tiếp cận sáng tạo, bao gồm tổ chức đàm phán năm bên mà không có CHDCND Triều Tiên” - bà Park nhấn mạnh.

Cuộc đàm phán sáu bên giữa hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2003 với mục tiêu thuyết phục Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ. CHDCND Triều Tiên bỏ đàm phán vào năm 2009 để phản đối các biện pháp cấm vận quốc tế.

Ngay sau đó Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai. Trong thời gian qua, Trung Quốc, nước đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, liên tục kêu gọi nối lại đàm phán sáu bên. Tuy nhiên bà Park cho rằng vụ thử hạt nhân ngày 6-1 cho thấy Bình Nhưỡng quyết không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.

“Kể cả khi đàm phán sáu bên được nối lại thì hiệu quả của nó vẫn là một câu hỏi lớn” - Tổng thống Hàn Quốc đánh giá. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se cho rằng việc đá CHDCND Triều Tiên ra khỏi đàm phán sáu bên sẽ là tín hiệu mạnh mẽ cộng đồng quốc tế gửi đến Bình Nhưỡng.

Ngoài mô hình đàm phán năm bên, Ngoại trưởng Yun cho biết Hàn Quốc còn đang xem xét mở cuộc đàm phán ba bên với Mỹ và Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Phản ứng lại đề xuất này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố kéo tất cả các bên có liên quan, bao gồm CHDCND Triều Tiên, ngồi vào bàn đàm phán là cách duy nhất để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 


Nhật chi 8 tỉ USD cho lính Mỹ đồn trú

Thỏa thuận tài chính dành cho lực lượng đồn trú của Mỹ trên lãnh thổ Nhật đã được ký kết chính thức với mức tăng 1,4% so với trước.

dai su my caroline kennedy bat tay ngoai truong fumio kishida sau khi ky ket thoa thuan ngay 22-1 tai tokyo - anh: reuters

Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy bắt tay Ngoại trưởng Fumio Kishida sau khi ký kết thỏa thuận ngày 22-1 tại Tokyo - Ảnh: Reuters

Ngày 22-1, Nhật và Mỹ đã ký một thỏa thuận, theo đó Tokyo sẽ duy trì khoản ngân sách hỗ trợ lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật trong 5 năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4-2016.

Theo Reuters, số tiền hỗ trợ tăng 1,4% so với khoản hỗ trợ của 5 năm trước và chủ yếu được dùng trả lương cho lực lượng làm việc tại các căn cứ đồn trú.

Trong lễ ký thỏa thuận với Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy tại trụ sở Bộ ngoại giao ở thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định: "Sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Nhật là không thể thiếu đối với an ninh của Nhật cũng như hòa bình, an ninh khu vực”.

Theo ông Kishida, sự hỗ trợ ngân sách dành cho lực lượng Mỹ "có tầm quan trọng chiến lược".

Về phần mình, Đại sứ Kennedy cho biết thỏa thuận trên bảo đảm rằng lực lượng Mỹ sẽ duy trì tính sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, cũng như đảm bảo chương trình huấn luyện toàn diện nhất trong việc hoàn thành các nghĩa vụ cam kết của Washington đối với Tokyo. 

Theo Reuters, trong quá trình bàn thảo về thỏa thuận hỗ trợ tài chính giữa hai bên cách đây một tháng, yêu cầu tăng chi tiêu của phía Mỹ là nhằm “đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy”.

Lần đó, hai bên đã xác nhận Nhật sẽ giữ nguyên khoản hỗ trợ tài chính cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này ở mức hiện nay là khoảng 190 tỷ yen (1,6 tỷ USD)/năm. Ước tính tổng số tiền hỗ trợ trong 5 năm tới sẽ là 946,5 tỷ yen (8 tỷ USD), cao hơn so với mức 933,2 tỷ yen (7,9 tỷ USD) trong 5 năm trước đó.

Thỏa thuận này tuy vậy cần được Quốc hội Nhật Bản thông qua trước khi thỏa thuận cũ hết hiệu lực vào cuối tháng 3-2016.


Mỹ siết chương trình miễn thị thực sau khủng bố Paris

Ngày 21-1, Mỹ bắt đầu hạn chế chương trình miễn thi thực theo một đạo luật được thông qua sau khi thế giới chấn động trước cuộc tấn công khủng bố Paris năm 2015. 

mot nguoi du lich den my dang quet ho chieu - anh: reuters

Một người du lịch đến Mỹ đang quét hộ chiếu - Ảnh: Reuters

Reuters cho biết những tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành vụ khủng bố Paris đã giữ hộ chiếu châu Âu vốn có thể cho phép chúng dễ dàng nhập cảnh Mỹ theo hệ thống cũ.

Do đó, theo luật mới, công dân của 38 quốc gia trong chương trình miễn thị thực của Mỹ, chủ yếu là các nước thuộc châu Âu, sẽ phải có thị thực nếu họ đã du lịch đến Iran, Iraq, Sudan và Syria kể từ 1-3-2011.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những người thuộc 38 quốc gia trên cũng phải có thị thực nếu họ mang hai quốc tịch, trong đó có 1 quốc tịch thuộc bốn nước trên.

Công dân 38 quốc gia hiện tại được yêu cầu có giấy phép du lịch do Hệ thống điện tử cấp phép du lịch (ESTA) thông qua trước khi đến Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-1 cho biết họ sẽ thu hồi giấy phép du lịch ESTA của các công dân từ các quốc gia trong chương trình miễn thị thực nếu họ có hai quốc tịch, trong đó 1 quốc tịch là Iran, Iraq, Sudan hoặc Syria.

Tuy nhiên theo luật mới, Bộ An ninh Nội địa Mỹ có quyền miễn trừ những hạn chế trong việc thực thi pháp luật hoặc vì lý do an ninh quốc gia.

Những người hội đủ điều kiện được miễn thị thực bao gồm những người đại diện cho các tổ chức quốc tế hoặc các nhóm nhân đạo đến thăm Iran, Iraq, Sudan hay Syria hoặc là các nhà báo thực hiện các bài viết ở bốn quốc gia này.

Họ cũng có thể bao gồm những người du lịch đến bốn nước trên vì lý do kinh doanh hợp pháp.


Ngoại trưởng Mỹ lo Iran dùng tiền được giải ngân để tài trợ khủng bố

ngoai truong my john kerry (giua) lo ngai iran dung so tai san bi dong bang truoc kia de tai tro cac to chuc bi my liet vao hang khung bo - anh: afp

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) lo ngại Iran dùng số tài sản bị đóng băng trước kia để tài trợ các tổ chức bị Mỹ liệt vào hàng khủng bố - Ảnh: AFP

Một phần trong số tiền trả lại cho Iran sau lệnh cấm vận kinh tế có thể sẽ được Tehran chuyển tới những tổ chức Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

“Tôi nghĩ rằng một phần số tiền sẽ được chuyển tới IRGC hoặc các đơn vị khác, trong đó bao gồm những đơn vị bị xem là khủng bố”, ông John Kerry trả lời kênh truyền hình CNBC hôm 21.1.

Theo thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran đạt được hồi tháng 7.2015, nước này sẽ được nhận lại số tài sản bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài trong thời gian bị cấm vận trước đây.

Số tài sản này ước tính trị giá khoảng 100 tỉ USD, có được từ các hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... trong các năm qua, theo đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR. Và sau khi thỏa thuận hạt nhân thông qua, trước mắt họ có thể nhận 55 tỉ USD từ khoản này, theo lộ trình nới lỏng cấm vận.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vốn không bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào hàng khủng bố. Tuy vậy lực lượng đặc nhiệm Quds (Quds Force) thuộc IRGC, phụ trách các hoạt động nước ngoài, lại là đối tượng bị Mỹ cho là khủng bố, theo AFP.

“Nếu chúng ta biết được Iran tài trợ cho khủng bố, chắc chắn họ sẽ gặp vấn đề với Quốc hội Mỹ và những người khác. Tôi chỉ cố gắng trung thực về điều này. Tôi không thể nói với mọi người rằng một số trong lượng tiền đó không phải để tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên chúng tôi không tin rằng điều này quá quan trọng đối với các hoạt động của Iran trong khu vực”, ông Kerry nói thêm.

Ông John Kerry được xem đã đóng góp quan trọng cho tiến trình đàm phán hạt nhân Iran. Thỏa thuận này là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama, qua đó giúp Iran thoát khỏi cấm vận, đổi lại Iran phải cắt giảm khoảng 97% kho dự trữ uranium làm giàu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục