Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến thúc giục các nước Đông Nam Á đoàn kết đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh tối 24-01-2016
- Cập nhật : 24/01/2016
Nhật Bản không chấp nhận 'sự đã rồi' ở Biển Đông
Các tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển quanh đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
"Nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thẳng", Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu về chính sách đối ngoại trước quốc hội.
Ông đề cập đến hoạt động cải tạo đất quy mô lớn với tốc độ cao và xây dựng phi pháp các cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông. "Chúng ta không thể chấp nhận những hành động như vậy là sự đã rồi", Ngoại trưởng Kishida nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi có nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Trung Quốc còn cải tạo và xây dựng phi pháp trên một số đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.
"Tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nghiêm trọng. Trong thời gian qua, an ninh hàng hải là vấn đề quan trọng", ông Kishida cho biết thêm.
Ông khẳng định Nhật Bản sẽ phản ứng bằng cách "phù hợp và bình tĩnh" nếu tàu Trung Quốc đi vào gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, khu vực hai nước đang có tranh chấp. Theo Ngoại trưởng Kishida, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc là "một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất" và "về tổng thể đang được cải thiện".
"Hai quốc gia cùng chia sẻ trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế", ông nói. "Nhật Bản sẽ tìm cách hợp tác và liên lạc trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược chung".
Nhật Bản cam kết sẽ đi đầu trong nỗ lực tạo ra "một thế giới không vũ khí hạt nhân" bằng cách hợp tác với cả cường quốc hạt nhân và phi hạt nhân, củng cố liên minh Tokyo - Washington, thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Á và hoàn thành thêm nhiều thỏa thuận tự do thương mại song phương, với khu vực.
Trung Quốc phát hiện 35 nhà hàng bỏ thuốc phiện vào món ăn
Chủ sở hữu của 25 trong 35 nhà hàng sai phạm đã được chuyển giao cho cơ quan công an để điều tra hình sự, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết. Chủ của 10 nhà hàng còn lại đang bị cơ quan này điều tra, theo China Daily
Trong số những địa điểm nói trên, có một số nhà hàng nổi tiếng như Huda ở Bắc Kinh, chuyên về món tôm hùm đất cay.
Thêm thuốc phiện vào món ăn là hành vi vi phạm Luật An toàn Thực phẩm của Trung Quốc, trong đó nghiêm cấm bày bán đồ ăn làm từ hóa chất hoặc nguyên liệu không phải thực phẩm, ngoại trừ những phụ gia an toàn cho sức khỏe. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình sự.
Chính quyền kêu gọi cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của địa phương trừng phạt những người có liên quan và phối hợp với công an để tìm ra nguồn thuốc phiện. Họ cũng yêu cầu các cơ quan thực phẩm và dược phẩm tăng cường giám sát và kiểm tra các nhà hàng bán những món ăn như lẩu, gà rán và mì.
Luo Yunbo, giáo sư về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết thuốc phiện là một loại thuốc gây nghiện và gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe nếu lạm dụng. Nó bị cấm sử dụng trong thực phẩm ở Trung Quốc, mặc dù được phép ở một số nước. "Có rất nhiều nhà hàng ở Trung Quốc và rất khó để kiểm tra kỹ từng nhà hàng", ông nói.
Cây thuốc phiện được thêm vào các món ăn như súp thịt để làm tăng hương vị, nhưng chúng có thể gây nghiện. Tháng 7/2014, một người đàn ông tên là Qiu ở Thượng Hải đã bị bắt vì mua thuốc phiện và thêm chúng vào các món cua và tôm hùm đất tại nhà hàng của mình, theoThePaper.cn.
Nga có thể thoát lệnh trừng phạt trong vài tháng tới
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 22/1. Ảnh: Reuters.
"Bằng nỗ lực và thiện chí giải quyết vấn đề từ cả hai bên, có khả năng thỏa thuận Minsk sẽ được thực hiện trong vài tháng tới", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Điều này sẽ giúp Nga "thoát khỏi các lệnh trừng phạt".
Thỏa thuận hòa bình Minsk bao gồm những biện pháp được lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine thống nhất trong cuộc gặp tại thủ đô Minsk, Belarus. Thỏa thuận, ký kết hồi tháng 2/2015, giúp chấm dứt tình trạng xung đột làm hơn 9.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát vào tháng 4/2014 ở Ukraine.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột. Phương Tây và Kiev tố Nga hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine và điều binh sĩ thường trực sang nước này nhưng Moscow bác bỏ. Cuối tháng 12, EU thông báo gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng với lý do thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện đầy đủ.
Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga tuần trước đã gặp mặt để thảo luận về khủng hoảng Ukraine, nỗ lực nhằm củng cố thỏa thuận. Cuộc gặp diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với người đồng cấp Mỹ Barack Obama cũng về vấn đề trên.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc đánh cắp thiết kế chiến đấu cơ Mỹ
Báo Globe and Mail của Canada tuần này dẫn các tài liệu tòa án, đưa tin hai binh sĩ Trung Quốc dính líu đến âm mưu tấn công mạng, được cho là do một người Trung Quốc sống tại Canada tiến hành. Người này có tên Su Bin, bị cáo buộc âm mưu ăn cắp thiết kế của F-35 và các máy bay Mỹ khác.
Bộ Tư pháp Mỹ năm 2014 cáo buộc Su đột nhập hệ thống máy tính của Boeing và các công ty khác để thu thập dữ liệu về các dự án quân sự, theo hồ sơ tòa án.
"Các tổ chức chính phủ và quân sự Trung Quốc phản đối và chưa bao giờ tham gia bất cứ hình tức của hoạt động tấn công mạng nào", Reuters dẫn lời Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói. Ông Hồng cho rằng thông tin binh sĩ Trung Quốc tham gia ăn cắp bí mật của Mỹ "chỉ là viễn tưởng".
Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi vụ của Su, ông Hồng cho hay.
Globe and Mail cho biết quy trình dẫn độ Su để đưa người này tới Mỹ đang diễn ra tại Canada.
Trung Quốc kiên quyết bác bỏ việc tham gia vào bất cứ hình thức tấn công mạng nào, dù Mỹ và các chính phủ phương Tây thường xuyên đưa ra cáo buộc.
Mỹ triển khai 14 chiến đấu cơ F-22 tối tân tới Nhật
8 chiếc F-22 hạ cánh xuống căn cứ hôm 20/1, 4 chiếc hôm 21/1 và hai chiếc hôm nay, Kyodo dẫn Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.
Chính phủ Nhật không được báo trước về việc triển khai các chiến đấu cơ, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói. Khi Bộ yêu cầu thông tin về việc triển khai, Mỹ cho biết không quân sẽ tạm thời đưa tổng cộng 26 máy bay F-22 và F-16 tới căn cứ Yokota, phía tây Tokyo từ ngày 20/1 tới 22/1.
Việc triển khai là một phần của "hoạt động hợp tác an ninh bình thường giữa Nhật và Mỹ", ông Nakatani nói. "Cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng cho thấy môi trường an ninh xung quanh đất nước chúng ta đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Việc quân đội Mỹ răn đe dựa trên liên minh Mỹ - Nhật là không thể thiếu đối với an ninh đất nước chúng ta".
Mẫu chiến đấu cơ tàng hình mới nhất tới Nhật diễn ra sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1 của Triều Tiên và bà Thái Anh Văn, lãnh đạo đảng đối lập ở Đài Loan, tuần trước đắc cử lãnh đạo đảo này.