Tư lệnh Hải quân Iran Ali Fadavi cho biết quân đội nước này đã chĩa tên lửa vào mục tiêu là tàu sân bay USS Harry S. Truman của Washington được triển khai trong khu vực sau vụ bắt giữ 10 thủy thủ Mỹ hôm 12-1,
Tin thế giới đọc nhanh 25-01-2016
- Cập nhật : 25/01/2016
Tàu tuần duyên khổng lồ Trung Quốc đe dọa khu vực
Tàu Hải cảnh 2901 và Hải cảnh 3901 mà Trung Quốc chuẩn bị triển khai có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, lớn hơn cả tàu tuần dương lớpTiconderoga của hải quân Mỹ và tàu Shikishima nặng 6.500 tấn của Nhật Bản, hai con tàu vốn được coi là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, trang mạng Asia Sentinel hôm 22/1 cho biết.
Hai tàu mới này không trang bị quá nhiều vũ khí. Theo các bức ảnh được đăng tải tới nay, các con tàu trên đều không có tháp pháo. Tuy nhiên, hỏa lực không phải yếu tố khiến chúng trở nên đáng sợ, thay vào đó kích cỡ của chúng mới là điều khiến người ta phải cảnh giác, bình luận viên Todd Crowell nhận định.
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng tuyên bố các tàu này có thể đâm chìm một tàu 9.000 tấn mà không bị hư hại gì. Nếu thông tin trên là chính xác thì tàu hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa đối với các tàu hải quân thông thường của Mỹ và Nhật Bản.
Tàu chiến đấu ven biển USS Forth Worth của hải quân Mỹ hiện đóng tại Singapore, thực hiện sứ mệnh tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chỉ có lượng giãn nước là 1.200 tấn. Một chiến hạm như Forth Worth hoàn toàn có thể tự phòng vệ trong tình huống xảy ra va chạm với tàu Trung Quốc nhưng phải nổ súng trước.
Dùng tàu đâm va từ lâu đã là chiến thuật được Bắc Kinh sử dụng trong các tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông. Hồi năm 2011, một tàu đánh cá lớn của Trung Quốc cũng va chạm với tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tàu tuần duyên thực chất không phải chiến hạm. Nếu muốn trang bị vũ khí, chúng thường được gắn súng máy hay có thể là súng tầm trung gắn trên boong.
Siêu bão tuyết ‘đổ bộ’ Mỹ: Hơn 7.600 chuyến bay bị hủy
Hơn 7.600 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy bỏ từ ngày 22 đến ngày 24-1 (giờ địa phương) do siêu bão tuyết ở miền Đông nước này.
Một trận bão tuyết lớn đã đổ bộ vào khu vực miền Đông nước Mỹ vào trưa 22-1 (giờ Mỹ, tức 23-1 giờ Việt Nam). Nhiều bang bị ảnh hưởng nặng như Maryland, Virginia, Pennsylvania, trong đó có cả thủ đôWashington.
Theo đài CNN, các sân bay ở Washington cũng như các bang lân cận, trong đó có New York đã đóng cửa do điều kiện thời tiết xấu. Hơn 7.600 chuyến bay đã bị hủy và dự kiến sẽ mở lại vào tối 24-1 (giờ địa phương).
Hiện chính quyền của ít nhất 10 bang là Maryland, Virginia, North Carolina, Georgia, Pennsylvania, Delaware, New Jersey, West Virginia, Tennessee và Kentucky đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Iran tuyên bố không bao giờ tin tưởng phương Tây
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước này muốn mở rộng mối liên kết với "các quốc gia độc lập hơn", đồng thời thêm rằng Mỹ "không trung thực" trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực, theo Reuters. Ông Tập đang có chuyến thăm chính thức ba nước Trung Đông gồm Arab Saudi, Iran và Ai Cập nhằm thảo luận về các chương trình nghị sự quốc tế.
"Người Iran không bao giờ tin tưởng phương Tây... Đó là lý do vì sao Tehran tìm kiếm những mối quan hệ với các nước độc lập hơn (như Trung Quốc)", ông Khamenei nói. "Iran là quốc gia đáng tin cậy nhất trong khu vực về năng lượng bởi chúng tôi có các chính sách năng lượng không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những người nước ngoài", ông cho biết.
"Iran và Trung Quốc đã thống nhất tăng cường giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước lên 600 tỷ USD trong 10 năm tới", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trong cuộc họp báo với Chủ tịch Tập, được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia. "Iran và Trung Quốc cũng đồng ý thiết lập mối quan hệ chiến lược".
Ông Tập là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong số 6 nước thương thảo về bản thỏa thuận hạt nhân dẫn tới việc gỡ bỏ các chế tài quốc tế chống lại Tehran hội kiến với ông Khamenei.
Mỹ tính biến Hawaii thành căn cứ chiến đấu
Quân đội Mỹ đang tăng cường các cuộc thảo luận về việc chuyển đổi cơ sở thử nghiệm tên lửa phòng thủ Aegis ở Hawaii thành một căn cứ chiến đấu, Reuters dẫn lời các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Đề xuất này được bàn bạc suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh Triều Tiên hôm 6/1 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, cũng như việc Trung Quốc gần đây đạt nhiều bước phát triển về công nghệ tên lửa, đã khiến giới chức Mỹ phải dành nhiều sự quan tâm hơn tới kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ ở Hawaii.
Một quan chức Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh động thái này của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương.
Hệ thống Aegis do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển và được sử dụng trên các tàu khu trục của hải quân Mỹ. Đây là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất của Mỹ khi được tích hợp hàng loạt radar, phần mềm, màn hình hiển thị, bệ phóng vũ khí và tên lửa.
Việc triển khai phiên bản mặt đất của hệ thống Aegis ở Hawaii cùng với các tàu khu trục trang bị Aegis khác sẽ tạo thành một mạng lưới phòng thủ kiên cố ở Thái Bình Dương, cung cấp thêm một lớp bảo vệ nữa cho các đảo của Mỹ và khu vực bờ Tây.
Các hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất đặt tại Alaska và California hiện đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Hawaii và lục địa Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Song, sự phát triển của những bệ phóng tên lửa di động Triều Tiên đang tạo ra nhiều khó khăn hơn đối với Mỹ trong việc dự đoán các cuộc tấn công.
Để biến cơ sở ở Hawaii thành căn cứ sẵn sàng chiến đấu, quân đội Mỹ sẽ phải bổ sung nhân sự, kho dự trữ tên lửa và tăng cường an ninh. Chi phí ước tính khoảng 41 triệu USD. Bên cạnh đó, nó cũng cần được tích hợp vào một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo lớn hơn và nằm dưới sự kiểm soát của hải quân Mỹ thay vì Cơ quan Phòng thủ Tên lửa trực thuộc Lầu Năm Góc như trước đây.
Kỹ sư Mỹ làm hỏng tên lửa đạn đạo
Vụ việc xảy ra tháng 5/2014. Tên lửa bị hư hại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III thuộc Không đoàn Tên lửa số 90, bắc Colorado, không quân Mỹ hôm qua cho biết. Thông tin này xuất hiện đầu tiên trên AP.
Tên lửa bị hư hại khi ba thành viên nhóm bảo dưỡng xử lý một sự cố bằng phương thức chẩn đoán thử. Thiệt hại ước tính khoảng 1,8 triệu USD.
"Vụ việc không khiến ai bị thương, không ảnh hưởng an toàn công cộng và các yêu cầu của không quân đối với ICBM vẫn được đảm bảo", theo thông báo.
Nhà chức trách mở cuộc điều tra và phát hiện trưởng nhóm bảo dưỡng đã không tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật. Trưởng nhóm cùng hai nhân viên bị tước chứng nhận, được huấn luyện lại sau đó mới được phép tiếp tục công việc.
Không quân Mỹ thông báo sẽ củng cố các quy tắc và điều chỉnh lại chương trình huấn luyện của lực lượng này.