Trung Quốc nhòm ngó đảo Okinawa của Nhật Bản
Mỹ gửi thêm tàu chi viện tới đảo Guam
Áp lực nặng nề từ El Nino
Đánh bom liều chết liên tiếp tại Syria, hàng chục người chết
Mỹ tiêu diệt 10 "đầu sỏ" IS
Tin thế giới đọc nhanh trưa 25-01-2016
- Cập nhật : 25/01/2016
Hệ thống tác chiến biến tiêm kích F-35 thành 'chiến binh sống'
Tiêm kích đa nhiệm F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất từ trước đến nay của quân đội Mỹ, với khả năng bay siêu nhanh và những vũ khí hiện đại mang theo trong khoang chứa bom tàng hình. Tuy nhiên đây không phải là những thứ khiến chương trình F-35 bị đội giá lên mức 400 tỷ USD, mà thứ thực sự đắt đỏ là một công nghệ tiên tiến làm nên sức mạnh của siêu tiêm kích này.
Quân đội Mỹ đang chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ có tên gọi "tác chiến điện tử nhận thức" cho phép F-35 có khả năng tồn tại gần như một vật thể sống để "đánh hơi" các hệ thống phòng không rất khó phát hiện trong tương lai và đưa ra các giải pháp để phá hủy chúng trong khi bay, theo Defenseone.
Dù các thông tin chi tiết về hệ thống tác chiến điện tử (EW) của F-35 vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia giám sát và các quan chức quân sự có hiểu biết về chương trình này nói rằng công nghệ này sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của F-35 và đóng vai trò chủ chốt với khả năng sống sót của nó trước năng lực phòng không tiên tiến của đối phương trong tương lai. Nói cách khác, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức chính là "bộ não" có vai trò quan trọng nhất trên chiếc máy bay tối tân nhất thế giới này.
"F-35 đã được tích hợp một số thành tố của hệ thống tác chiến điện tử nhận thức, nhưng chúng tôi vẫn còn tiếp tục hoàn thiện nữa trong tương lai", Lee Venturino, đồng chủ tịch và giám đốc điều hành công ty First Principles chuyên phân tích chương trình F-35 cho Lầu Năm Góc nói. "Chúng tôi đang phát triển công nghệ này theo từng bước. Bước đầu tiên là về các biện pháp hỗ trợ điện tử (ESM) để phát hiện các dạng sóng tín hiệu chưa từng xuất hiện".
Theo Patrick Tucker, chuyên gia công nghệ của Defenseone, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức sẽ "đánh hơi" các sóng năng lượng vô hình phát ra từ chuyển động của các điện tử, quang phổ điện tử lan truyền trong không gian. Các hệ thống radar thông thường sử dụng dạng sóng cố định khiến chúng dễ dàng bị F-35 phát hiện, phân tích và đưa ra chiến thuật đối phó. Tuy nhiên, các radar lập trình bằng công nghệ số hóa đời mới hơn có khả năng phát ra các dạng sóng chưa từng thấy trước đây khiến chúng ngày càng khó phát hiện và tiêu diệt.
Lo ngại công nghệ tác chiến điện tử (EW) của Mỹ đang hụt hơi trước các thách thức của thế giới hiện nay, Hội đồng Khoa học Quốc phòng (DSB) năm 2013 đã khuyến nghị quân đội Mỹ cần phát triển các hệ thống tác chiến điện tử linh hoạt và thích ứng để có thể phát hiện và đối phó với các thiết bị cảm biến phức tạp trong tương lai.
"Trước đây, các máy bay tác chiến điện tử EA-18 có thể phát hiện một dạng sóng mới nhưng không có cách nào để ứng phó. Phi công sẽ quay về, báo cáo và tái tạo dạng sóng đó, và mất nhiều thời gian để tìm ra cách đối phó", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách máy bay tác chiến điện tử Bob Work cuối tháng trước phát biểu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
Quá trình này diễn ra quá chậm để có thể đối phó hiệu quả với các radar lập trình kỹ thuật số trong tương lai. Theo Robert Stein, đồng chủ tịch phụ trách nghiên cứu DSB, để nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường, F-35 phải có khả năng phát hiện và ứng phó với các dạng sóng mới trong thời gian rất ngắn.
Hệ thống tác chiến điện tử trên F-35 lấy cảm hứng từ khái niệm "radar nhận thức" do nhà nghiên cứu điện tử Simon Haykin đưa ra năm 2006. Haykin cho rằng có thể chế tạo một máy tính có khả năng nhận định tình hình nhờ vào hệ thống radar và ăng ten mảng pha có thể quét nhanh các dạng sóng.Dựa trên định lý của Thomas Bayes, một nhà thống kê học và triết học người Anh, Haykin đã đưa ra nguyên lý hoạt động của thuật toán Bayes trong hệ thống radar và thu hút sự quan tâm của Cơ quan quốc phòng Mỹ trong nghiên cứu máy móc và công nghệ tác chiến điện tử nhận thức.
Tập đoàn BAE đã huy động 200 tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu về nghiên cứu máy móc, vật lý, xử lý tín hiệu thống kê và tính toán thần kinh học trong các lĩnh vực khác để nghiên cứu các thuật toán nhằm xây dựng hệ thống tác chiến điện tử nhận thức hiện đại nhất cho F-35, có khả năng nhận biết và ứng phó với các mối đe dọa theo thời gian thực.
Quân đội Mỹ hy vọng với hệ thống này, F-35 sẽ vượt qua được hệ thống radar phòng không lập trình mới Nebo-M của Nga. Nebo-M gồm ba hệ thống radar gắn trên xe tải riêng biệt gồm một radar dải tần số VHF tầm quét rộng, một radar tần số cao UHF và một radar sóng X bố trí theo hình tam giác để có độ chính xác cao hơn. Sự kết hợp của ba hệ thống này có thể "vạch mặt" các tiêm kích tàng hình tối tân, kể cả F-35 của Mỹ.
"Radar Nebo-M được thiết kế để tự động dò tìm, theo dõi các mục tiêu trên không như các tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ tàng hình, máy bay không người lái và các mục tiêu bay với vận tốc siêu thanh từ khoảng cách lên tới 1.800 km", RT đưa tin hồi tháng 2/2015.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, nếu F-35 có thể ứng dụng thành công hệ thống tác chiến điện tử nhận thức trên, nó có thể nâng cao đáng kể khả năng sống sót trong những chiến trường phức tạp nhất. "Công nghệ này sẽ giúp F-35 đối phó với các tình huống liên tục thay đổi, khiến nó trở nên linh hoạt như một chiến binh thực thụ trên chiến trường", ông Stein nhấn mạnh.
Nhật từ chối 99% người tị nạn trong năm 2015
Giới chức Nhật Bản ngày 23-1 cho biết nước này chỉ tiếp nhận 27 trường hợp xin tị nạn vào năm ngoái và gần như từ chối tất cả các đơn xin tị nạn còn lại.
Một cuộc biểu tình tại Nhật Bản nhằm kêu gọi chính phủ cấp nhiều thị thực hơn cho người xin tị nạn tại Tokyo - Ảnh: Reuters
Báo Global Post cho hay từ nhiều năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra hạn định thắt chặt số người tị nạn được chấp nhận, vì lo sợ dòng chảy tị nạn sẽ làm ảnh hưởng đến chế độ xã hội thuần nhất của nước này.
Trong số 27 người tị nạn may mắn trên, chỉ có 6 người Afghanistan, 3 người Syria, 3 người Ethiopia, 3 người Sri Lanka, 2 người Eritrea và 2 người Nepal, hoàn toàn trái ngược với hàng chục ngàn người dân ồ ạ kéo đến các nước châu Âu xin tị nạn.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong năm 2015, nước này đã nhận được con số kỷ lục 7.586 đơn xin tị nạn. Điều này có nghĩa hơn 99% đơn xin tị nạn vào Nhật đều đã bị từ chối.
Tuy nhiên, Bộ cho biết đây đã là con số gia tăng đáng kể so với năm ngoái, với chỉ 11 người được tiếp nhận. Con số này vào năm 2013 là 6 người.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạt động nhân quyền trong nước đã kêu gọi chính phủ Nhật nên rộng tay tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn nữa.
Hiệp hội người tị nạn Nhật Bản cho biết: “chúng tôi hy vọng Nhật sẽ tổ chức các cuộc bàn thảo với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và các tổ chức phi chính phủ về vấn đề này, đồng thời nhanh chóng xem xét các biện pháp để xác minh những người tị nạn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế".
Các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và các cộng đồng di dân tại Nhật Bản trong nhiều năm qua cũng phàn nàn về cách đối xử khắc nghiệt của các quan chức nhập cư và về điều kiện sinh hoạt tại các trung tâm giam giữ người tị nạn.
Theo số liệu của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản là nơi trú ẩn của chỉ 2.419 người tị nạn, so với con số 267.222 ở nước đồng minh Hoa Kỳ và 1,8 triệu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ lo Nga tăng quân gần biên giới
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về việc Nga đang xây dựng quân đội ở phía bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi đã nói điều này ngay từ đầu: chúng tôi sẽ không dung thứ sự dàn quân như thế (ở miền bắc Syria) dọc khu vực trải dài từ biên giới Iraq lên đến Địa Trung Hải” - Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói với cánh phóng viên sau buổi lễ cầu nguyện tại Istanbul.
Tổng thống Erdogan khẳng định nhận được báo cáo cho thấy Nga đã triển khai khoảng 200 binh lính. Ông Erdogan cho biết có bàn về vấn đề này trong cuộc hội đàm với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23-1.
“Tôi có thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi chặt chẽ mọi chuyển động quân sự trên biên giới của mình và đặc biệt là biên giới với Syria” - một nguồn tin giấu tên thuộc chính quyền Ankara nói với Hãng tin AFP.
Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một phái đoàn quân sự Nga, đứng đầu là một vị tướng cùng các thành viên Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) đã bay đến sân bay tại Qamishli hôm 16-1 để kiểm tra sân bay.
Qamishli nằm ngay phía nam thị trấn biên giới Nusaybin của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường an ninh bằng cách đào hầm trong khu vực biên giới.
Tổ chức Giám sát nhân quyền có trụ sở tại Anh xác nhận Nga đã gửi một số kỹ sư đến thị trấn biên giới Qamishli của Syria để củng cố đường băng và nâng cấp một sân bay tại đây.
Các nhà quan sát nhân quyền cho biết Nga muốn biến nơi này thành một căn cứ quân sự. Việc tương tự đã xảy ra tại Hmeimim thuộc tỉnh Latakia.
Hãng tin AFP cho biết động thái điều binh của Nga đến Qamishli diễn ra trong bối cảnh Ankara và Matxcơva vẫn còn khủng hoảng quan hệ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga vào tháng 11-2015.
Mỹ chuẩn bị “giải pháp quân sự” chống IS tại Syria
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23-1 tuyên bố Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một giải pháp quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) trong trường hợp đàm phán giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy thất bại.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại cuộc họp báo ngày 23-1 (Reuters)
Reuters cho biết đàm phán hòa bình Syria theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào thứ hai 25-1 tại Geneva (Thụy Sĩ), tuy nhiên có thể nó sẽ bị chậm trễ do tranh luận chưa dứt về thành phần phe đối lập tham gia.
Các nhóm nổi dậy Syria ngày 23-1 nói họ sẽ bắt chính phủ và Nga chịu trách nhiệm nếu đàm phán hòa bình thất bại, thậm chí ngay cả trước khi nó bắt đầu.
“Chúng tôi biết tốt hơn hết là đạt được một giải pháp chính trị nhưng đồng thời chúng tôi cũng chuẩn bị một giải pháp quân sự chống lại Daesh (IS trong tiếng Ả Rập) trong trường hợp bất khả thi”, Phó tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Istanbul.
Một quan chức Mỹ sau đó nói rõ hơn, rằng ông Biden nói về một giải pháp quân sự đối với IS chứ không phải cả đất nước Syria.
Phe đối lập Syria hậu thuẫn bởi Saudi Arabia loại trừ cả các cuộc đàm phán gián tiếp trừ khi Damascus tiến hành các bước trong đó có việc dừng các cuộc không kích của Nga.
Ông Biden cho biết ông và Thủ tướng Davutoglu cũng thảo luận về chuyện làm cách nào để hỗ trợ lực lượng nổi dậy Sunni chiến đấu lật đổ tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỹ đã gửi hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm để giúp quân nổi dậy đánh IS tại Syria dù họ không có ý định tham gia chiến đấu trực tiếp.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tại Saudi Arabia ngày 23-1 khẳng định ông tự tin rằng đàm phán hóa bình Syria sẽ được triển khai.
Iran mua 114 máy bay Airbus
Đài VOA (Mỹ) ngày 24-1 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Iran Abbas Akhoundi cho biết, trong chuyến thăm Pháp của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 27-1 tới, hãng hàng không chính phủ Iran Air sẽ ký với tập đoàn sản xuất máy bay Airbus (Pháp) một hợp đồng mua 114 máy bay Airbus.
Theo Bộ trưởng Abbas Akhoundi, phía Iran và tập đoàn Airbus đã thương lượng vụ mua bán này 10 tháng qua nhưng Iran không có cách nào chi tiền cho Airbus mua máy bay vì vướng phải các lệnh trừng phạt giao dịch ngân hàng.
Giá trị hợp đồng không được tiết lộ nhưng theo VOA thì có thể lên đến hàng tỉ USD. Lô máy bay đầu tiên sẽ đến Iran vào ngày 19-3 tới.
Theo Bộ trưởng Abbas Akhoundi, Iran hiện không có hợp đồng mua máy bay Boeing vì gặp một số cản trở trong thương lượng. Truyền thông nhà nước Iran cho biết Bộ Tài chính Mỹ hiện không cho phép Boeing thương lượng với Iran, tuy nhiên Iran vẫn hy vọng trong tương lai tới sẽ mua được máy bay Boeing.
Hiện Iran sở hữu hơn 250 máy bay nhưng chỉ có 150 chiếc trong số này có thể vận hành. Iran đang rất cần mua thêm máy bay để hiện đại hóa đội ngũ máy bay chở khách, vốn đã không được bảo dưỡng tốt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhiều năm qua. Trước mắt, Iran hiện cần thêm 400 máy bay chặng dài và vừa, 100 máy bay chặng ngắn.
Bên cạnh chi phí mua máy bay mới, Iran cũng cần phải có 250 triệu USD cho công tác nâng cấp các sân bay. Hiện chỉ có 9/67 sân bay ở Iran có thể hoạt động.
Cùng ngày tại Iran diễn ra hội nghị của đại diện 85 công ty hàng không thế giới bàn hướng mở rộng kinh doanh ở Iran sau khi Iran được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Hassan Rouhani sẽ là tổng thống Iran đầu tiên thăm Pháp trong 17 năm nay. Lý ra ông Hassan Rouhani đã đến Pháp từ tháng 11 nhưng chuyến đi phải hoãn vì các vụ khủng bố ở Paris.
Bộ trưởng Abbas Akhoundi cũng sẽ có chuyến thăm Ý và Pháp từ ngày 25 đến 27-1 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Âu.