Tổng thống Mỹ yêu cầu nghiên cứu chế tạo 'súng thông minh'
Sinh con thứ 4 ở Hàn Quốc được cấp 10.000 USD
Canada đưa 200 cố vấn huấn luyện binh sĩ Ukraine
Cần 5.000 tỷ USD để cứu nguy kinh tế Trung Quốc
Động đất rung chuyển Indonesia, Philippines và Nhật Bản
5 lý do Triều Tiên thích dùng “ngón đòn” hạt nhân
- Cập nhật : 12/01/2016
(The gioi)
Triều Tiên từ lâu thường sử dụng các cuộc khủng hoảng hạt nhân để đạt sự nhượng bộ kinh tế từ bên ngoài...
Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới được biết đã tiến hành thử hạt nhân trong thế kỷ 21 này.
Dù nghi ngờ tính chân thực của việc Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử một quả bom nhiệt hạch vào hôm 6/1, giới chuyên gia nhất trí rằng vụ thử thúc đẩy tham vọng của Bình Nhưỡng muốn gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo.
Hãng tin Bloomberg đã phân tích 5 lý do khiến Triều Tiên bị “ám ảnh” bởi mục tiêu gia nhập các cường quốc hạt nhân của thế giới:
Nỗi lo tồn tại
Triều Tiên gọi vũ khí hạt nhân của nước này là “thanh bảo kiếm công lý” chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng luôn lo ngại sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ hiện có khoảng 30.000 quân ở Hàn Quốc, bên cạnh những vũ khí hiện đại như trực thăng tấn công Apache và chiến đấu cơ F-16.
“Triều Tiên tự thuyết phục mình rằng sự tồn tại của nước này với tư cách một nhà nước độc lập trực tiếp dựa trên việc sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Jonathan Pollack, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Brookings ở Washington, Mỹ, nhận định.
Tìm kiếm sự nhượng bộ kinh tế
Triều Tiên từ lâu thường sử dụng các cuộc khủng hoảng hạt nhân để đạt sự nhượng bộ kinh tế từ bên ngoài.
Đầu thập niên 1990, nước này bắt đầu đưa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng khỏi lò phản ứng hạt nhân của mình - một động thái được cho là nhằm chuẩn bị sử dụng các thanh nhiên liệu này cho vũ khí - buộc Mỹ phải cân nhắc một cuộc tấn công quân sự nhằm vào cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã can thiệp và sắp xếp đàm phán với Triều Tiên, dẫn tới việc Mỹ viện trợ năng lượng và đưa ra những lời đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, các cuộc đàm phán giải trừ quân bị đa phương đã dẫn tới lời hứa viện trợ kinh tế và năng lượng cho Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng cửa cơ sở hạt nhân. Sau đó, Triều Tiên đã rút khỏi đàm phát và tái khởi động cơ sở hạt nhân của nước này.
“Họ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng trước khi có bất kỳ sự mở lời nào”, ông Ralph Cossa, Chủ tịch công ty Pacific Forum CSIS, nhận xét.
Củng cố quyền lực
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nỗ lực củng cố quyền lực bằng cách theo đuổi “songun” - chính sách đặt quân sự lên đầu tiên của người tiền nhiệm, cũng là cha thân sinh của ông.
Được cho là mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhưng ông Kim Jong Un đã thực hiện 2 trong số 4 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tính đến thời điểm này, đồng thời đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công tới Mỹ.
Theo ông Chun Yung Woo, người từng là một nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, “nhà lãnh đạo Kim còn chưa trưởng thành nhưng thông minh khi phát triển vũ khí hạt nhân. Tạo ra một sự phòng ngừa là điều quan trọng, cho dù cách làm này dẫn đến sự cô lập lớn hơn”.
Sự tụt hậu
Khả năng tiến hành loại hình chiến tranh truyền thống của Triều Tiên là kém hơn nhiều so với Hàn Quốc bởi khoảng cách kinh tế giữa hai miền bán đảo ngày càng lớn.
Quân đội Triều Tiên có hơn 1 triệu binh sỹ, nhưng phần lớn trang thiết bị và vũ khí đều bị cho là đã lỗi thời và kém hiệu quả. Bình Nhưỡng đã nỗ lực để khắc phục tình trạng này bằng cách phát triển tàu ngầm, hacker, tên lửa tầm xa, và bom hạt nhân.
Theo một số ước tính, Triều Tiên chi mỗi năm khoảng 700 triệu đến 10 tỷ USD để phát triển vũ khí. Số tiền này là lớn so với một quốc gia mà GDP chỉ đạt khoảng 28 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
Tuy vậy, ông Park Chang Kwon, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, chi phí để phát triển vũ khí của Triều Tiên vẫn còn “rẻ” so với số tiền cần thiết phải đầu tư để phát triển nền kinh tế yếu kém.
“Lợi ích vượt xa chi phí”, ông Park nói về việc Triều Tiên phát triển vũ khí. “Nền kinh tế không thể khởi sắc trong thời gian ngắn, nhưng bom hạt nhân có thể được tạo ra nhanh chóng thông qua đầu tư mạnh. Và một khi đã có đà, chi phí sẽ giảm xuống”, ông Park phát biểu.
Nhân tố Trung Quốc
Triều Tiên đẩy mạnh phát triển hạt nhân vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô - một trong những đồng minh chính của Bình Nhưỡng vào thời điểm đó - tan rã.
Hiện nay, Triều Tiên cảm thấy Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của nước này - đang tăng cường quan hệ với Hàn Quốc. Bởi vậy, đẩy mạnh phát triển hạt nhân có thể là cách để Bình Nhưỡng giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
“Triều Tiên đang cố gắng thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc”, ông Park nói. “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã giảm xuống. Với niềm tự hào vì vũ khí hạt nhân của mình, Triều Tiên không còn chịu nhiều tác động từ sức ép của Trung Quốc nữa”.