tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 12-01-2016

  • Cập nhật : 12/01/2016

Sau B-52, tàu sân bay sẽ đến Hàn Quốc

Có thể xảy ra đối đầu ba chống ba giữa Mỹ, Hàn, Nhật và Nga, Trung, Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Mỹ và Hàn Quốc đang xem xét tháng tới sẽ triển khai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đến Hàn Quốc để đáp trả CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1. Tàu đang neo đậu tại cảng Yokosuka của Nhật.

Ngoài ra, quân đội hai nước cũng dự kiến sẽ tập trận chung sớm hơn trong khuôn khổ cuộc tập trận Đại bàng non dự kiến vào tháng 3.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan dài 330 m, chở theo 80 máy bay với 5.400 binh sĩ.

Trước đó, sáng 10-1, Tư lệnh không quân Hàn Quốc Lee Wang-keun và người đồng cấp về không quân của hạm đội 7 Mỹ Terrence O’Shaughnessy cùng thông báo hai nước đã nhất trí triển khai một pháo đài bay B-52 đến Hàn Quốc.

Pháo đài bay B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam bay đến không phận trên căn cứ không quân Mỹ Osan ở Pyeongtaek cách thủ đô Seoul 55 km.

Máy bay B-52 được hai máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc và hai máy bay F-16 của Mỹ hộ tống.

Đây là biện pháp thứ hai trả đũa CHDCND Triều Tiên sau khi Hàn Quốc nối lại chiến tranh tâm lý bằng loa phóng thanh ở khu phi quân sự.

Dự kiến sau khi triển khai máy bay B-52 và tàu sân bay USS Ronald Reagan, Mỹ và Hàn Quốc có thể đưa đến bán đảo Triều Tiên nhiều vũ khí chiến lược nữa như tàu ngầm lớp Ohio và máy bay tiêm kích tàng hình F-22.

may bay b-52 duoc hai may bay han quoc ho tong bay tren can cu my o osan (han quoc) ngay 10-1. anh: ap

Máy bay B-52 được hai máy bay Hàn Quốc hộ tống bay trên căn cứ Mỹ ở Osan (Hàn Quốc) ngày 10-1. Ảnh: AP

B-52 thường tham gia các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hằng năm nhưng ít khi xuất hiện công khai. Lần xuất hiện gần đây nhất là năm 2013 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba. Lúc đó Mỹ triển khai một pháo đài bay B-52 và một máy bay ném bom tàng hình B2.

Liên quan đến băng video đài truyền hình trung ương CHDCND Triều Tiên phát hôm 8-1 (sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) về sự kiện ông Kim Jong-un dự khán vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược từ tàu ngầm hôm 21-12-2015, quân đội Hàn Quốc nhận định hình ảnh được lắp ghép từ vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược năm 2015 và vụ thử tên lửa Scud năm 2014.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc ghi nhận trong vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược hồi tháng 5-2015, tên lửa bay ở góc 74o còn lần này tên lửa đã bay thẳng với góc 90o.

Do đó dự báo Triều Tiên có thể làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo chiến lược trong vòng ba hoặc bốn năm nữa thay vì từ bốn đến năm năm như trước kia đã dự báo.

Hãng tin Yonhap ngày 10-1 ghi nhận Trung Quốc phản đối CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân nhưng Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ thận trọng với Triều Tiên khi tuyên bố “các nước phải tránh những hành động có thể gây căng thẳng”.

Các chuyên gia ghi nhận sắp tới Mỹ, Hàn Quốc và Nhật sẽ gây áp lực với Trung Quốc nhiều hơn để Trung Quốc thể hiện hành động cụ thể hơn nữa đối với Triều Tiên.

Dự kiến tuần tới tại Tokyo (Nhật), ba nước Mỹ, Hàn, Nhật sẽ tổ chức cuộc gặp cấp thứ trưởng Ngoại giao và cuộc gặp của đại diện ba nước tham dự vòng đàm phán sáu bên.

Với tình hình địa-chính trị hiện nay, dự báo có thể xảy ra cuộc đối đầu ba chống ba giữa một bên gồm ba nước Mỹ, Hàn, Nhật và một bên gồm Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên.


Mỹ - Nhật hợp tác chế tạo tên lửa đánh chặn SM-3

Quân đội hai nước Mỹ và Nhật Bản khởi động kế hoạch sản xuất tên lửa đánh chặn SM-3 và đưa vào thử nghiệm năm 2017 để chống lại mối đe dọa của tên lửa đạn đạo Triều Tiên.

Theo đài truyền hình NHK, Washington và Tokyo sẽ chế tạo SM-3 Block IIA tại Nhật Bản, sau đó thử nghiệm vào đầu năm 2017 ở Thái Bình Dương gần Hawaii trên các tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis.

Một tên lửa tiêu chuẩn loại này có khả năng đánh chặn các mối đe dọa của tên lửa đạn đạo trên bầu khí quyển của Trái Đất, phá hủy chúng với một đầu đạn động năng ở tốc độ rất cao. SM-3 Block IIA được biết đến là loại tên lửa 3 giai đoạn.

ten lua sm-3 block iia se duoc dua vao thu nghiem nam 2017. anh: pr newswire

Tên lửa SM-3 Block IIA sẽ được đưa vào thử nghiệm năm 2017. Ảnh: PR Newswire

Song song với động thái kể trên, Mỹ cũng đang đàm phán với Hàn Quốc – đồng minh quân sự của mình – để gửi thêm thiết bị quân sự tới bán đảo Triều Tiên. Trước đó, hôm 10-1, Mỹ điều 1 máy bay B-52 tới Hàn Quốc để phản ứng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tuần trước.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết Washington và Seoul đang làm việc chặt chẽ về kế hoạch triển khai thiết bị quân sự chiến lược tới bán đảo. Truyền thông bản địa đưa tin các thiết bị có thể bao gồm máy bay ném bom B-2, tàu ngầm hạt nhân và chiến đấu cơ tàng hình F-22.

Theo Reuters, ngày 11-1, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc đã được đặt vào tình trạng báo động cao nhất sau khi Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), Tướng Curtis Scaparrotti thị sát Căn cứ không quân Osan do cả Mỹ và Hàn Quốc cùng điều hành. Tướng Scaparrotti lo ngại Triều Tiên có thể tiếp tục gây hấn.

mot binh si my dung gac tai can cu khong quan osan - han quoc hom 10-1. anh: reuters

Một binh sĩ Mỹ đứng gác tại căn cứ không quân Osan - Hàn Quốc hôm 10-1. Ảnh: Reuters

Seoul cũng tuyên bố tiếp tục hạn chế công dân nước này tới khu công nghiệp chung Kaesong, phía Bắc biên giới liên Triều, và giữ nhân sự ở đây ở mức "cần thiết tối thiểu" bắt đầu từ ngày 12-1. Hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên bằng loa tại biên giới vẫn diễn ra.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye dự kiến phát biểu vào ngày 13-1, thể hiện ý chí ứng phó mạnh mẽ đối với vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên sử dụng đường dây quân sự nóng để chia sẻ thông tin giữa 2 bên sau hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Dù cùng là đồng minh quân sự của Washington nhưng Seoul và Tokyo lại là đối thủ của nhau và hiện đã phối hợp chặt chẽ hơn nhờ “chất xúc tác” Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, lên án Mỹ “lái tình hình chính trị tới bờ vực chiến tranh bằng cách gửi máy bay ném bom chiến lược tới Hàn Quốc”.

Hôm 11-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chụp hình cùng các nhà khoa học và kỹ thuật hạt nhân tham gia vụ thử nghiệm hôm 6-1 và ngỏ lời khen ngợi họ. Ông Kim còn tuyên bố sẽ có thêm nhiều quả bom hạt nhân nữa, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).


Donald Trump đánh giá cao Kim Jong-un

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa (Mỹ) Donald Trump vừa dành lời khen cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un khi gọi nhân vật này là “ông chủ” ở Bình Nhưỡng.

Trong cuộc vận động tranh cử tại TP Ottumwa, bang Iowa – Mỹ hôm 9-1, ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là một “gã điên” khi nhận xét về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng thừa nhận ông ta là một người có tầm ảnh hưởng lớn, với tài năng loại bỏ các đối thủ chính trị "không thể tin được".

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông Trump nói: “Có bao nhiêu chàng trai trẻ - anh ta chỉ mới 26 hoặc 25 tuổi khi cha ông ấy qua đời – có thể điều binh khiển tướng và nắm giữ quyền lực. Anh ta là một ông chủ”.

ong trump phat bieu tai tp ottumwa, bang iowa – my hom 9-1. anh: the sydney morning herald

Ông Trump phát biểu tại TP Ottumwa, bang Iowa – Mỹ hôm 9-1. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tỏ ra ngưỡng mộ khi ông Kim Jong-un sử dụng quyền lực của mình để loại bỏ các đối thủ chính trị. “Thật khó tin. Anh ta xóa sổ chú dượng, xóa sổ người này, người kia. Ý tôi là anh chàng này không đùa và chẳng ai đùa được với anh ta”.

Hôm 6-1, Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch. Sau đó một ngày, ông Trump lên tiếng nhận định nước này hoàn toàn chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 8-2015, ông Trump gọi ông Kim Jong-un hoặc là “thiên tài” hoặc là “kẻ điên” và khó đối phó hơn người cha quá cố Kim Jong-il.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump khen nhân vật bị xem là đối thủ của Mỹ.

Ông trùm bất động sản Mỹ này từng bị chỉ trích vì hào hứng trước lời khen “tài năng” của Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho mình. “Thật là một vinh dự tuyệt vời khi có một người đàn ông được tôn trọng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài khen ngợi mình” – ông Trump chia sẻ.


Anh trở lại châu Á

Anh - Nhật đồng ý hợp tác để giúp đỡ quân đội các nước ASEAN nâng cao năng lực quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani hôm 9-1 nhất trí tìm kiếm sự can dự mạnh mẽ hơn của London vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc tình hình biển Đôngvà bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng. Cuộc gặp trên diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng 2 nước có cuộc hội đàm về an ninh trong khuôn khổ “2+2” tại thủ đô Tokyo.

Theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với Anh trong nỗ lực đối phó với một Trung Quốc ngày càng lấn tới trên biển và một CHDCND Triều Tiên quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân. Vì thế, không có gì khó hiểu khi ông Nakatani lên tiếng hoan nghênh Anh trở lại châu Á - Thái Bình Dương để cùng Nhật và Mỹ bảo đảm an ninh khu vực này.

Trong khi đó, ông Fallon nhận định Nhật Bản là đối tác an ninh gần gũi nhất của Anh ở châu Á và London muốn tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương. Ngoài ra, vị bộ trưởng này còn hoan nghênh sự tham gia nhiều hơn của Tokyo vào các hoạt động của NATO. Hồi năm ngoái, có thông tin nói rằng Nhật Bản đang cân nhắc tham gia vào một liên doanh phát triển tên lửa của NATO.

bo truong quoc phong, ngoai truong cua nhat ban va anh gap nhau tai tokyo hom 8-1anh: asahi

Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng của Nhật Bản và Anh gặp nhau tại Tokyo hôm 8-1Ảnh: Asahi

Trước mắt, theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp trên, máy bay chiến đấu Typhoon của Anh sẽ đến Nhật trong năm nay để tham gia một cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ trên không của nước chủ nhà. Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên máy bay chiến đấu Anh được triển khai đến Nhật kể từ khi Chiến tranh lạnh khép lại. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh sẽ tiến hành diễn tập chung nhân dịp tham gia các cuộc tập trận quét mìn đa phương tại vịnh Persian.

Song song đó, 2 nước nhất trí hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng cũng như phát triển công nghệ, thiết bị quốc phòng. Một trong những dự án cộng tác nổi bật nhất là phát triển loại tên lửa không đối không mới. Hai bên cũng đồng ý đẩy nhanh thương thảo về thỏa thuận cho phép quân đội 2 nước chia sẻ hàng tiếp tế và dịch vụ vận tải trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình củaLiên Hiệp Quốc.

Đáng chú ý, 2 bộ trưởng còn đồng ý thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới nhằm giúp đỡ quân đội các nước ASEAN nâng cao năng lực quốc phòng giữa lúc căng thẳng ở biển Đông leo thang vì những hành động đơn phương sai trái của Trung Quốc. Tại cuộc gặp, ông Fallon và ông Nakatani đặc biệt bày tỏ lo ngại việc Bắc Kinh bồi lấp quy mô lớn và xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông đang làm tổn hại đến môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông là một ưu tiên lớn của nước này, đồng thời cảnh báo về bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở sự tự do đi lại ở đó.

Bên cạnh việc tăng cường hợp tác với Nhật, nước Anh còn có một loạt động thái cho thấy ý định tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực sau một thời gian dài rời khỏi đó. Chẳng hạn như số lượng binh sĩ Anh tham gia các cuộc tập trận chung thường niên với Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore - gọi là Bersama Lima - sẽ tăng dần từ giờ đến năm 2021.

Riêng cuộc tập trận Bersama Lima diễn ra ở Malaysia trong năm nay dự kiến có sự tham gia của lực lượng lính thủy đánh bộ và máy bay Typhoon đến từ Anh. Trước đó, vào năm ngoái, London đã di chuyển vệ tinh quân sự tối tân Skynet 5A đến bên trên châu Á - Thái Bình Dương nhằm cung cấp liên lạc viễn thông an toàn cho các đồng minh tại khu vực.


Triều Tiên cho 'gián điệp của Mỹ' tiếp xúc với CNN

Kim Dong Chul, người được cho là mang quốc tịch Mỹ, trao đổi với phóng viên CNN tại Bình Nhưỡng sau khi được Triều Tiên cho phép.
ho chieu cua ong kim dong chul do cac quan chuc trieu tien cung cap. anh:cnn

Hộ chiếu của ông Kim Dong Chul do các quan chức Triều Tiên cung cấp. Ảnh:CNN

"Tôi cầu xin chính phủ Mỹ hoặc Hàn Quốc hãy cứu tôi", ông Kim nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN hôm qua.

Ông Kim, 62 tuổi, bị các nhân viên an ninh đưa vào phòng trong một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Ông đề nghị cuộc phỏng vấn thực hiện bằng tiếng Hàn, người phiên dịch do CNN chọn.

Từng sống ở Fairfax, Virginia, Mỹ, hồi 2001, ông chuyển tới Diên Cát, thuộc châu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Đây là địa điểm gần biên giới Trung Quốc với Triều Tiên, là một trung tâm thương mại giữa hai nước.

Từ đây, ông Kim cho hay hàng ngày đi tới Rason, đặc khu kinh tế ở phía Triều Tiên, nơi ông là giám đốc một công ty chuyên về thương mại quốc tế và dịch vụ khách sạn. Ông tự nhận mình làm gián điệp nhân danh "những nhân tố bảo thủ của Hàn Quốc".

"Tôi chụp các bức ảnh bí mật quân sự và các cảnh gây scandal", ông nói.

Ông này cũng kể tên một số người Hàn Quốc yêu cầu ông giúp phá hủy hệ thống của Triều Tiên và truyền bá rộng rãi chương trình tuyên truyền chống lại chính phủ Bình Nhưỡng. Các quan chức Triều Tiên đã theo dõi hoạt động của ông từ 2009, hai năm sau khi ông thành lập công ty.

Ông Kim bắt đầu làm gián điệp vào tháng 4/2013, mua chuộc người dân địa phương "thu thập các tài liệu quan trọng", để ông đưa sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên không phải "bất kỳ lúc nào được yêu cầu" ông cũng thực hiện.

Ông bị bắt vào tháng 10 năm ngoái khi đang gặp gỡ một nguồn tin để nhận chiếc USB và máy ảnh có chứa bí mật quân sự. Đối tác của ông là một cựu lính Triều Tiên, 35 tuổi, cũng bị bắt. Ông Kim nói mình không biết mặt người này.

Trong gần hai năm làm gián điệp, ông Kim chỉ nhận được khoảng 5.300 USD. Khi được hỏi tại sao mạo hiểm với một khoản tiền không đáng kể như vậy, ông nói "vấn đề không phải là tiền".

Ông bỏ lại vợ và hai con ở Trung Quốc và không liên lạc với họ từ khi bị bắt. Nỗ lực liên lạc với vợ ông Kim bằng số điện thoại ông cung cấp không thực hiện được. Ông Kim trả lời phỏng vấn khi các quan chức Triều Tiên có mặt, vì thế CNN không thể xác định ông có bị ép buộc hay không.

Nếu đúng, ông Kim là công dân Mỹ duy nhất đang bị giam làm tù nhân ở Triều Tiên. Hai công dân Mỹ Kenneth Bae và Matthew Miller được thả hồi tháng 11/2014. Tính đến lúc đó, Bae bị tù hai năm ở Triều Tiên.

Sau cuộc phỏng vấn, nhà chức trách Triều Tiên cung cấp cho CNN hộ chiếu của ông Kim để kiểm tra. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ không thể xác nhận liệu ông Kim có phải công dân Mỹ hay không. "Việc công bố về những trường hợp cụ thể về người Mỹ bị bắt có thể làm rắc rối thêm với những nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi nhằm giải thoát họ", tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Mục sư Hyeon Soo Lim, người mang quốc tịch Canada, đang bị giam, nói với CNN rằng ông hy vọng được trở về nhà "vào một ngày nào đó".

Ông Kim dường như có sức khỏe tốt, được dùng ba bữa mỗi ngày. Ông bị giữ ở một khách sạn ở Bình Nhưỡng, theo quy tắc các tù nhân quốc tế chưa bị buộc tội. Ông có thể đọc báo chí địa phương và xem truyền hình.

Ông cũng biết về vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, được thực hiện hôm 6/1, nói rằng nó có nghĩa đây là lúc "chính phủ Mỹ từ bỏ các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên".

"Vụ thử bom thành công, đó là lúc từ bỏ các chính sách thù địch và giúp đỡ Triều Tiên. Mỹ cần tìm cách để hòa giải với Triều Tiên. Tôi cho rằng cách chính để làm điều đó là một hiệp ước hòa bình", ông nói.

Khi được hỏi những lời của ông giống với chương trình tuyên truyền của Triều Tiên, liệu có ai tác động lại hay soạn trước, ông Kim nói không có, cáo buộc truyền thông phương Tây "hiểu sai" tình hình của Triều Tiên.

Các tù nhân phương Tây từng bị giam ở Triều Tiên cho biết những thú nhận của mình đều được đưa ra do áp lực từ Bình Nhưỡng.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao, khi Hàn Quốc khôi phục chương trình phát thanh dọc biên giới. Bình Nhưỡng cáo buộc việc này "tương tự hành động chiến tranh".

Mỹ hôm qua điều máy bay ném bom B-52 đến Osan, Hàn Quốc, có sự hộ tống của các máy bay F-15 của Hàn Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết với Seoul sau vụ thử bom của Bình Nhưỡng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục