Trên đường trở về nước sau các hoạt động chống hải tặc ở vùng biển Somalia, máy bay săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) sẽ ưu tiên dừng lại tại căn cứ của các nước bên bờ biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Ông Obama sẽ nói gì ở Thông điệp Liên bang cuối cùng?
- Cập nhật : 12/01/2016
(The gioi)
Sáng 13/1 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đọc Thông điệp Liên bang lần 7, cũng là lần cuối cùng của ông trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.
Trước khi ông Obama bước vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, báo New York Times và đài CBS News đã thực hiện khảo sát của dân chúng hồi tháng 12 về vị tổng thống của họ. Kết quả, 68% người Mỹ cho rằng đất nước đang đi sai hướng, con số cao nhất trong hơn 2 năm qua. Phần lớn người tham gia khảo sát bày tỏ sự không hài lòng về các hành động của tổng thống trong những vấn đề quan trọng, cụ thể như cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Sức ép của ông Obama
Người dân đã dành thái độ nghiêm khắc đối với ông Obama trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Trong khảo sát của NYT - CBS, kể từ khi ông nhậm chức, tỷ lệ người Mỹ cho rằng đất nước đang đi đúng hướng chưa bao giờ vượt quá tỷ lệ ngược lại. Dù phần lớn những người tiền nhiệm của ông Obama cũng gặp phải tình trạng này, sức ép đối với tổng thống thứ 44 của Mỹ là đáng kể.
Các ứng viên đảng Cộng hòa đã tận dụng cơ hội này. "Chúng ta không thể đánh bại IS. Quân đội đang bị thụt lùi và không được quản lý hiệu quả. Chương trình chăm sóc y tế Obamacare sẽ sớm sụp đổ, có thể vào năm 2017", Tỷ phú Donald Trump phát biểu trên kênh NBC News đêm 10/1. Còn Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số ở thượng viện, nói "tình hình Trung Đông rất tồi tệ" do các chính sách của ông Obama.
Để đối phó với các chỉ trích của đảng Cộng hòa, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough đã tích cực xuất hiện trên truyền hình nhằm nêu lên các điểm tươi sáng trong những năm qua. Chẳng hạn, ông viện dẫn nước Mỹ có thêm 292.000 việc làm mới trong tháng 12, và tổng cộng 2,65 triệu việc làm trong năm 2015.
"Người ở đảng Cộng hòa dường như muốn kéo nước Mỹ đi xuống. Tôi thật sự không hiểu? Điều tôi thấy nước Mỹ đang vực dậy. Chúng tôi rất lạc quan về tương lai", ông McDonough nói.
Thời khắc quyết định
Báo New York Times nhận định, Thông điệp Liên bang lần này chính là thời khắc quyết định với hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Những nội dung phát biểu và khoảng thời gian sau đó mở ra cơ hội cuối cùng để ông Obama vực dậy tỷ lệ ủng hộ trì trệ, xác định rõ di sản mà ông để lại, bác bỏ những chỉ trích tiêu cực và thách thức người kế nhiệm có thể hoàn tất những vấn đề trọng yếu.
Trong sự kiện lần này, các trợ lý của ông Obama cho biết, tổng thống không trình bày một danh sách dài các đề xuất chính sách. Điều này cũng phản ánh một thực tế về hoàn cảnh chính trị hiện nay của ông Obama, khi ông đang ở năm cuối của nhiệm kỳ; lưỡng viện quốc hội đều do đảng Cộng hòa kiểm soát, nên khả năng đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng trong năm bầu cử rất thấp.
Thay vào đó, ông sẽ tổng kết lại một nước Mỹ trải qua 7 năm đã phát triển và khắc phục những khó khăn như thế nào, trái ngược với các bức tranh ảm đạm mà những nghị sĩ đảng Cộng hòa cố gắng miêu tả. Theo McDonough, ông Obama dự kiến sẽ khái quát về thỏa thuận ngân sách đạt được gần đây, việc gia tăng sản xuất dầu mỏ trong nước, những quy định môi trường mới, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông tăng, số lượng người được tham gia bảo hiểm y tế tăng; tỷ lệ giảm ở các vấn đề thất nghiệp, tội phạm...
Đồng thời, ông Obama cũng sẽ giới thiệu một số chính sách rộng mở hơn nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với những quyết định gần đây của tổng thống, trong các vấn đề như thông qua TPP, chống biến đổi khí hậu, thắt chặt kiểm soát sở hữu súng, vấn đề về tị nạn và người di cư, bất bình đẳng thu nhập.
"Đây là vũ đài lớn nhất trong nền chính trị Mỹ. Tổng thống muốn tập trung phần lớn thời gian về cơ hội và thách thức phía trước của đất nước; và về những sự lựa chọn hôm nay sẽ để lại tác động to lớn như thế nào cho thế hệ tương lai", báo USA Today dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest.
Bên cạnh đó, chưa đầy ba tuần sau bài phát biểu, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bước vào giai đoạn quan trọng đầu tiên với các cuộc bỏ phiếu sơ bộ diễn ra đầu tháng 2 ở bang Iowa. Do vậy, một trong những mục tiêu ngầm của ông Obama là tạo lợi thế cho bà Hillary Clinton. Dự kiến, tất cả những nội dung này có thể trở thành đòn bẩy cho phu nhân của cựu tổng thống Bill Clinton trong chiến dịch vận động cử tri.