Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) rút ra nhận xét nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “chỉ cứng rắn lúc ban đầu nhưng khi căng thẳng kéo dài sẽ nhanh chóng mềm mỏng”.
I-400 - tàu ngầm lớn hơn sân bóng đá của Nhật
- Cập nhật : 31/12/2015
(Tin Kinh Te)
Những siêu tàu ngầm này có thể đã khiến Mỹ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong Thế Chiến II, nếu không bị ngăn chặn kịp thời.
Những ngày này cách đây 70 năm, hải quân Mỹ đang kéo một vũ khí cực kỳ bí mật của quân đội Đế quốc Nhật Bản từ Sasebo tới Trân Châu Cảng (Hawaii) để tránh công nghệ tối tân này lọt vào tay Liên Xô, sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng.
Vũ khí bí mật đó là tàu ngầm I-400, một trong những loại vũ khí lớn nhất, nguy hiểm nhất thời kỳ Thế Chiến II, được Nhật chế tạo với tham vọng đưa chiến tranh đến trước thềm nước Mỹ, đảo ngược tình hình cuộc chiến đang dần đến hồi kết, theo Stars and Stripes.
Tàu ngầm lớp Sen Toku I-400 của hải quân Đế quốc Nhật Bản là "kiệt tác" của Đô đốc Issoroku Yamamoto, tư lệnh Hạm đội Hỗn hợp Nhật Bản, theo ông Masanori Ando, phụ trách Trung tâm Huấn luyện Tàu ngầm Nhật Bản ở Kure, thành phố nơi tàu ngầm I-400 từng được đóng.
Trong giai đoạn đầu của Thế Chiến II, Đô đốc Yamamoto luôn cảm thấy bất an về "người khổng lồ đang ngủ say" là nước Mỹ. Để có thể buộc người Mỹ ngồi vào bàn đàm phán một cách nhanh chóng, đế quốc Nhật đã tính sẽ hành động nhanh chóng và quyết liệt.
Phần đầu tiên trong kế hoạch của đô đốc này là mở cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941. Phần thứ hai là thực hiện những cuộc tấn công táo bạo vào cả bờ biển phía đông và phía tây nước Mỹ, thậm chí là vào thủ đô Washington D.C, gieo rắc nỗi sợ hãi cho dân chúng, buộc Mỹ phải xuống nước, nhượng bộ Nhật.
Để thực hiện được giai đoạn hai của kế hoạch, Đô đốc Yamamoto thúc đẩy dự án chế tạo một loại vũ khí lai, vừa có thể hoạt động như tàu sân bay để mở các cuộc tấn công vào mục tiêu đối phương trên đất liền, lại vừa có thể lặn xuống dưới nước để giấu mình và đảm bảo yếu tố bất ngờ.
Kế hoạch này được thúc đẩy sau khi Mỹ mở chiến dịch không kích dữ dội đầu tiên trên lãnh thổ Nhật Bản vào tháng 4/1942. Từ thời điểm đó, Đô đốc Yamamoto và các chiến lược gia Nhật Bản quyết tâm sẽ mở một cuộc phản công nhắm vào Mỹ. Và siêu tàu ngầm I-400 ra đời.
Sau khi được nghiên cứu, thiết kế trong nhiều năm, chiếc tàu ngầm I-400 đầu tiên được chế tạo thành công vào năm 1944, trở thành tàu ngầm lớn nhất thế giới thời đó với chiều dài gần 122 mét, hơn cả một sân bóng đá tiêu chuẩn, với lượng giãn nước khi nổi là 3.530 tấn.
Điểm độc đáo là bên trong tàu ngầm có một khoang trống chống thấm nước dài 35 mét, đường kính hơn 3,5 mét, chứa được tới ba chiếc máy bay ném bom M6A1 Seiran (Bão tố từ bầu trời trong), theo biên bản ghi chép của trung úy hải quân MỸ T.O. Paine, người phụ trách kéo chiếc tàu ngầm tới Hawaii.
Chỉ vài phút sau khi có lệnh, ba chiếc máy bay ném bom cánh gập này sẽ được đẩy qua cánh cửa thủy lực lớn lên một máy phóng khí nén dài 25 mét, đẩy lên bầu trời. Sau khi thực hiện các vụ ném bom bất ngờ, các máy bay Seiran sẽ tìm cách hạ cánh trên biển và được đưa trở lại tàu ngầm bằng một cần cẩu thủy lực.
Tàu ngầm I-400 chở theo 157 sĩ quan, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và phi công. Nó được thiết kế kiểu thân đôi để có thể chịu được trọng lượng của ba chiếc máy bay ở phía trên. "Đây là loại tàu ngầm duy nhất có thể mang theo máy bay chiến đấu. Không hề có bất cứ loại nào tương tự như vậy", ông Ando nói.
I-400 được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, một khẩu súng máy cỡ 12,7 ly trên boong, một pháo phòng không 25 mm, và ba khẩu pháo ba nòng 25 mm A/A gắn trên nóc khoang để máy bay.Để tăng khả năng ẩn mình, tàu ngầm I-400 được phủ một lớp cao su khiến nó trở nên "vô hình" trước các thiết bị thủy âm của phe Đồng minh. Công nghệ vốn được Nhật Bản sử dụng để mài kiếm đã được áp dụng khi chế tạo tàu ngầm nhằm đảm bảo độ kín nước tối đa.
May mắn vì ra đời muộn
Khi chế tạo thành công chiếc tàu ngầm I-400 đầu tiên, Nhật Bản đã có trong tay một vũ khí siêu hạng mà phe Đồng minh không thể ngờ tới.
Tàu ngầm I-400 có phạm vi hoạt động hơn 60.000 km, nghĩa là nó có thể đi một vòng rưỡi vòng quanh Trái Đất mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, vượt xa khả năng của cả những chiếc tàu ngầm diesel - điện hiện đại ngày nay, theo nghiên cứu của Đại học Hawaii ở Manoa.
Đô đốc Yamamoto dự định sẽ chế tạo 18 tàu ngầm I-400 để bí mật áp sát và thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp trắc trở rất lớn khi Đô đốc Yamamoto thiệt mạng vì bị không quân Mỹ phục kích. Mỹ đã phá được mật mã liên lạc của Nhật và đã điều chiến đấu cơ bắn hạ chiếc máy bay chở Yamamoto đi kiểm tra thực địa trên quần đảo Bắc Solomon vào ngày 18/4/1943.
Đến tháng 7/1943, số lượng tàu ngầm I-400 được dự kiến sản xuất giảm xuống còn 11 chiếc, và đến cuối năm đó, con số cuối cùng được đưa ra là 5 chiếc, Ando nói. Nhật chỉ có thể hoàn thành được ba chiếc trước khi Thế Chiến II kết thúc.
Chiếc tàu ngầm khổng lồ thứ ba mang số hiệu I-402 được hoàn thành vào ngày 24/7/1945 tại cảng Kure, dù hải quân Nhật lúc đó thiếu thốn lớn vì phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những cuộc không kích của phe Đồng minh.
Khi Mỹ liên tiếp giành chiến thắng trên mặt trận Thái Bình Dương và tiến sát nước Nhật, quân đội Đế quốc Nhật Bản quyết định thay đổi mục tiêu tấn công của tàu ngầm I-400. Thay vì tập kích vào bờ biển phía đông nước Mỹ, các chiến lược gia Nhật muốn phát động một cuộc tấn công vào kênh đào Panama, tuyến đường vận tải quân sự và tiếp tế chính từ bờ đông nước Mỹ tới mặt trận Thái Bình Dương.
Theo các tài liệu lịch sử, chiến dịch bí mật này của Nhật nhằm mục đích bẻ gẫy sự tự tin của nước Mỹ, giống như những gì họ đã làm trong trận tập kích Trân Châu Cảng. Một cuộc không kích bất ngờ vào kênh đào Panama bằng các máy bay Seiran sẽ phong tỏa hoàn toàn cửa ngõ vào Thái Bình Dương của Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ buộc phải chuyển lực lượng và hậu cần sang Bờ Tây, hoặc phải đi vòng qua Nam Mỹ để tới Thái Bình Dương. Người Nhật tin rằng việc này sẽ làm chậm đáng kể bước tiến của Mỹ.Thế nhưng kế hoạch này hoàn toàn phá sản vào tháng 6/1945 khi bộ binh Mỹ áp sát nước Nhật ở thế không thể cản. Trước tình hình đó, hải quân Nhật ra lệnh cho hai tàu ngầm mang số hiệu I-400 và I-401 rời Maizuru vào ngày 23/7 hướng tới quần đảo Ulithi, tây bắc Thái Bình Dương, nơi Mỹ tập trung một lực lượng lớn cho chiến dịch tấn công Nhật Bản.
Máy bay Seiran có thể được phóng lên từ tàu ngầm để thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ. Đồ họa: USNI
Trận chiến đầu tiên của tàu ngầm I-400 này đã không diễn ra, bởi khi còn cách Ulithi hai ngày đường, các thủy thủ nhận được tin Nhật Bản đã chính thức đầu hàng quân Đồng minh. Trên đường quay trở về Nhật Bản, cả hai siêu tàu ngầm này đều bị hải quân Mỹ phát hiện và bắt giữ vào ngày 28/8/1945. Trong khi hầu hết các tàu ngầm khác của Nhật bị đánh đắm sau cuộc chiến, hai siêu tàu ngầm trên được Mỹ kéo về Hawaii để nghiên cứu thêm, và các quan chức cấp cao Mỹ đã hết lời trầm trồ khi lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc tàu ngầm lớn đến vậy.
Khi Liên Xô yêu cầu được nghiên cứu hai chiếc tàu ngầm theo điều khoản hiệp ước kết thúc chiến tranh, Mỹ đã quyết định đánh đắm chúng ngoài khơi Oahu vào tháng 5 và tháng 6/1946, và tuyên bố không có bất cứ thông tin nào về vị trí của chúng. Chúng được coi là nguồn cảm hứng để Mỹ phát triển các loại tàu ngầm tấn công có thể mang theo tên lửa thời kỳ sau chiến tranh. Tàu ngầm USS Grayback mang tên lửa hành trình hạt nhân Regulus II được cho là mô phỏng theo thiết kế của I-400.
Xác tàu ngầm I-401 và I-400 được các chuyên gia săn tìm của Mỹ phát hiện ở ngoài khơi Hawaii vào năm 2005 và 2013, sau hàng chục năm nằm im lìm dưới đáy biển.
Sở hữu những công nghệ tốt nhất thế giới thời đó, tàu ngầm I-400 không được nhiều người biết tới và rất may, chúng không có cơ hội tham chiến, ông Ando cho biết.
Trí Dũng
Theo Vnexpress