Trung Quốc chối việc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm?
Ông Obama tin Donald Trump không thể trở thành tổng thống
Tướng Mỹ: Quân đội Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách công nghệ
Mỹ triển khai thêm tàu chiến đến Thái Bình Dương
Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia kêu gọi đưa bộ binh vào Syria
Tin thế giới đọc nhanh 17-02-2016
- Cập nhật : 17/02/2016
Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng tàu phi hải quân trong tranh chấp Biển Đông
Trong khi lực lượng hải quân Mỹ và Trung Quốc đang làm việc chặt chẽ hơn , tuân thủ theo Quy tắc chạm trán ngoài ý muốn trên biển, việc Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh và các tàu phi hải quân khác trong khu vực là "mối lo ngại của tôi", Bloomberg dẫn lời Phó đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, hôm 15/2 nói với các phóng viên tại Singapore.
"Chúng tôi có nhiều mức liên hệ cấp cao với hải quân Trung Quốc và gặp họ khá thường xuyên", ông Aucoin nói. Ông cho biết ông có "nỗi sợ lớn hơn" về các nhân tố khác, "đó là các tàu hải cảnh, loại tàu chúng tôi gọi là phi hải quân hay tàu hàng địa phương, chúng tôi không chắc về tính chuyên nghiệp của họ".
Theo Defense News, Trung Quốc ngày càng đưa vào sử dụng nhiều tàu hải cảnh mới, sơn màu trắng chứ không phải màu xám như tàu hải quân, để thực hiện các hành vi khiêu khích. Nhiều tàu nhỏ hơn của nước này, như tàu cá hay tàu hàng địa phương, đang bị dân quân điều khiển, sử dụng chiến thuật tấn công để đe dọa hoặc thậm chí làm hỏng tàu khác.
Khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, nó bị tàu Trung Quốc cảnh báo và bám đuôi, trong đó có cả tàu phi hải quân.
"Trong hoạt động của tàu Lassen, rõ ràng những tàu này bị điều khiển, họ không hoạt động độc lập, và đó là điều chúng tôi đang suy xét", ông Aucoin nói. "Làm thế nào chúng tôi có thể đối phó khi nó không phải là tàu thân xám (tàu hải quân) giống chúng tôi. Chúng là các loại tàu khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều tàu như thế hơn trong tương lai".
Ông Aucoin cho biết chưa có đàm phán chính thức về việc yêu cầu tàu hải cảnh chấp hành Quy tắc chạm trán ngoài ý muốn trên biển. "Tôi đang kêu gọi lực lượng tuần duyên Mỹ tham gia nhiều hơn, để hỗ trợ chúng tôi trong các hoạt động, vì giờ không chỉ đơn giản là có tàu thân xám nữa", ông nói. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu có quy tắc ứng xử cho cả tàu hải cảnh.
Trung Quốc đã gần hoàn thành một tàu hải cảnh khổng lồ và có thể sẽ trang bị cho nó súng máy, pháo, và triển khai nó đến Biển Đông, Global Times đưa tin hồi tháng một. Tờ này nói rằng con tàu có biệt danh"Quái thú" có trọng lượng rẽ nước 12.000 tấn, sẽ mang theo súng máy 76 mm, hai khẩu súng phụ và hai súng máy phòng không.
"Hạm đội tàu thân trắng" của Trung Quốc trước đây chủ yếu chỉ được trang bị vòi rồng và còi báo động. Trong khi đó, con tàu đang được đóng còn lớn hơn so với một số tàu hải quân Mỹ đang tuần tra tại khu vực. Nó là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, theo Global Times. Một chiếc tương tự đã được biên chế năm ngoái ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Mỹ, ASEAN bàn quan điểm chung về Biển Đông
Các quan chức ngoại giao cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Sunnylands, California, Tổng thống Barack Obama và các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ tìm kiếm một quan điểm chung về tranh chấp Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự hội nghị Đông Á tại Hội nghị ASEAN lần thứ 27 ở Malaysia tháng 11-2015 - Ảnh: Bangkok Post
Theo AFP, một mục tiêu lớn của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ là đạt thỏa thuận về việc hai bên đưa ra phản ứng chung đối với phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines chống đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Giới quan sát nhận định sự ủng hộ chung của Mỹ và ASEAN đối với phán quyết của tòa án sẽ gây sức ép lớn lên Trung Quốc. Trước đó Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và từng nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của PCA.
“Tổng thống Obama đang nỗ lực tạo ra môi trường chiến lược để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy định quốc tế” - AFP dẫn lời chuyên gia Earnest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.
“Hi vọng về lâu dài, Trung Quốc sẽ không muốn bị cô lập và bị xem là quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế” - chuyên gia Bower nhấn mạnh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết hội nghị sẽ là cuộc thảo luận mở giữa các nhà lãnh đạo. Today Online dẫn lời tiến sĩ Tang Siew Mun thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN cho biết ông Obama muốn nhận được sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ của ASEAN về các hoạt động của lực lượng Mỹ trên Biển Đông.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ASEAN muốn Mỹ đảm bảo sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ cũng diễn ra trong thời điểm Tổng thống Obama sắp hoàn tất nhiệm kỳ thứ hai và cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang nóng lên.
Chuyên gia Aaron Connelly thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) đánh giá hội nghị Sunnylands sẽ là thông điệp khẳng định quan hệ lâu dài của Mỹ - ASEAN kể cả sau khi ông Obama rời Nhà Trắng.
Trả lời phỏng vấn kênh Channel News Asia, đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN kể cả sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ. Đại sứ Hachigian cho biết Mỹ đầu tư mạnh vào ASEAN vì lợi ích quốc gia.
Một vấn đề lớn khác của hội nghị là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bangkok Post dẫn lời chuyên gia Prapat Thepchatree của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc ĐH Thammasat cho rằng ông Obama muốn tận dụng cơ hội này để thuyết phục các nước ASEAN còn lại (ngoài Việt Nam, Brunei, Indonesia và Singapore) ủng hộ và tham gia TPP.
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên không muốn có hòa bình
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu trước quốc hội tại thủ đô Seoul ngày 16/2. Ảnh: Reuters.
Những động thái gần đây của Triều Tiên, cùng lời đe dọa thực hiện thêm "hành động khiêu khích cực đoan", cho thấy họ không quan tâm đến hòa bình, Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết trong bài phát biểu trước quốc hội.
"Tạm ngừng hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong mới chỉ là sự khởi đầu cho hàng loạt biện pháp chúng ta sẽ thực hiện cùng cộng đồng quốc tế", bà Park nói. "Chính phủ sẽ có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả đối với Triều Tiên để khiến họ nhận ra rằng phát triển hạt nhân không giúp họ tồn tại mà chỉ đẩy nhanh sự sụp đổ chế độ".
Hàn Quốc tạm ngừng hoạt động khu công nghiệp chung Kaesong tuần trước để trừng phạt Triều Tiên vì phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7/2. Khu công nghiệp Kaesong là biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai miền suốt hơn 10 năm qua
Seoul và Washington cho rằng Bình Nhưỡng phóng vệ tinh thực tế là để thử nghiệm tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Triều Tiên khẳng định chương trình không gian của nước này hoàn toàn vì mục đích khoa học.
Hàn Quốc đang trong tình trạng cảnh giác cao, đề phòng mọi "hành động cực đoan" Triều Tiên có thể thực hiện, bà Park cho biết. Bà cũng cảnh báo về việc lợi dụng căng thẳng hai miền tăng cao phục vụ lợi ích chính trị, "chính là điều Triều Tiên muốn thấy".
Mỹ sắp điều chiến đấu cơ đến sát biên giới Nga
CNN cho hay các chiến đấu cơ trên sẽ bay huấn luyện cùng lực lượng của Phần Lan trong cuộc tập trận mang tên Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương. Mỹ khởi xướng hoạt động này vào năm 2014 nhằm trấn an các đồng minh NATO sau khi tố Nga can thiệp vào Ukraine.
Thiếu tướng Sheryll I. Klinkel, thuộc Không quân Mỹ tại châu Âu, cho hay dù Phần Lan không phải là thành viên của NATO, nước này có đường biên giới dài hơn 1.000 km với Nga và từng hợp tác với Mỹ nhiều lần trong những năm qua.
"Hầu hết các chuyến bay huấn luyện lâu nay từ Na Uy, Thụy Điển và các nước láng giềng khác. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ triển khai F-15 đến Phần Lan để huấn luyện", ông Klinklel nói.
Khoảng 100 lính không quân từ căn cứ ở bang Oregon sẽ tham gia vào cuộc tập trận từ ngày 9 đến 22/5 tới. Các binh sĩ Mỹ sẽ hoạt động ở Kuopio, Phần Lan, cách biên giới với Nga khoảng 160 km về phía tây.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố gấp 4 lần ngân sách 3,4 tỷ USD cho Sáng kiến Trấn an châu Âu nhằm răn đe Nga.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nhấn mạnh về mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và phương Tây tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, cho rằng chính sách của NATO đang đẩy hai bên vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Tuy nhiên, NATO bác bỏ đánh giá này của ông Medvedev.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng trong những năm gần đây sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các nước châu Âu cũng là kết quả trực tiếp sau những hoạt động quân sự khác của Nga như không kích ở Syria và tăng hiện diện tàu ngầm ở vùng biển Scandinavia.
Đường băng Trung Quốc phi pháp có thể gây bất ổn ở Biển Đông
Trung Quốc xây dựng đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, kêu gọi Bắc Kinh cởi mở hơn về ý định của họ tại Biển Đông, nói rằng việc đó sẽ làm giảm bớt lo lắng của các bên.
"Chúng tôi không chắc chắn họ định làm gì", Reuters dẫn lời ông Aucoin, nói về các động thái gần đây của Trung Quốc, trong buổi họp báo tại Singapore.
"Vì vậy, chúng tôi sẽ đi thuyền, bay, hoạt động khắp vùng biển này, như chúng tôi đã làm từ rất lâu", ông khẳng định.
Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc và khu vực dự đoán Bắc Kinh sẽ bắt đầu sử dụng đường băng mới tại quần đảo Trường Sa cho hoạt động quân sự trong vài tháng tới.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp, cải tạo, xây đảo nhân tạo cùng các cơ sở trái phép trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bắc Kinh tháng trước lần đầu thử nghiệm hạ cánh máy bay dân sự trên đường băng 3.000 m phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng này.
Ông Aucoin nói rằng ông không thể đưa ra ước đoán khi nào máy bay quân sự Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động tại quần đảo Trường Sa. Nhưng ông nói rằng bất kỳ chuyến bay nào của phi cơ quân sự Trung Quốc từ khu vực này sẽ đều gây bất ổn, làm dấy lên nghi ngờ về những ý định của Bắc Kinh và sẽ khiến Mỹ có động thái phản ứng, theo Today Online.
Ông Aucoin đưa ra bình luận ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ tại California. Các trợ lý của tổng thống Mỹ tuần trước tiết lộ rằng, trong cuộc họp này, Tổng thống Obama sẽ ra thông điệp với Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông không thể được giải quyết bằng cách nước lớn bắt nạt nước nhỏ.