Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh chi tiêu quốc phòng
Trung Quốc nhiều khả năng vào tháng tới công bố ngân sách quốc phòng với mức tăng lớn không kém gì năm ngoái. .
Bước đi trên được cho là nỗ lực nhằm xoa dịu nỗi lo của quân đội Trung Quốc về những cuộc cải tổ đang diễn ra, trong lúc vấn đề biển Đông và mối quan hệ với Đài Loan đè nặng lên Bắc Kinh.
Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc hồi năm ngoái tăng 10,1% so với 2014, đạt mức 144 tỉ USD, bằng 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ cùng thời điểm.
Một nguồn tin quân sự nước này tiết lộ với hãng tin Reuters rằng mức tăng 30% đã được nói đến trong giới quân sự dù con số cuối cùng khó có thể cao đến thế. “Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chứng tỏ việc cắt giảm quân số không có nghĩa là quân đội đang bị lờ đi hay bị gạt sang một bên” - nguồn tin giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề cho biết.
Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc hồi năm ngoái tăng 10,1% so với 2014. Ảnh: US NAVY
Hiện Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách hiện đại hóa quân đội, cắt giảm 300.000 quân nhân, tái cấu trúc bộ máy chỉ huy cồng kềnh và kém hiệu quả từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của một bộ phận binh lính và sĩ quan do lo ngại mất việc làm.
Sau khi Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng không, hàng hải trên biển Đông gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp, Bắc Kinh đang cảm thấy áp lực trước việc phải làm thế nào để theo đuổi yêu sách lãnh thổ vô lý của mình.
Ông Cổ Khánh Quốc, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, cố vấn của chính phủ Trung Quốc về quan hệ đối ngoại, nhận xét: “Thực hiện các cuộc diễn tập quân sự, tiến hành cải cách, thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu đều cần phải có kinh phí. Riêng hải quân chắc chắn đóng vai trò quan trọng hơn so với trước đây. Các hoạt động ở biển Đông sẽ có tác động đến vấn đề tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc”.
Sau khi Mỹ tuần tra gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào tháng trước, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận kêu gọi: “Điều này nhắc nhở rằng cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho chi tiêu quân sự dù nền kinh tế có tăng trưởng chậm”.
Hàn Quốc: Triều Tiên đối mặt nguy cơ sụp đổ
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 16-2 cảnh báo Triều Tiên đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu nước này không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tổng thống Park đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu tại quốc hội nhằm bảo vệ quyết định đóng của khu công nghiệp chung Kaesong ở CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh mối quan hệ hai nước rơi vào tình trạng bế tắc liên quan đến các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây.
Các công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: koreatimesus
Tổng thống Park cho biết Hàn Quốc cần có những biện pháp "cứng rắn và hiệu quả hơn nữa" để Triều Tiên nhận ra tham vọng hạt nhân chỉ càng khiến nước này nhanh chóng “sụp đổ”.
Việc một nhà lãnh đạo Hàn Quốc đề cập đến sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên là khá hiếm hoi. Vì thế, cảnh báo trên của bà Park có khả năng sẽ chọc giận miền Bắc.
Thêm vào đó, bà Park cũng cáo buộc Triều Tiên dùng số tiền lương mà Hàn Quốc trả cho công nhân ở khu công nghiệp Kaesong để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Cũng theo tổng thống Hàn Quốc, Seoul cũng đã chi hơn 3 tỉ USD hỗ trợ Bình Nhưỡng từ giữa những năm 1990.
Trước đó 2 ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã dùng 70% số tiền lương nói trên để chi cho các dự án phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa và mua hàng xa xỉ. Phát biểu trên làm dấy lên lo ngại liệu chính phủ Hàn Quốc đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc chuyển tiền mặt số lượng lớn cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Hong Yong-Pyo, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hôm 15-2 thừa nhân không có bằng chứng rõ ràng về số tiền lương cụ thể được sử dụng cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ tìm sự đồng thuận của ASEAN để tăng sức ép với Triều Tiên
Bên cạnh các chủ đề chính của Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN như Biển Đông và kinh tế, nước chủ nhà Mỹ cũng mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận của ASEAN để tăng áp lực với Triều Tiên.
Hội nghị Mỹ - ASEAN diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa tuyên bố thử bom nhiệt hạch, sau đó thử tên lửa tầm xa. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 15.2 dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho rằng chính vì thế mà chuyện Mỹ muốn bàn đến chủ đề Triều Tiên trong hội nghị với các lãnh đạo ASEAN là "điều tự nhiên".
Nguồn tin kể trên cũng khẳng định rằng trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nói về các hoạt động của cộng đồng quốc tế để gia tăng áp lực lên Triều Tiên, cùng lúc tìm kiếm sự đồng thuận của các lãnh đạo ASEAN.
Hồi tuần trước, ông Ben Rhodes - phó Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ - phát biểu rằng Mỹ đã làm việc với một số nước ASEAN để thảo luận về các thách thức an ninh liên quan đến Triều Tiên, trong đó bao gồm các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tìm cách ngăn chặn Triều Tiên xuất khẩu các vật liệu có thể dùng để phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Rhodes phát biểu: "Chúng tôi đã có được sự hợp tác rất tốt trong vấn đề này. Một số nước đã giảm thiểu hợp tác với Triều Tiên, cắt giảm hợp tác giữa quân đội với quân đội".
Mỹ cảnh báo Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến đảo nhân tạo
Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ ngày 15.2 cảnh báo bất kỳ chiến đấu cơ Trung Quốc đáp xuống đường băng trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều gây bất ổn.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích tình hình khu vực và Trung Quốc dự đoán trong vòng vài tháng tới, Bắc Kinh sẽ sử dụng các đường băng mới trên những đảo nhân tạo mà nước này xây phi pháp ở Trường Sa.
“Trung Quốc có một đường băng đang hoạt động nhưng tôi không biết khi nào họ sẽ bắt đầu điều chiến đấu cơ đến đó”, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết trong buổi họp báo tại Singapore, và gọi động thái này là “gây bất ổn”, theo Reuters.
Nhưng Trung Quốc dù có điều chiến đấu cơ tuần tra quanh các đảo nhân tạo cũng không thể làm thay đổi những hoạt động tuần tra của Mỹ nhằm đảm bảo tự do hàng không trên Biển Đông, theo ông Aucoin.
“Chúng tôi sẽ bay và đi trên biển và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm bay qua không phận đảo nhân tạo. Nhưng chúng tôi không gây hấn ở đó”, ông Aucoin nói.
Đường băng dài 3.000 m Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập - Ảnh: CSIS/Reuters
Tư lệnh Hạm đội 7 cũng bày tỏ quan ngại trước những con tàu “không phải tàu hải quân” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Aucoin đồng thời yêu cầu Bắc Kinh minh bạch về những ý định của nước này trên Biển Đông.
Hồi tháng 1.2016, Trung Quốc đã điều các máy bay dân sự đáp thử nghiệm đường băng phi pháp dài 3.000 m trên đá Chữ Thập mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Nhật nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa đối phó Triều Tiên
Hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 của Nhật - Ảnh: Reuters
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tăng tốc việc nâng cấp hệ thống tên lửa đánh chặn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7.2 khiến Nhật, Mỹ cùng Hàn Quốc nghi là thử đạn đạo trá hình.
Theo hãng tin Jiji Press, “tên lửa đạn đạo” mà Triều Tiên vừa phóng bay hơn 2.000 km, giống như tên lửa tầm xa nước này phóng hồi tháng 12.2012.
Để đối phó mối đe dọa tên lửa mà Tokyo cho là ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tăng số tàu khu trục Aegis, thành phần chủ lực trong hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Theo đó, từ đây đến tài khóa 2020, bắt đầu từ tháng 4.2020, Nhật sẽ mua thêm 2 chiếc khu trục Aegis, nâng tổng số loại tàu chiến này lên 8.
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ phát triển phiên cải tiến của tên lửa đánh chặn SM-3. Hiện nay có 4 trong 6 khu trục hạm Aegis của Nhật được trang bị SM-3. Tokyo sẽ nâng cấp 2 chiếc tàu Aegis còn lại để có thể tương thích với SM-3 trước tài khóa 2018, bắt đầu từ tháng 4.2018.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật Bản hiện nay đòi hỏi phải huy động một lúc 3 tàu khu trục Aegis để có tầm bao phủ khắp quốc gia. Hệ thống phòng thủ này có 2 lớp. Lớp thứ nhất có nhiệm vụ bắn hạ tên lửa đối phương bằng SM-3 ở tầm cao trên 100 km. Nếu thất bại, lớp phòng thủ thứ 2 sẽ khai hỏa tên lửa PAC-3 Patriot khi tên lửa đối phương đến gần mục tiêu. PAC-3 Patriot có tầm bắn cao 20 km.
Tuy nhiên, chỉ PAC-3 Patriot thì không đủ để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung như tên lửa Nodong của Triều Tiên ở tầm thấp vì với vận tốc 3-7 km/giây, sau khi trở lại bầu khí quyển, những tên lửa đó sẽ bay quá nhanh, theo một số nguồn tin nhận định với Jiji Press. Tên lửa Nodong có tầm bắn khoảng 1.300 km nên có thể vươn tới Nhật.
Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng mua hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Hệ thống này đánh chặn các tên lửa khi chúng trở lại bầu khí quyển, giúp bổ sung cho hệ thống PAC-3 và tạo thành hệ thống phòng thủ 3 lớp cho Nhật.
THAAD gồm xe phóng tên lửa và radar có khả năng phát hiện vật thể nhỏ bằng quả bóng chày cách xa 1.000 km.
(
Tinkinhte
tổng hợp)