Úc sẽ chất vấn Trung Quốc vấn đề biển Đông
Saudi Arabia triển khai máy bay đánh IS ở Syria
Triều Tiên lấy 70% thu nhập công nhân Kaesong để đầu tư vũ khí?
Thổ Nhĩ Kỳ quyết không tha người Kurd, Syria cầu cứu LHQ
IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom xe ở Nga
Tin thế giới đọc nhanh 15-02-2016
- Cập nhật : 15/02/2016
Thủ tướng Nga: Thế giới rơi vào 'Chiến tranh Lạnh mới'
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu tại Diễn đàn An ninh Munich tổ chức ở Munich, Đức, ngày 13/2. Ảnh: Reuters.
Do căng thẳng liên quan đến khủng hoảng Ukraine và việc Nga ủng hộ chính phủ Syria, "tất cả những gì còn lại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một chính sách không thân thiện nhằm vào Moscow", theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
"Chúng tôi có thể nói rõ hơn rằng: Chúng tôi đã rơi vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới", AFP dẫn lời ông Medvedev phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. "Gần như hàng ngày, chúng tôi bị cáo buộc tạo ra những mối đe dọa khủng khiếp mới nhằm vào NATO, châu Âu hoặc Mỹ hay các quốc gia khác".
Thủ tướng Medvedev chỉ trích sự mở rộng của NATO và ảnh hưởng sâu sắc từ Liên minh châu Âu (EU) đến các quốc gia Đông Âu từng thuộc Liên Xô từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
"Các chính trị gia châu Âu nghĩ rằng thiết lập cái gọi là vành đai bạn bè tại một phía châu Âu, ngoài EU, có thể đảm bảo an ninh và kết quả là gì?", ông nói. "Đó không phải vành đai bè bạn mà là vành đai loại trừ".
Thủ tướng Medvedev nhận định "tạo ra lòng tin không đơn giản... nhưng chúng ta phải bắt đầu". Ông kêu gọi đối thoại Đông - Tây tốt hơn, dẫn ví dụ là cuộc gặp lịch sử giữa Giáo hoàng Francis và Giáo chủ Chính Thống Nga Kirill tại Cuba.
"Trong những năm 1960, chúng tôi ở trên bờ vực thảm họa hạt nhân nhưng hai phía đối đầu hiểu rằng không có cuộc xung đột hệ thống chính trị nào đáng giá hơn sinh mạng người dân", ông cho biết thêm.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó phát biểu về căng thẳng với Nga tại Hội nghị An ninh Munich, tuyên bố có lập trường cứng rắn nhưng cũng đề nghị đối thoại.
"NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đồng thời, phản ứng của chúng tôi phải cứng rắn", ông Stoltenberg nói. NATO đang "củng cố phòng thủ tập thể để gửi đi tín hiệu mạnh mẽ, răn đe mọi sự xâm lược hoặc đe dọa. Không khơi mào mà ngăn xảy ra chiến tranh".
Triều Tiên nghi thiết lập đơn vị tên lửa đạn đạo mới
Tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 trong cuộc duyệt binh tháng 7/2013 tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: PA.
Lữ đoàn KN-08, đặt theo tên của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-08, là đơn vị trực thuộc Các lực lượng Chiến lược Triều Tiên. Các lực lượng Chiến lược Triều Tiên hiện chỉ huy 4 đơn vị tên lửa chiến thuật và chiến lược.
Yonhap dẫn các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nhận định điều này cho thấy Triều Tiên tiến gần hơn đến việc đưa ICBM lưu động ra thực địa.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tuần trước nói Triều Tiên "đã có những bước đi đầu tiên để điều động hệ thống (KN-08) ra thực địa dù nó chưa được thử nghiệm bay". Bình Nhưỡng cũng thừa nhận đang phát triển "tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân đủ khả năng đe dọa trực tiếp" Mỹ.
KN-08 lần đầu xuất hiện trong cuộc duyệt binh tháng 4/2012 kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, người khai sinh ra Triều Tiên.
KN-08 được cho là có tầm bắn ít nhất 10.000 km. Trong báo cáo thường niên gửi quốc hội, Lầu Năm Góc ngày 12/2 cho biết nếu KN-08 được thiết kế và phát triển chính xác, nó có thể rất khó bị theo dõi do có tính cơ động.
Triều Tiên còn có thể đã sản xuất hơn 300 tên lửa Nodong, tầm bắn 1.200 km, và khoảng 30 tên lửa Musudan, tầm bắn 3.000 km. Chúng đủ khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Mỹ nhận lại tên lửa chuyển nhầm sang Cuba
Mỹ trong năm 2014 chuyển nhầm một tên lửa Hellfire hiện đại sang Cuba, sai lầm được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử quân đội nước này. Tên lửa Hellfire lẽ ra phải được chuyển đến châu Âu phục vụ hoạt động huấn luyện, tờ Wall Street Journal đưa tin tháng trước.
"Tên lửa trơ dùng trong huấn luyện được trao trả nhờ có sự hợp tác của chính phủ Cuba", Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết.
Một nhóm thuộc tập đoàn Lockheed Martin, công ty chế tạo tên lửa Hellfire, đã tới Cuba để lấy lại, theo một nguồn tin từ quốc hội Mỹ. Bill Phelps, người phát ngôn Lockheed Martin, từ chối bình luận.
"Bộ Ngoại giao, theo quy định và luật pháp liên bang, bị hạn chế bình luận chi tiết về các thương vụ quốc phòng nên chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin", ông Toner nói. Việc hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao đã giúp Mỹ "giải quyết các vấn đề lợi ích chung với chính phủ Cuba".
Cuba hiện chưa có bình luận nào.
Thổ Nhĩ Kỳ dọa có hành động quân sự ở Syria
"Chúng tôi có thể, nếu cần, triển khai các biện pháp giống như từng thực hiện ở Iraq và Qandil", AFP dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết trong bài phát biểu tại thành phố miền đông Erzincan, nhắc đến chiến dịch ném bom năm ngoái nhằm vào thành trì của đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại núi Qandil, miền bắc Iraq.
"Chúng tôi hy vọng những người bạn và đồng minh đứng về phe chúng tôi", ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ coi đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria và nhóm dân quân Các đơn vị Bảo vệ Người dân người Kurd (YPG) là các nhánh thuộc PKK, lực lượng phát động phong trào nổi dậy chống Ankara, đòi thiết lập khu tự trị suốt nhiều năm qua.
Một nhóm quan sát cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom khu vực người Kurd kiểm soát ở Aleppo, Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần triệu đại sứ Mỹ tại Ankara sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói Washington không coi PYD là tổ chức khủng bố và tiếp tục hỗ trợ đảng này hoạt động ở Syria. Kirby tuần trước cho biết các tay súng người Kurd "có thành công" trong đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
"Giới lãnh đạo cùng tư tưởng của PKK và PYD giống nhau", ông Davutoglu nói. "Những ai nói chúng không phải nhóm khủng bố thì họ không hiểu rõ khu vực hoặc có ý định xấu".
Ông Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm gửi tài liệu cho Mỹ để chứng minh PYD thuộc PKK, bị Washington cùng Liên minh châu Âu (EU) coi là một nhóm khủng bố.
Thủ tướng Davutoglu còn cáo buộc PYD hợp tác với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người Thổ Nhĩ Kỳ muốn phải từ chức, và Nga, đồng thời gây ra các tội ác chiến tranh. Ông mong đợi Mỹ sẽ có lập trường rõ ràng.
Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái tuyên bố tiêu diệt hàng chục tay súng PKK, phá hủy nơi ẩn nấp của lực lượng này trong các đợt không kích ở miền bắc Iraq.
Nga nghi điều thêm tàu chiến đến Syria
Zelyony Dol, tàu tuần tra được trang bị tên lửa hành trình Kalibr vừa gia nhập Hạm đội Biển Đen hồi tháng 12, đã khởi hành đến Địa Trung Hải,AFP dẫn thông báo từ Hạm đội Biển Đen cho biết.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời một nguồn tin an ninh ở Crimea, nơi có căn cứ Hạm đội Biển Đen, nói con tàu hướng về phía Syria và có thể tham gia chiến dịch hỗ trợ quân đội Syria.
"Mục đích của con tàu không được công bố nhưng do có mang theo tên lửa hành trình tầm xa nên không loại trừ khả năng nó sẽ tham gia chiến dịch quân sự", nguồn tin nói.
Zelyony Dol được đóng trong năm ngoái và trong tuần tham gia một cuộc tập trận đổ bộ để kiểm tra khả năng "giữ bờ biển" trong lúc binh sĩ tìm cách kiểm soát tình hình.
Phương Tây vẫn đang chỉ trích Nga liên quan đến chiến dịch không kích nước này triển khai ở Syria. Washington trong tuần cáo buộc Moscow làm xói mòn các cuộc đàm phán hòa bình bằng việc giúp Damascus trong một đợt tấn công nhằm vào Aleppo, thành trì phe chống chính phủ Syria.
Trong khi đó, Nga cảnh báo về mọi sự can thiệp trên bộ ở Syria do các quốc gia trong liên minh quốc tế thực hiện. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói điều này sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh khác.
"Đừng đe dọa người khác bằng một chiến dịch trên bộ", ông Medvedev hôm nay phát biểu tại Munich, Đức.Hải quân Nga từng hai lần sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria. Chúng được phóng từ biển Caspian, hồi tháng 10, và từ một tàu ngầm ở Địa Trung Hải, vào tháng 12.